SAO » Chuyện làng sao

Cát Tường: 'Nếu tôi chịu lấy người nước ngoài, tôi đã lấy 80 người rồi.' (P2)

Thứ tư, 02/09/2020 07:34

'Như tôi mà quen Tây thì thôi, miễn. Nếu tôi chịu lấy người nước ngoài, tôi đã lấy 80 người rồi. Tôi không thích. Tôi thấy mấy anh Tây tới nói chuyện với tôi câu một câu hai là tôi né rồi, vì không hợp' - Cát Tường trải lòng.

Chào Cát Tường! Các nữ diễn viên nổi tiếng sẽ giấu diếm, không nói nhiều về chuyện tình cảm. Vì sao chị luôn công khai những thông tin đó, kể cả chuyện yêu ai hay chia tay?

- Chỉ có một giai đoạn thôi, hiện tại cũng đâu ai biết tôi làm gì, quen ai, yêu ai đâu. Nói khơi khơi vậy thôi, thật ra tôi đâu bao giờ công khai, đó là do những chương trình họ bóc mẽ, họ đăng lên nhằm PR. Tôi chưa bao giờ công khai ai. Thông thường, chuyện đã qua, tôi mới công khai. Mấy năm trước có bạn siêu mẫu cũ, tôi cũng không công khai, chẳng qua đi quay chương trình có hình rồi tự người ta lấy PR. Tôi chỉ kể chuyện nhưng chuyện đó không có chủ. Tôi sẵn sàng kể những câu chuyện tình yêu của tôi, kinh nghiệm như thế nào, đau khổ, hạnh phúc ra sao nhưng chưa bao giờ tôi nói người đó là ai.

Trải qua những chuyện tình yêu không có cái kết đẹp, chị có sợ yêu không?

- Không, yêu mới vui chứ không yêu buồn lắm, nhưng bây giờ không như xưa. Ngày xưa yêu náo nhiệt lắm. Tôi cũng là người thích những gì cao trào, giật giật xíu nhưng bây giờ mệt rồi, phải lo nhiều thứ lắm. Lo công việc, kiếm tiền, lo cho con đi học rồi phải báo hiếu cha mẹ. Tôi phải báo hiếu, chứ xưa toàn báo đời. Làm gì thì làm, mỗi năm tôi đều đưa ba mẹ đi du lịch nên là giờ phải lo đi làm kiếm tiền. Con tôi cũng chưa trưởng thành, còn đi học, tôi cũng phải lo cho nó một môi trường tốt nhất vì nó đã không có cha rồi. Bây giờ, tôi mới thấy tôi cần phải có trách nhiệm, có gánh nặng. Bây giờ, tôi tập trung hướng về gia đình nhiều hơn bản thân. Nghệ thuật lúc nào cũng đi theo tôi song song. Còn hồi trẻ, tôi sống vì bản thân nhiều hơn. Tôi bỏ bê gia đình. Bây giờ, gia đình đưa lên trên. Nói chung thứ tự ưu tiên của tôi bây giờ là gia đình, công việc mới tới tình yêu. Còn hồi xưa là tình yêu, công việc, gia đình. Vì tôi luôn ỉ lại có gia đình nâng đỡ nên gia đình lúc nào cũng thứ 3. Khi nào tôi sứt đầu mẻ trán, gãy cổ mới về khóc than với ba mẹ. Bây giờ, ba mẹ, con cái, anh chị em đều trên hết. Ưu tiên số một, làm bất cứ gì cũng bỏ hết, công việc cũng bỏ, bồ bịch cũng bỏ.

Chị có thấy vẻ ngoài của chị sắc sảo, cá tính khiến cho nhiều người muốn theo đuổi chị nhưng họ vẫn sợ chị?

- Nếu người đàn ông đủ bản lĩnh thì họ không sợ gì cả. Có lẽ những người tôi gặp là những người chưa đủ bản lĩnh, hoặc những người bản lĩnh lại đến không đúng lúc. Cuộc đời hay bị xui nhiều chỗ, phải đúng lúc, đúng thời điểm mới thăng hoa được. Lúc ngứa không ai gãi mà lúc có người muốn gãi tôi lại hết ngứa. Cái gì cũng phải đúng thời điểm. Tôi nhớ hoài hồi trẻ, tôi tìm người mai mối, làm mai ai tôi cũng không chịu, nhìn ai cũng không có cảm xúc. Tự nhiên đùng một cái gặp ba của con tôi, vừa gặp và lỡ yêu, có bầu luôn. Lúc đó, nhà tôi mới làm mai cho một người đúng ý tôi nhưng lúc đó muộn rồi. Nói vui là anh đó đến không đúng lúc, đến sớm một chút tôi khỏi qua đây. Tự nhiên đến trễ, tôi mới phải qua đây. Đó là không đúng thời điểm. Thêm một phương châm sống: "Đừng hấp tấp, đừng vội vàng, ngày hôm nay chưa đạt được một điều gì đó, đừng đau khổ, than vãn trời đất bất công. Ráng chờ, tích đức, từ từ nó cũng sẽ tới. Tới thời điểm nó tới, đỡ không kịp".

Tôi hay nói, sao tôi lại không giàu. Thầy bói nào cũng nói tôi giàu lắm. Tôi nghĩ hoài không biết chừng nào. (Cười) Bây giờ 40 tuổi còn chưa giàu. Nhiều khi tôi nghĩ, tôi có làm gì đâu mà giàu. Muốn giàu phải kinh doanh hay mua vé số, còn tôi vé số cũng không mua, kinh doanh cũng không làm lấy gì giàu. Tôi chỉ làm nghệ thuật, nghệ thuật thì ăn lương, làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Vậy làm gì giàu, hay là lấy chồng giàu. Tôi hay ngồi nghĩ chơi vui thôi, nhưng tôi nghĩ rằng thiên cơ bất khả lộ. Khó nói lắm, đâu biết trước được. Có thể hôm nay tôi chưa kinh doanh nhưng tự nhiên tôi có cơ hội làm rồi giàu lên, phất lên luôn thì sao. Ý tôi muốn nói, cuộc đời vi diệu lắm, đừng nóng tính.

Đôi lúc khán giả cũng thấy chị khóc vì một xúc cảm nào đó, tính ra chị cũng có lúc mệt mỏi và đa cảm của một người phụ nữ?

- Tôi là người cảm xúc, rất dễ khóc, rất dễ xúc động. Chuyện của người ta, tôi cũng vơ cho tôi và suy nghĩ. Nhiều khi chuyện đâu đâu, của ai, tôi thấy rồi cũng suy nghĩ trong đầu. Bởi vậy mới bị mất ngủ hoài. Đi làm nghe chuyện của những người họ chia sẻ, tôi cứ suy nghĩ hoài. Tối nằm ngủ nghĩ hết chuyện này kia, kia nọ. Trên trời dưới đất gì cũng nghĩ. Tôi là người đa sầu đa cảm, sống cảm xúc. Dạo này cũng đè nén nhiều, luyện công dữ lắm cho bớt. Tôi cũng thuộc loại khó ăn khó ở, nhưng bây giờ đỡ rồi.

Với vốn sống và những thăng trầm chị đã trải qua, điều gì chị muốn dạy con gái chị nhất để sau này không có nhiều đa truân như mình?

- Tôi nghĩ mỗi người một cuộc đời. Cuộc đời tôi trải nghiệm nhiều thứ quá, nhưng tôi lại thấy hay, dù trong quá khứ là đau khổ hay hạnh phúc, thành công hay thất bại. Nó cho tôi vốn sống nên thường tôi ít dạy con tôi những cái đó. Tôi không muốn cuộc đời nó quá tròn trịa, hạnh phúc hết. Tôi muốn cho con bé những trải nghiệm giống tôi. Tại sao tôi được, mà lại không cho nó được. Hồi xưa tôi nhỏ, tôi có bồ mà sao giờ tôi lại cấm bé không có bồ. Phải để bé có bồ mới biết tình cảm tuổi học trò như thế nào. Nhưng vì bây giờ xã hội khác ngày xưa, nguy hiểm và phức tạp hơn, đâm ra tôi phải dạy con cách bảo vệ bản thân, đạo đức làm người sao cho tốt. Đó là những cái tôi trang bị thôi. Còn việc con tôi muốn vào đời như thế nào, va chạm ra sao, chọn con đường gì là quyền của bé. Vì bé chọn sau này, bé sẽ không hối hận. Có hạnh phúc, đau khổ, bé tự chịu chứ không đổ thừa tôi và tôi cũng không thể bắt ép bé đi theo những cái đau khổ, hạnh phúc của tôi.

Tôi chỉ dạy con khi dậy thì làm sao bảo vệ bản thân, những biểu hiện gì là tình dục, nhưng biểu hiện gì là lạm dụng tình dục. Tôi cũng dạy bé như hô hoán, cầu cứu, không cho người lạ, đặt biệt không cho đàn ông sờ mó vào người, chỉ trừ anh, ông ngoại, cậu được đụng vào để tắm rửa thay đồ này nọ. Tôi dạy điều đó lúc bé còn nhỏ. Khi lớn lên, tôi dạy gặp người lớn phải dạ thưa, ăn nói đàng hoàng ý tứ. Tôi dạy cách sống thôi, chứ không bắt con sống như thế nào. Bé muốn làm gì, bé làm. Nhưng nhiều khi vì vậy mà bé không bao giờ làm sai điều gì so với ý tôi. Nếu gò ép quá nhiều, khi lại trật. Đôi khi tôi hay giỡn, hỏi bé có bồ chưa, bé nói chưa, tôi mới nói: “Gì mà trong lớp không ai thèm để ý, sao kì vậy, có ô môi không". (Cười)

Bây giờ bé đi du học bên Úc, tôi ở bên đây cũng không thể giữ suốt 24/24 được. Bữa giờ bên Úc bé hay xin, bên Úc mỗi lần liên hoan cắm trại phải đi qua đêm, thường sẽ picnic ở nhà một bạn nào đó. Ở đó không phải như Việt Nam, không gần đến nỗi đi là về liền. Ví dụ 6-7 giờ mới tới nhà bạn, nấu ăn, chơi bời đến tối ngủ lại nhà bạn luôn. Sáng ngủ dậy dọn dẹp nhà cửa của bạn đó rồi phụ huynh mới tới đón về. Nhiều khi đi cả tiếng đồng hồ mới tới nên tôi không cho. Bữa giờ bé gọi phân tích mấy lần rồi, tôi đang suy nghĩ tôi có đang khó quá không. Bé nói: “Mấy bạn con nói, bữa nào cho gặp mẹ đi, sao mẹ bạn khó quá". Ở bên đó, chuyện đó là chuyện bình thường. Tôi chỉ nói: “Thôi, bây giờ con 17 tuổi rồi. Bạn con ở Úc là bình thường nhưng người Á Châu thì đó không phải bình thường. Mẹ cho con đi cũng được, nhưng bà ngoại hỏi rồi ngoại lo. Con ở với cậu mợ, cậu mợ cũng lo. Con ráng đi, 18 tuổi con muốn đi thì đi.” Tôi chỉ ráng phân tích cho bé hiểu, chứ thật sự tôi nghĩ, nếu tôi có cho bé nó đi chắc cũng không làm gì bậy. Tôi ráng giữ được đến khúc nào hay khúc đó. Tôi nghĩ đời con thì con tự quyết định.

Chị có sợ khi con mình ở môi trường nước ngoài quá lâu, bé sẽ tiếp xúc với văn hóa phương Tây nhiều và dần mất đi chuẩn của người phụ nữ Việt Nam?

- Khi bé đi du học cũng đã 16 tuổi rồi, nghĩa là trong 16 năm bé đã ở cùng tôi và mẹ tôi. Mẹ tôi cũng là người Huế nữa. Nếu bé đi khi còn nhỏ quá, tôi cũng sợ mất đi lễ nghĩa và phong tục tập quán của người Việt nhưng con tôi 16 tuổi, đủ suy nghĩ và hiểu rồi, tôi mới cho đi. Bây giờ ở tuổi này, bé tự biết nhận thức được cái nào đúng, cái nào sai, cái nào cần làm, cái nào không cần làm. Tôi rất yên tâm về mảng đó.

Chị không sợ bé du học nước ngoài sẽ có ý định định cư, thậm chí cưới một anh chàng Tây?

- Tôi muốn bé như vậy, tôi không muốn bé lấy người Việt. Tôi không muốn lấy người nước ngoài nhưng tôi lại muốn con tôi lấy người nước ngoài để phù hợp với tư duy giới trẻ hơn. Bên đó định cư bên đó luôn chứ về đây chi nữa, tôi nói hoài. Tôi còn dạy con, đi học đừng quen mấy bạn Châu Á, kiếm người bản địa mà quen, người Úc họ tốt bụng có gì họ giúp đỡ cho. Đã qua bên đó định cư, ở ké rồi mà con kiếm thêm một người ở ké như mình làm chi, lấy luôn người bản địa tốt hơn.

Rõ ràng chị đang có một sự chênh giữa đàn ông phương Tây và đàn ông Châu Á?

- Nhưng bé qua bên đó, bé sẽ tiếp cận. Vì khi mới qua, bé chỉ mới 16 tuổi thôi. Bé chưa có tình yêu khi ở Việt Nam. Thật sự mà nói, đàn ông Việt Nam vẫn còn thói gia trưởng, vẫn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Lỡ điều đó xảy ra với con tôi thì sao. Ở nước ngoài, con tôi được bảo vệ tốt hơn, bình đẳng hơn, làm gì có chuyện dám dơ tay lên tát con tôi bạt tai. Khi bắt đầu vào tuổi trưởng thành, bé sẽ được giáo dục theo kiểu nước ngoài và phù hợp khi ở đó hơn. Như tôi mà quen Tây thì thôi, miễn. Nếu tôi chịu lấy người nước ngoài, tôi đã lấy 80 người rồi. Tôi không thích. Tôi thấy mấy anh Tây tới nói chuyện với tôi câu một câu hai là tôi né rồi, vì không hợp. Kiểu như: “Em bảo anh đi đi, sao anh không đứng lại?” Tôi văn thơ đầy bụng, tiếng Anh một chữ bẻ đôi cũng không có, sao có thể hiểu. Ngồi nói chuyện rặn ra mấy chữ tiếng Anh, muốn rớt mồ hôi hột, mệt mỏi lắm, sao gây lộn, chửi lộn. Nhưng con tôi, tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ luôn rồi. Bé nói tiếng Anh y như người bản địa. Bé sẽ hợp với văn hóa đó. Tôi phải chấp nhận, vì tôi và bé là hai thế hệ hoàn toàn khác nhau.

Bé suy nghĩ tân tiến, vậy có khi nào bé muốn chị tìm hạnh phúc riêng không?

- Không, tới giờ phút này là không. Không biết sau này, bé có hối hận không nhưng hiện tại thì không. Bé nói tôi ở vậy, sau này tôi già bé nuôi tôi: “Sau này mẹ mà đẻ con, con không coi nó là em đâu". Tôi không làm công tác tư tưởng cho bé luôn, kệ. Tôi cũng chưa thấy nhất thiết phải làm điều đó, mà tôi có làm bé cũng phải chịu thôi chứ làm được gì tôi. Tôi quan điểm, đời ai nấy lo. Tôi không sợ con tôi nghĩ gì, tôi chỉ sợ ba mẹ tôi buồn thôi. Tôi cũng nói với con tôi luôn rằng: “Giữa con với bà ngoại thì mẹ chọn bà ngoại trước, con là ưu tiên thứ hai thôi". Con tôi vẫn hiểu điều đó, và thấy bình thường.

Có bao giờ trong những lần vấp ngã của chị, mẹ chị có trách chị không?

- Mẹ tôi trách hoài nhưng trách cũng không làm được gì, chỉ có giải quyết hậu quả thôi. Tôi luôn dạy con đạo đức, có hiếu với ông bà ngoại, không có ông bà ngoại không có bé ngày hôm nay. Tôi nói chuyện với bà ngoại nhiều hơn nói chuyện với bé, bé cũng hiểu và cảm thấy bình thường. Tôi hay nói với bé, tôi không có nhiều thời gian nói chuyện với ông bà ngoại. Con mỗi tuần điện thoại thăm ông bà ngoại, đó là báo hiếu, báo hiếu cho mẹ luôn.

Cảm ơn Cát Tường về buổi trò chuyện này!

Lam Khánh (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới