SAO » Chuyện làng sao

Tấn Beo: 'Nghệ sĩ tùy theo người, có sự ganh ghét, hỷ nộ ái ố, sân si, tranh giành ngôi vị'

Thứ bảy, 21/01/2023 06:53

Tấn Beo nhớ về thời hoàng kim của tấu hài. Anh cũng khẳng định nghệ sĩ có người tốt và cũng có người thích hạ bệ người khác vì sự nổi bật của mình.

Trải qua mùa dịch gần hai năm, cuộc sống của anh có nhiều thay đổi không?

Không phải riêng tôi, các anh em từ lâu xa cách thời gian lâu, một phần vì dịch không gặp nhau. Trước đó tôi đã gặp rất nhiều anh em thâm tình. Qua khoảng thời gian gián đoạn khủng khiếp, không gặp mặt, nói chuyện. Không chỉ riêng tôi, cả nước, một đời người lần đầu chứng kiến cảnh như thế, rất khủng khiếp, sự đau buồn đổ về mỗi ngày, vừa mở mắt ra là thấy chuyện buồn. Lúc đó tôi không tiếp xúc với ai, con người lặng trầm, đi chậm lại. Dù sao mọi chuyện cũng đã đi qua, anh em có dịp gặp nhau. Rất may mắn khi tôi còn ngồi ở đây tâm sự với anh em đồng nghiệp, được gặp gỡ quý vị khán giả, tôi quá hạnh phúc, nhiêu đó là đủ không cần gì hết, đủ làm tôi vui. Tôi đã quay trở lại với con đường nghệ thuật, tôi chỉ có cái nghề đó.

Trong khoảng thời gian dịch, anh có vẻ kín tiếng khá nhiều. Thời gian đó anh làm gì để vực dậy tinh thần của mình lẫn người xung quanh?

Tôi làm những chuyện cho qua đi, khi giãn cách tôi ở trong nhà đi tới đi lui, không ra đường gặp ai, con người cả ngày không nói chuyện rất khủng khiếp, đó chỉ nói một ngày thôi, cái này cả năm, không nói chuyện tiếp xúc, trao đổi với ai. Tôi làm nghệ thuật, không nói tự nhiên tôi bị cứng miệng, không dám nói ra sợ từ ngữ của mình không hay, không đẹp nên làm thinh thành ra biếng nói. Muốn gặp một người để tiếp xúc không có, điện thoại không nói hết những tâm tư của mình, phải ngồi gặp gỡ trao đổi với nhau về nghệ thuật mới ra. Thời điểm đó ai cũng buồn, vừa sáng mở mắt nghe toàn tin buồn, nhìn hình ảnh buồn không biết nói chuyện gì. Nói vui cũng không được, bị sai thời điểm nên ngậm đắng nuốt cay ở thời điểm đó. con người đã buồn, ăn uống không ngon, ngủ chập chờn nên tôi xuống ký rất nhiều. Nhiều người nhìn tôi không ra, đi ngang gặp tôi kêu “Sao lúc này Tấn Beo ốm dữ vậy”. Tự nhiên trong lòng buồn, người ta thấy mình lúc trước có da thịt, bây giờ gầy gò không thể tưởng tượng được, không bệnh hoạn gì hết, tự nhiên con người suy sụp trong thời điểm đó nên ốm. Bữa nay nhìn tôi đã có da có thịt, sáng lên, trở lại con đường nghệ thuật khán giả nhìn thấy tôi vui. Tôi hãnh diện đứng trên sân khấu phục vụ cho quý vị hình ảnh trẻ trung, mát da mát thịt.

Khoảng thời gian vừa qua mọi thứ ổn định hơn, anh bắt đầu trở lại dự án nghệ thuật của mình như thế nào?

Một đại dịch vừa rồi làm tất cả trùng lại, không dám làm gì vì cứ làm không đúng theo ý mình. Thời điểm giãn cách tưởng hết, làm xong giãn cách tiếp, cứ trì trệ ngưng, gián đoạn, không suôn sẻ. Khi làm nghệ thuật mình phấn khởi rất sung mãn, việc của mình làm tràn đầy năng lực. Năng lượng cứ bị trì hoãn, vừa có năng lượng, chuẩn bị xuất quân lại giãn cách, cứ nằm suy nghĩ không biết chừng nào hết, không dám làm, không đi quay được. Nghề nào cũng vậy khi nghĩ chừng một năm thấy bị trùng lại, nghề nghệ thuật khó nữa vì cứ đứng trên sân khấu liên tục mới phát triển. Khi gián đoạn mình sợ, chậm lại, không hoạt bát, múa lụa như ngày xưa. Tôi sợ bị ảnh hưởng nên bây giờ có động lực làm lại từ đầu cho nóng máy. Máy bị ngưng một thời gian, bây giờ tất cả nóng máy trở lại. Tôi hy vọng năm nay ngành nghệ thuật sẽ trở lại, đem niềm vui đến cho tất cả mọi nhà. Xuân năm nay tôi chắc chắn tất cả đều vui.

Nói tới anh Tấn Beo nhớ lại giai đoạn hoàng kim của tấu hài, không biết anh có lúc nào anh ngồi nhớ lại những kỉ niệm về Tết đi biểu diễn ở xa, khán giả đi xem rất trông đợi không?

Không phải riêng tôi, tất cả anh chị nghệ sĩ chỉ mong ngày Tết. Trước tiên gặp nhau đầu năm, tay bắt mặt mừng, chúc nhau lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới. Ngoài công việc phục vụ khán giả rất hào hứng, sáng dậy chuẩn bị ăn sáng, bắt đầu tươm tất, chỉnh tề xuất quân ra đường đi tới tối, không biết nhà cửa, bước ra xe chạy tới khuya. Lúc trước thời điểm khán giả rất thích hài, đến những sân khấu xem chương trình tạp kỹ. Tám giờ sáng đã diễn, người dân đến tụ điểm như công viên Đầm Sen, Suối Tiên. Phải chen chúc với bà con đi chung trong một con đường đến sân khấu diễn rất vui. Khi tôi đi bà con phát hiện, lời qua tiếng lại toàn lời vui, người rất phấn khởi. Đến sân khấu diễn xong từ sân khấu này chạy qua sân khấu kia trong phạm vi, hát bên đây trước xong chạy về bên kia, chạy qua chạy lại. Ở Suối Tiên tôi diễn bốn năm suất, từ sáng đến xế chiều, sau đó bắt đầu đổ về trung tâm. Thời điểm đó không có chỗ nào không có tụ điểm ca nhạc, tấu hài. Từ Sài Gòn đến Chợ Lớn, ghé đâu cũng hát được, không cần phải biết ở đâu, chỗ nào có điểm hát là nhào vô. Tôi biết điểm nào cũng có tôi vì lúc trước không quảng cáo nhiều, đêm nay có chương trình ca nhạc tấu hài cứ để vậy, hình ảnh không có chỗ để, ghé vô đâu là diễn. Vui chỗ đó, nghệ sĩ nào chạy về tới đó vô hát, hát rồi đi, không cần biết lương, cứ đi người khác tới, mới kịp. Thời điểm thịnh, một đêm tôi diễn mười mấy chương trình từ sáng đến kết thúc, đi không biết mệt. Có khi vào tụ điểm ngồi ngả nghiêng nhắm mắt cho đỡ đến khi MC gọi giật mình ra diễn, không nghỉ. Kỉ niệm đó rất vui, khi đi về tất cả đều quây quần bên nhau, ăn uống chung. Lúc đó mới bắt đầu chúc Tết, lì xì đồng nghiệp, chúc nhau may mắn.

Anh có nhớ kỉ niệm Tết đi diễn tấu hài ở miền Tây xa xôi, anh đón Tết với bà con như thế nào?

Rất xúc động vì cả năm trời người dân ở đó mới được thấy nghệ sĩ. Như Cà Mau chiều tôi phải lên chiếc bobo chạy vào Năm Căn, Cần Đước, cách đây nhiều năm không có đường xe, chỉ có đi tàu qua. Tôi và người mẹ dìu dắt tôi vào con đường tấu hài là nghệ sĩ quá cố Kim Ngọc đi bằng bobo để kịp vào diễn. Hai má con tôi lên chiếc bo bo giữ độc quyền cho chúng tôi đi, nghĩ lại cảm thấy sợ vì sông cái lớn, bobo chạy cho kịp giờ từ Cà Mau vào khoảng một tiếng, tiếng rưỡi, năm sáu giờ đi chạy vào khoảng bảy tám giờ. Tới đó không chỉ hát một điểm, vừa hát điểm này xuống kêu bobo qua điểm khác, trời tối đen như mực, bobo chạy ào ào trên sông cái Cà Mau như biển thu nhỏ. Lần đầu tiên xuống sông nước rất vui nhưng một hồi sợ không dám nói chuyện, ngồi làm thinh, chỉ sợ có chuyện gì không biết sao. Màn đêm chiếc bo bo chơi vơi giữa dòng sông lớn khủng khiếp, đằng trước có vật gì má Kim Ngọc la. Tôi là người lấy can đảm cho má Kim Ngọc nhưng má la âm thanh khủng khiếp làm tôi sợ thêm, phải trấn an má tôi quen nhưng thực sự không quen. Tôi là dân miền Tây nhưng không đi thuyền bè nhiều. Đến điểm diễn bà con rất mừng, có khi đêm cuối chạy một đêm ba điểm. Điểm đầu sung hát đến điểm hai vẫn sung nhưng đến điểm ba mới mệt, nhìn khán giả rất thương, ngủ hết. Tàu vừa cập bến, lên không có khán giả như show đầu tiên, im lặng như không có người. Tôi nghĩ vắng, vào tới chỗ điểm hát mới thấy rất thương khán giả, tới đây mới biết khán giả thương mình như thế nào, khi tới trễ rất đau lòng vì chương trình nên tôi phải lệ thuộc. Khi tới thấy những em bé thiếu nhi, bác lớn tuổi mệt mỏi, nhiều người trải chiếu nằm ngủ. Vừa nghe chúng tôi tới, mọi người giật mình dậy nhưng độ sôi nổi không bằng. Một giờ khuya dân quê đã ngủ, không có sức chờ đợi. Thời điểm sau mời đi nhiều show tôi không đi vì tôi đoán được sự chờ đợi của khán giả thương yêu mình nhưng tôi không đáp lại sự mong mỏi đó, lại làm cho khán giả mỏi mệt không nên. Lúc đó tôi không ham tiền, quan trọng nghệ thuật đến diễn khán giả còn sung, sức khỏe để coi mình, hai bên đều sung mới vui. Để khán giả chờ đợi mỏi mệt, diễn cho có, lãnh lương tôi không làm như vậy được, điều đó vô nghĩa. Sau này có mời tôi diễn show hai là hết nhưng phải canh điểm gần như chạy bên đây qua bên kia khoảng ba mươi cây, canh giờ đi diễn show cuối trước mười một giờ. Nắm được thời điểm của khán giả, cỡ đó khán giả chờ được, qua mười hai giờ khán giả mệt. Đi điểm thứ ba phải qua mười hai giờ nên tôi lúc nào nhận chỉ nhận hai điểm, mời thì mời không mời thì thôi. Tôi vì khán giả, không vì bầu show, tôi nói thẳng bầu show muốn mời tôi, biết ý mời ít điểm hoặc ráng lắm hai điểm cận nhau. Ba điểm đừng mời, tôi nói trước để đừng ai buồn tôi vì quy tắc của tôi như thế vì khán giả, sự thương mến của khán giả, phải tôn trọng khán giả. Đừng vì lợi nhuận làm mất đi những hình tượng tốt đẹp của khán giả.

Anh có nhớ những kỉ niệm khi diễn xong ăn Tết cùng khán giả không?

Lúc đó bà con cô bác nhà nào cũng ăn Tết. Không phải chỉ ngày Tết, ngày thường cũng vậy, người dân thương nghệ sĩ, tới nhà nào cũng có cơm, rượu, kẹo bánh, chè xôi đầy đủ. Dưới quê gì cũng thiếu nhưng món ăn dân dã không thiếu. Nghệ sĩ đến sớm mời vào nhà, chăm trà, nấu bánh đem ra ăn, một tình cảm rất cao quý, không bao giờ quên được, khán giả thương nghệ sĩ đến mức độ đó. Ngày Tết đến nhà nào ăn không hết, bánh tét, mứt nhà nào cũng chưng nhiều. Không dám vô, vô nhà nào là hàng rào nhà đó sập. Tôi nghe tấm lòng của bà con như vậy không dám phụ lòng nên vào, ngồi để cho bà con ôm thương, có mấy bác lớn tuổi vỗ mạnh kêu “Giờ này mới thấy ngoài đời”, người ta thương, không phải ghét, mình mẩy bầm hết nhưng vẫn phải cười vì bà con thương mình. Đang vui tự nhiên bực bội vì khán giả ngoài kia nghe có tôi ở đó nên xôm tụ lại đạp hàng rào hoa kiểng hư hết, tôi thấy như vậy nên xin đi ra ngoài để hát. Những chân tình gặp khán giả ngoài đời rất trân trọng, bây giờ không kiếm lại được tình cảm đó. Nhớ lại điều đó tôi cảm thấy hạnh phúc vì được trải qua thời điểm đó.

Thời của anh, nhà nhà người người rất chào đón đặc biệt là Tết. Nhưng bây giờ tấu hài bị mai một đi, người ta chỉ mở xem những tấu hài ngày xưa, không xem những tấu hài thực sự của những nghệ sĩ đầu tư chất xám. Anh có cảm thấy chạnh lòng không?

Không phải riêng tôi, nhiều người chạnh lòng nhưng đó là quy luật, phải chịu, có nói hay góp ý cũng vậy. Mỗi thời điểm khác nhau như cơn sóng lúc trầm lúc bổng, đó là một chu kỳ. Thời điểm ngày xưa khi tấu hài người ta coi thích, đến thời điểm nhạc bolero, rap, theo chu kỳ. Mình phải chấp nhận văn hóa nghệ thuật càng ngày càng tiến bộ mình phải mừng. Bắt đảo lại giống mình không được, cái gì hay phải tiếp tục, phát triển. Đừng làm quá lố, làm quá khán giả sẽ bội thực, ăn ngon đúng văn hóa Việt Nam, người ta để mãi, ăn quá bội thực ráng ăn sẽ không ngon đâm ra chán, nhàm, bắt đầu sẽ nhớ lại cái cũ. Cái gì cũng vậy, người ta sẽ quay lại cái cũ, nhớ ngày xưa không có như vậy, chừng mực, sao bây giờ lại tràn lan đại hải, những câu từ của ông bà ngày xưa tràn lan đại hải thành ra không gì. Đó là tại vì mình không có nắm trận đấu, nét diễn phục vụ bà con, do mình không phải do khán giả. Khán giả thương mình, khẳng định làm sao cho khán giả vừa ý, vui lòng về ngủ ngon, người ta nhớ mãi, về ngán ngẩm người ta sẽ quay xe.

Anh có thấy nghệ sĩ khi tấu hài sẽ mang một nét đặc trưng. Như một người nghệ sĩ tấu hài nổi tiếng như anh có cảm nhận tấu hài ngày xưa có gì đặc biệt đến bây giờ vẫn sống trong lòng những người đã xem. Đến cả thế hệ bây giờ khi xem trích đoạn của anh hay chú Bảo Quốc, Bảo Chung hay những anh chị khác người ta vẫn thích, vẫn thấy hợp thời?

Lúc trước, tất cả đều ý thức, khi phát âm từ đó ra phải đo lường chất lượng, câu này nói được không, cân bằng, rào, sàng lọc trước câu này vui không ảnh hưởng đến ai, có lợi cho khán giả, những top trẻ sau này, vừa diễn vừa mang tính giáo dục, tất cả mọi người đều có ý thức đó. Lúc trước văn hóa rất khó như có hàng rào bảo vệ văn chương, từ ngữ hơi có quy luật, ngành văn hóa và người diễn viên phải tôn trọng nhau, không dám nói những từ này, sai phạm hoặc làm ô uế thuần phong mỹ tục Việt Nam, bị nhảm nhí. Nếu như có sơ hở, bên văn hóa nhắc nhở, duyệt kịch bản, lúc diễn, từ ngữ có bị phản cảm góp ý liền. Bây giờ rất dễ dãi, thời tôi cho diễn như vậy, nói gì cũng được. Những câu hiện nay xài ngày xưa tôi xài được hết nếu thời điểm đó văn hóa cho nghệ sĩ tự do, muốn nói gì nói, không nó bậy là được. Chắc chắn chúng tôi không bao giờ nói bậy nhưng những câu nói đi thẳng vào lòng khán giả, không cần phải suy nghĩ, khán giả cười liền.

Có vẻ như đầu tư chất xám cho tấu hài nhiều hơn phải không?

Rất căng vì diễn một tiết mục rất ngắn gọn mười, mười lăm phút, phải tải hết câu chuyện trong kịch bản, đem tiếng cười vào, đó là một điều khó. Diễn một vở tuồng hoặc phim phải một tiếng rưỡi đến hai tiếng, người một chút. Tấu hài chỉ có hai người, làm sao cho đủ mười lăm phút gói gọn, mang tất cả nghệ thuật, từ ngữ nằm trong đó. Nhất là hài đã hài không cười sao làm.

Trong hài còn có cả hát nữa phải không?

Gom lại hết tất cả, xào nấu lại thành mười lăm phút, đầy đủ nội dung gây được tiếng cười, thâm thúy bên trong, khán giả mới nhớ. Diễn nói mười lăm phút, ai nói không được, nhưng nói không ý nghĩa, không đọng lại trong đầu khán giả, điều đó khó cho tôi.

Khi diễn tấu hài độ tương tác với bạn diễn và sự tương tác với khán giả sẽ tăng lên nhiều phải không?

Diễn trực tiếp khán giả với mình gần, diễn nhìn xuống biết được khán giả cười thật hay cười gượng, phải nhìn đo được lượng khán giả có thích mình, cười câu đó đúng không. Hợp tác với khán giả phấn khởi lên, có thể diễn thêm năm mười phút, hai ba chục phút, diễn hoài không hết kịch. Khi được khán giả thương, lời văn ra liên tục, nói gì người ta cũng cười, thậm chí làm thinh cũng cười. Tôi đã thử điều đó, đứng làm thinh không nói ở dưới vẫn cười. Khi khán giả chấp nhận mình, đã thương mình rất dễ. Khi không chấp nhận rất khó.

Có phải là một người nghệ sĩ hài ngày xưa giống như anh phải học rất nhiều vì một kịch bản tấu hài đòi hỏi rất nhiều cái ngoài tính âm nhạc, điện ảnh, gây cười như bao trọn hết tất cả cung bậc cảm xúc. Người nghệ sĩ phải học rất nhiều về điện ảnh diễn như nào cho hay, âm nhạc làm sao để đưa ca khúc ngày thường người ta hay nghe vào lại vui?

Khi mình đưa bài hát vào phải dính với câu chuyện, đầu này phải nối với đầu kia, phải suy nghĩ, không dễ, động não ghép bài hát vào cho hợp, sở văn hóa có cho không, bài này hay nhưng ghép vào không được do bị cấm, ca khúc bị sở cấm không nên để vào, lựa bài khác có từ đó vào cũng dính. Nghệ thuật này học ở thầy, va chạm đường đời mới xâm nhập vào được cuộc sống bà con, người dân mỗi tầng lớp, giàu nghèo. Phải sát cánh với những người đó mới nắm được. Sau này mình diễn mới phù hợp với những vai đó, không học, không đi sát với đời thường làm sao có thể biết, nhào ra diễn nói bậy, không sát sườn với người dân, quan trọng là sát sườn, sự lăn lộn.

Có rất nhiều nghệ sĩ hài mong mỏi ngày nào đó tấu hài sống lại vì hài bây giờ người ta xem thấy giống nhau, gây nhàm chán và không được có sức sống như tấu hài ngày xưa. Không biết trong lòng anh có nhen nhóm hy vọng đó không?

Tôi làm nghề vẫn mong điều đó, cái gì trở lại sẽ có chừng mực, không được như xưa nhưng vẫn nằm trong luật lệ, văn hóa đẹp. Vở tấu hài hay vở kịch đến khán giả, khán giả chấp nhận điều đó rất sung sướng. Khi khán giả vào xem một vở kịch, về khen là mình vui, nguyên một rạp khen diễn viên về chắc không ngủ được, khán giả khen người làm nghệ thuật rất sướng. Mình làm được khán giả khen, không ngủ được vì làm tròn vai của mình trên sân khấu. Khi diễn hài, khán giả cười ra về nhắc những câu mình vừa nói là mình sướng, đừng để người ta coi về đi luôn, không nói tiếng nào là không được. Quay lại như thời điểm này xưa là diễn trên một bãi như sân vận động, người nào cũng cười, nhắc lại khúc đó là gia đình cùng cười, cả một sân khán giả nhắc vậy là tiếng vang rất lớn.

Những tiểu phẩm tấu hài ngày xưa của anh có những câu bây giờ nhiều bạn trẻ hay những lớp sau lấy từ trong đó ra để nói với nhau hoặc diễn. Anh có cảm thấy điều đó không?

Tôi thấy hết, tôi hãnh diện, có khi người ta nói không biết câu đó của ai, tôi đảm bảo điều đó. Thời điểm đó có người xem người ta biết, nhiều bạn mới lớn thể hệ sau này xem câu đó rất thích nhưng không biết câu này ở đâu ra. Có nhiều người không hiểu nhưng chính câu đó là câu bây giờ người ta thích. Bây giờ đi truy tìm câu ai nói, có một số bạn thời điểm đó biết, còn nhỏ quá thì không biết được vì không phải hình ảnh tôi, câu đó lên xu hướng do hình ảnh người khác nói. Tôi nghe, thấy bình luận cảm thấy vui vì câu đó của mình, đến bây giờ vẫn còn xài, cảm thấy rất hãnh diện. Mỗi kịch bản có nhiều câu lên xu hướng như hồi trước gameshow ít, làm chương trình “Rồng Vàng”, tôi để “Vàng Rồng” có mấy từ vẫn còn trend, ai cũng nhắc đến. “Đố mày mặt trăng của nước nào, mặt trăng của Việt nam”, bên kia hỏi “Sao anh biết mặt trăng của Việt Nam”, tôi trả lời “Mặt trăng này của Hàn Mặc Tử”, “Tại sao mặt trăng của Hàn Mặc Tử”, phải nghe câu này của Hàn Mặc Tử “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”, của ông ấy thì mới bán, của nước khác sao bán được. Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn là người của Việt Nam, khán giả vỗ tay, có mấy câu khán giả không nghĩ ra, câu hóc búa đến mức độ phải chấp nhận. Một câu đơn giản như vậy bây giờ vẫn nhiều người nhắc hoài. Kịch bản “Lên chùa bán nhang”, có nhiều câu bây giờ mấy bạn nghe thích, thành xu hướng hoài như “Phật ơi con tu mà sao quỷ cứ ám con hoài”. Mình than với Phật, câu đơn giản chỉ than với Phật nhiều khi vào lòng khi nào mình không biết, mình chỉ đem kịch bản ra cho đúng nghĩa, thoại đúng chất. Cuối cùng ngoài đời có thiệt, những câu đố người ta vẫn xài. Bây giờ tôi đang định diễn lại những vở đó, khán giả góp ý bảo tôi diễn lại mấy vở trước. Lúc trước tôi diễn vở đó xong coi đã bảo làm cái khác mới đi vì khán giả làm cái mới. Bây giờ người ta lại bảo tôi diễn vở ngày xưa để xem lại như “Voi xuống núi”, kịch bản có mười lăm phút, tôi bập bùng hết sáu, bảy phút. Không nói nhiều, chỉ bập bùng lửa, lấy bài hát “Ngọn lửa Cao Nguyên”, có nhiêu đó tôi bập hoài, bập đi bập lại, bùng tới bùng lui năm sáu phút hết kịch bản, vậy mà khán giả cười, thích. Ngày đó anh em trong nghề diễn chung với tôi không có đường ra vì nhây, có câu nói hoài. Một câu không có gì, tôi nói một lát thành có gì, kêu bằng nhây, từ này bây giờ vẫn được giới trẻ dùng. Như có câu hỏi “Sáng dậy ăn cơm chưa”, tôi hả, rồi hỏi lại tôi suy nghĩ rồi lại hả. Hai ba cái vậy thôi là bắt đầu thấy khó chịu, người nghe bắt đầu thấm, kiểu hả là kiểu suy nghĩ tưởng như biết rồi, cứ hả như không biết gì, nhây riết khán giả cười, không nói gì. Đó là hình thức diễn cộng sự nhây đâm ra chỉ biết cười, công thức hài là vậy.

Xa khán giả mùa dịch hai năm, đi biểu diễn hay lưu diễn sẽ hạn chế hoặc hầu như không có. Tết năm nay anh có ý định sẽ nhận nhiều show hơn hay chọn lọc như trước để được gặp khán giả nhiều hơn không?

Những chương trình hiện nay đã mời tôi vào những ngày Tết, chỉ diễn một điểm chính, tập trung rất đông người. Ban tổ chức báo tôi phải tới trước, tới trễ không được, biết đông đến cỡ nào. Không phải riêng mình tôi, khán giả đi lễ lộc vào xem luôn, chỗ đó người ta biết ngày Tết tụ tập rất đông, mình phải chuẩn bị những tư thế đó. Diễn hết một điểm, không chạy được, tôi bây giờ chỉ diễn một điểm. Ngày thường còn diễn tiếp, chỗ nào có chương trình diễn nữa, không có chạy như ngày xưa hai ba điểm. Lúc trước tôi đã ngán, bây giờ mời kiểu đó tôi không diễn nữa.

Con trai của anh đang theo hướng nghệ thuật, anh rất cưng con hay xem những cái vui của con. Anh có tạo nhiều điều kiện về kinh tế tinh thần để con anh có bước đệm cứng cáp hơn để nối tiếp nghệ thuật của gia đình không?

Lúc nào tôi cũng muốn điều đó, có thời điểm con tôi theo hướng làm chuyện khác, theo sở thích. Tuổi trẻ bây giờ không khống chế được, không bắt đi theo con đường của mình được. Đến lúc suy nghĩ được nên đam mê, đam mê đang bị chậm nhưng không sao. Nếu đam mê thật, tôi ít nhiều cũng tạo cho các con biết nghệ thuật là gì. Để được như tôi tôi không nổi, tôi khẳng định làm như tôi không được. Tôi đâu phải khơi khơi được như vậy, phải trải qua nhiều gian truân, thăng trầm, bầm dập để được ngày hôm nay, khán giả thương. Ngày hôm nay cái tên Tấn Beo tôi có được là nhờ khán giả. Tạo con đường nghệ thuật là ba mẹ tôi và những cô bác lớp trước tôi học hỏi, tạo cái tên là khán giả tạo cho tôi. Không có khán giả tôi không làm được cái gì, thời điểm này tôi khẳng định tên Tấn Beo là do khán giả tạo cho tôi.

Anh thấy con trai anh có thể mạnh ở mảng nào?

Thời điểm này mảng của các con là nhảy, nói như tôi không nổi. Khi mở miệng ra nói còn nhát, nói chuyện không chuẩn sao mà thoại nguyên vở. Nhưng nếu đứng trên sân khấu nhiều sẽ dạng và quen, ra trước công chúng mới dạng miệng, lời lẽ chuẩn mực lại. Bây giờ kiểu của các con nói chuyện bình thường, không có chừng mực, nhiều khi nói không hiểu.

Anh có cảm thấy tiếc vì gia đình có truyền thống từ chú Tấn Tài theo cải lương, anh cũng duy trì đi diễn và còn phát huy được hài. Nhưng đến đời con anh, ai cũng mong muốn có một thế hệ để duy trì điều tốt đẹp của gia đình mình?

Tôi rất tiếc, không hiểu sao, người ta nói con nhà nông không giống lông cũng giống cánh. Tôi giống ba tôi, không giống lông, cánh cũng giống cọng đuôi, khán giả chấp nhận được. Tôi để con tôi tự động sẽ theo tôi, tôi đi diễn cũng đi theo, từ từ đam mê phải học, tôi không ép. Thời gian sau tôi không thấy ai hỏi tôi, đi theo tôi về không quan tâm. Tôi nghĩ thời điểm này tùy con cái, sở thích cái gì miễn đừng làm mất mặt gia đình, không đúng với xã hội là tôi vui. Biết đâu chừng làm nghề khác hơn tôi, trong thời điểm bây giờ công nghệ, tuổi trẻ có thể làm nhiều việc kiếm tiền hơn tôi. Không thể ép các con đi theo con đường của mình trong khi chưa được gì. Trước khi không có nghề, phải vất vả trước.

Ngày trước anh đi diễn hài có em trai của anh là Tấn Bo. Thời gian gần đây anh không có diễn nhiều với em trai. Tết này anh có dự định tái hợp để khán giả nhớ lại cặp đôi lừng lẫy một thời không?

Rất đơn giản, khi tôi muốn diễn cứ điện thoại gọi Tấn Bo về diễn chung, không có gì khó khăn. Em tôi bây giờ đã đủ lông đủ cánh, tôi tin tưởng em ấy sẽ có được nhóm riêng, tạo được chỗ đứng riêng, không thể đi theo tôi hoài được. Tôi dẫn dắt em tôi lúc còn nhỏ, còn chập chững, khi đứng chắc chắn, có chỗ đứng, tôi để cho tự lập, không lệ thuộc tôi. Đã cứng rồi không thể theo tôi hoài.

Nói đến chạy show ngày Tết, thời hoàng kim của tấu hài mọi người nói như anh và Bảo Chung diễn một mùa Tết xây được mấy căn nhà lầu luôn, có phải vậy không?

Nhiều khi có, nhiều người cũng nổ. Tôi là nghệ sĩ, tôi không có nổ, không có là không có. Có nhiều người nổ, người ta hát gì mà mua mấy căn nhà, hát cả tháng mua cái nhà là nhiều lắm. Nhiều cô chú ngày xưa hát một đêm lãnh cây vàng là có, một tháng ba chục cây. Nhà hồi đó mười mấy hai chục cây vàng, tùy theo người, không phải ai cũng được một cây. Như người này được cây vàng, người khác chạy show cũng mua được nhưng mua được cái xe. Như tôi chạy show hai ba đêm mua được chiếc xe, một tháng ráng dành dụm, show phải liên tục mới mua được chiếc xe bảy cây vàng, không phải bữa hát bữa nghỉ là có, phải chạy liên tục mỗi ngày, một tháng mới được chiếc xe. Đó là tổ nghiệp cho mình, khán giả giúp đỡ mình, khán giả thương yêu mới mua vé xem mình, mình mới được trả tiền. Tiền đó của khán giả, không phải của ông bầu cho tôi, không ai cho tôi tiền khơi khơi, cho tôi phải lấy lại công sức của tôi. Tiền đó là khán giả mua vé, trích lại tiền khán giả cho tôi, tôi hưởng tiền của khán giả. Tiền tôi mua xe,tôi dành dụm tiền khán giả cho tôi, không có khán giả mua vé, ông bầu nào cho tôi tiền. Nhiều người nói quá đáng, thể hiện mình không thua nghệ sĩ nào. Điều đó tôi đã thấy từ lâu, có nghệ sĩ thương yêu nhau, có một số nghệ sĩ chỉ qua mặt, giàu hơn, dẫm lên người khác đi là hãnh diện. Tôi nói thật, trong giới phải chấp nhận điều đó vì tôi đi trước. Khi người ta đã thành đạt giàu có nhưng vẫn nhớ lại những nghệ sĩ khổ cực, ngày xưa đi chung, ăn cơm, uống nước chung với mình. Thời điểm may mắn được lên đỉnh vinh quang, cái gì cũng có nhưng vẫn nhìn lại kỉ niệm của tình nghệ sĩ ngày xưa những người đi chung với mình không được, mình lại được nhưng người đó sẽ quay về giúp đỡ, nâng đỡ nhau. Đó cũng là nghệ sĩ, nghệ sĩ tùy theo người, nghệ sĩ cũng là con người, có sự ganh ghét, hỷ nộ ái ố, sân si, tranh giành ngôi vị, nghệ sĩ không tốt lành. Nghệ sĩ không tốt gì, cũng chà đạp với nhau để sống.

Anh không có tranh về danh hiệu nhưng mọi người vẫn đặt nặng vấn đề đó, bản thân anh có thấy chạnh lòng không khi những câu chuyện đó cứ xung quanh mình?

Danh hiệu ai mà không muốn, khi một người nghệ sĩ đứng trên sân khấu được tặng, phong giải rất hãnh diện, giải nào cũng thế. Như giải Mai Vàng, huy chương danh hiệu ai mà không muốn, đó là sự được tôn vinh. Khi mình được giải, khán giả phải biết mình và mình là người như thế nào mới được giải.Tôi không quan trọng, quan tâm, tôi chỉ biết đi diễn, phục vụ khán giả, không trông chồng vào giải thưởng làm gì. Quan trọng khán giả, giải cao nhất do khán giả phong mới quan trọng, còn giải thưởng chỉ là miếng giấy, đem về chưng, không để trong lòng được, khán giả mới để trong lòng. Khi khán giả phong giải cho mình, tên mình nằm trong lòng khán giả là giải cao quý. Giải phong tặng là một miếng giấy, cái bằng, tôi có hết. Nhiều người nói tôi tranh đấu, tôi không bao giờ tranh đấu cho gia đình, lẳng lặng diễn, phục vụ khán giả. Con đường nghệ thuật của gia đình tôi là như thế, không tranh giành ngôi vị. Ba tôi không được giải NSUT hay NSND nhưng tôi hãnh diện cho ba tôi được tất cả khán giả cả nước phong tặng Ông Hoàng, một hãnh diện chưa từng có, tôi nhớ mãi hai chữ Ông Hoàng, tôi hãnh diện về gia đình tôi. Một người con của Ông Hoàng, không tranh giành, sân si, lặng lẽ mà khán giả phong tặng mới đúng nghĩa, đối với tôi nhiêu đó là đủ, không cần phải lên tiếng, tính tôi đó giờ không thích lên tiếng. Tôi góp một chút công sức cho nghệ thuật nhưng tôi không được gì, thậm chí làm quá thành ra bị ghét do đòi hỏi. Tôi chỉ muốn đi theo con đường của ba tôi, ba tôi được khán giả phong tặng Ông Hoàng đĩa nhựa, tôi làm sao cho không hổ danh ba mình. Giữa tên Ông Hoàng là ba, tôi ráng theo sao cho khán giả cho tôi câu Hoàng Tử đĩa mũ hay sành, như vậy là tôi vui. Khán giả phong tặng rất quý, giữ mãi, không gây gổ, trách móc ai.

Ở bên lĩnh vực hài, cải lương khi Tết đến có những kiêng cử gì không?

Ngày xưa có kiêng cử bây giờ không còn. Như vào đoàn hát không ăn mía, đem trái thị, những điều đó truyền lại sau này cho những người đi theo nghề. Tôi biết hiểu nhưng từ đầu có cái đó không biết nguồn gốc. Lúc Ông Tổ còn sống nghệ sĩ nào còn sống với Ông đâu mà biết nên đó là truyền lại của những cô bác ngày xưa truyền tới bây giờ. Những con cháu đi theo con đường nghệ thuật biết, truyền lại cho các em nhỏ. Có khi các em nhỏ không biết, dựng lên chút, tô lên vẽ vời thành sai. Ngày xưa đem trái thị vào thơm, Ông Tổ đi theo bỏ anh em, có Ông Tổ phù hộ cho anh em, kéo khán giả đông. Ăn mía là anh em trong nội bộ sống chung một đoàn hát phải thương yêu lẫn nhau, đem cây mía anh em sẽ bị khuất mắt, thành kiến không hay. Khi diễn một tuồng, thành kiến với nhau sao diễn hết nội tâm cho khán giả xem được, tôi nhớ những điều đó. Mấy ngày Tết cúng nhà cửa, đất đai, cúng cho thuận buồm xuôi gió. Ngày Tết không cúng Ông Tổ, chỉ tới chỗ đó vái, thắp nhang. Ngày cúng Tổ là ngày 12/8, ngày Tết của Tổ. Ngày cúng giỗ gặp mặt nhau như ngày xuân của Tổ, ngày Tết không ai cúng gì, chỉ cúng nhà cửa rồi đi hát.

Anh có thấy hai năm vừa rồi nghệ sĩ có rất nhiều nghệ sĩ ra đi. Anh có buồn không khi chứng kiến những người cùng trang lứa với mình, tiền bối đi trước hào quang rực rỡ nhưng lúc ra đi thậm chí có những nghệ sĩ không tạo được gì cho gia đình, đi còn phải nhờ bạn bè xung quanh giúp đỡ mới có được một đám tang tươm tất?

Thời điểm đó tôi rất đau, không biết nói sao cho vừa, rất buồn. Những người đồng nghiệp, những người thâm tình với tôi. Toàn anh em trong nghề, dù sao cũng đứng trên sân khấu đã gặp gỡ, biết nhau. Khi nằm xuống tôi không đến thắp được cây nhang, trong lòng ngủ không yên vì tình cảm của nghệ sĩ rất gắn bó, thân thiện. Khi nghệ sĩ xảy ra chuyện gì anh em cùng chung tay giúp đỡ. Ngay mùa dịch mình giúp không được, không thắp được cây nhang để tiễn bạn đi về nơi chín suối. Lương tâm của một con người nghệ sĩ rất áy náy, xảy ra nhiều chuyện buồn làm sao vui. Không có đầu óc suy nghĩ kịch bản mới, lúc đó không nghĩ cho tương lai. Trước mắt thấy chuyện buồn, bắt đầu tới hậu sự, không biết chấm dứt lúc nào. Con người rất bấp bênh, ăn ngủ không ngon, ăn để sống, không vui vẻ gì. Qua giai đoạn đó tôi nghĩ mình nên sống thật, thương yêu nhau, gần gũi hơn, đừng nghĩ ta là ai, tất cả nằm xuống như cát bụi, khi còn sống hãy trân trọng nhau, sống với nhau hết tình, đều đó tốt nhất.

Năm mới anh mong muốn điều gì nhất?

Tôi mong bà con sẽ trở lại cuộc sống bình thường, tăng gia sản xuất, các nhà doanh nghiệp phát lên y như những năm chưa có Covid. Bà con sống một cuộc sống ấm no, tiền vào đều đều. Nghệ thuật sẽ trở lại với khán giả, khán giả sẽ đến với sân khấu, lĩnh vực nghệ thuật như ngày xưa để gần gũi với nhau và có được cuộc sống vui vẻ. Một ngày chúng ta có thể làm việc, lao động mệt nhọc nên đến với sân khấu vui vẻ với những chương trình hài. Tôi chỉ muốn một cuộc sống rất vui vẻ, sức khỏe dồi dào, tôi bây giờ không biết ước gì. Chúc quý vị năm Quý Mão tất cả sẽ thành công, mọi buồn phiền sẽ qua hết, chúng ta sẽ tìm lại những gì vui vẻ và gần gũi hơn trong Xuân năm nay. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình, làm tới đâu hay tới đó, đem tới quý vị những nụ cười sảng khoái và rất tâm lý, tế nhị.

Cảm ơn Tấn Beo về buổi trò chuyện này!

Bài, ảnh và clip: Bảo Quỳnh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới