SAO » Chuyện làng sao

7 ngôi sao chuyển giới nổi bật nhất showbiz quốc tế

Thứ sáu, 12/10/2012 23:03

Ở nước ngoài, nghệ sĩ chuyển giới không còn là chuyện hiếm lạ, nhưng giữa phần trăm ít ỏi của thế giới ấy, lại càng không có mấy người thực sự chạm đến vinh quang trong showbiz.

Những thành công dù lớn hay nhỏ mà nghệ sĩ chuyển giới công khai đạt được ở mỗi quốc gia đều là sự khích lệ dành cho thế giới thứ ba. Những người chuyển giới có thể đi biểu diễn ở hộp đêm, đi hát, đóng phim hay làm người mẫu, nhưng ngoài tài năng, họ còn phải nỗ lực rất nhiều nếu thực sự muốn nổi tiếng theo dòng chính thống. Tức là được vươn ra tầm vóc quốc tế, được công nhận “đẳng cấp” ngôi sao dựa trên khả năng và thành tích, chứ không chỉ đơn thuần vì mới lạ. Nghệ thuật là một cuộc chơi nghiệt ngã và chẳng từ ai.

1. Harisu – Chủ đề nóng bỏng của Hàn Quốc

Harisu là ca sĩ, diễn viên kiêm người mẫu chuyển giới nổi tiếng nhất của showbiz Hàn. Sinh năm 1975 với cái tên Lee Kyung Yeop, ngay từ thuở nhỏ, Harisu đã được xác định là người có giới tính nữ trong một thân xác đàn ông. Từ những năm 90, khi vấn đề giới tính còn là một câu chuyện bí mật, Harisu đã dũng cảm phẫu thuật để trở về với bản chất thật của mình, đổi tên là Lee Kyung Eun.

Harisu nhớ lại: “Tôi luôn là một bé gái thích chơi búp bê”. Tất nhiên, cách cư xử nữ tính của “cậu bé” Lee Kyung Yeop không thể che mắt được cha mẹ và bạn bè của Harisu. “Cô” được thừa nhận, nhưng mối tình chớm nở thất bại với một cậu con trai thời kỳ trưởng thành đã khiến Harisu cảm thấy mình cần phải thành con gái, chứ không muốn đi tiếp mối quan hệ đồng tính nam-nam. Trước khi tốt nghiệp trung học, Harisu đã bắt đầu quá trình tiêm hormone thay thế. Chính vì lý do này mà cô được miễn trừ khỏi nghĩa vụ quân sự. Cuối những năm 1990, Harisu trải qua hàng loạt các ca phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ ở Hàn và Nhật.

Hình ảnh hồi Harisu còn là nam.

Sau khi được một công ty đại diện phát hiện, Lee Kyung Eun lấy nghệ danh Harisu – có nghĩa là “chủ đề nóng bỏng” - để hoạt động trong làng giải trí. Cô là nghệ sĩ chuyển giới đầu tiên của Hàn Quốc. Năm 2002, ước mơ của Harisu trở thành hiện thực hơn bao giờ hết khi là người thứ hai ở Hàn được pháp luật chính thức thừa nhận giới tính mới.

Năm 2001, công chúng Hàn chú ý tới Harisu lần đầu tiên khi cô xuất hiện trong quảng cáo truyền hình cho mỹ phẩm Dodo. Shot quảng cáo thành công lớn nhờ chiến dịch lấy vấn đề chuyển giới của người mẫu làm tâm điểm. Ngay lập tức Harisu được mệnh danh là người “đẹp hơn cả phụ nữ’ và chỉ một năm sau, cô xuất hiện trong một phim tài liệu về cuộc đời mình trên kênh KBS, diễn vai chính trong phim điện ảnh Yellow hair 2, xuất bản cuốn tự truyện Eve from Adam, và phát hành album đầu Temptation. Sau đó, Harisu mở rộng hoạt động sang Đài Loan, Trung Quốc và Malaysia.

Hạnh phúc bên người chồng kiêm quản lý.

Harisu tìm thấy tình yêu của đời mình sau hai năm hẹn hò với người quản lý Micky Jung và làm đám cưới vào năm 2007. Giai đoạn chuẩn bị đám cưới này được ghi hình bởi một chương trình truyền hình thực tế, ồn ào chẳng kém gì đám cưới của các sao quốc tế. Sau 5 album nhạc techno và R&B, cô biến mất khỏi làng giải trí cho đến tận tháng 7/2012, mini album The queen đưa tên tuổi Harisu trở lại.

Mặc dù năm 2008, Harisu thừa nhận rằng mình vẫn gặp phải sự phân biệt đối xử trong ngành giải trí, nhưng sự nghiệp của cô rõ ràng là rất thành công. Đây là một thành tích đáng kinh ngạc đối với một xã hội bảo thủ như Hàn Quốc, nơi những nghệ sĩ từng thừa nhận mình là gay chứ chưa nói tới chuyển giới có thể bị đuổi việc hoặc hạn chế hoạt động.

2. Kim Petras – Người chuyển giới trẻ nhất

Ca sĩ nhạc pop của Đức Kim Petras nổi tiếng thế giới vì là người chuyển giới trẻ nhất tính từ thời điểm bắt đầu nhận chữa trị. Năm 12 tuổi, Kim - lúc đó vẫn là “cậu bé” Tim Petras, đã bắt đầu liệu pháp thay thế hormone, là bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi giới tính. Năm 14 tuổi, cô được chính thức công nhận là nữ giới, và nổi tiếng khắp nước Đức với sự lựa chọn đó. Năm 2009, ở độ tuổi 16, Tim chính thức hoàn thành “đại phẫu” để chuyển giới và trở thành Kim Petras. Bảo hiểm y tế đã chi trả toàn bộ cho quá trình hết sức tốn kém này.

Câu chuyện của Kim trở nên ồn ào khi ánh đèn truyền thông hướng vào cô, sau khi Kim xuất hiện trên một bộ phim tài liệu, một talkshow nhằm vận động cho việc phẫu thuật chuyển giới ở tuổi 16. Ở Đức, phẫu thuật chuyển giới chỉ được phép khi bệnh nhân đủ 18 tuổi. Nhưng Kim đã thuyết phục các bác sĩ ngay từ lúc 12 rằng phẫu thuật là điều đúng đắn dành cho mình.

Tình trạng “nhầm lẫn giới tính” của cậu bé Tim lúc đó được hai bác sĩ thừa nhận để đủ điều kiện bắt đầu chuyển đổi theo luật. Họ cho rằng nên thực hiện quá trình đó càng sớm càng tốt để tránh cho người bệnh chịu đựng khủng hoảng khi phải sống không thật với bản chất tâm hồn mình ở độ tuổi dậy thì.

Kim không chạy trốn quá khứ, vì cô biết đó là chủ đề mọi người sẽ luôn đào bới lại. Nhưng cô mong muốn thế giới sẽ nhớ đến mình ở một phương diện khác. Năm 2008, cô ký hợp đồng với hãng Joyce Records và phát hành đĩa đơn đầu tay Last forever. Ca khúc trở thành hit lớn trên các kênh xã hội. Mặc dù Kim Petras không phải là ca sĩ ngôi sao quá nổi tiếng trên thế giới, nhưng trong cộng đồng nghệ sĩ chuyển giới, cô là một cái tên khá điển hình.

3. Lưu Thi Hàm – “Tôi không giết người, không phạm pháp”

Thường được so sánh với diễn viên Angelababy và Ayumi Hamasaki, Lưu Thi Hàm (Liu Shi Han), 23 tuổi, là người mẫu và ngôi sao trên mạng đến từ Changsha, Trung Quốc. Sau khi công khai là người chuyển giới, Thi Hàm càng được ngưỡng mộ và tán dương nhờ ngoại hình đáng yêu, gợi cảm không khác gì con gái của mình. Trong những ngôi sao chuyển giới của châu Á, cô luôn nổi tiếng là một người mẫu nóng bỏng. 

Cuối năm 2010, tin đồn “cô nàng đáng yêu” trong những bức ảnh kia thực chất là nam chuyển đổi giới tính thành nữ bắt đầu lan rộng. Sau đó, Lưu Thi Hàm chính thức thừa nhận trên trang cá nhân Sina rằng cô đã phẫu thuật để biến thành đàn bà: “Đúng là tôi đã phẫu thuật chuyển giới. Tôi chỉ muốn che giấu chuyện đó để làm một người bình thường. Nhưng một người vô danh không muốn tha cho tôi. Người đó phơi bầy chuyện riêng tư của tôi, nói với truyền thông và công chúng một sự thật rằng rôi không thể nào sinh con. Giờ thì tôi thừa nhận nó”.

Lưu Thi Hàm không định tiến thân vào giới giải trí bằng cách gây sốc với quá khứ của mình, nhưng cực chẳng đã, cô phải lựa chọn: “Chẳng cần thiết phải ép vì tôi sẽ dần dần tiết lộ sự thật. Tôi thà thẳng thắn đối mặt với điều này còn hơn để cho những kẻ khác phỉ báng mình”.

Đầu năm 2011, truyền thông bắt đầu chú ý tới những tranh cãi và thú nhận xôn xao trên mạng của một người mẫu trẻ. Một số kênh truyền hình phỏng vấn Thi Hàm và kinh nghiệm từ “adam” thành “eva” của “cô” được làm thành vài bộ phim tài liệu.

Ngay từ khi còn mang hình hài một cậu bé, Lưu Thi Hàm đã có xu hướng nữ tính hơn bình thường. “Cô” tin chắc chắn mình là một cô bé, và hồi 8 tuổi, cô thậm chí từng cắt cổ tay với suy nghĩ ngây ngô rằng nếu chết đi, cô có thể bắt đầu lại. Lưu Thi Hàm luôn mặc đồ con gái mỗi khi có dịp và tin rằng mình sẽ biến thành một nàng công chúa xinh xắn khi đủ 16 tuổi.

Cách cư xử trái ngược với giới tính bề ngoài khiến Lưu Thi Hàm bị bạn bè cùng lớp và cùng phòng bắt nạt vì cho rằng Lưu Thi Hàm là “nữ giả nam”. Mỗi lần như vậy, Lưu Thi Hàm thường khóc và năn nỉ: “Đừng bắt nạt tôi như vậy. Tôi là con gái”. Ý tưởng chuyển giới đến với “chàng thanh niên” Thi Hàm khi rơi vào mối tình đầu với một cậu con trai ở trường đại học. Thi Hàm trả giá khi phải bỏ trốn và không bao giờ quay trở lại nhà, vì gia đình, họ hàng đã đánh đập, cắt hết tóc và nhốt “cô” trong phòng vì ý tưởng điên rồ này. Thi Hàm kiếm sống bằng nghề múa cột và biểu diễn với rắn ở các câu lạc bộ đêm. Cô bị rắn cắn vô số lần, thậm chí phải bó chân và đi giày nhỏ để duy trì thân hình nhỏ nhắn ở thời điểm dậy thì. Sau khi tiết kiệm đủ tiền, Thi Hàm phẫu thuật và chính thức bắt đầu cuộc đời mới, trở thành một người mẫu nữ ở Bắc Kinh.

Nhưng quá khứ không bao giờ buông tha Lưu Thi Hàm. Những mối tình lần lượt tan vỡ vì áp lực dư luận và gia đình “nhà trai” phản đối. Mỉm cười trong những bức ảnh chụp, nhưng dường như hạnh phúc vẫn ở rất xa tầm tay khi cô còn phải vật lộn với một xã hội truyền thống: “Tôi không giết người, không phạm pháp. Chỉ vì tôi bị nhầm lẫn giới tính và phải phẫu thuật, tôi đã bị hắt hủi và đối xử bất công. Thật là cay đắng. Tôi không muốn bị xã hội coi như một quái vật vì con người ai cũng bình đẳng cả thôi”.

4. Chaz Bono – “con trai” của ca sĩ Cher

Nếu nhắc tới ngôi sao chuyển giới nổi tiếng nhất phương Tây ở thời điểm hiện tại, không thể không đề cập tới Chaz Bono, “con trai” duy nhất của hai biểu tượng nhạc pop thập kỷ 60 Sonny Bono và Cher. Là nhà văn và nhạc sĩ, “anh” trở thành tâm điểm trong mắt công chúng Mỹ khi tham gia cuộc thi Dancing with the stars năm 2011 trong vai trò bạn nhảy nam. Cổ vũ là điều Chaz nhận được, nhưng kỳ thị cũng là thứ không thể tránh khỏi.

Chaz và người mẹ nổi tiếng - ca sĩ Cher.

Sinh năm 1969 trong hình hài một cô bé và được đặt tên là Chastity Sun Bono, Chaz sớm cho mình là đồng tính nữ (lesbian). Câu chuyện này tất nhiên không tránh khỏi bút mực của báo chí lá cải vì Chaz là con của hai siêu sao. Chaz đã viết hai cuốn sách bàn luận về quá trình thừa nhận bản thân là Family outing: A guide to the coming out process for gays, lesbians, and their families (1998) và The memoir, the end of innocence (2003).

Từ năm 2008 tới 2010, Chaz bắt đầu tiếp nhận điều trị để chuyển đổi từ nữ thành nam, và tòa án California công nhận đổi tên và giới tính trên giấy tờ cho Bono năm 2010. Cuốn phim tài liệu về trải nghiệm của Bono Becoming Chaz được chiếu ở Liên hoan phim Sundance 2011 và xuất hiện trên kênh OWN: Oprah Winfrey Network.

Trên sân khấu Dancing with the stars.

Trên thực tế, Chaz mới “chỉ được coi” là người chuyển giới, vì công đoạn biến đổi từ nữ thành nam chưa hoàn hảo từ trên xuống dưới. Anh đã được bơm testosterone và phẫu thuật cắt bỏ ngực, nhưng nếu muốn trở thành một người đàn ông đích thực từ trong ra ngoài, “anh” sẽ phải chấp nhận rủi ro rất lớn. Các chuyên gia y tế cho biết không đến một nửa những người chuyển giới từ nữ thành nam thực hiện bước cuối cùng của công đoạn này để trở thành “adam chân chính”.

5. Dana International – quán quân Eurovision song contest

Dana, tên thật là Sharon Cohen, tên khai sinh là Tel Aviv, sinh năm 1972 là một trong những ca sĩ thành công nhất của đất nước Israel. “Cô” đã phát hành 8 album nhạc, 3 album tổng hợp, từng giành giải nhất ở cuộc thi Eurovision song contest 1998 với ca khúc Diva. Khi Dana chiến thắng trong đêm chung kết, những tít báo lớn của CNN, BBC, hay MTV không chỉ viết về chức quán quân mà còn về câu chuyện giới tính của cô. Đĩa đơn Diva trở thành hit lớn, leo lên vị trí 11 trong bảng xếp hạng âm nhạc Anh và top 10 ở Thụy Điển, Bỉ, Phần Lan, Ireland.

Sinh ra trong hình hài nam giới, Dana phát hiện ra rằng cô là “sự nhầm lẫn của tạo hóa” ngay từ khi còn nhỏ và công khai giới tính thật năm 13 tuổi. Khả năng ca hát của cô cũng được bộc lộ từ sớm. Mặc dù gia đình rất nghèo, nhưng mẹ cô đã làm việc cực nhọc để có tiền cho Dana đi học nhạc. Năm 1993, “cậu thanh niên” 21 tuổi vừa tiếp nhận ca phẫu thuật chuyển giới, vừa phát hành album đầu tiên Danna International. Một năm sau đó, đĩa đơn bạch kim Umpatampa giúp Dana đoạt giải Nghệ sĩ nữ xuất sắc nhất của năm của Israel.

Là một ca sĩ thành công, Dana được lựa chọn là đại diện của Israel tranh tài ở cuộc thi hát Eurovision song contest. Chiến thắng này giúp đưa tên tuổi của cô đến với khán giả khắp châu Âu. Năm 2011, sau khi ra mắt một số album nữa, Dana tiếp tục tham gia Eurovision nhưng không lọt được vào chung kết. Cùng năm đó, cô trở thành giám khảo trong Kokhav Nolad, một cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát trên truyền hình Israel.

Dana International được biết đến như là một trong những người chuyển giới nổi tiếng nhất thế giới. Nếu như đa phần người chuyển giới hoạt động khá cầm chừng trong showbiz, hoặc được biết đến vì sự khác biệt nhiều hơn, thì Dana là một minh chứng hoàn toàn khác. Công chúng ở đất nước cô, cũng như khắp châu Âu, thừa nhận Dana với tư cách là một ca sĩ tài năng và có một sự nghiệp đáng mơ ước so với bất kỳ ca sĩ nào, dù là nam hay nữ, chứ chưa nói đến thế giới thứ ba.

6. Claudia Charriez – thí sinh chuyển giới đầu tiên của America's next top model

Nếu nhìn vào những bức hình của cô nàng người mẫu tóc vàng Claudia Charriez bốc lửa trong bộ bikini hai mảnh, có mấy ai ngờ “cô” được sinh ra với giới tính nam? Sinh năm 1982 với dòng máu Tây Ban Nha, Charriez sinh ra và lớn lên ở New York, Mỹ. Charriez chuyển giới từ rất sớm và tham gia đóng phim và làm người mẫu với giới tính nữ.

Năm 2006, cô lọt vào vòng bán kết của chương trình America's next top model nhưng sau đó bị loại vì là người chuyển giới. Sau đó, Tyra Banks, nhà sản xuất và host của chương trình mời Claudia tham gia cuộc thi siêu mẫu chuyển giới America’s next top transsexual model trên talkshow của Banks. Claudia chiến thắng, nhưng sau này trong một cuộc phỏng vấn, cô thú nhận mình thực sự không muốn cuộc thi đó.

Janice Dickinson, siêu mẫu đầu tiên của thế giới, một trong số các giám khảo của America's next top model mời Claudia vào chương trình truyền hình thực tế The Janice Dickinson modeling agency. Chương trình có rất nhiều khán giả là người đồng tính nam, và khi Claudia được đề nghị tạo dáng chụp ảnh như một nam người mẫu, cô đã nổi giận. Năm 2008, quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa cô và Janice dẫn tới việc Janice quyết định loại cô khỏi chương trình.

7. Nong Tum – nụ hôn của mãnh hổ

Ở xứ sở chùa Vàng, người ta dùng từ kathoey để chỉ những người chuyển giới và người đồng tính nam có vẻ ngoài nữ tính. Trong nhóm này, Nong Tum, sinh năm 1981 là kathoey nổi tiếng nhất ở Thái Lan.

Nhận thức rất sớm rằng mình là nữ chứ không phải là nam như “tạo hóa trêu ngươi”, Nong Tum học đấm bốc để kiếm tiền nuôi gia đình và trang trải cho giấc mơ biến thành phụ nữ chân chính của mình. Khi chiến thắng trong một trận đấu tại Lumpini Boxing Stadium, trung tâm của Muay Thái, Nong Tum – lúc đó vẫn là nam – trở thành tâm điểm tranh cãi của truyền thông và công chúng. Truyền thông Thái kinh ngạc trước một cậu bé 16 tuổi, trang điểm khi lên sàn đấu, đánh gục và sau đó cúi xuống hôn lên mặt đối thủ cơ bắp vạm vỡ của mình. Họ gọi đó là “nụ hôn của mãnh hổ”.

Nong Tum nổi tiếng là một đối thủ lạnh lùng, hung hăng, khiến cho nhiều cao thủ trong nghề lâu năm cũng phải từ chối thượng đài. Sau này, Nong Tum từng trần tình: “Nụ hôn của mãnh hổ ư? Người ta không hiểu tôi, đó là nụ hôn yêu thương, nụ hôn của lời xin lỗi vì tôi đã làm họ đau đớn”. 

Hình ảnh "võ sĩ nam"  Nong Tum khắc họa trong Beautiful boxer.

Nong Tum nhận được sự ủng hộ của tổ chức quyền anh Muay Thái, và quan chức bên du lịch quảng cáo “anh” là “một biểu hiện của kỳ quan bạn sẽ tìm thấy ở Thái Lan”. Ánh đèn truyền thông chĩa vào Nong Tum, đồng thời cũng vực dậy môn thể thao Muay vốn đang suy giảm sự hấp dẫn trong mắt công chúng.

Nong Tum từng thượng đài gần 60 trận, trong đó hơn 30 trận hạ knock-out đối phương trước khi treo găng vào năm 1999. Quyết định giã từ và công khai mình thuộc về thế giới thứ ba của “anh” lúc đó khiến giới yêu mộ Muay Thái khóc thét. Một đất nước cởi mở nhất thế giới với dân đồng tính cũng không chịu đựng nổi suy nghĩ rằng Nong Tum, một biểu tượng cho sức mạnh và ý chí thanh niên, người đã đổ máu và chiến đấu như hổ dữ trên sàn võ lại muốn phẫu thuật thành nữ giới.

Nhưng Nong Tum sống đau khổ trong hình hài nam giới, phải thượng đài để thoát khỏi đói nghèo, khi tận sâu trong tâm hồn đó là một cô gái yếu ớt, chỉ mong được yêu thương vỗ về. Vậy mà lúc tiêm hormone nữ cũng như lúc lên bàn mổ để trở về bản ngã, Nong Tum lại vật vã khi các cơ bắp của một đấu sĩ dần biến mất. Thực ra khi treo găng “anh” vẫn là một vận động viên đang trong thời kỳ đỉnh cao, và lựa chọn hy sinh này còn giằng xé hơn một người chuyển giới bình thường.

Câu chuyện của Nong Tum xuất hiện trong bộ phim Beautiful boxer năm 2003. Mặc dù giành một số giải thưởng, nhưng bộ phim chưa đủ làm thay đổi định kiến của người Thái với quyết định của Nong Tum. Khi chính thức trở thành phụ nữ, cô bước chân vào showbiz và thành ngôi sao của giới giải trí Thái Lan, tham gia diễn xuất và nghề người mẫu.  Nong Tum cũng không từ bỏ Muay hoàn toàn, cô vẫn đi biểu diễn Muay ở nhiều nước trên thế giới trong vai trò nữ võ sĩ thách đấu nam võ sĩ.

 

Infonet