Đàn bà kêu gọi bình đẳng giới, hô hào bình quyền với đàn ông. Đàn bà đòi được như đàn ông! Đàn bà đòi được… cởi trần khi nóng như đàn ông, đòi đàn ông san sẻ việc nhà, đi chợ, nấu cơm giặt giũ như đàn bà. Nhưng, trong chính đàn bà lại tự đặt cho mình giới hạn, rằng mình phải như thế nào để người ta đừng đánh giá, phải như thế nào mới là đàn bà ngoan, mới được đàn ông “để mắt” tới.
Thế đấy! Đàn bà, cứ hoặc vô tình, hoặc cố ý làm khổ mình bởi lề thói do chính mình đặt ra, cứ tự đặt cho mình chuẩn mực về “ngoan” và “hư” rồi theo đó mà sống (hoặc nếu mình không sống như chuẩn mực của đám đông được thì bắt người khác phải sống theo đúng chuẩn mực đó). Tôi chẳng ngạc nhiên khi trong suy nghĩ của nhiều đàn bà tự cho mình là trí thức tân thế hệ, nhưng chỉ vừa nhìn thấy một người đàn bà hút thuốc lá, trong đầu đã ngay lập tức phán xét rằng… đó là đàn bà hư. Chữ “hư” hóa ra dễ dàng được buông ra lắm!
Người nổi tiếng có cần được dạy ngoan?
Tôi nhớ một câu chuyện trong lúc trà dư tửu hậu giới phóng viên văn hóa văn nghệ kể với nhau về cuộc chia tay giữa “gái hư” Trà My và “đại gia” Hà Dũng. Người ta đồn, khi chia tay, Hà Dũng đã từng nhận mình là kẻ sáng tạo và Trà My là một sản phẩm lỗi của tạo hóa. Không biết, tính chính xác của câu nói đầy “quyền năng” ấy là bao nhiêu, và nếu có câu nói ấy, thì có phải chính bởi câu nói đó hay không mà Trà My đã trở thành người đầu tiên bị gắn mác “gái hư showbiz”. Hàng loạt bài báo liên quan đến Trà My, đều có chữ gái hư.
Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp Trà My, tôi hỏi cô về “danh xưng” mà người ta “tặng” cho cô, cô cười. “Người ta nói rằng tôi đi bar, tôi đi vũ trường nhiều”, nên dĩ nhiên tôi là… gái hư!”. Đừng phì cười nếu bạn không cho rằng đó là sự thật! Bởi, trong suy nghĩ còn lưu dấu phong kiến thì rất dễ để “được” gọi là gái hư. Hút thuốc đi, uống rượu đi, đi quán bar đi, chụp ảnh nude đi, yêu nhiều người và chỉ cần công bố với giới truyền thông những tin ấy, ngày hôm sau bạn đã “được” nằm trong danh sách gái hư, dù trước đó bạn là kẻ ngoan ngoãn gấp trăm lần những kẻ ngoan ngoãn khác.
Mai Khôi lại là một ví dụ điển hình về chữ “hư” của showbiz Việt. Mai Khôi hát hay, sáng tác tốt, có chiều sâu, có nền tảng tri thức tốt, là ca sĩ hiếm hoi trong giới showbiz chịu đọc sách và am hiểu nghệ thuật thật sự – điều đó chẳng mấy người biết. Điều dư luận biết về cô nhiều nhất có lẽ là những phát ngôn bốc đồng, những bộ quần áo quái dị, đầu tóc thay đổi liên tục từ mốt quằn quại này sang mốt quằn quại khác. Cô là nghệ sĩ dòng underground và có lẽ chỉ nên hợp với kiểu sống ấy.
Cuộc đời cô sẽ yên ổn như nhiều ca sĩ phòng trà khác, nếu không có ngày cô đặt chân bước vào với giới truyền thông. Truyền thông, với sự nhanh nhẹn sẵn có, đã rất “hào phóng” biến cô thành… biểu tượng của gái hư. Hút thuốc, uống rượu, ăn mặc hớ hang, phát ngôn gây sốc – bấy nhiêu đó đã đủ chất liệu để trở thành gái hư đấy chứ? Riêng tôi, Mai Khôi luôn là trường hợp đặc biệt bởi những gì Mai Khôi phơi bày trên truyền thông là chính bản thân cô, phần ẩn giấu trong con người cô chứ chẳng phải chiêu trò mánh lới PR nào khác.
“Người đàn bà trẻ con” bị “ném đá” bởi cô dám nói suy nghĩ của chính cô, dám thể hiện khát khao sống của chính cô, dám… trẻ con bộc phát nói hết mọi điều mình nghĩ, trong khi quanh mình “người lớn” rất biết cách im lặng. Chơi với Mai Khôi, tôi biết cô là người chịu nhiều ảnh hưởng của triết học hiện sinh. Mà lối triết học ấy, thì có cần quan tâm gì đến dư luận, đến sự phán xét?
Chức năng chính của dư luận là phán xét, và có vẻ bao giờ dư luận cũng làm rất tốt chức năng này. Dư luận không cần quan tâm đến sự thật nằm phía sau thông tin. Dư luận, hoặc vô tình, hoặc cố ý, cứ để mình thành “con nai vàng ngơ ngác”, giỏi phán xét và giỏi tạo ra những trường hợp để phán xét. Nên, danh sách “gái hư” ngày càng dài ra, mà thực chất chữ hư ấy, có ý nghĩa gì không?
Khi người nổi tiếng ngoan…
Tôi ngán ngẩm khi mỗi ngày trước mắt tôi là hình ảnh các gái hư “lộ hàng”, khoe thân phản cảm… Nhưng, thật, tôi cũng không mường tượng được nếu một ngày tất cả các ngôi sao lắm tật ở Hollywood đều bỗng dưng ngoan. Họ sẽ làm gì nhỉ? Sau công việc, họ sẽ ở nhà trồng cây, tưới cây, đọc sách, nấu ăn, dắt chó đi dạo… chăng? Và, khi ấy, liệu trên báo lá cải có tràn ngập hình ảnh… về “sao” tưới cây, cây của ngôi sao đang lớn lên từng ngày? Và liệu, có độc giả nào chịu đọc những trang báo như thế?
Có một điều khá nực cười đằng sau những bài báo phê phán “lối sống sai lầm” của những người nổi tiếng bằng miệng lưỡi đanh thép và ca ngợi không hết lời những ngôi sao lặng thầm, “ngoan ngoãn” thì chính những phóng viên viết bài ấy lại sợ gặp nhân vật mà họ đã hào phóng phóng bút khen tặng hơn ai hết. Một bài chân dung, mà nhân vật ngoan quá, thì lấy đâu ra chữ để lấp đầy trang báo, làm cách nào cho bài báo có chiều sâu?!
Chẳng hiểu từ bao giờ, chữ “ngoan” trong giới showbiz đã đi kèm với chữ… nhạt. Người ngoan, người tử tế thì nhạt lắm. “Chân lý” mới phát hiện, có lẽ đúng hơn bao giờ hết với những người nổi tiếng trong giới showbiz Việt. Tôi đã từng “phải” gặp và làm việc với những người “ngoan”, nhiều khi về nhà, tôi thấy đời mình… tàn tạ thêm bao nhiêu. Có “ngôi sao”, khi chưa gặp, chưa nói chuyện, thì thấy thần tượng họ, đến khi gặp rồi, đành chấp nhận… vỡ mộng từ đây.
Giới phóng viên văn hóa giải trí thường đùa với nhau, một trong những ước mơ của họ chính là showbiz Việt mọc thêm được 100 ngôi sao nữa, để họ đỡ khổ mỗi lần tìm nhân vật để viết bài. Người nổi tiếng trong giới giải trí Việt không ít, nhưng tìm được người để có thể tạo thành bài viết hay, thật là một hành trình gian khó. Có người, biết rằng họ hay đó, họ giỏi đó, họ đóng góp, cống hiến đó, nhưng độc giả bây giờ lại chẳng cần để ý nhiều đến những giá trị ấy. Cái họ cần là thông tin, thông tin và thông tin. Thật chẳng ở đâu, người nổi tiếng lại bị “cày xới” nhiều trên các mặt báo như ở Việt Nam. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ chừng đó cái tên, chừng đó gương mặt, bởi những gương mặt đó biết cách trả lời, biết cách tạo thành một bài phỏng vấn hay.
Phi Thanh Vân là trường hợp “điển hình” của sự biết ấy. Giữa nền showbiz nhiều “gái ngoan” và nhạt thì Phi Thanh Vân sẽ là cái tên còn được nhắc đến nhiều trên báo chí, bởi cô luôn biết cách tạo ra những câu chuyện mới. Gặp cô, cô luôn khiến người ta có cảm giác cô đang… vô tình buột miệng chuyện riêng tư, và chuyện nào cũng thu hút được rating. Có vô tình hay không thì chỉ cô mới biết. Song, rõ ràng cô sẽ chẳng là cô, sẽ chẳng là “nữ hoàng truyền thông” nếu cô kín kẽ, dè dặt và an toàn.
Cũng thêm một “chân lý” dành cho các “gái ngoan”, rằng nếu muốn chọn con đường “ngoan” thì họ sẽ chấp nhận đi thật chậm, đi bằng chính năng lực của họ để đến đích. Và, có khi chưa đến đích, họ đã bị lãng quên.
Trường hợp của Lê Bê La cũng là điều đáng tiếc trong giới showbiz. Cô nổi lên từ nhiều vai diễn trên phim truyền hình, từng được giới trẻ mấy năm trước đây hâm mộ, nhưng đến giờ, cô vẫn chỉ là một… diễn viên phim truyền hình đúng nghĩa. Tên cô, hình ảnh của cô rất ít khi xuất hiện trên các tạp chí, bởi người ta lo sợ, không biết với một người an toàn như cô thì sẽ viết gì, và có đủ chất liệu để làm thành một bài hay? Cái ngoan, nhiều khi lại trở thành rào cản đối với con đường thành danh của những ngôi sao.
Một trong số ít hình tượng “ngoan” thành công trong giới showbiz hiện nay có lẽ là Mi Du. Khi cô bước chân vào nghệ thuật, cô đã ngay lập tức được đóng khung trong hình ảnh một cô gái ngoan, học giỏi, xinh đẹp, trong sáng. Thời ấy, danh xưng hotgirl thường gắn liền với hình ảnh “gái hư”, ăn chơi, đua đòi, xài hàng hiệu, tai tiếng. Mi Du cũng là một hotgirl nhưng cô rất khôn ngoan khi xây dựng cho mình cách chọn hình tượng. Và cô đã thành công với điều đó. Cô thành công, không phải riêng tài năng, mà bởi cô biết cách “ngoan”, biết cách “khéo” trước truyền thông, biết chứng tỏ cho truyền thông thấy mình ngoan nhưng không hề “nhạt”.
Song, người thành công như Mi Du, có đếm đủ trên đầu ngón tay?
Có nên ngoan không? Trước những “ngôi sao” nổi tiếng và ngoan ngoãn, tôi thường luôn tự hỏi, liệu thực sự họ có ngoan không? Hay bởi họ thông minh quá, lý trí và giỏi giấu quá, nên họ luôn biết cách làm đẹp dư luận và không lộ ra bất cứ sơ hở nào? Thường, trả lời hai câu đó luôn là sự thật 50/50. Có người thật sự ngoan, bởi… nhạt quá, nhạt đến mức thành ngoan. Có người, giỏi che giấu mà đánh lừa được dư luận. Làm phóng viên, chẳng lạ gì chuyện đi viết bài về nhân vật, nghe họ buột miệng kể chuyện này chuyện kia, đến khi viết bài lại nhận được điện thoại lẫn tin nhắn ỉ ôi năn nỉ gỡ bỏ đoạn đã nói. Đàn bà, dù là người nổi tiếng hay người bình thường, tôi cũng không ủng hộ đàn bà hư, cũng không ủng hộ đàn bà đang miệt mài cố gắng ngoan. Tôi chỉ ủng hộ người dám sống với chính bản thân mình. Nếu muốn hư một chút, thì hãy cứ hư đi. Bởi, “hư” đâu phải là mất tư cách, mất đạo đức? Tôi thương những người đàn bà tự xây rào bao quanh mình và nhốt mình trong đó. Trong suốt cuộc đời mình, những người đàn bà ngoan ngoãn, những người luôn được khen rằng đảm đang, tháo vát, vén khéo, yêu chồng, thương con… có bao giờ cất lên câu hỏi rằng họ có cần phải ngoan, có cần phải mang vác chiếc áo hư danh quá nặng nề với họ? Tôi thương những người đàn bà sợ hãi, bám víu vào lề thói, không bao giờ dám cất lên tiếng nói của chính mình (và sẵn sàng dang tay bịt miệng một kẻ nào đó vừa cất lên tiếng nói từ thẳm sâu trong mình, phủ nhận tuyệt đối khát khao mà chính họ cũng từng có), không bao giờ dám sống cuộc đời của chính mình. Tôi thương sự ngây thơ của những người đàn bà cố gắng sống sao cho vừa lòng hết đám đông, dù đám đông ấy chẳng can hệ gì đến cuộc đời họ. Tôi thương sự ngây thơ mừng vui khi được phán danh hiệu “ngoan” và vội vàng phẫn nộ nếu biết người ta xì xầm rằng mình “hư”. Có biết không, trong những tính từ ấy đang chứa đầy sự gia trưởng và bảo thủ, là sợi dây êm dịu nhưng cũng đớn đau nhất mà con người dùng để trói nhau? Trong quan niệm của tôi, con người, sẽ chẳng bao giờ tự do nếu tự trói mình trong những chuẩn mực. Hãy sống đi, cuộc đời của chính bạn, nói tiếng nói của chính bạn. Bạn có thể uống rượu khi bạn muốn, khi bạn buồn, hút một điếu thuốc khi đầu óc quá căng thẳng, có thể quên đi chuyện nấu cơm hàng ngày, giặt giũ hàng ngày nếu bạn có tiền để giải quyết những việc đó và luôn thiếu thời gian để nghỉ ngơi. Bạn có thể chẳng cần biết đan len, thêu thùa may vá. Bạn cũng hãy cứ đi bất cứ nơi đâu bạn muốn, đừng nghĩ đàn bà đi nhiều là hư. Bạn hãy yêu nhiều đi, bởi tuổi trẻ của bạn là để yêu. Hãy quên đi chữ ngoan và chữ hư. Chúng, cuối cùng rồi cũng chẳng ý nghĩa gì với cuộc đời bạn. Elizabeth Taylor: Từng có 7 người chồng, nhưng chưa ai dám “phán xét” rằng bà là người đàn bà hư. Bởi, bà tuyên bố, bà chỉ ngủ với người mà bà lấy làm chồng. Tài năng và sự nghiệp bà để lại đã đủ để xua tan đi những phán xét khác. Madonna: Từng tiết lộ rằng cô mất trinh năm 17 tuổi. Tuyên bố ấy thật sự gây chấn động thời bấy giờ. Nhanh chóng, Madona được liệt vào danh sách gái hư. Và, nữ hoàng nhạc pop rất biết cách khẳng định “đẳng cấp hư” bằng nhiều câu chuyện quái dị lẫn những cuộc tình “phi công trẻ lái máy bay bà già”. Britney Spear: Công chúa nhạc pop đã ít nhiều làm thất vọng người hâm mộ khi liên tục vướng vào những scandal sử dụng ma túy, đánh người, kết hôn, ly hôn. Năm 2007, thời điểm tồi tệ nhất, cô bị mất quyền chăm sóc con, cạo đầu và phải vào trại cai nghiện. Angelina Jolie: Đã trở thành biểu tượng của gái hư khi người ta nói rằng cô… mất trinh từ rất sớm, từng nghiện, từng dính vào mối tình đồng tính và… giật chồng của Jennifer Aniston. Nhưng, chính những điểm hư ấy lại trở thành sự… quyến rũ của cô. Paris Hilton: Là trường hợp thành công nhờ danh hiệu gái hư. Cô đào tóc vàng hoe này không có nhiều năng khiếu về nghệ thuật nhưng rất có năng khiếu trong việc khiến truyền thông chú ý đến chuyện… giường chiếu, tình ái của mình. Lindsay Lohan: Một ngôi sao tuổi teen thất bại trong quá trình lột xác. Hình ảnh của cô trở nên thảm hại hơn bao giờ hết bởi chuyện tình đồng tính, nghiện ngập, nợ nần. Miley Cyrus: Cũng là một ngôi sao đang chứng tỏ mình đã trưởng thành. Lộ ảnh nóng, hút cần sa, và mới đây nhất là quyết định đính hôn khi mới 19 tuổi. Bấy nhiêu đó, đã đủ để trở thành gái hư?