Chào Trịnh Kim Chi, mới đây, chị đứng ra kêu gọi, sửa chữa cho Chùa Nghệ sĩ hay họ tự phát động?
Tôi không đứng ra kêu gọi, chủ yếu mọi người phát tâm, cảm thấy có trách nhiệm với chùa thì họ đóng góp. Được bao nhiêu hay bấy nhiêu vì hiện tại quỹ của chùa không được bao nhiêu nên tôi cũng để phần nào đó cho chùa khi cần thiết để sử dụng. Bây giờ mà đổi và hết việc sửa chữa thì chùa không còn gì hết nên tốt nhất ai phát tâm đóng góp vào thì tôi nhận. Hiện tại chùa đã khang trang hơn rất nhiều. Gần Tết sẽ trang trí nhiều hơn như người làm hoa, đem đồ chay cúng cho chùa, trang trí hết cho chùa tất cả những cái đó đều do mọi người phát tâm.
Chị có chung tay với nghệ sĩ nào nữa không?
Tôi xin được mấy nghệ sĩ, cũng không nhiều vì tôi cũng không muốn kêu gọi. Ai tôi cảm thấy có lòng tôi sẽ ngỏ lời. Hiện tại có Đại Nghĩa, Lý Hương và các bà chị của tôi cùng gia đình tôi. Kỳ trước Hoà Hiệp - Bá Thắng có làm chương trình ra mắt album, đấu giá gây quỹ từ thiện, trong quỹ đó cũng trích ra 30 triệu để sửa chữa chùa. Bên nhà thầu họ cũng chỉ lấy tiền vật liệu, còn tiền công họ giảm cho chúng tôi rất nhiều nên cũng đỡ. Tôi kêu gọi cũng khoảng một trăm ba mấy triệu và tôi cũng sẽ công bố rõ ràng cho mọi người biết.
Năm nay chùa có hoạt động gì không?
Ngày 20 tức 11/11 tôi phát quà cho mọi người ở trên chùa, ở đây nếu có đủ kinh phí tôi sẽ có quà cho ở đây. Năm nào cũng vậy, cứ đến gần tết bên ban cán hữu sẽ có khoảng 200 phần quà cho nghệ sĩ già, năm nay tôi cũng xin được tài trợ của công ty để làm quà cho các nghệ sĩ, nhân viên các đoàn. Có những cô chú làm nhân viên hậu đoàn từ ngày xưa, năm nào các cô chú cũng nhận được phần quá.
Ở đây có mộ phần của anh Lê Công Tuấn Anh, bạn thân của chị đúng không?
Lúc nào vào tôi cũng ghé thăm anh ấy, cả anh Lê Hữu Cầu, Lê Đức Hòa, những người đó ngày xưa tôi diễn cuhung, tình cảm từ rất lâu, cúng giỗ anh em cũng tụ tập về đây làm đám giỗ cũng cỡ 5 - 6 bàn, anh chị em rất nhớ những nhân vật đó.
Anh Lê Công Tuấn Anh mất lúc còn trẻ phải không?
Lúc anh ấy mới hai mươi chín tuổi. Lúc anh mất đoàn đang ở Gia Lai, mọi người phải gọi đoàn chạy về.
Các nghệ sĩ trẻ có những đóng góp gì không?
Mấy lứa học trò bên trường rảnh là chạy lên thắp nhang thường xuyên. Lúc nào cũng có người trực sáng, chiều, sắp tới Tết phải có người trực thứ bảy, chủ nhật. Bình thường thứ bảy, chủ nhật không có người trực nhưng gần Tết mọi người lên thắp nhang liên tục nên phải bố trí người trực.
Năm nay có nhiều sân khấu kịch khai trương, chị có nghĩ đây là sự hồi sinh của các sân khấu kịch không?
Tôi về bên hội sân khấu cảm thấy rất vui khi nghe tin các sân khấu bắt đầu khai trương và hoạt động trong năm mới. Đây cũng là dấu hiệu sân khấu có sự khởi sắc và anh chị em nghệ sĩ được ngồi lại làm việc một cách hăng say. Có hai ba sân khấu đang tiến hành tập, những sân khấu có sẵn họ cũng tập những vở Tết, mùa Tết rất phát triển của sân khấu kịch thành phố. Hiện tại bây giờ các sân khấu đang rục rịch tập vở Tết, một hai sân khấu mới có những vở mới. Năm ngoái mọi người thấy tư tưởng, dự định của sân khấu hơi tối tăm một xíu nhưng năm nay khởi sắc rất nhiều. Tôi rất hy vọng qua năm sau sân khấu sẽ được hồi sinh và phát triển mạnh mẽ hơn và khán giả sẽ quay trở lại đến với sân khấu nhiều hơn.
Việc nhiều sân khấu cùng một lúc trở lại sẽ dẫn đến việc có sự cạnh tranh. Chị nghĩ như thế nào về điều đó?
Trong kinh doanh bao giờ cũng có sự cạnh tranh. Với sự cạnh tranh này tôi nghĩ các sân khấu sẽ có những tác phẩm càng ngày càng hay hơn vì chỗ nào khang trang, lịch sự, có kịch bản hay, tốt khán giả sẽ đến. Sân khấu nào cảm thấy mình chưa được những điều đó, phải tự cải thiện nội dung kịch bản dàn dựng của mình nhiều hơn. Tôi nghĩ sự cạnh tranh lúc nào cũng có, trong việc làm nghệ thuật cũng vậy. Phải nhìn xa hơn nghệ thuật mới phát triển được, cứ dậm chân tại chỗ sẽ không có khả giải. Về sản xuất, dàn dựng, đầu tư phải phát triển người ta mới tới. Như hồi xưa một vé chỉ khoảng một trăm ngàn, bây giờ vé đã lên hai trăm ngàn nó sẽ cân xứng với sự đầu tư của vở diễn đó và khán giả chấp nhận đi vào với số tiền đó để xem vì người ta cảm thấy cái sân khấu này đầu tư như vậy tiền vé hai trăm ngàn là đúng. Tôi nghĩ trong sự cạnh tranh của sự phát triển nên tôi nghĩ các sân khấu nên đầu tư vào chương trình của mình. Đó là một cái phát triển của nền sân khấu.
Hiện giờ công việc của chị với công việc xã hội nhiều, chị chuẩn bị cho Tết này như thế nào?
Tết này tôi chưa chuẩn bị gì cho nhà. Tôi quay phim đến 28 Tết mới xong, chưa chắc đã xong nếu chưa xong qua Tết phải quay tiếp. Tôi tranh thủ chuẩn bị cũng nhanh.
Mọi năm cả nhà chị gói bánh chưng, năm nay có làm không?
Bận đến mấy cũng phải tranh thủ làm.
Lý do gì để chị theo đuổi công việc gói bánh chưng vất vả như vậy?
Tôi thấy Tết chỉ có vui với ý nghĩa ở những ngày chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, nấu bánh chưng, cúng kiến, dọn dẹp bàn thờ. Sau một năm làm tất cả mọi cái đều mới mẻ và theo kiểu truyền thống nên cứ phải làm. Có những năm bận quá bảo năm nay không gói nhưng cuối cùng cũng phải gói bánh vì tôi thích không khí đó và mấy đứa nhỏ thích vì thường mỗi lần làm bánh chưng, bà con, hàng xóm, bạn bè, ban ngày phụ gói, buổi tối quây quần xung quanh nồi bánh chưng tám chuyện. Không khí đó là không khí Tết, qua ngày ba mươi mùng một là ai đi thăm nhà người đó, không có không khí sum vầy gặp gỡ nhau. Khi gói bánh chưng phải chuẩn bị trước cả tuần lễ, nồi niêu, xoong chảo, gạo, thịt, chỗ nấu, rất rộn ràng không khí vui vẻ.
Năm nay là năm đầu tiên mẹ chị mất phải không? Có rất nhiều người đặc biệt là miền Bắc muốn gìn giữ nét truyền thống, văn hóa. Chị có như vậy không hay chỉ đơn giản gia đình sum vầy thôi?
Vừa rồi mới cúng giỗ của mẹ tôi. Truyền thống Tết nhà tôi có từ lúc bà ngoại tới mẹ tôi tới các chị em tôi. Lúc mẹ tôi còn sống, năm nào mẹ cũng gói bánh. Sau này tôi lớn mới tập gói cùng với các chị. Lúc mẹ tôi ốm bệnh, bà chỉ ngồi, chúng tôi gói thay bà. Đến khi bà mất như năm ngoái là năm đầu tiên không có bà ngồi chứng kiến con cháu sum vầy. Tôi cảm thấy hơi tủi, nao nao, nhớ hình ảnh ngày xưa của bà. Đó là một trong những kỷ niệm khó quên của Tết năm ngoái, Tết đầu tiên không có mẹ tôi. Truyền thống này gia đình sẽ giữ suốt để năm nào cũng có không khí vây quần. Đây không chỉ là truyền thống của gia đình tôi, có rất nhiều gia đình người ta vẫn giữ nét truyền thống này.
Ông xã chị có thích truyền thống này không?
Lúc mẹ tôi mệt cách đây năm năm đã không làm, ông xã tôi bắt đầu ngồi gói vì thấy tôi cực nên ông xã nhào vào phụ. Bây giờ anh ấy như gói chính vì sức tay mạnh anh ấy sẽ làm bánh chặt hơn. Tôi cứ gói xong đưa quanh anh ấy buộc dây hoặc anh ấy làm hết các công đoạn như đưa bánh vào trong nồi,... như nhân vật chính.
Nhiều gia đình có quan điểm Tết sẽ ở nhà với nhau đón tiếp khách. Hiện giờ có nhiều gia đình trẻ hoặc gia đình lớn tuổi hơn có xu hướng đi du lịch vào ngày Tết. Gia đình chị hiện giờ sẽ theo xu hướng nào?
Tôi chỉ ở nhà vì thực ra một năm đi làm nhiều, ông xã tôi cũng tất bật với công ty, tôi đi công tác trong hội sân khấu rất nhiều. Thời gian sum vầy với gia đình, thăm người thân rất hiếm nên tôi tranh thủ Tết ở nhà đi thăm người thân. Du lịch để sau Tết, nếu như sau Tết bận quá sẽ hẹn tiếp vào hè. Tết tôi thích ở nhà, quê hương mình hơn đi du lịch.
Gia đình chị có truyền thống như mỗi một vùng sẽ thay phiên nhau mời cơm, mọi người sẽ đến từng nhà ăn cơm không?
Như mùng một tôi đi chùa, tôi cứ đi mười điểm chùa trong ngày mùng một. Chiều tối mọi người sẽ ghé qua nhà tôi tổ chức ăn uống. Ngày hôm sau qua nhà chị hai, hôm sau nữa qua nhà chị ba, chị tư, thay phiên nhau. Cứ qua nhà người nào lại có bà con đến nhà người đó nên không khí cứ vui suốt ba mùng. Qua ngày mùng bốn tôi tiếp khách ở nhà mình.
Không khí thì vui nhưng đối với phụ nữ phải nấu nướng, lo toan trong ngày tết có bị vất vả không?
Hơi vất vả vì Tết chị giúp việc không ở đây nên hầu như tất cả mọi thứ mẹ con tôi làm hết, làm chính là tôi. Tôi không chừa ngày nào không cúng, theo truyền thống gia đình tôi ba mươi đón ông bà về, tối cúng giao thừa, sáng mùng một cúng, mùng hai, ba cúng để đưa ông bà đi, tất cả đều đầy đủ. Lúc nào tôi cũng làm một mâm cơm thịnh soạn để cúng nên thường sáng sớm ba mùng tôi phải dậy sớm để nấu. Như người ta nói buổi sáng nấu bao giờ cũng sáng sủa, mát mẻ nên tôi cố gắng làm sao cúng sớm. Tôi phải là người dậy sớm nấu đầy đủ tất cả các món, lúc nào cũng phải đầy đủ ba bữa cơm cho ba mùng.
Vậy ngày thường chị đã nhiều việc, ngày Tết chị vất vả hơn phải không?
Ngày thường vất vả chuyện của tôi ngày Tết vất vả cho gia đình cũng không sao. Công việc nấu nướng tôi cũng thích, không phải tôi làm biếng. Như tôi nấu một món cả nhà ăn ngon sẽ cảm thấy vui. Những ngày thường tôi đã vất vả với công việc của mình rồi nên bây giờ Tết tôi chịu khó làm cho gia đình. Tôi rất tâm linh, cái gì cũng phải cúng tử tế nên tôi rất chịu khó trong việc trang trí bàn thờ, cúng gia tiên rất cẩn thật ngay cả việc cơm nước tôi cũng rất chi tiết.
Trước giờ chị có làm dâu chưa?
Tôi làm dâu cũng hai năm nhưng tôi cũng được cưng lắm. Tôi chỉ phụ vì bên nhà chồng tôi cũng đông người. Tôi xuống nhặt rau hoặc nấu món gì đó thỉnh thoảng đãi cả nhà ăn.
Bây giờ con chị cũng lớn, chị có ý định đào tạo bé tiếp tục nối nghiệp mẹ trong việc nội trợ không?
Bây giờ mấy bạn nhỏ có điều kiện, có người giúp việc nên đôi khi lơ là trong chuyện nội trợ. Như con tôi cách đây khoảng ba năm không biết gọt trái cây như nào, tôi cứ bắt phải ngồi gọt trái cây, thay vì đưa cô giúp việc gọt bé phải gọt cho tôi ăn. Tôi thông cảm vì bé phải đi học, về học bài nên tôi không ép nhưng tất cả con gái phải tập nội trợ. Tôi không nghĩ trong xã hội hiện tại có người này người kia phụ, mình không cần biết những cái đó nhưng những cái đó rất quan trọng nhất là con tôi lại là con gái. Lớn lên lại lấy chồng, tề gia nội trợ, biết đâu được lúc đó không có người phụ. Mặc dù bé không giỏi nhưng phải biết nấu ăn, không cần thiết phải học những món đặc biệt nhưng những món đơn giản như đặt nồi cơm, nấu một tô canh, xào rau cũng phải biết một chút. Nếu như không biết gì đó là thiệt thòi về sau này của bé. Tôi cũng nhìn thấy nhiều gia đình khi lấy chồng không biết làm gì, có những người đến khi lấy chồng không biết đặt nồi cơm như thế nào, đó là cái thiệt thòi cho bạn đó. Tôi không muốn con mình như vậy, nên bây giờ tất cả mọi cái tôi đều hướng bé theo hướng có trách nhiệm với gia đình.
Bé có tiếp nhận điều đó dễ dàng không?
Cũng ổn, tôi không ép. Quan điểm của tôi bé làm gì bé tự nguyện, tôi chỉ nhắc nhở như thấy mâm cơm thiếu chén, nước phải tự động đứng lên hỏi ba mẹ uống gì, đi lấy hoặc như nhà có cô giúp việc, ăn xong phải tự đứng lên phụ với cô dọn xuống. Những cái đó tôi phải nhắc nhở làm như một thói quen. Khi đi qua nhà người khác bé tự động đứng lên phụ dọn với mọi người. Nhiều người không dạy con mình, đi cứ ngồi một chỗ ăn xong ngồi một chỗ cầm điện thoại. Tôi không muốn như vậy, đó là tính về sau này bé sẽ thụ động. Những cái đó rất quan trọng cho người phụ nữ, tôi bao giờ cũng nhắc nhở và từ đó trở thành thói quen.
Hai bé con chị có khoảng cách tuổi rất xa, hai bé có tị nạnh với nhau không?
Vì cách xa nên chị rất chiều em. Cách đây khoảng sáu bảy năm em ăn hiếp chị lắm nhưng bây giờ tình thương mến thương. Chị chiều theo kiểu em phải nghe lời chị mới được như thế này, thế kia. Bây giờ chị đi về phải ôm hôn em cho bằng được, em thấy chị một cái phải chạy ra mừng. Ngày xưa bé lớn mới lớn, bé nhỏ còn quá nhỏ nên sẽ hơi không hợp nhau, không chơi với nhau. Bây giờ bé nhỏ bảy tuổi, bé lớn đã hai mươi tuổi chững chạc thấy có trách nhiệm phải trông em, cho em đi chơi hoặc mua sắm cho em, đi học ghé vào siêu thị mua cho em kẹo bánh.
Bây giờ bé lớn hai mươi tuổi, anh chị bắt đầu lo lắng vấn đề ban trai, bao giờ kết hôn chưa?
Không lo lắng vì thực tế suy nghĩ của bé làm tôi yên tâm, chín chắn, biết trước biết sau, biết cân nhắc tất cả mọi thứ, không có kiểu như có sau sống vậy. Bé nói phải học hết đại học mới yêu đương, bây giờ nếu yêu vào không có tập trung được. Tôi nói cái gì đến là duyên số, đừng nói trước cái gì. Biết đâu một ngày nào đó bé gặp được người nào đó hợp, không cưỡng lại được. Hiện tại chưa gặp được đối tượng nên mạnh miệng nói vậy nhưng về sau nếu mà gặp khó mà điều khiển được tình cảm của mình. Bây giờ chưa có thì cứ lo việc học, có rồi thì mình biết điều tiết cảm xúc với việc học của mình sẽ tốt hơn.
Trên mạng xã hội người ta sẽ thấy hình ảnh của chị hiện giờ rất viên mãn, được ông xã cưng chiều, đôi khi khoe vài món quà giá trị. Nhưng thực sự có điều gì chị cảm thấy chưa hài lòng ở cuộc sống hiện tại không?
Quan niệm của tôi cuộc sống như vậy là viên mãn, khá đầy đủ về tinh thần, vật chất, hạnh phúc gia đình. Tính tôi từ nào giờ đã vậy, tôi không đòi hỏi phải có cái này, cái kia. Chắc do tôi nghĩ đơn giản nên ông trời thương. Cái gì tôi đã có tôi sẽ không đòi thêm, nhiêu đó là đủ, có hơn nữa cũng tốt không có cũng được. Cuộc sống của tôi khá đơn giản, tôi có ăn có uống, cuộc sống hạnh phúc như thế cảm thấy tốt.
Được ông xã tặng quà chắc chị thích lắm phải không?
Thích chứ. Ông xã tôi rất sâu sắc, anh ấy không phải người lãng mạn theo kiểu đến ngày nào đó sẽ tặng hoa nhưng anh ấy biết được tôi và cuộc sống đang cần gì. Như tôi cần xe sẽ mua xe mới cho tôi, hiện đại, phục vụ cho công việc tốt, an toàn hơn. Tôi nghĩ đơn giản anh ấy rất thực tế và biết được thời điểm ấy tôi cần cái gì.
Chị có gợi ý cho ông xã không?
Từ nào giờ tôi không có gợi ý gì cả. Như ông xã tôi tự biết đến thời gian xe cần đổi hoặc thậm chí đi về tôi còn không để ý xe dơ, anh ấy ra rửa xe cho tôi để kịp đi ra ngoài. Tôi ngồi trên xe anh ấy hỏi tôi có biết hôm nay xe có gì mới không, tôi nói không biết, mới là mới rửa xe xong. Có những cái tôi không để ý lắm, chủ yếu công việc và cuộc sống. Ông xã tôi hơi chi tiết như để ý tôi, con cái cần cái gì như con hết tiền không dám xin, ba tự biết cho tiền đi học. Con tôi được cái cũng tiết kiệm, không dám xài tiền hoang phí, tôi dạy bé đồng tiền ba mẹ kiếm ra không phải dễ dàng rất vất vả nên các bé ý thức được điều đó.
Anh chị đã lấy nhau được hơn hai mươi năm. Ở thời điểm này và lúc mới cưới nhau, chị cảm thấy thời điểm nào là viên mãn nhất?
Tôi thấy lúc nào cũng hạnh phúc. Nói mọi người không tin, cuộc sống của tôi lúc nào cũng nhẹ nhàng, không có những biến cố. Chỉ duy nhất năm đó gặp nhiều thị phi từ trên trời rơi xuống, năm đó là năm tôi gặp ba đám tang, một năm khủng khiếp nhất với tôi. Nhưng đó chỉ là khách quan, cuộc sống gia đình lúc nào cũng ổn. Như tôi gặp biến cố, gia đình là nơi tôi cảm thấy được an ủi nhiều nhất. Tôi cân bằng được cú sốc của mình nhờ ông xã tôi khuyên, chăm sóc, lo lắng cho tôi, các con chia sẻ với tôi, tự nhiên tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn về suy nghĩ. Như mỗi khi bị stress tôi hay đi vòng vòng mua sắm để giảm bớt căng thẳng. Nhưng vào năm đó di đâu cũng áp lực, chỉ ở nhà, thỉnh thoảng đi từ thiện. Những cái đó cũng giảm stress cho mình rất nhiều và quan trọng hơn là cư xử ở trong nhà của vợ chồng con, rất thông cảm chia sẻ với tôi.
Có rất nhiều ông chồng chọn cách lên tiếng để bảo vệ vợ mình trước thị phi. Nhưng ở thời điểm đó ông xã chị không lên tiếng gì nhưng anh ấy sẽ động viên, ở bên cạnh chia sẻ chị phải không?
Anh ấy nói tôi hãy im lặng vì đã biết cục diện như vậy, càng nói càng bung bét, tốt nhất nên im lặng từ từ mọi người sẽ hiểu vì tôi không làm gì có lỗi. Đừng để cho một số người lợi dụng tiếng nói của mình để làm lớn chuyện hơn không giải quyết được gì. Có khi tôi bảo để tôi lên nói cái gì đấy nhưng anh ấy bảo không, tốt nhất đừng nói gì hết. Có một hai lần tôi chia sẻ những thông tin không đúng về mình rất nhẹ nhàng, không có gi gay gắt. Nhưng anh ấy không muốn tôi dính vào chuyện đó, từ từ để quên đi, càng nói tâm mình càng không yên được, càng lún sâu trong đó.
Chị có nghĩ rằng những thị phi đó là "vết dơ" trong sự nghiệp sân khấu của mình không ?
Tôi nghĩ đó là một biến cố trong cuộc đời. Trong cuộc sống không khi nào bằng phẳng, bình yên mãi quá sung sướng. Phải có những cái đó mình mới vượt qua để khẳng định mình, tốt nhất mình nên nghĩ nhẹ nhàng. Như bây giờ tôi sống bình yên vì tất cả mọi việc đã qua. Tôi cảm thấy mình đã chiến thắng bản thân mình.
Chị có nghĩ những chịu đựng đó hoặc những tai bay vạ gió nó vô lý không?
Nó làm tổn thương tôi nhiều lắm. Người ta nhìn vào giới showbiz một ánh mắt khác hẳn nên đó không phải tổn thương riêng tôi mà nó còn tổn thương của những người làm nghệ thuật. Nhưng dù sao cái đó như một biến cố tôi đã vượt qua được nên tốt nhất mình quên đi, không muốn nghĩ tới nữa.
Thực tế đến thời điểm hiện tại, mỗi lần chị hay những anh chị khác xuất hiện trên mạng xã hội có những cái bình luận tiêu cực nhắc lại chuyện cũ đó. Chị có bao giờ vô tình đọc qua chưa, khi đọc qua phản ứng của chị như thế nào?
Tôi đọc nhiều quá nên quen rồi, nó không ảnh hưởng gì đến tôi vì tôi sống như thế nào mọi người điều hiểu hết. Đó chỉ là một hai cái đi ngang qua cuộc đời tôi, không quan trọng gì. Chủ yêu bây giờ tôi sống như thế nào để cảm thấy mình đang sống tốt. Ngày xưa ông xã tôi bảo tôi đừng đọc mấy cái đó, tôi nói đúng rồi không đọc vì càng đọc càng cảm thấy phải vướng vào trong vòng luẩn quẩn. Tốt nhất không nên quan tâm nhưng chuyện đó, không được và sống làm sao để cảm thấy mình ổn.
Cảm ơn Trịnh Kim Chi về buổi trò chuyện này!