"Thời gian đầu, tôi mất kiểm soát trong việc điều phối tâm lý, tôi mất ngủ trầm trọng"
Chào Diễm My 9X, trở lại phim truyền hình với “Tình yêu và tham vọng", bạn có mang nặng tâm lý sức ép về mặt rating cũng như truyền thông?
Tôi mang áp lực và căng thẳng nhiều lắm vì hai năm rồi tôi không tham gia phim nào. Hơn nữa, trong vòng 6 năm, tôi cũng không tham gia phim truyền hình. Trước đây cũng có những lời mời tôi đóng phim truyền hình ở Sài Gòn nhưng tôi không dám nhận vì họ mời gấp, không có thời gian đọc kịch bản. Phim dài tập vừa viết kịch bản, vừa quay nên thường thời gian đọc kịch bản rất ngắn. Có khi tôi hôm trước đọc, hôm sau quay liền nên không có thời gian thẩm thấu kịch bản tốt. Tôi không dám nhận. Từ đầu năm 2019 tôi có cảm, giác tôi đã học rất nhiều khoá về diễn xuất và có nhiều kinh nghiệm sống hơn, tôi cảm thấy bản thân tự tin hơn để nhận phim truyền hình nếu có lời mời phù hợp. Đến tháng 7 năm 2019, tôi có lời mời thử vai ở Hà Nội. Trước đó tôi và gia đình cũng hay xem phim của Hà Nội, tôi cảm thấy về nội dung, diễn xuất và tất cả mọi thứ đều rất sâu sắc, tôi rất thích. Có lời mời ra Hà Nội casting nên tôi đi ngay. Trước đó tôi cũng được biết anh Huy Bùi là đạo diễn nổi tiếng ngoài Bắc, tất cả nội dung phim do anh ấy làm đều rất tỉ mẩn, toàn là những phim hot và được giải thưởng lớn. Khi tôi ra casting rất áp lực và căng thẳng, lại là vai chính của bộ phim. Sau đó anh Huy nói tôi phù hợp vai diễn.
Theo tôi được biết, phim này ban đầu nữ chính định mời diễn viên miền Bắc đóng. Sau đó, có sự thay đổi về kịch bản. Tôi lại khá phù hợp và cóp tinh thần của nhân vật nên anh Huy đã chọn tôi. Khi tham gia, áp lực rất nhiều vì làm việc với đội ngũ ekip miền Bắc, từ thoại cho đến nét diễn ngoài Bắc cũng khác so với trong Nam. Lời thoại của họ rất chắc nên tôi hơi áp lực về giọng nói và đài từ của tôi. Tôi cũng phải thêm một số từ ngữ miền Bắc, phải tập quen những cách nói như vậy vì nhân vật của tôi là nhân vật có ba là người Hà Nội, mẹ là người miền Nam, vào Nam sống tách biệt với gia đình ở Bắc. Ba có gia đình mới, sau đó mẹ mất, nhân vật của tôi lại ra Hà Nội sống với ba nên vẫn ảnh hưởng tiếng Bắc. Từ những câu thoại tôi phải thêm giọng miền Bắc, những từ ngữ, cách nói cũng theo người miền Bắc. Với những diễn viên khác tôi cũng phải thay đổi cách diễn của mình, phải có nhịp điệu, có trọng tâm, điểm nhấn. Phải có sự chuẩn bị rất nhiều cho mỗi phân đoạn. Đặc biệt vai diễn rất nặng, kéo dài 56 tập. Có những cảnh phải tâm lý nặng, phải khóc, phải diễn đồng hành cả sự trong sáng lẫn sự mạnh mẽ và cương quyết. Cả hai tính cách phải đối chọi với nhau trong cùng một nhân vật. Trong khoảng 3-4 tháng đầu tôi mất ngủ, thức trắng đêm, căng thẳng đến mức thức tới sáng và không có cảm giác buồn ngủ. Lúc đó tôi cũng gặp phải nhiều chuyện thị phi và chuyện gia đình nên nhiều khi làm việc cả 48 tiếng vẫn không ngủ được, nếu có tôi chỉ ráng được khoảng 1, 2 tiếng để ngủ. Sau đó chị Lã Thanh Huyền thấy tình hình hơi không ổn, về nhân vật tôi nghĩ tôi làm được 80% nhưng sức khỏe của tôi lại không có nên chị ấy dẫn tôi đi truyền nước để chống stress và tăng cường sức đề kháng. Sau khoảng 1 tháng, tôi bắt đầu ngủ được, mọi thứ vào guồng hơn, tôi hóa thân vào nhân vật một cách dễ dàng hơn, không phải quá căng thẳng như thời gian đầu. Lúc đó tôi cũng quen dần với mọi người, tôi có nhiều bạn bè ở Hà Nội hơn nên tôi thoải mái tư tưởng hơn, không còn suy nghĩ tiêu cực nhiều như thời gian đầu nữa.
Thoại và tâm lí nhân vật lại cực kỳ nặng, có những đoạn tâm lý nhân vật ở kịch bản ghi hết mấy trang giấy, có những từ ngữ chuyên môn nói về thương trường, về kinh tế và lĩnh vực bất động sản nên tôi phải học thuộc rất nhiều, phải thoại trôi chảy và phải có trọng âm điểm nhất. Vai diễn này rất cực nhưng qua được giai đoạn đầu tôi thấy mọi thứ trơn tru hơn.
Một vai nặng về áp lực tâm lý, mất thời gian xa nhà khá lâu, đây có phải vai diễn khác biệt hơn nhiều so với những vai trước đây bạn cảm nhận không?
Mỗi vai diễn đều có sự khác biệt nhưng vai diễn này vừa khác biệt, vừa kéo dài, quay cũng gần 1 năm cho gần 60 tập phim. Sau một thời gian tôi đóng khung vào hình tượng sang chảnh, thần thái, kiêu sa, không được gần gũi và hơi sắc sảo, kiểu nhân vật rất hiện đại và quyền lực nên mọi người nhớ tôi với kiểu nhân vật như vậy. Còn nhân vật này như thay đổi 360 độ, là một cô gái giản dị, mặc những chiếc áo sơ mi sờn vai, trang điểm rất nhạt, không phải trang điểm sắc sảo như những nhân vật kia. Gương mặt thể hiện cũng hoàn toàn trái ngược so với lúc trước, phải có sự trong sáng, hiền lành và có phần cam chịu một chút. Trong công việc cũng phải thể hiện được sự mạnh mẽ, quyết đoán, một cô gái không phải công nhân viên chức bình thường, vẫn phải thể hiện được sự thông minh và có lý tưởng. Tôi cảm thấy nhân vật này hoàn toàn khác với những nhân vật trong suốt những năm gần đây tôi gắn bó. Tôi nghĩ vai diễn này sẽ khiến mọi người có cái nhìn khác về tôi, tôi cũng như bao người, cũng gần gũi, không phải như hình tượng trước đây, không quá sắc sảo, xa cách với mọi người. Tôi nghĩ đây cũng là cái duyên, nó đến đúng thời điểm này để tôi gần gũi hơn với khán giả hơn so với hình tượng trước đây khiến khán giả cảm thấy hơi xa cách.
Những diễn viên miền Nam khi đóng phim miền Bắc họ gặp khó khăn về đài từ, cường độ quay lại rất chậm, những cảnh quay phải lặp đi lặp lại nhiều lần... Bạn có bị sốc khi đang quen với cách làm việc của người miền Nam mà phải ra Bắc đóng phim không?
Khi ra Bắc, mọi người có hỏi tôi có thấy tiến độ quay chậm không. Bản thân tôi lại thấy như vậy không chậm, hợp lý đúng hơn. Khi đóng phim điện ảnh trong Nam, tôi cảm thấy mọi người đã bỏ ra một số tiền, họ muốn sẽ khai thác được 200% đồng tiền họ đã bỏ ra nên khi quay, họ rất dồn dập, thậm chí diễn viên chỉ ngủ được 2, 3 tiếng mỗi ngày. Họ quay xuyên đêm, có khi quay 24 tiếng mới được nghỉ 1, 2 tiếng. Quay liên tục như vậy, trung bình phim truyền hình quay 3 tháng xong, còn phim điện ảnh quay khoảng 1 tháng xong, rất chặt chẽ. Còn ngoài Bắc, tôi thấy họ phân bổ thời gian hợp lý, khi diễn viên vừa chớm mệt, diễn viên hơi mất kiểm soát về tâm lý sẽ được nghỉ ngơi, không có cảm giác phải dồn ép đến mức kiệt sức. Tôi không biết nói vậy có động chạm ai không nhưng tôi nghĩ truyền hình nên làm theo kiểu như vậy vì nếu diễn viên không tỉnh táo, họ chỉ làm những việc họ đã chuẩn bị ở nhà, họ không làm hết khả năng 100%, phân đoạn đó họ sẽ không thể hiện được hết những tinh hoa của họ. Để một phân đoạn tốt 100% phải có sự chuẩn bị ở nhà, phải có sự tỉnh táo trên phim trường để tương tác với bạn diễn và hoàn cảnh trên phim trường. Nhiều khi làm việc quá sức quá sẽ không có sự tương tác tốt nhưng có sự nghỉ ngơi hợp lý giữa các ngày quay, mọi việc sẽ đỡ hơn. Tôi nghĩ thời gian phân bổ hợp lý để diễn viên có đủ sức khỏe và thể hiện tốt nhất cho nhân vật, tôi cảm thấy ngoài Bắc không chậm chút nào. Tôi cũng cảm thấy phim tôi đang quay được làm rất kỹ.
Bình thường tôi đi quay phim điện ảnh ở trong Nam, chỉ có 1 máy 4K, ở đây lại được đầu tư 2 máy 4K. Trước đây tôi nghĩ một phân đoạn phải quay nhiều lần cho nhiều góc, cảm giác bị chai, nhưng thật sự được trải nghiệm cách mới để không bị nhàm chán, mỗi góc quay tôi thử nghiệm một tâm lý mới một chút, lời thoại mới một chút. Tôi cảm thấy quay nhiều góc cho một cảnh, tôi thể hiện khác nhau nên cảm thấy mới mẻ hơn. Nói chung thời điểm này, cơ hội đến với tôi, tôi cảm thấy hợp lý về mọi thứ. Thứ nhất vì ở Sài Gòn, nhìn đâu tôi cũng cảm thấy buồn. Thứ 2 thời gian cũng không quá gấp rút để dồn ép tôi vì tôi muốn sự thư thả hơn so với guồng quay quá náo nhiệt như Sài Gòn. Thứ 3 tôi cảm thấy chậm như vậy tôi học được nhiều thứ, chiêm nghiệm được nhiều thứ trong mỗi cảnh quay và phát triển kỹ năng của bản thân nhiều hơn. Ở môi trường mới, bản thân tôi phải tìm cách thích nghi, tôi thấy không chỉ phát triển về cách diễn mà còn phát triển về tư duy cho bản thân. Tụ hội những điều đó tôi cảm thấy đúng thời điểm, đúng duyên và đúng dịp này, khi mọi người ở nhà nhiều hơn, xem phim truyền hình nhiều hơn, tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả hơn. Tôi cảm thấy đây cũng là sự may mắn của tôi trong đợt này, với bộ phim này.
Các diễn viên đóng chung trong phim này đều là những diễn viên chuyên nghiệp và cứng nghề. Bạn học hỏi những diễn viên này điều gì trong quá trình quay phim?
Chị Lã Thanh Huyền là một diễn viên lớn, chị từng đoạt giải Cánh Diều Vàng, chị ấy thoại rất chắc và chậm. Còn diễn viên miền Nam thoại rất nhanh, cả tôi cũng bị như vậy, nhiều khi tôi thoại rất nhanh, nhiều khi nuốt chữ. Ra Hà Nội tôi phải học lại cách nhả chữ chậm, tiết tấu phải cân đối với diễn viên khác. Một bên thoại rất chậm nhưng rất chắt, một bên lại thoại quá nhanh và tốc độ, tôi phải cân đối lại để nhịp rơi đúng điểm. Cũng có điều hay, tôi luyện cho đài từ của tôi căng hơn và có sức hút hơn. Ban đầu tôi tập rất nhiều về lưỡi và khẩu hình miệng cho hợp với diễn viên miền Bắc, tôi cũng tập sự hoạt ngôn khi đối đáp với họ những khi họ trêu tôi. Ban đầu khi tôi ra Bắc, họ trêu tôi rất nhiều nhưng tôi không hiểu, tôi hỏi họ nói thật hay giỡn, sau một thời gian tôi hiểu được cách vận hành, hiểu được văn hoá và cách nói chuyện của họ, tôi dần bắt nhịp được với họ và thích văn hóa đó, thích sự cởi mở đó. Dần dần tôi và anh Nhan Phúc Vinh diễn hợp rơ với các diễn viên ngoài Bắc hơn.
Bạn có sợ sự so sánh giữa diễn viên miền Bắc và miền Nam khi phim phát sóng không vì tình trạng này cũng từng diễn ra không ít lần khi diễn viên Nam Bắc cùng diễn chung trong một bộ phim?
Tôi và các diễn viên trong đoàn, tất cả đều chưa được xem trước. Chỉ có anh Huy đạo diễn cắt dựng lại. Tôi nghe nói cấp trên, những người duyệt phim khi xem những tập đầu, họ muốn bộ phim có thêm vài tập nữa để tròn 60 tập vì tập đầu hấp dẫn. Tôi cảm thấy phần nào yên tâm hơn. Thật sự tôi không sợ sự so sánh vì sự so sánh nào cũng bàn luận trước với nhau tại set quay rồi. Tôi cảm thấy ý kiến của mọi người về nhân vật và cách thoại thế này nhưng lại không phù hợp với nhân vật của tôi, tôi vẫn phản kháng lại cho đến khi đến lúc ý kiến đó đều phù hợp cho hai bên. Ví dụ ý của anh Huy, của chị Huyền, của anh Nhan Phúc Vinh là như vậy nhưng ý của tôi lại khác, tôi sẽ đấu tranh cho đến khi nào tôi cảm thấy có điểm giao hợp lý cho tôi cảm thấy diễn tự nhiên và bên kia cảm thấy thoải mái. Bao giờ cũng vậy, trước cảnh quay nào đó đều bàn luận rất nhiều. Không chỉ riêng tôi, những diễn viên khác đều bàn luận cho vai diễn của mình nên tôi cảm thấy môi trường làm việc rất tự do, sáng tạo. Không có ranh giới giữa diễn viên miền Bắc hay miền Nam, chỉ cần có điểm giao chung để mọi người cảm thấy thoải mái, nhịp nhàng. Sự so sánh hay không trên phim trường đã giải quyết 80 - 90% rồi, còn lại ý kiến của khán giả là chuyện không thể tránh khỏi.
Vai diễn này khóc khá nhiều, bạn cho rằng đây có phải áp lực với bạn không?
Đây là áp lực lớn với tôi. Bất cứ ngành nghề gì cũng vậy, đặc biệt những ngành nghề cần tập trung cao độ và phô diễn trong một khoảng thời gian nhất định. Chính vì sự tập trung này tôi hiểu được các vận động viên thể dục thể thao cũng vậy. Tôi cảm thấy cả diễn viên và vận động viên đều có điểm chung ở chỗ khi tập thử sẽ làm rất tốt nhưng khi đặt máy quay hay lên trường đấu, tâm lý sẽ bị ảnh hưởng ngay. Cứ tưởng tượng ở nhà tập rất tốt, lên set quay với các diễn viên khác cũng rất nhưng khi để máy quay trước mặt, tâm lý thay đổi ngay. Tôi thấy điểm chung phải tập tâm lý vững, có khán giả hay không có khán giả, có máy quay hay không có cũng phải tưởng tượng như không, phải tập tâm lý, tâm lý vững vàng vào cảm xúc dễ hơn. Khi tập trung vào một cảm xúc phải tập trung rất cao độ. Ví dụ có cảnh tôi đứng trước một ngôi mộ, trước một thác nước lớn, hùng vỹ ở Phú Yên, tôi khóc vì người nằm dưới ngôi mộ. Quay cảnh toàn ở đó chỉ có tôi và thiên nhiên, rất dễ hòa mình vào cảm xúc nhưng khi quay cảnh cận, đổi góc quay, tôi chỉ nhìn một cục đá nhỏ, tưởng tượng đó là người tôi đã mang ơn và rớt nước mắt vì cục đá. Khi nhìn vào, tôi phải tưởng tượng cục đá chính là người đó, không quan tâm những người xung quanh và máy quay, chỉ còn nhân vật và người đó. Vì vậy những phân cảnh như vậy đòi hỏi sự tập trung cao độ hơn. Mỗi khi quay xong những phân cảnh tâm lý nặng, tôi căng thẳng đến nỗi đầu óc căng.
Thời gian đầu, tôi mất kiểm soát trong việc điều phối tâm lý, tôi mất ngủ trầm trọng. Mỗi đêm chỉ nghĩ về phân đoạn đó nhưng sau đó tôi tìm hiểu trên mạng, đi truyền nước biển, đi thiền, tự dưng cuộc đời đưa đẩy tôi mới phát hiện ra đó giờ tôi lại coi thường nó. Tôi hay đọc báo thấy những nhân vật tầm cỡ thế giới sáng nào họ cũng thiền. Ban đầu tôi nghĩ thiền chán vậy có gì đâu cho đến khi tôi không kiểm soát được cảm xúc của mình, tôi mất sự tập trung khi bị chi phối quá nhiều thứ, tôi mới bắt đầu tìm đến thiền và tôi thấy điều đó có tác dụng với tôi thật. Từ khi tập thiền, sáng nào tôi cũng bỏ ra 1 tiếng đồng hồ để tập trung vào cảm xúc, khi tập trung tốt tôi hóa thân vào nhân vật dễ hơn rất nhiều. Tôi chọn thời điểm nào đó trong quá khứ, hiện lên trong mắt tôi rõ mồm một. Trước đây rất khó cho tôi khi diễn với một cục đá hay diễn với cành cây nào đó, không có người thật vật thật, chỉ có sự tưởng tượng rất khó nhưng sau khi thiền và thiền thường xuyên, tôi cảm thấy tập trung tưởng tượng dễ hơn nhiều so với trước đây. Kể cả tâm lý muốn vững vàng hay tập trung cao độ cũng phải tập luyện. Trước đây, tôi lại hay xem thường điều đó, bây giờ tôi xem tâm lý là một trong những yếu tố tiên quyết để chính phục điều gì đó trong cuộc sống. Chính điều đó cũng ảnh hưởng đến cuộc sống ngoài đời của tôi. Trước đây tôi rất nóng tính và khó kiểm soát cơn nóng giận dẫn đến việc tôi buông ra những lời nói tổn thương người khác, tôi hối hận rất nhiều về chuyện này. Sau khi thiền, tôi kiểm soát được cảm xúc và tôi nhận ra việc này tốt cho công việc của tôi và cả cuộc sống của tôi.
Có vẻ lần Bắc tiến để tham gia dự án này bạn đã trải nghiệm được rất nhiều thứ?
Đúng vậy, tôi trải nghiệm rất nhiều. Tôi cảm thấy tôi may mắn vì nếu tôi không đóng phim này, không làm việc với ekip này thì không biết ra sao. Tôi cảm thấy tôi rất may mắn khi được đóng chung với chị Lã Thanh Huyền vì chị ấy rất đặc biệt, từ trước giờ tôi không tìm được ai đặc biệt như chị. Chị luôn có nguồn năng lượng tích cực, chị đến đoàn phim và lan tỏa năng lượng tích cực đó. Khi tôi chỉ vừa suy nghĩ tiêu cực, gặp chị ấy mọi thứ vui vẻ lại bình thường. Cũng nhờ có chị là người kết nối nên tôi hòa nhập với mọi người nhanh hơn nhiều. Sự hòa nhập và kết nối cũng quan trọng với một tập thể mới để tôi hoàn thành tốt công việc. Trước đây tôi hơi khép kín, khó hòa nhập với mọi người, phải mất khoảng thời gian dài tôi mới có thể hòa nhập với mọi người. May mắn phim có chị nên tôi hòa nhập rất nhanh. Tôi cảm thấy có nhiều điều đến, mặc dù tôi có nhiều sự đau khổ nhưng đến bây giờ tôi nhận ra rằng tôi không mạnh mẽ như bản thân tưởng, nhiều khi tôi nghĩ chết đi còn tốt hơn, nhảy từ trên xuống giải quyết được hết mọi chuyện nhưng khi cuốn vào guồng quay công việc, gặp những người tích cực nên tôi cũng được ảnh hưởng tốt. Sau biến cố tôi nhận ra vẫn còn những điều tốt đẹp phía trước đang chờ tôi. Mọi thứ có duyên, cuộc sống lúc lên lúc xuống và tôi gặp được những người có thể nâng đỡ tôi dậy nên tôi cảm thấy tôi rất may mắn.
Đây là bộ phim làm lại của TVB, nói về sự đấu tranh gia tộc. Những bộ phim làm lại từ phim quá quen thuộc, khán giả sẽ có cái nhìn khắt khe hơn trong mỗi chi tiết. Bạn có lo lắng không?
Với phim này tôi không hề lăn tăn. Trước đây có những phim cũng làm lại từ một phim khác, rất nổi của Hàn Quốc nhưng tôi không dám đóng. Tôi nghĩ những phim đó họ đã làm tốt nhất rồi, nếu tôi đóng, chắc chắn sẽ không bằng họ, tôi rất sợ. Với phim này, tôi đã xem bản gốc rồi và tôi rất tự tin rằng bản Việt hay hơn (cười). Không phải tôi kiêu ngạo, thật ra kịch bản của phiên bản Việt đã được thay đổi khoảng 50% để phù hợp với văn hoá Việt Nam rồi, chỉ giữ 50% cốt truyện của phiên bản gốc, mọi thứ sẽ khác rất nhiều. Theo nhận định chủ quan cá nhân của tôi, tôi thấy phiên bản Việt Nam hấp dẫn hơn. Những người đi đầu của phim như anh đạo diễn cũng thấy phim rất hấp dẫn (cười).
Những bộ phim chuyển thể lại bị thất bại vì họ chăm chăm làm giống 100% bản gốc nhưng gần đây cũng có những bộ phim đưa văn hoá của người Việt Nam vào, 50% nữa là họ cho diễn viên sáng tạo. Bạn có nghĩ chính vì điều đó là một trong những yếu tố làm nên cách nhìn khác của khán giả với phim Việt không?
Tôi nghĩ nên như vậy. Tôi chỉ xem sơ bản gốc, tôi không dám xem nhiều, cả đạo diễn cũng không muốn tôi xem kỹ vì sẽ bị ảnh hưởng. Khi đã ảnh hưởng sẽ mất chất riêng của mình. Tôi thấy khi diễn theo cách của mình, sáng tạo theo mỗi diễn viên sẽ gần gũi với người Việt hơn. tôi cảm thấy phim sẽ linh hoạt và hay hơn so với việc xem thật kỹ và làm y như bản gốc. Chắc chắn chúng ta không thể nào làm hay như bản gốc, nếu cứ làm theo giống họ, cử chỉ, giống họ sẽ mang tính áp đặt, không mang tính sáng tạo. Bản thân một người khi bị bỏ vào một chiếc hộp cũng cảm thấy không tự tin, thoải mái. Tất cả mọi người trong đoàn cảm thấy được tự do, thoải mái sáng tạo, khán giả cũng sẽ cảm nhận được điều đó. Nếu một bộ phim giống hệt từ đầu đến cuối, khán giả sẽ cảm thấy ngột ngạt. Tôi nghĩ nên có sự thay đổi phù hợp với văn hoá người Việt, như vậy sẽ có sự linh hoạt hơn, thoải mái hơn và hay hơn.
"Khi mẹ mất, tôi không biết tôi sống vì cái gì, tôi mất mục đích sống, tôi chỉ muốn chết"
Thời gian trước, bạn đăng lên trang cá nhân những dòng trạng thái khá buồn, thần thái có phần tiều tuỵ hơn nhưng gặp bạn bây giờ, thần thái của bạn có vẻ tươi hơn rất nhiều. Sau những biến cố, đau khổ khi mất mẹ, bản thân bạn phải vực dậy thế nào?
Có nhiều cảm xúc kì lạ đan xen với nhau lắm. Lúc mẹ đi, tôi có nhiều câu hỏi, tôi đau khổ, cảm giác như ai cứ đấm vào ngực của tôi mỗi ngày vậy. Tôi cảm thấy tôi có lỗi nữa vì tôi hối hận nhiều thứ, tôi chưa dành nhiều thời gian cho mẹ, chưa dẫn mẹ đi nhiều nơi. Tính tôi cứng đầu, bướng bỉnh, không riêng với mẹ mà tất cả mọi người xung quanh cũng vậy, mọi người cũng rất mệt mỏi vì tính cách của tôi. Cách tôi nói chuyện cũng rất thẳng thắn, nhiều khi làm người khác tổn thương nhưng tôi vẫn nói. Sau biến cố mẹ mất, tự dưng tôi thay đổi rất nhiều, tôi phải suy nghĩ, lọc đi lọc lại trước khi nói. Những biến cố thị phi tôi cũng không còn bộc trực như lúc trước nữa. Ban đầu tôi chỉ muốn chết đi, có những câu hỏi tôi muốn biết như người chết sẽ đi đâu? Tại sao tôi phải chịu đựng sự chia ly này? Mẹ tôi và tôi đã cố gắng rất nhiều trong cuộc sống nhưng vẫn có cái kết buồn. Mẹ là người thân duy nhất của tôi, là gia đình duy nhất của tôi, cảm giác vừa đau khổ, vừa cô độc.
Trước đây, tôi cố gắng vì mẹ nhưng khi mẹ mất, tôi không biết tôi sống vì cái gì, tôi mất mục đích sống, tôi chỉ muốn chết. Sau đó, tôi tự cố gắng, tôi cầu nguyện, xin mẹ cho tôi có con đường tích cực hơn, con đường mà mẹ cảm thấy vui và tự hào. Chắc có lẽ mẹ nghe lời cầu nguyện của tôi, tôi cảm thấy mọi thứ tươi sáng hơn và tìm được sứ mệnh của tôi. Vì sao tôi vẫn còn thở, vẫn còn sống? Cách đây 10 đến 12 năm, khi mẹ tôi phát hiện bệnh, khi đó bệnh đã trở nặng, có lần mẹ sốt 39 độ, tâm lý hoảng loạn, lần đó tôi nghĩ tôi sắp mất mẹ rồi nhưng lúc đó mẹ vẫn khoẻ lại. Tại sao mẹ lại chọn thời điểm này ra đi, tôi nghĩ đều có ý nghĩa, tôi cố gắng suy nghĩ theo hướng đó, tôi không suy nghĩ tại sao ông trời cướp mẹ tôi đi, tôi suy nghĩ theo hướng tích cực hơn. Đến lúc mẹ ra đi tôi đã 30 tuổi, trưởng thành hơn, mẹ đã hoàn thành xong sứ mệnh của cuộc đời này, đó là nuôi dưỡng tôi nên người và giúp tôi trưởng thành, chín chắn hơn. Mẹ đã hoàn thành xong sứ mệnh của mẹ, bây giờ tôi làm tiếp sứ mệnh của tôi, tôi không thể đi theo mẹ được. Mẹ đã dành cả quãng đời, vất vả nuôi nấng tôi, nếu tôi đi theo mẹ cũng như tôi phá hết ước mơ của mẹ khi còn sống. Tôi tìm lại sứ mệnh của tôi trên cuộc đời này để tiếp tục sống với niềm tin đó.
Tôi nghĩ mỗi người sinh ra có một sứ mệnh và phải hoàn thành nó. Tôi là diễn viên, cũng là ước mơ của ba mẹ từ lúc còn nhỏ, khi tôi diễn, khán giả sẽ thấy đâu đó khoảnh khắc của họ của nhân vật trong phim, tôi truyền cảm hứng được cho họ, truyền được cách xử lý tình huống thật nhất có thể, đó là sứ mệnh của tôi. Qua mọi thứ tôi thấy khi tìm được mục đích sống rồi, sau khoảng thời gian bị lạc hướng, tôi cảm thấy tôi vui vẻ, sáng láng trở lại, tìm được mục đích sống, phải trở thành diễn viên giỏi, có được giải thưởng và khiến mẹ tự hào và thực hiện tiếp sứ mệnh, con đường sống của tôi sau này. Tôi cố gắng làm công dân tốt, kiểm soát được mọi thứ, khi đó tôi nguôi ngoai được nỗi đau.
Ai là người giúp bạn trong khoảng thời gian đó?
Những người thân của tôi. Nhà tôi chỉ có 2 mẹ con nhưng sau khi mẹ mất khoảng 1-2 tháng, tôi nói gia đình chị họ tôi dọn vào ở chung. Mọi người rất thương tôi và chia sẻ với tôi rất nhiều nên tôi có cảm giác họ cũng như gia đình thật sự của tôi. Bên cạnh tôi cũng có những người bạn, người yêu luôn bên cạnh mỗi khi tôi cần. Tôi cũng cảm thấy may mắn khi có những người đến với tôi thật lòng, chia sẻ với tôi thật lòng. Tôi nghĩ nếu tôi không chiến đấu, cuộc sống này sẽ loại bỏ tôi đi. Tôi từng nghĩ tôi cô độc nhưng khi nhìn lại, tôi không cô độc, vẫn còn nhiều người giúp đỡ, chia sẻ tôi, tôi vui vẻ hơn và cảm thấy vẫn còn nhiều người đồng hành cùng tôi trong cuộc sống này.
Bạn thay đổi ra sao và bạn phải tập điều gì khi vắng mẹ?
Tôi sống theo cảm xúc nhiều hơn. Hồi đó có mẹ tôi bỏ hết mọi thứ xung quanh, chỉ tập trung vào sự nghiệp, tôi thấy tôi bỏ mất đi những điều rất quan trọng nhưng khi mẹ mất, tôi cảm thấy ngoài sự thăng tiến trong sự nghiệp, kiếm được nhiều tiền, có nhà cao cửa rộng… không còn quan trọng nữa, quan trọng là những điều còn lại. Tôi cảm thấy cuộc sống không chỉ có vật chất hay sự nghiệp, đó chỉ là phần nhỏ, không quyết định được hạnh phúc. Tôi nhận ra thời gian đang có với những người hiện tại để chia sẻ với những người xung quanh. Khi quá tập trung về bản thân, tôi luôn có cảm giác bất an, phải có cái này, cái kia, mẹ phải được cái này, cái kia nhưng khi nhìn lại, mẹ không cần những điều đó. Việc ăn cơm với gia đình còn quan trọng hơn. Từ khi mẹ mất, tôi mới nhận ra điều đó, đơn giản chỉ là bữa cơm gia đình, tôi cảm thấy hối hận khi nhiều lần không về ăn cơm với mẹ. Tôi hay quên, tôi nói với mẹ trưa sẽ về ăn cơm nhưng đến trưa, có khách hàng gọi điện mời tôi đi ăn, lúc đó mẹ đã chuẩn bị hết tất cả, tôi lại không về. Tôi cảm thấy thất vọng kinh khủng, giá như tôi gần mẹ nhiều hơn tôi sẽ không có cảm giác tội lỗi thế này. Đến khi mẹ mất, tôi cảm thấy có những điều quan trọng hơn vật chất, những điều từ trước tôi theo đuổi đều thay đổi hoàn toàn. Đương nhiên công việc của tôi vẫn chạy tốt nhưng quan trọng không phải có được vị trí trong xã hội, có nhiều cái trên đời, nhà lầu, xe hơi, những mối quan hệ xứng đáng, quan trọng là thời gian dành cho những người thương tôi và những người tôi thương.
Có vẻ bạn của hôm nay và hôm trước thay đổi rất nhiều?
Tôi không còn tham lam như trước đây nữa. Trước đây tôi rất tham vọng, cứ nghĩ thế giới này đều cần có vật chất mới sống được. Thật sự xuất thân của tôi bình thường dù tôi được ba mẹ ưu ái cho học nhiều thứ, tuy nhiên cuộc sống gia đình lại không khấm khá lắm. Khi ba mẹ tôi ly dị, ra riêng tôi phải tự bươn trải cuộc sống, tự chứng tỏ bản thân để những người từng coi thường tôi và mẹ tôi thấy được tôi đã thành công thế nào. Tôi cứ đi theo con đường xem tất cả mọi người, xem thế giới này là điều gì đó tôi phải đối đầu, tôi xem vật chất quan trọng để tồn tại. Đến khi mẹ mất tôi cảm thấy mọi thứ không còn quan trọng nữa, những điều tôi từng xem nhẹ lại quan trọng hơn rất nhiều.
Thường khi gặp cú sốc về tâm lý, người ta sẽ dựa dẫm nhiều hơn về tình cảm, bạn có như vậy không?
Tính tôi xưa giờ đều rất tự lập, cuộc đời cũng đưa đẩy khiến tôi tự lập hơn, tôi không dựa dẫm vào bất cứ ai cả. Chính vì như vậy nên tôi có sự tự do và tự chủ được. Nếu dựa dẫm vào bất cứ người nào, hạnh phúc sẽ phụ thuộc vào người đó, còn bản thân sẽ không thật sự hạnh phúc. Tôi thấy chỉ có bản thân mình mới biết mình thế nào, còn mọi thứ xung quanh đều là sự thay đổi. Ví dụ hôm nay bạn có một cái gì đó trong tay, ngày mai bạn có thể mất liền, đó là bản chất cuộc sống, mọi thứ sẽ thay đổi, không có gì tồn tại mãi mãi. Nếu cứ phụ thuộc vào một mối quan hệ nào đó hay một điều gì đó, rồi bản thân sẽ đau khổ vì chuyện phụ thuộc. Quan trọng nhất phụ nữ phải tự lập tài chính để có sự tự do cho niềm vui và hạnh phúc của bản thân.
Bạn đóng phim một thời gian dài ở Hà Nội, còn bạn trai ở miền Nam có bất tiện trong chuyện hẹn hò không?
Không có bất tiện gì cả vì mỗi lúc tôi được nghỉ 1, 2 ngày, tôi sẽ bay vào Sài Gòn, những lúc bạn tôi được nghỉ cũng ra Hà Nội thăm tôi. Nếu rảnh khoảng 2 tuần gặp 1 lần, còn nếu bận quá một tháng sẽ gặp 1 lần. Cả tôi và bạn tôi bằng tuổi nhau, còn trẻ và còn phải phát triển sự nghiệp cá nhân, làm những dự định riêng. Tôi nghĩ như vậy tốt cho cả hai, vừa tập trung xây dựng mối quan hệ, vừa thử thách được mối quan hệ này bền thế nào, vừa có thời gian xây dựng tính cách cả hai trưởng thành hơn vì cả hai đều cần không gian riêng để xây dựng cái của riêng. Bạn ấy đã chờ được 7 tháng rồi nên 3 tháng nữa cũng không vấn đề gì, bạn ấy nói vậy (cười).
Bạn trai bạn khá đẹp trai nên cũng khá đào hoa, bạn có sự lo lắng nào không?
Yêu ai mà không lo lắng, bạn tôi cũng lo lắng về tôi và tôi cũng vậy. Tôi nghĩ lỡ như có chuyện gì xảy ra cũng là lựa chọn tốt hơn cho người đó. Nếu yêu người đó phải nghĩ như vậy để mọi thứ bớt nặng nề hơn. Sau khi mẹ tôi mất tôi thấy sự đau khổ nhất tôi đã chịu đựng rồi, nếu có những cái sau này tôi vẫn chịu được. Biến cố xảy ra trong cuộc sống ai cũng có, không ai mong muốn biến cố xảy ra, tôi cũng vậy. Tôi nghĩ biến cố lớn nhất đã xảy ra nên tôi không còn sợ biến cố gì nữa, tôi chỉ cố gắng vun đắp nó hết sức có thể. Nếu lỡ mất đi, tôi sẽ nghĩ cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Ở thời điểm hiện tại tôi rất trân trọng vì chúng tôi đi cùng nhau cũng được hơn 3 năm.
Nhiều nghệ sĩ nữ thấy chuyện được bạn trai lo lắng là bình thường, còn bạn lại khá độc lập. Có phải bạn nghĩ vì là phụ nữ nên phải mạnh mẽ trong tất cả mọi thứ?
Tôi không phải tự lập hết tất cả, tôi cũng là phụ nữ. Tôi là phái yếu nên có những chuyện phải nhờ bạn trai giúp sức, có những lúc như vậy tôi vẫn nhờ nhưng tôi nghĩ mỗi cá thể nên có sự tự lập, có tài chính riêng, khi cần giúp đỡ vẫn có thể hỏi nhau được. Mối quan hệ tương hỗ tốt hơn việc một bên ở nhà không làm gì. Dựa dẫm hoàn toàn như vậy tôi cảm thấy sẽ không còn là chính mình nữa. Tôi cũng không phải tự lập đến mức không dựa dẫm hay nhờ bạn trai việc gì, thậm chí mỗi khi bạn trai tôi cần dựa dẫm về tinh thần, tôi vẫn hỗ trợ nhau chứ không phải rạch ròi là một người phụ nữ quá cứng cáp, làm tất cả mọi thứ. Tôi nghĩ nếu tôi độc thân sẽ như vậy nhưng tôi có người yêu, việc đó cũng không có ranh giới. Cần vẫn có sự giúp đỡ của đối phương nhưng tự lập mới có thể tự hạnh phúc được. Hạnh phúc rồi mới đem lại hạnh phúc cho người khác được.
3 năm là một khoảng thời gian khá dài để xác nhận mối quan hệ như đính hôn?
Tôi phải để tang cho mẹ tôi mấy năm rồi mới tính chuyện đó.
Bạn trai bạn có ủng hộ điều đó không?
Bạn tôi ủng hộ. Cũng tuỳ thời điểm nữa. Nói quen 3 năm nhưng chúng tôi gặp nhau không nhiều vì 2 năm đầu bạn tôi ở Úc, tôi ở Việt Nam, đến năm thứ 3 bạn ấy trở về Việt Nam làm việc luôn. Quen hơn 3 năm nhưng khoảng thời gian nói chuyện và chia sẻ với nhau chỉ tầm 1 năm mấy 2 năm. Tôi nghĩ thời gian cũng không dài. 2 năm đầu bạn ấy bên Úc, chúng tôi yêu xa, đến năm thứ 3, tôi ở Hà Nội. Thời gian bên cạnh nhau không nhiều, nói 3 năm nghe dài thật nhưng thực sự khoảng thời gian bên nhau lại không dài.
Cảm ơn Diễm My 9X về buổi trò chuyện này!