SAO » Chuyện làng sao

Đời nghệ sĩ vang danh một thời nhưng chịu cảnh tuổi già sức yếu, bệnh tật bủa vây: 'Cầm ca làm gì có quê hương... '

Thứ tư, 10/02/2021 07:05

Tuổi thanh xuân rực rỡ với sân khấu và sàn diễn, những nữ nghệ sĩ này luôn cố gắng để cống hiến, tạo ra những tác phẩm giá trị cho nền nghệ thuật Việt Nam. Nhưng sau ánh hào quang, rất nhiều người lại phải "lầm lũi" sống cuộc sống tuổi già cô đơn, đấu tranh với bệnh tật và nghèo khó.

Ca sĩ Kim Ngân

Kim Ngân là một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng tại hải ngoại đầu thập niên 1980. Không chỉ sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp, gợi cảm, bà còn có một giọng hát hay và khoẻ. Thời còn đỉnh cao, nữ ca sĩ có mức cát-xê khủng, thậm chí mở riêng phòng trà mang tên mình. Tuy nhiên, có thời điểm, bà bắt đầu bê bối, thường đi trễ, không đúng lịch hẹn nên khán giả dần không yêu thích như xưa.

Kim Ngân từng là ca sĩ nức tiếng thập niên 1980 vì phong cách biểu diễn sexy, cuốn hút

Nữ ca sĩ từng có một gia đình hạnh phúc với chồng và hai con gái. Sau đó, bà và chồng ly dị, phải nhường con cho chồng nuôi. Những cú sốc liên tục từ công việc đến hôn nhân khiến thần kinh bà thiếu ổn định, lúc tỉnh lúc mê.

Số phận éo le khiến cô ca sĩ nổi tiếng một thời khi về già lại phải sống lang thang, thần trí lúc tỉnh lúc mê

Trizzie Phương Trinh - vợ cũ ca sĩ Bằng Kiều cũng từng chia sẻ về cuộc sống của nữ ca sĩ Kim Ngân. Theo đó, chị cho biết các nghệ sĩ Việt tại hải ngoại từng muốn đưa bà vào bệnh viện tâm thần, nhà tình thương nhưng nữ ca sĩ không đồng ý, cứ đòi đi lang thang.

Người hâm mộ và các nghệ sĩ đều không khỏi đau lòng khi nhìn thấy những hình ảnh này

Kể về ca sĩ Kim Ngân, Phương Trinh cho biết: “Tôi tưởng chị ấy mất trí nhớ nên không còn biết ai, nhưng chị Ngân vẫn nhớ hết, chỉ là lúc tỉnh, lúc quên. Bây giờ, chị Ngân cầm chiếu, chăn đi lang thang khắp nơi. Tối đến, chị trải chăn ra ngủ trước hiên nhà của mọi người, tắm rửa, gội đầu bằng vòi nước công cộng.”

Hình ảnh nữ ca sĩ khi về già gây "sốc" cho người hâm mộ

Nghệ sĩ Hoàng Lan

Nghệ sĩ Hoàng Lan sinh năm 1959 ở miền Tây. Chị trở thành diễn viên đoàn kịch nói Cửu Long Giang khi mới 17 tuổi. Sau nhiều năm hoạt động trên các sân khấu, Hoàng Lan tham gia chương trình "Trong nhà ngoài phố" đầu những năm 1990.

Nữ diễn viên năng động ngày nào bị bệnh tật bủa vây khi tuổi già sức yếu

Tên tuổi Hoàng Lan gắn liền với các dạng vai phản diện như giám đốc, chủ quán cơm tù, má mì... Có thời, mái tóc bờm sư tử trở thành "thương hiệu" của Hoàng Lan. Thập niên 2000, chị tiếp tục nổi tiếng với các phim "Cô thư ký xinh đẹp" (2000), "Cổng mặt trời" (2010)... Năm 2011, sau một lần bị tai nạn giao thông rồi đột quỵ, sức khỏe diễn viên dần xuống dốc.

Sau tai nạn, tình trạng sức khỏe nữ diễn viên ngày càng xuống dốc

Quãng thời gian tỏa sáng trên sân khấu là quãng thời gian chị vui nhất. Cũng như bao người nghệ sĩ nữ khác, ước mơ của một người phụ nữ là chuyện lấy chồng và sống yên ấm với những đứa con. Chị cũng từng được hưởng cái hạnh phúc ấy nhưng lại là hạnh phúc không trọn vẹn, nếu không muốn nói là đau đớn. Quãng thời gian còn mặng nồng của Hoàng Lan cùng chồng và các con đôi lúc cũng tràn ngập tiếng cười. Dù có khó khăn nhưng đối với chị lúc đó vẫn còn cả gia đình đang trông đợi nên bản thân lại càng cố gắng hơn. Họ đến với nhau vì tình yêu ấy vậy mà cũng đến lúc chia ly, vì nhiều lý do mà người trong cuộc luôn giữ kín nguyên nhân tan vỡ.

Thậm chí khi lâm vào bước đường cùng, Hoàng Lan đã phải liên hệ xin diễn viên Phi Phụng giúp tiền mua thuốc

Năm 2009, Hoàng Lan quay lại Năm Căn (Cà Mau), nơi chôn nhau cắt rốn, hùn hạp với người quen nuôi tôm. Không may, những vụ tôm liên tiếp thất bại, lỗ gần mấy tỉ bạc. Cùng lúc đó, tiền chị cho bạn bè vay cũng bị giật đến trắng tay. “Từ chỗ tiền bạc dư dả, tôi không còn một xu dính túi. Cú ngã ấy làm tôi sốc nặng”. Từ đó, Hoàng Lan suy sụp tinh thần, bệnh tật lại ập xuống.

Đầu năm 2011, nữ nghệ sĩ bị xe tông dẫn đến chấn thương đầu gối trái. Cuối năm 2011, Hoàng Lan phát hiện sức khỏe mình ngày càng yếu đi nhưng chị vẫn phải đi làm để kiếm tiền, trang trải cuộc sống. Những căn bệnh hành hạ chị là thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp, giãn tĩnh mạch, nhồi máu não… Cơn đau về thể xác cũng là phần nào, sao bằng cơn đau về tinh thần. Chính là thời khắc chị cần người đàn ông của mình bên cạnh thì lại không có nổi cái nắm tay.

Ly dị chồng, 2 đứa con cũng theo cha, chị sống thui thủi một mình rồi bị dồn vào bước đường cùng của số phận, vậy mà nữ nghệ sĩ vẫn đau đáu một tình yêu với nghề

NSƯT Diệu Hiền

Diệu Hiền tên thật là Lâm Thị Hiền, sinh năm 1945 tại Bạc Liêu, sớm phải chịu cảnh mồ côi cha, sống với mẹ và cha dượng. Năm 14 tuổi, Diệu Hiền trốn nhà để đi theo gánh hát, quyết sống chết theo nghiệp cầm ca. Bà tự nhủ, nếu mộng ước không thành thì thà “trôi sông lạc chợ” chứ không thể quay trở về nhà.

Đào chánh Diệu Hiền từng làm nức lòng người hâm mộ qua nhiều vở diễn, tuồng hát

Cũng giống như các nghệ sĩ khác, bà chính thức bước lên sân khấu với vai trò một diễn viên múa minh họa, làm nền tôn lên vẻ đẹp lộng lẫy cho những cô đào, anh kép đang hóa thân vào vai ông hoàng, bà chúa trong vở tuồng.

Không ngừng quyết tâm và phấn đấu, Diệu Hiền dần được giao cho những vai diễn lớn hơn và được khán giả nhớ đến qua các vai đào chính trong một số tuồng cải lương như: Nhụy Kiều tướng quân, Nữ tướng Cờ Đào, Người nhện xám, Thoại Khanh Châu Tuấn...

Cô đào quyết tâm với nghề hát và thành công, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả

Với hơn 30 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật cải lương, NSƯT Diệu Hiền đã tham gia hàng trăm tuồng hát, hàng nghìn suất diễn trên các sân khấu, nhưng để lại ấn tượng sâu đậm với khán giả nhiều nhất chính là vai nữ tướng Triệu Thị Trinh trong Nhụy Kiều tướng quân.

Về già, cô đào vang danh ngày nào vẫn tiếc nuối cho giọng hát của mình

Gần đây, dấu chân của "đệ nhất đào võ" thưa dần trên các sân khấu, bà chọn cho mình cuộc sống lặng lẽ không màng lợi danh nơi Viện dưỡng lão nghệ sĩ. Ngày ngày cùng với những đồng nghiệp ôn lại một thời vàng son của nghệ thuật và của cả đời người. Bà từng chia sẻ: "Không còn đủ sức để bước lên sân khấu, sàn diễn, hóa thân vào các vai tuồng thì ở bất cứ nơi nào, tôi cũng sẽ ngồi để ca. Một mai có mất đi, tôi chỉ tiếc giọng ca của mình. Vì tổ nghiệp đã cho tôi giọng ca được mọi người thương mến, nếu thật sự có kiếp sau thì tôi cũng mong được làm nghệ sĩ".

Hoa Mỹ Hạnh

Phận đời nổi trôi của cô đào cải lương Hoa Mỹ Hạnh, tuổi trẻ hào quang, cuối đời sống trong cô độc khiến công chúng không khỏi xót xa. Hoa Mỹ Hạnh là nghệ sĩ cải lương miền Nam rất nổi tiếng vào những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, ánh hào quang qua đi, cô đào hát được nghìn người săn đón ngày nào giờ sống cô đơn trong nhà trọ ọp ẹp ở Sài Gòn. Bi kịch cuộc đời không quê hương, chồng phản bội, con mất sớm của nữ nghệ sĩ ở tuổi gần đất xa trời khiến nhiều người tiếc nuối và thương cảm cho số phận "hồng nhan bạc mệnh" .

Cô đào Hoa Mỹ Hạnh nức tiếng một thời

Từ các vai “đào con” lên đến “đào chánh” năm 17 tuổi, tên tuổi của Hoa Mỹ Hạnh vụt sáng như sao. Diện mạo xinh đẹp cộng với tài ca hay nên hình ảnh của bà vang danh khắp lục tỉnh Nam Kỳ, xuất hiện trên nhiều tờ báo. Hoa Mỹ Hạnh được đứng chung sân khấu với nhiều nghệ sĩ gạo cội trong nghề thời đó. Đi đến đâu bà cũng được người dân yêu mến. Nghe có đoàn cải lương đến, người dân kéo đến chật kín, say sưa nghe những lời ca tiếng hát cất lên trong các vở diễn bất hủ như: Đêm Lạnh Hùng Ca, Mùa Thu Bạch Mã, Người Hùng Sơn Cước…

Ngoại hình xinh đẹp và giọng hát trời phú giúp Hoa Mỹ Hạnh vụt sáng thành ngôi sao cải lương thời đó

Năm 22 tuổi, bà gặp nghệ sĩ Minh Hải và nhanh chóng kết thành đôi. Hai vợ chồng lập đoàn hát Sơn Ca Minh Hải và đi hát ở nhiều nơi. Số tiền thu được sau mỗi đêm diễn hồi đó lên đến cả cây vàng, tiền nhiều đếm mỏi tay, bà nhanh chóng tậu được một chiếc xe con.

Vẻ đẹp sắc nước hương trời của Hoa Mỹ Hạnh thời xuân xanh và sự tiều tụy không thể tránh khỏi khi tuổi già sức yếu

Thời cực thịnh của cải lương qua đi, đoàn hát lao đao vì sự du nhập của âm nhạc nước ngoài, Hoa Mỹ Hạnh phải bán nhà để trả lương cho nghệ sĩ rồi cũng giải tán đoàn. Không bao lâu sau, chồng bà có vợ bé, đem hết của cải trong nhà cho người tình mới. Bà chia tay kẻ “đầu ấp tay gối” bội bạc, "tay trắng" một mình ôm con lang bạt khắp các đoàn cải lương.

Cô đào vang danh một thời xót xa cho số phận hẩm hiu của mình - "Bởi cầm ca làm gì có quê hương"

Nào ngờ đứa con trai là chỗ dựa tinh thần duy nhất của bà lại mất sớm sau một cơn bạo bệnh hồi 15 tuổi. Vì “đâu có quê để mang con về" nên bà đành “đứt ruột” gửi con ở lại đất Long Xuyên rồi tiếp tục hành trình rong ruổi nay đây mai đó. Đoàn cải lương bà nương nhờ không trụ được trước thời cuộc cũng lụi tàn. Cô đào giải nghệ, lưu lạc vào Sài Gòn làm đủ thứ nghề kiếm cơm qua ngày. Hôn nhân “đứt gánh”, nghiệp cầm ca vỡ tan tành, người nghệ sĩ nổi tiếng ngày nào giờ cô độc với bệnh tật bủa vây. “Khi nào mình đứt dây đàn, cô sẽ vào viện dưỡng lão để chờ chết. Mong còn có người lo an táng cho mình cẩn thận ở đây… Bởi cầm ca làm gì có quê hương” - bà nói trong nỗi buồn nặng trĩu trên khuôn mặt khắc khổ.

Đỗ Hà (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)