Cục NTBD dựa vào đâu để "cấp phép" cho người đẹp?
Một trong những điểm khá bất cập ở Việt Nam là mỗi một cuộc thi sắc đẹp quốc tế lại có một công ty khác nhau đảm nhiệm. Nếu cuộc thi Hoa hậu thế giới do công ty Elite "độc quyền" thì cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ lại do Công ty Hoàn Vũ đảm nhiệm.
Mỗi công ty lại có "tiêu chí" và những mục tiêu khác nhau khi lựa chọn người đẹp tham dự các cuộc thi do mình được "độc quyền" cử thí sinh.
Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ căn cứ vào danh sách ứng viên mà các công ty trên gửi lên để cấp phép cho các người đẹp dự thi sắc đẹp quốc tế. Như vậy, về thực chất các công ty độc quyền trên mới là người "quyết định" chọn ai dự thi.
Sự kiện của Hoa hậu Diễm Hương có chồng vẫn được cử đi thi cho thấy sự hời hợt, thiếu chuyên nghiệp trong việc kiểm tra hồ sơ của các đơn vị liên quan. Bởi với một đám cưới được đăng ký kết hôn đoàng hoàng chắc chắn sẽ có nhiều người biết. Vậy tại sao những người "điều tra" hồ sơ lại không biết sự kiện trọng đại nhất trong đời của một con người như vậy?
Rõ ràng, việc Diễm Hương có chồng vẫn có thể tham dự Hoa hậu hoàn vũ 2012 không chỉ có lỗi của một mình cô. Bởi để xuất hiện tại cuộc thi này, Diễm Hương phải có một ekip hùng hậu hỗ trợ. Đặc biệt, cô phải có được giấy phép của Cục nghệ thuật biểu diễn mới có thể đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi này được.
Theo đại diện của Cục Nghệ thuật biểu diễn, đơn vị này đã ủy quyền cho đơn vị giữ bản quyền cử người đẹp dự thi là công ty Hoàn Vũ thẩm định hồ sơ. Như vậy, việc lựa chọn, thẩm định hồ sơ đều do đơn vị giữ bản quyền làm, Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ dựa vào báo cáo họ họ để...cấp phép!
Nói cách khác, sự thiếu chuyên nghiệp, hời hợt trong khâu kiểm duyệt chính là nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc ảnh hưởng lớn đến uy tín của Việt Nam trên trường sắc đẹp quốc tế.
Mới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn có công văn hỏa tốc gửi các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh yêu cầu không cấp phép biểu diễn cho Hoa hậu Diễm Hương vì hành vi gian dối để tham dự Hoa hậu hoàn vũ 2012.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế còn gốc rễ của vấn đề vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Bởi nếu không có sự điều chỉnh về cơ chế cũng như quy trình cử người đẹp tham dự cuộc thi sắc đẹp quốc tế, rất có thể những sự cố tương tự sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.
Cần thay đổi "cơ chế" cử người dự thi Hoa hậu quốc tế
Sự kiện cử một hoa hậu đã có chồng tham dự Hoa hậu hoàn vũ 2012 là hồi chuông cảnh tỉnh những người có trách nhiệm về việc cử người tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế.
Đã đến lúc, chúng ta cần có một cơ chế rõ ràng, quy định trách nhiệm và quyền lợi một cách cụ thể cho các đơn vị có liên quan đến việc cử người đi tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Đặc biệt, Cục Nghệ thuật biểu diễn cần thể hiện vai trò của mình trong việc kiểm duyệt đại diện sắc đẹp Việt Nam.
Đặc biệt, cần có một quy trình tuyển chọn và đạo tạo một cách bài bản, chuyên nghiệp cho những ứng cử viên tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Chỉ khi những người đẹp ý thức một cách rõ ràng về nhiệm vụ của mình, khi họ tự thấy trách nhiệm của mình trước hình ảnh của đất nước mới có thể ngăn chặn được sự cố đáng tiếc như của Hoa hậu Diễm Hương vừa qua.
Muốn vậy, chúng ta cần sắp xếp và quản lý một cách chặt chẽ các cuộc thi sắc đẹp trong nước. Bởi trong vài năm gần đây, có rất nhiều cuộc thi sắc đẹp nổ ra nhưng cuộc thi nào cũng "có vấn đề". Ngay cả cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 cũng để cho thí sinh đã kết hôn vào đến vòng chung kết và chỉ "bị loại" vài giờ trước khi đêm chung kết diễn ra.
Điều này cho thấy, chỉ khi chúng ta "vá" được lỗ hổng trong việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trong nước, khi đó Việt Nam mới có thể có được một vị trí xứng đáng trên đấu trường sắc đẹp quốc tế.