Chơi gameshow theo mùa là xu hướng tích cực
Sau hai năm du học trở về, Lại Bắc Hải Đăng bắt đầu bằng việc làm mới một chương trình đã cũ – SV. Hỏi thật, anh có hài lòng với những gì đã làm được trong SV 2012?
- Tôi chưa hài lòng. Ban đầu khi nghĩ xây dựng chương trình quay trở lại, kì vọng của lãnh đạo ban là thành một phong trào cuốn hút các bạn sinh viên. Tuy nhiên, việc cuốn hút một nửa năm đầu là không. Đến khi vào đến nửa năm sau thì SV đã cuốn hút nhưng chỉ từ phía các đội chơi. Không khí các đội chơi rất tốt, họ thực sự hòa mình, ăn nghỉ với SV.
Nhưng ngoài đội chơi ấy lại không có sự cuốn hút. Chúng tôi đã phân tích lí do tại sao. Đúng là thời điểm này so với cách đây 12 năm hoàn toàn khác nhau.
Khán giả bây giờ được xem rất nhiều thứ, chưa kể sinh viên giờ không xem truyền hình. Họ xem mạng rồi đi làm thêm, thỉnh thoảng xem cái gì chớp nhoáng, ngắn ngắn chứ không xem chương trình dài hơi trên sóng truyền hình. Nói chung, nó là thời đại. Chính vì vậy, tôi nghĩ SV sẽ vẫn duy trì bằng cách làm cho nó ngắn lại và phải theo mùa chứ không thể kéo dài một năm như SV 2012.
Ý tưởng chơi SV theo mùa đã được nhà báo Lại Văn Sâm công bố ngay từ khi SV 2012 khởi động. Tại sao phải sau một năm các anh mới bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng này?
- Kế hoạch sản xuất của năm sau bao giờ cũng được xây dựng từ năm trước. Khi xây dựng SV 2012, lúc đấy chúng tôi chưa nghĩ đến việc chơi theo mùa. Đến khi nghĩ đến việc chơi theo mùa thì chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cho cả năm nên vẫn chạy chương trình SV.
Và năm 2013 mới chia theo mùa. Tuy nhiên, đến bây giờ, chương trình không còn mang tên SV nữa mà gọi là khung SV. Trong mỗi khung đấy, 3/4 tháng một lại là một format dành cho sinh viên. Mấy tháng đầu là Mr&Miss, rồi chương trình chúng tôi đang làm là Việt Nam của tôi, mấy tháng sau nữa là Tài năng sinh viên…
Mỗi format là một đơn vị độc lập, có một tiêu chí riêng. Mr&Miss là cuộc thi dành cho các bạn nam thanh nữ tú trong trường, Việt Nam của tôi thi tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của Việt Nam, Tài năng sinh viên là cuộc thi tài năng dành cho sinh viên, cuối cùng là thi làm clip ca nhạc.
Ý tưởng này được anh học từ bên Australia?
- Trên thế giới, tất cả các format hiện đại chỉ duy trì theo mùa, chứ ít kéo dài cả năm bởi dù hay đến mấy nhưng người ta sẽ chán. Thời gian hai năm học bên Australia, tôi khảo sát tất cả các format người ta xây dựng và nghiên cứu thì nhận ra rằng, họ đều tính theo mùa.
Ví dụ như mùa đông, mọi thứ sẽ tập trung cho Noel, đến mùa hè, nghỉ hè nhiều, ca nhạc phim ảnh giải trí lại tập trung vào đấy. Mùa đầu năm là mùa đi làm, người ta sẽ đưa thông tin nhiều. Xây dựng chương trình theo mùa là một xu hướng tích cực. Ở phương Tây, người ta nghiên cứu cảm nhận của người xem rồi mới xây dựng các format theo mùa chứ không đơn giản là nghĩ. Và tôi học cái đấy.
Đúng là “đụng” đến gameshow thời buổi này rất khó, chưa kể phải làm hay thì lại càng khó hơn. Khó như vậy có khiến những người sản xuất gameshow mất đi sự say mê?
- Thực ra, tôi nghĩ là khi VTV3 ra đời, truyền hình đang là mốt thời thượng, làm cái gì người ta cũng thích. Ca nhạc cũng thích, phim truyện cũng thích, phim tài liệu, thiếu nhi cũng thích. Nhưng bây giờ truyền hình không còn là một kênh giải trí thời thượng, người ta xem internet rất nhiều, cập nhật hàng ngày.
Nên không chỉ gameshow đâu mà tất cả những gì làm liên quan đến truyền hình bây giờ đều khó cả. Các kênh truyền hình bên ngoài cũng có áp lực khó khăn, không dễ để họ duy trì và làm. Tôi từng nói chuyện với những người làm kênh truyền hình bên ngoài, họ đều nói làm truyền hình lỗ. Người ta phải sử dụng nguồn tiền từ việc kinh doanh khác để nuôi công việc truyền hình.
Tuy vậy, việc khó khác với hứng thú. Ở đây, mình phân ra hai loại. Một là làm truyền hình theo dạng công việc. Mình sinh ra, học đúng ngành rồi tìm đúng công việc thì đương nhiên được giao việc gì, mình phải làm cho hết trách nhiệm. Thứ hai là những người đam mê sản xuất chương trình. Có những người càng khó họ càng hứng thú.
Tính cách của tôi không giống bố
Anh có cảm thấy khó chịu khi nói đến anh kiểu gì người ta cũng đi kèm với cái tên nhà báo Lại Văn Sâm?
- Đây cũng là câu hỏi tôi phải trả lời rất nhiều. Ban đầu, tôi cũng cảm thấy không thích. Nhưng sau đấy thành quen, thôi thì cái gì quen quá rồi thì cũng không còn thấy khó chịu nữa. Thậm chí, tôi còn thấy “ok” và thấy có một người rất hiểu mình làm việc cùng cũng là một lợi thế. Nên thôi, mình gạt qua những cái không dễ chịu để tận hưởng những cái dễ chịu cho đỡ mất thời gian.
Từ đồng nghiệp đến nhân viên đều gọi anh bằng một biệt danh rất dễ thương – anh Ka. Chứng tỏ anh là một “sếp” khá thoải mái?
- Ka là tên ở nhà của tôi. Những người thân quen gọi như thế và mọi người cứ thế truyền tai nhau. Mọi người bảo đặt tên cho tôi là anh Ka “phân” rồi anh Ka “deadline”… bởi tôi phân công lịch nhiều quá.
Tôi không quan tâm lắm đến việc mọi người triển khai công việc như thế nào mà chỉ quan tâm đến kết quả. Nhiều khi tôi hơi hà khắc trong nhận định. Còn đâu chắc phải hỏi các bạn làm cùng mới có câu trả lời chính xác.
Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Anh giống bố anh ở điểm gì?
- Thực ra tôi không thấy mọi người bảo giống. Bản thân tôi cũng không thấy giống. Người đứng ngoài nhất để nhận xét khách quan là mẹ cũng bảo tôi hoàn toàn không giống tính cách của cả bố lẫn mẹ.
Chưa bao giờ anh hào hứng nói chuyện về gia đình mình. Có vẻ như đối với anh, gia đình là “vùng cấm” mà giới truyền thông không thể xâm phạm?
- Đúng vậy. Đã gọi là đời tư thì tôi nghĩ không cần thiết phải “show” lên cho mọi người thấy. Cũng không phải cái gì bí mật nhưng coi như là giữ riêng cho gia đình mình.
Cảm ơn Lại Bắc Hải Đăng!