Cậu Vàng là một bộ phim được lấy cảm hứng từ truyện ngắn Lão Hạc của cố nhà văn Nam Cao – cây bút tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945 với bối cảnh chính là một làng quê Bắc Bộ cách đây hơn 60 năm. Đối với những người có tình yêu mãnh liệt dành cho nền văn học Việt Nam thì tác phẩm Lão Hạc đã in đậm trong tâm trí họ từng câu từng chữ. Điều này vô hình chung khiến họ kỳ vọng được nhìn thấy hình ảnh chân thực như trong sách của Lão Hạc, cũng như con chó của Lão Hạc và phong cảnh làng quê Bắc Bộ cách đây hơn nửa thế kỷ trên màn ảnh rộng.
Kể từ khâu casting diễn viên, Cậu Vàng đã gây tranh cãi trong dư luận.
Cậu Vàng trong nguyên tác tiếng Việt của Nam Cao là giống chó Việt Nam - giống chó nào cụ Nam Cao không nói nhưng chắc chắn một điều nó là chó Việt Nam "chính hãng" nói không với "pha ke". Trong buổi casting diễn viên chó - nhân vật chủ chốt trong việc tạo nên thành công của bộ phim, rõ ràng có rất nhiều giống chó Việt Nam được đưa đến ứng tuyển nhưng bất đắc dĩ chúng phải "nhường chỗ" cho chó Shiba đến từ Nhật dù đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của khán giả. Cho đến buổi casting thứ 2, chó Việt Nam vô cùng "vinh dự" khi được đóng thế cho Cậu Vàng Shiba trong những cảnh nguy hiểm. Chuyện này đã gây nên làn sóng tranh cãi dữ dội trong dư luận. Đáng nói, thời điểm Nam Cao kể về Lão Hạc chính là những năm thảm cảnh 2 triệu người chết vì nạn đói dường như trở thành nỗi ám ảnh khó có thể phai mờ. Lão Hạc trong cơn khốn khổ đến cùng cực đã phải cam tâm bán đi Cậu Vàng - người bạn tri âm tri kỉ của lão. Vì vậy, việc đưa 1 con chó Nhật vào phim nói về người nông dân dưới ách thống trị của phát xít Nhật bị bức bách đến mức phải tự sát là điều không thể chấp nhận.
Chú chó Shiba được chọn làm diễn viên chính cho vai Cậu Vàng.
Cách đây không lâu, trong một buổi phỏng vấn, Nghệ sĩ Vân Dung có nói về thị hiếu và tính cách của khán giả Việt Nam: “Khán giả bây giờ họ tinh lắm, họ thông minh hơn rất nhiều, họ thưởng thức nghệ thuật giống như ăn đặc sản”. Theo lẽ đương nhiên, đã là đặc sản, ắt hẳn phải "chuẩn" ở khâu chuẩn bị và "chỉnh" ở khâu trình bày.
Đối với một người bán hàng, khách hàng là thượng đế. Tương tự, đối với một nhà làm phim, khán giả phải luôn được đặt lên hàng đầu. Vì làm phim phải có khán giả chứ không chỉ làm cho vui và thoả đam mê nghệ thuật của cá nhân nào đó. Thế nhưng, thay vì tôn trọng ý kiến của những "thượng đế" góp phần tạo nên thành công của bộ phim, Cậu Vàng lại có pha "chơi lớn" khi chọn cách đi "ngược chiều". Fanpage Cậu Vàng đã đánh một đòn chí mạng khi lên tiếng đánh giá "thượng đế" của mình "dân trí thấp", "ngu dốt". Vậy những kẻ tự xưng "dân trí cao" kia lại không biết đến những điều đơn giản trong việc tôn trọng những giá trị cốt lõi của văn học hay sao? Sự thiếu chỉn chu từ việc chọn diễn viên cho đến việc phản pháo cực gắt những ý kiến đóng góp từ khán giả đã cho thấy những lỗ hổng nặng nề trong khâu chuẩn bị.
Một bộ phim thiếu sự chỉn chu từ đầu đến cuối.