Mới đây, Chí Trung đã chia sẻ cảm xúc của mình khi chứng kiến cuộc sống khi về già của nghệ sĩ Trần Hạnh:
"Gửi người chú mà cháu kính yêu!
Đến thăm vào 8 giờ sáng đã thấy chú bộn bề công việc giữa đống giầy dép, quần áo ngổn ngang trong gian hàng chật hẹp của ga B Hà Nội.
Yêu mến chú từ những năm 80, khi cháu mới chập chững bước chân vào nghề biểu diễn. Khi đó chú đã là một trong những cây đa, cây đề của ngành sân khấu. Cháu thầm học hỏi từ nơi chú lối diễn bình dị, nhẹ nhàng "diễn mà như không".
Đi làm phim vài lần, chứng kiến phong cách giản dị khiêm nhường, cháu càng học hỏi nhiều hơn từ nhân cách sống của một nghệ sĩ lớn.
Bẵng đi nhiều năm lao vào cuộc vật lộn mưu sinh, trôi theo dòng "trụ hạng" của toàn thể sân khấu miền Bắc cho đến gần đây đọc mấy bài báo về chú, bỗng cảm thấy tâm hồn xao xuyến khi nhớ về một Idol của thuở hàn vi và lần tìm đến 16 Trần Quý Cáp thấy chú vẫn vậy với nụ cười hiền hậu tuy đã bước qua 86 mùa xuân!
Chú Trần Hạnh ơi...!
Không lẽ là nghệ sĩ cứ phải chịu cảnh nghèo vào cuối đời sao? Cứ phải đi chiếc xe máy cà - tàng con gái tặng cho đã 12 năm có lẻ? Và châm lửa thâm trầm đốt hai bao thuốc lá rẻ tiền để nuốt vào lòng những mặn nhạt cuộc đời, để rồi lặng lẽ cười hiền khi cháu hỏi về những công danh phẩm hàm mà không bao giờ có được khi với lòng tự trọng, người nghệ sĩ già đó không cất lời hỏi xin?
Thế hệ chúng cháu khác chú! Chúng cháu rất rạch ròi trong hợp đồng biểu diễn và không bao giờ để mình lâm vào cảnh khi hát xong cứ loanh quanh đợi tiền cho dù rất ít ỏi như bố cháu, NSND Quý Dương từng kể cách đây chục năm chỉ với ba trăm ngàn đồng thù lao! Không thấy người tổ chức nào xuất hiện, ông lủi thủi đi về mà chả dám cất lời hỏi ai bởi cái danh dự nghệ sĩ không cho phép ông hạ mình mở miệng!
Đã theo kiếp "con tằm nhả tơ", ai cũng hiểu mình sẽ làm gì cho cuộc đời và bản thân sẽ được thoả mãn những khát vọng gì! Nhưng mấy ai sinh ra trên đời lại an phận chịu mãi cảnh phải vật lộn kiếm sống cho đến tận năm tháng cuối cùng vì đã trót vấn vương nghiệp diễn!
Dù cho chú không bằng lòng khi nói về khó khăn của bản thân trước công chúng chỉ thần tượng nghệ sĩ lúc ánh đèn sân khấu sáng lên. Còn trở về đời thường, họ cũng lậm lụi lo toan và chẳng hề được miễn giảm bất cứ thứ gì khi chìm mình trong đời sống! Nhưng cháu vẫn viết ra những dòng này để những người yêu mến chú, như cháu và nhiều anh chị khác sẽ có những hành động thiết thực mong "giữ một niềm yêu"!
Và cháu sẽ tìm những tấm lòng vàng đó, cùng với cháu, sẽ làm chú cảm thấy cuộc đời này còn những giá trị cao đẹp, mà vì điều đó, chúng ta đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình!
Đừng giận cháu nhé, chú Trần Hạnh ơi!"
Chí Trung đến thăm nghệ sĩ Trần Hạnh
Chí Trung cho biết anh là người yêu mến nghệ sĩ Trần Hạnh bởi lối "diễn mà như không". Chí Trung còn ngưỡng mộ Trần Hạnh bởi qua cách làm việc toát lên nhân cách của một người nghệ sĩ lớn. Chí Trung không khỏi thương khi thấy nghệ sĩ già này "bộn bề công việc giữa đống giầy dép quần áo". Nhìn thấy cảnh sống nghèo khổ lúc cuối đời của nghệ sĩ Trần Hạnh, "Táo giao thông" đã lên tiếng kêu gọi mọi người giúp đỡ.
Trần Hạnh là diễn viên không còn xa lạ với những người yêu mến nghệ thuật. Những vai diễn khắc khổ của Trần Hạnh đã để lại ấn tượng sâu sắc với người hâm mộ. Nhưng sau nhiều năm cống hiến, Trần Hạnh vẫn phải vất vả mưu sinh. Hiện tại, ông đang sống một mình bán quần áo, giày dép: “Tôi tự cắm cơm, nhờ con dâu mua cho mấy cọng rau, lúc xào, lúc nấu canh, lúc luộc, nửa lạng thịt kho lên, ăn dần”, Trần Hạnh bộc bạch.
Trần Hạnh là một trong những nghệ sĩ cống hiến hết mình cho nghệ thuật, chưa bao giờ ông lăn tăn việc cát - xê cao, thấp: “Đã nhận với người ta thì làm. Không bao giờ tôi mặc cả. Người ta gọi tôi đi làm phim cứ hỏi cát-xê của ông bao nhiêu, tôi bảo: Trả tôi nhiều thì tôi ăn thịt, ít thì tôi ăn rau, chẳng vấn đề gì, miễn là tôi được đi làm”. Chính sự lao động nghệ thuật nghệ thuật hăng say đã giúp nghệ sĩ này chiếm trọn tình cảm của khán giả.