Phải chăng là vì bỏ tiền ra mua thì không bị công khai danh tính, hay là đàn ông thì có quyền hơn phụ nữ?
Những đại gia "ảo"
Hàng trăm bài báo đã hàng ngày nhắc đi nhắc lại tên những người đẹp bán dâm. Thậm chí từ lời khai của người đẹp Mỹ Xuân, những cái tên đang còn trong nghi vấn cũng được đưa lên mặt báo khiến cho dư luận sôi sục, các báo mạng đua nhau đoán già đoán non đến mức chính những người bị dư luận để ý vì có tên trùng với tên viết tắt phải lên báo phủ nhận sự liên quan tới người đẹp bán dâm này.
Người mẫu Trang Nhung thanh minh mình không liên quan đến Mỹ Xuân hôm trước, hôm sau diễn viên Ngân Khánh cũng từ Úc trở về Việt Nam giãi bày tới báo chí. Đi đâu cũng nghe đến chuyện các người đẹp bán dâm, nhưng khách mua dâm thì “bóng chim tăm cá”, chả ai biết đâu mà lần.
Còn nhớ, ngay khi một tờ báo công khai tên tuổi bốn đại gia mua dâm 2.500 USD với nhóm các cô gái của Mỹ Xuân và cho rằng họ là những đại gia “chân đất” phất lên từ bán đất, phóng viên nhiều tờ báo đã lập tức có mặt ở địa phương để tìm hiểu về các “đại gia”.
Nhưng hỡi ơi, chính Trưởng công an xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM, nơi được thông báo là địa chỉ cư trú của các đại gia này cũng không biết chuyện có đại gia mua dâm ở xã mình. Trưởng công an xã cho biết, công an xã Vĩnh Lộc chưa nhận được bất cứ một thông báo nào từ cơ quan chức năng thành phố gửi về địa phương có nội dung về những người trong xã tham gia vào đường dây mua dâm 2.500 USD.
#272;ến chính những người thạo tin vỉa hè ở địa phương cũng không biết ông N.V.N (52 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) và T.T.H (33 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A) hay T.V.T (52 tuổi, ngụ đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) và ông Đ.V.M (44 tuổi, ngụ cùng xã với ông T.V.T) là ai. Thậm chí họ còn cho biết, người dân ở đây rất nghèo, 200.000 đồng đá gà còn không có huống chi 2.000 USD... Điều này cũng đồng nghĩa, tên tuổi các đại gia kia là ảo, và họ vẫn được giấu kín nhân thân, trong khi các người đẹp mua vui cho họ thì ngày ngày bị đưa lên mặt báo để dư luận bình phẩm.
Nhiều ý kiến trái chiều
Rõ ràng là có sự bất bình đẳng giữa người mua dâm và bán dâm. Ở quan hệ mua bán dâm này, có cầu, có cung, đó là quan hệ biện chứng, vì vậy nên khi đã chống cung thì phải chống cả cầu – đó là nguyên tắc.
Không ít người đã đặt câu hỏi, nếu đã lên án hành vi này là vi phạm đạo đức thì tại sao người bán dâm buộc phải vào trại phục hồi nhân phẩm, còn người mua dâm thì chỉ bị phạt hành chính? Chính ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đặt câu hỏi, công khai người bán dâm mà người mua dâm lại không công khai là lý gì? Theo ông, như vậy là chưa công bằng bởi nếu muốn đấu tranh chống tệ nạn xã hội mà lại không công khai danh tính các đối tượng mua bán dâm thì hiệu quả rất hạn chế.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, cũng thừa nhận, việc báo chí công khai danh tính người bán dâm, trong khi danh tính người mua dâm được giấu kín là không công bằng. Thậm chí theo bà, người mua dâm còn phạm tội nặng hơn người bán dâm. Việc công khai danh tính một bên còn là sự bất bình đẳng giới, bởi quan niệm xã hội vẫn cho rằng, đàn ông có quyền trăng hoa, phụ nữ thì không.
Ngoài vi phạm Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, đa phần người mua dâm đều đã có gia đình, như vậy, còn vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình. Tuy nhiên, theo bà Hồng, cũng cần cân nhắc công khai danh tính người bán và người mua dâm bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người thân của họ.
Thế nhưng, ông Bùi Sỹ Lợi lại cho rằng, đó chưa hẳn là quan điểm đúng. Muốn cho gia đình hạnh phúc, êm ấm vợ con thì anh phải giữ gìn hạnh phúc gia đình anh – bây giờ anh muốn được cả cái gia đình lại được cả cái khác (mua dâm) thì không thể. Ông Lợi cũng cho hay, ông ủng hộ quan điểm cứng rắn là phải gửi danh tính người mua dâm cho cả cơ quan, đơn vị, cả địa phương nơi cư trú và cả công khai dư luận. Phạt tiền không thể răn đe và không thể giáo dục lâu dài, vì một khi đã là đại gia thì tiền không phải là cái quan trọng.
Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, nếu công bố tên người mua dâm mà có tác dụng giảm tệ nạn mại dâm thì ta nên thí điểm làm thử để nghe ngóng xem thế nào. Ông Hiền dẫn chứng, ở một số nước, cả nước tư bản cho phép có “khu đèn đỏ”, các chính khách chỉ cần xuất hiện ở đó rồi bị phát hiện đưa lên báo chí thì uy tín đã giảm sút, có khi bản thân chính khách phải tự động xin từ chức.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cũng cho rằng, một số nước đã công nhận mại dâm là một nghề để quản lý. Dựa trên nhận thức muốn hay không muốn thì nghề mại dâm vẫn tồn tại, như một dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sinh lý của một bộ phận người dân. Theo bà, việc công khai danh tính các đối tượng mua dâm có thể giải quyết được bài toán không để cho mại dâm tràn lan, còn nếu cứ để tình trạng “dở trăng dở đèn” thì rất khó quản lý.
Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề nhạy cảm này, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, đã nhiều người bàn đến vấn đề này. Thế nhưng nền văn hoá Việt Nam không cho phép việc này, công khai hình thức mua bán dâm còn khó trong tâm thức, trong suy nghĩ của người Việt, vì vậy hiện chưa nên áp dụng hình thức đó.
Dưới góc độ tâm sinh lý, một bác sĩ chia sẻ, xa xưa, nạn mại dâm vẫn tồn tại và có thể xem nó là một nghề lâu đời nhất từ trước đến nay. Qua bao nhiêu ngàn năm thăng trầm của lịch sử, nạn mại dâm vẫn tồn tại. Vị bác sĩ này thẳng thắn:
“Có người đàn ông bình thường nào dám khẳng định rằng trong suốt cuộc đời mình chưa mua dâm lần nào? Đừng xem người đàn ông mua dâm là người xấu xa, cần phải lên án. Trên thế giới, tôi chưa thấy nước nào xử lí hình sự đàn ông mua dâm”. Bác sĩ này cũng phân tích, đàn ông ngày nay thường lập gia đình rất trễ. Để giải quyết nhu cầu sinh lý, rất nhiều đàn ông thường đi mua dâm. Và phụ nữ thì có thể không quan hệ tình dục một tháng, một năm cũng không sao nhưng đàn ông thì khác.