SAO » Chuyện làng sao

Ca sĩ Mỹ Linh: "Làm gì có động lực để mà ra đĩa"

Thứ hai, 07/03/2011 14:02

“Không ai cho chúng tôi tiền để làm đĩa, chúng tôi cũng chẳng mong được sống sang trọng từ tiền bán đĩa, chỉ mong làm sao thu được chút ít để tái đầu tư. Nhưng mong muốn này cũng chẳng được..."

"... Thành ra mọi người cứ thắc mắc, tại sao không ra đĩa? Làm gì có động lực để mà ra! Nếu có ra album cũng là bởi còn chút lòng yêu nghề mà thôi”

Mỹ Linh đã nói như thế khi trả lời trước những thắc mắc về sự “im lặng” trên thị trường ca nhạc thời gian gần đây, ca sĩ Mỹ Linh bày tỏ.

 

 

* My Linh’s Acoustic, dự án được chị nhắc đến trong suốt ba năm qua, giờ mới chuẩn bị ra mắt. Chị có quá kỹ tính không khi phải tốn bằng đấy thời gian cho một album?

- Đúng là dự án này tôi bắt đầu làm ba năm nay, nhưng vừa đặt ra kế hoạch đã vấp phải chuyện chuyển nhà. Tôi bị cuốn vào chuyện ổn định chỗ ở cũng mất tới hai năm. Khi chuyển nhà, mình phải tập trung cho gia đình để cùng các con xây dựng một nếp sinh hoạt mới, đến khi chúng quen rồi thì mình mới có thể tập trung toàn tâm toàn ý cho chuyện thu âm. Hơn nữa, khi làm nhà, chúng tôi có làm lại phòng thu, thời gian đầu phòng thu chưa ổn định, chưa thể làm việc được ngay. Năm vừa rồi tôi lại ôm đồm thêm việc kinh doanh giày dép. Cứ tưởng có thể làm được tốt cùng lúc nhiều việc. Nhưng không ngờ, cái giá phải trả quá đắt. Mình không sao tập trung được cho việc thu âm khiến dự án này cứ bị dời lại hết lần này qua lần khác. Ngày 8/3 tới bản audio và video clip của ca khúc Lời mẹ hát, một ca khúc nằm trong đĩa My Linh’s Acoustic này (gồm bản tiếng Việt và tiếng Anh) sẽ được phát trên một số kênh âm nhạc như XoneFM, YanTV,... Đến cuối tháng 3 chúng tôi mới phát hành chính thức đĩa ra thị trường.

* Tất nhiên việc gì cũng có lý do của nó. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nhiệt huyết làm nghề của chị đã vơi cạn?

- Nói sao để mọi người hiểu nhỉ? Thu một CD là bao nhiêu công sức, làm đĩa đến phát ốm lên nhưng cái thu về thì gần như chẳng được gì. Mình đầu tư công sức nhiều ngày tháng để làm ra một sản phẩm âm nhạc, thì chỉ ngay sau ngày ra mắt nó đã bị ăn cắp không thương tiếc. Mình không được một đồng nào từ công sức lao động của mình cả. Sự không công bằng đó làm mất đi hưng phấn làm việc. Không ai cho chúng tôi tiền để làm đĩa, chúng tôi cũng chẳng mong là được sống sang trọng từ tiền thu về qua việc bán đĩa, chúng tôi chỉ mong làm sao thu được chút ít để tái đầu tư. Nhưng mong muốn này cũng chẳng được. Thành ra mọi người cứ thắc mắc, tại sao không ra đĩa? Làm gì có động lực để mà ra? Nếu có ra album cũng là bởi còn chút lòng yêu nghề mà thôi.

* Nhưng người ta bảo làm nghệ thuật là phải hy sinh…

- Nói gì thì nói, phải có thực mới vực được đạo. Nói như vậy không có nghĩa là cứ phải bán được đĩa thì tôi mới làm. Chỉ là tôi sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi làm đĩa, xem tần suất và thời điểm ra như thế nào cho hợp lý và hợp túi tiền của mình thôi.

Ở Việt Nam mình mọi người rất hay nâng cao quan điểm về vấn đề tư cách đạo đức. Người ta định nghĩa nghệ sĩ là phải hy sinh hết mình cho nghệ thuật chứ không ai lại đi nói chuyện tiền nong. Chẳng trách được ai cả, nhưng nghệ sĩ cũng như tất cả mọi người, cũng phải “giá áo túi cơm” để mà sống. Chuyện “giá áo túi cơm” là không đùa được, người ta bảo “cơm áo không đùa với khách thơ” mà!

 

 

* Một diva hàng đầu như chị, khó ai nghĩ rằng lại không sống được bằng nghề hát, có quá vô lý không?

- Bản thân tôi và Anh Quân giờ không chỉ sống bằng nghề hát đâu. Những năm trước, bọn mình tích lũy được một số vốn liếng và đem gửi bạn bè, họ hàng đầu tư cho mình nên hằng tháng các khoản chi tiêu cơ bản trong gia đình là đều trông từ đó. Không bao giờ có thể trông vào tiền thu về từ việc đi biểu diễn.

Bạn có biết các nhạc sĩ và ca sĩ bây giờ sống bằng gì không? Chúng tôi sống bằng chạy sô “event” (sự kiện khách hàng. Được mời hát “event” cũng còn là may mắn, không phải ai cũng được mời đâu. Mình cũng phải có sức hút nhất định thì mới được mời hát “event” đấy. Ngoài ra, nguồn thu đáng kể với rất nhiều ca sĩ và nhạc sĩ là từ việc làm đĩa cho các đại gia lắm tiền thích làm nghệ sĩ. Có hai loại đại gia: đại gia thích làm nhạc sĩ và đại gia thích làm ca sĩ. Ở loại thứ nhất, họ nghĩ bản thân có tài sáng tác nhạc, và họ thuê toàn những ca sĩ nổi tiếng hát. Loại thứ hai là người ta bỏ tiền ra thuê một nhạc sĩ nổi tiếng thu âm cho một đĩa nhạc riêng, sau đó cũng họp báo ầm ĩ không khác gì ca sĩ. Đấy là việc mà chúng tôi đang làm. Giờ anh Võ Thiện Thanh, anh Huy Tuấn, anh Anh Quân không làm thì họ sống bằng gì? Một việc chẳng dính dáng gì đến nghệ thuật, chẳng mang lại xúc cảm gì, đơn thuần chỉ là cơm áo gạo tiền thôi.

* Nhưng chẳng lẽ một diva như chị lại chấp nhận hát trên những sân khấu và những sản phẩm như vậy không phản kháng?

- Vì miếng cơm manh áo, tôi vẫn nhận hát “event”. Còn chuyện hát cho các đại gia trên, rất nhiều năm qua tôi đã từ chối. Cũng xin nói thật khi hát trong các đĩa này, mình được trả rất nhiều tiền. Nhưng mình không làm được. Không phải mình giữ giá gì, nếu có bài hay thì mình vẫn hát nhưng với những bài… dở thì mình cũng không hát được. Cũng chẳng phải là gì xấu, nhưng mình làm nghề và mình cũng còn có con cái, muốn các con nhìn vào để thấy “không phải có tiền là mua được tất cả”. Nghề hát giờ cũng lắm chuyện buồn. Nhưng các cụ bảo “giấy rách thì phải giữ lấy lề”, mình cũng nên giữ lại chút “thiêng liêng” để còn có chút “ánh sáng” mà làm nghề.

* Nếu chấp nhận coi sân khấu của đời mình là các event, và mỗi cuộc biểu diễn kia cứ ăm ắp những toan tính “cơm áo gạo tiền”, như thế thì bảo sao “sáng tạo nghệ thuật” không bị cùn mòn đi.

- Cùn mòn đi là chắc chắn. Không thể nói là không được. Chính vì sự cùn mòn đó mà rất lâu chúng tôi mới làm được một sản phẩm. Bởi vì nhiều khi chúng tôi phải chắt lọc chút ít “xúc cảm nghệ thuật” đó để bước vào phòng thu. Cũng chỉ muốn mình giữ được chút xúc cảm thật để còn có thể có chút ít sáng tạo nghệ thuật trong mỗi sản phẩm mình làm ra. Sao cho lúc ra mắt, khán giả giữ đĩa của mình nghe lâu dài chứ không phải nghe một lần là bỏ. Đấy là cái mà chúng tôi phải cân nhắc, nâng lên đặt xuống, khi bước vào phòng thu, có khi một bài mình phải thu đi thu lại nhiều lần. Và đó cũng là lý do tại sao phải rất lâu như thế tôi mới làm được một album.

* Tạm bỏ qua những chuyện “buồn chả muốn nhắc” này đi, hãy nói một chút về album My Linh’s Acoustic sắp ra mắt của chị...

- Trong alubm này tôi viết lời 8 ca khúc: Mùa cũ, Mỗi ngày, Lời mẹ hát, Cơn bão, Chiều,… và đĩa này cũng có một bản tiếng Anh phát hành sau bản tiếng Việt. Việc viết lời cho các ca khúc trong album Acoustic cũng là một trải nghiệm và cách làm mới mình của tôi. Trong đĩa tiếng Anh, phần ý tưởng lời tiếng Anh cũng do tôi viết sơ qua, sau đó Anna, con gái tôi biên tập lại lần đầu. Sau cùng, phần lời này được chuyển qua cho một người bạn tôi ở bên Mỹ, người mà trước đây tôi đã định làm đĩa cùng, để biên tập lại lần nữa cho chuẩn về văn phạm và ngôn ngữ tiếng Anh. Chúng ta là người Việt chắc chắn khi viết lời bằng tiếng Anh cũng chẳng khác một người nước ngoài viết lời bài hát bằng tiếng Việt, khi hát lên dễ bị ngô nghê.

* Có bản tiếng Anh của My Linh’s Acoustic, chị vẫn tham vọng “ra thế giới” với album này chăng?

- Hơn mười năm làm nghề, tôi nhận thấy để đưa được nhạc Việt ra khỏi biên giới không phải là chuyện một hai cá nhân có thể làm được. Hơn nữa, mọi người cần thấy rằng trên “một mảnh đất đã xấu” thì không thể có cái cây nào có thể phát triển tốt được. Với My Linh’s Acoustic, tôi chỉ mong tìm kiếm thêm những cộng đồng nghe nhạc mới tại Việt Nam, có thể là những người nước ngoài đang sinh sống tại đây. Nếu họ thấy thích, họ sẽ giới thiệu tới bạn bè và gia đình họ. Được thế cũng là mừng lắm rồi.

* Cám ơn Mỹ Linh và chúc album mới của chị thành công.

Theo Thể thao & Văn hóa
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới