Không tự nhiên NSƯT Hà Thuỷ, vốn luôn đứng phía sau hậu trường, mà “tiếng lành” của một người thầy giỏi, một chuyên gia khó tính lại vang xa trong làng nhạc Việt như vậy.
Những học trò làm nên thương hiệu “phù thuỷ” của Hà Thuỷ có thể kể đến: Hồ Quỳnh Hương, Phương Anh, Ngọc Dung, Liên Hương, Phương Thảo, Hoàng Nghiệp, Thái Thùy Linh, Ngọc Anh, Ngọc Khuê, Minh Chuyên, Khánh Ly, H'Zina Bya, Văn Mai Hương, Hoàng Quyên…
Vẻ đẹp sắc sảo, nghiêm nghị của NSƯT Hà Thuỷ.
Không dám tự nhận là "cao nhân"
- Chị nghĩ gì về danh hiệu "Bà đỡ của ngôi sao ca nhạc" mà dư luận đặt cho mình?
Với tôi, khi được mọi người tin tưởng như vậy, thực sự là một hạnh phúc lớn trong sự nghiệp giảng dạy.
Có lẽ mình cũng mát tay đào tạo được nhiều học sinh thành đạt. Nhiều em đã có tên trong lòng người hâm mộ. Vì vậy mà tôi được giới chuyên môn và đồng nghiệp ghi nhận.
Tuy nhiên, sự tin tưởng đó cũng là áp lực để tôi luôn luôn phải nỗ lực học hỏi và sáng tạo không ngừng để tiếp tục có những sản phẩm giữ chữ "Tín" cho thương hiệu mà đồng nghiệp đã tin tưởng.
- Việc ca sĩ đi học thanh nhạc không có gì lạ. Nhưng chỉ Hà Thuỷ mới có học trò gồm toàn vocalist giỏi nghề. Là "danh sư xuất cao đồ" hay một sự trùng hợp thú vị?
(Cười) Tôi không dám nhận mình cao nhân như vậy. Những sản phẩm chất lượng là cả một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, hết mình của thầy và trò.
Tôi là người rất yêu nghề, tâm huyết, luôn cầu thị, ham học hỏi và thích sáng tạo. Khi gặp những học trò có ước mơ hoài bão, có ý chí vươn lên vượt qua bản thân, sự tương tác đó sẽ giúp tôi có nhiều ý tưởng để xây dựng kế hoạch và chiến lược cho người học.
Khi các em đã đi đúng quỹ đạo rồi thì trong quá trình đào tạo ca sĩ, việc cử em nào đi thi ở chương trình nào cho phù hợp, chọn phong cách hát, chọn bài hát là cả một chiến thuật. Quan trọng nhất là người thầy phải nắm được chất giọng, style của học trò để tư vấn, định hướng chuẩn cho người học. Khi đã xác định đúng giọng hát, người thầy sẽ dễ dàng đưa phương pháp kỹ thuật nào cho phù hợp với từng loại giọng.
Nói cho cùng, kỹ thuật nào rồi cũng để hát hay. Kỹ thuật không sai khi người thầy biết áp dụng đúng cho từng style. Còn nếu chỉ dạy những gì mình có thì không thể có sản phẩm như mong muốn.
Lao động nghệ thuật vất vả lắm, yếu tố may mắn chỉ là hy hữu thôi.
- Nghệ sĩ, với cái tôi rực rỡ, có bao giờ "bật" chị?
Dạy thanh nhạc cho những người bình thường không cần đòi hỏi cao, không cần phải hát quá khó, quá tinh tế mà cần sự vừa sức, dễ hiểu, dễ hát. Còn dạy các ca sĩ chuyên nghiệp, đặc biệt là các ca sĩ đã nổi tiếng, thì khó hơn nhiều.
Người thầy phải nghiên cứu các mẫu âm phù hợp để củng cố giọng hát sau một thời gian bị rơi vãi và bị bào mòn do biểu diễn nhiều. Từ đó nâng cấp cao hơn.
Dạy ca sĩ chuyên nghiệp cần đòi hỏi khắt khe trong cả kỹ thuật hát và xử lý tác phẩm, đặc biệt là sự sáng tạo. Vì khi các ca sĩ đã làm nên tên tuổi mình, làm nên cái tôi rực rỡ trước công chúng thì họ cũng bị áp lực và muốn học để đạt được những thành công cao hơn.
Cũng có những giáo viên chưa thực sự tâm huyết với nghề, dạy những gì mình có, thậm chí bảo thủ, áp đặt đối với học trò. Không tư vấn hay định hướng cho học trò đi đúng sẽ gây ra những tâm lý căng thẳng, ức chế khi phải lên lớp, học đối phó và bế tắc. Có những em tỏ thái độ ứng xử “bật” lại giáo viên mang tính tiêu cực.
NSƯT Hà Thuỷ luôn tự hào về trò cưng Hồ Quỳnh Hương.
Dạy Hồ Quỳnh Hương "khó mà không khó"
- Với những trường hợp đã vững chuyên môn nhưng vẫn học thêm để nâng cao trình độ, như Hồ Quỳnh Hương, chị xử lý thế nào?
Khó vì Hương đã là ca sĩ của công chúng, đã thành công với nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế, đã ra nhiều sản phẩm âm nhạc và liveshow lớn. Vậy phải có một chương trình như thế nào để vừa củng cố kiến thức vừa nâng cấp âm nhạc lên tầm cao hơn, chất lượng hơn.
Nhưng cũng không khó vì thầy trò đã quá hiểu nhau. Tôi dạy Hương từ những ngày chập chững, biết rõ tính cách, ước mơ, khát khao và sự nổi loạn trong nghệ thuật, nên khi làm việc chúng tôi rất hợp nhau, cùng đưa ra những ý tưởng hay hoặc những sáng tạo mới.
Kết quả là tôi đã dàn dựng chương trình tốt nghiệp đại học của Hương như một liveshow với không gian nghệ thuật sang trọng, kỹ thuật cao mà vẫn không kém phần hấp dẫn.
- Hương Tràm là học trò như thế nào trong chị?
Hương Tràm là cô bé rất thông minh, có năng khiếu tốt, được thừa hưởng chất giọng đẹp của con nhà nòi. Tràm còn có tuổi trẻ căng tràn, nội lực mạnh mẽ và cảm xúc ngập tràn. Những yếu tố thuận lợi cộng với sự say mê khát khao âm nhạc, chương trình The Voice với một ekip rất bài bản, chuyên nghiệp đã chắp cánh cho Hương Tràm nhanh chóng khẳng định vị trí quán quân.
Hương Tràm còn là một cô bé rất cá tính, táo bạo và nổi loạn. Tính cạnh tranh trong em ấy cao, luôn tạo áp lực với chính sản phẩm âm nhạc của mình để có chất lượng tốt hơn. Chính vì vậy những bản Pop được Tràm thể hiện đều là hit với nhiều lứa tuổi.
Trong cuộc sống, Hương Tràm là người có cá tính mạnh và thẳng thắn. Tôi lại rất thích những học trò có cá tính như vậy nên khi làm việc với em, thầy trò rất ăn ý, tìm ra con đường tốt nhất để Hương Tràm vẫn đi show mà không ảnh hưởng quá nhiều tới chương trình học.
Không chỉ Hương Tràm mà có một số ca sĩ trẻ thành công sớm đã không tránh khỏi sự choáng ngợp trước huy hoàng của bản thân và sự công kênh của công chúng. Vì tuổi trẻ bồng bột, thiếu kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử, họ sẽ dễ bị mắc lỗi trong những quan điểm mang cái tôi lớn, những phát ngôn gây sốc dư luận.
- Tôi biết thực tế có một số ca sĩ bận chạy show nên chỉ đi học "lấy hương lấy hoa". Học trò của chị có rơi vào trường hợp này?
Đây là vấn đề đang xảy ra ở các trường âm nhạc và với học trò tôi cũng cũng vậy.
Một số bạn trong thời gian học đã đi thi các chương trình truyền hình thực tế ngay sau khi bước ra là lịch show đã kín mít. Có những bạn đã là biên chế của các đoàn gửi đi học nên khi đoàn cần tham gia chương trình vẫn phải về. Có những bạn vì cuộc sống mưu sinh phải đi hát đơn lẻ để tự lập… Vậy việc của tôi là làm sao để các em vẫn theo kịp được chương trình học của nhà trường mà không mất đi cơ hội.
Thầy trò phải thống nhất được với nhau xem cái gì nên hay không nên tham gia. Nếu học khoá chính quy, ca sĩ không chỉ học mỗi chuyên môn mà còn cả khối kiến thức cơ bản bổ trợ cho một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
- Nếu vì áp dụng chế tài khi dạy một ngôi sao đông fan, như Sơn Tùng chẳng hạn, mà bị đám đông công kích, chị có mềm mỏng hơn?
Chẳng có đám đông nào công kích được cả. Đi học là quyền lợi và tự nguyện của ca sĩ. Không có bất cứ chế tài nào bắt buộc người học cả. Nếu Sơn Tùng thấy việc đi học thực sự có ý nghĩa cho sự nghiệp sáng tác và biểu diễn của mình, bạn ấy sẽ tự sắp xếp được thời gian ưu tiên cho việc đó và tất nhiên fan của bạn ấy còn ủng hộ nữa chứ.
- Gặp trường hợp ca sĩ yếu về bẩm sinh lẫn học thuật - như Chi Pu - đến xin học, chị có tự tin làm "vịt hoá thiên nga"?
Ồ, tôi không phải là phù thuỷ có cây đũa thần biết biến hoá đâu. Nếu Chi Pu xin học tôi thì chúng tôi phải ngồi với nhau. Tôi sẽ lắng nghe mục đích và mong muốn của bạn ấy.
Nếu Chi Pu thực sự muốn trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp thì tôi phải nghe bạn ấy hát, phải tư vấn những thuận lợi và hạn chế để trong quá trình học sẽ tháo gỡ từng hạn chế ấy. Chí ít Chi Pu sẽ không hát bản năng để bị nhiều ý kiến công kích.