SAO » Chuyện làng sao

'Gái nhảy' Minh Thư: 'Xin lỗi, nếu sexy không đúng chỗ, hở không đúng cách thì còn lâu mới nổi tiếng' (P1)

Thứ ba, 15/11/2016 08:39

Hai vai diễn trong 'Blouse trắng' và 'Gái nhảy' đã đưa Minh Thư đến đỉnh cao của sự nghiệp. Nhưng ít ai biết, nó là những canh bạc lớn trong cuộc đời của cô thiếu nữ.

Tôi không muốn bắt đầu câu chuyện của tôi bằng những câu hỏi phỏng vấn để rồi cứ hỏi đáp như bao lần trước. Tôi muốn được trải lòng, muốn được chia sẻ như những người bạn. Tôi không kể về những ngày ở Mỹ và cuộc sống hiện tại mà quay lại những kỉ niệm, những hồi ức khi còn là cô diễn viên 19 tuổi. Nghiệp diễn với tôi vừa là định mệnh, vừa là đam mê mà cũng là một canh bạc và sự liều lĩnh vượt cái ngưỡng tuổi để đưa tôi đến thành công.

Tôi xuất thân diễn viên múa. Bố mẹ tôi đều là diễn viên múa. Lúc đó tôi chỉ mới 16 tuổi. Tôi hoạt động trong vũ đoàn của cô Kim Quy. Đến năm 1995, tôi mới đăng kí dự thi cuộc thi Hoa hậu điện ảnh tại Văn Thánh trong một lần đi chụp ảnh. Anh nhiếp ảnh Đăng Khôi là "ông trùm chụp ảnh lịch" xúi tôi thi thử. Tôi thử cho có thôi chứ không hi vọng gì đâu. Cái ngày tôi đi thi thì bị sốt cao lắm. Tôi định bỏ cuộc ở vòng hai. Ban giám khảo thấy tôi là gương mặt sáng nên gọi điện thoại và nói sẽ cho Minh Thư cơ hội thi lại. Nhờ vậy, tôi có cơ hội vào vòng trong. Đến đêm chung kết, tôi lại tưởng bản thân bỏ cuộc lần nữa vì trước đó một hôm, tôi bị tai nạn xe trước cổng Văn Thánh, tay chân mình mẩy trầy trụa, nát hết. Ban tổ chức lại nhìn thấy được, đưa tôi đi cấp cứu. Tôi mặc đồ tắm mà băng bó tùm lum. Khi tôi bước lên nhận giải nhất của cuộc thi mà khóc thật nỗi niềm. Khóc vì hạnh phúc, khóc vì đau, khóc vì những lời chỉ trích của khán giả rằng, Hoa hậu gì mà quấn băng khắp người. Ở khoảnh khắc đó, tôi mới nhận ra, cái giá của thành công, cái giá của hào quang là trầy da tróc vẩy, lên bờ xuống ruộng vậy đó.

Minh Thư trải lòng về những thăng trầm đã qua trong sự nghiệp

Sau cuộc thi, tôi được bác Huy Thành mời đóng một phim nhựa “Chân trời nơi ấy”, lấy cốt truyện từ Người đẹp Tây đô. Lúc đó, tuổi đời lẫn tuổi nghề của tôi còn non nớt. Bản thân chưa từng học qua một trường lớp nào, chưa đóng phim nào nên không có kinh nghiệm gì. Thông thường người ta phải tham gia phim truyền hình trước, sau khi tích luỹ mọi thứ chín muồi mới dám nhận phim điện ảnh. Vì diễn xuất trong phim điện ảnh đòi hỏi phải rất tinh tế. Nó không diễn bằng lời thoại mà diễn bằng ngôn ngữ điện ảnh nhiều hơn. Ví dụ diễn bằng ánh mắt, bằng hình thể... Thật sự với tôi là quá tải, khó lắm. Mười mấy năm về trước, máy móc cũng không hiện đại như bây giờ, tôi đóng phim cực gấp mấy lần. Quay một bộ phim tôi xuống cả mấy kí liền. Tôi vượt qua được nhưng vẫn chưa hài lòng.

Tiếp đó, tôi nhận nhiều phim thương mại. Hầu hết đều là vai khổ, vai bi như sinh viên nghèo, cô gái nông thôn đôn hậu bị phụ tình.... Ngày xưa, diễn viên mặt nào là chọn vai ấy. Mặt dữ đóng vai dữ, mặt hiền đóng vai hiền. Ít ai dám “phá vỡ” cái quy tắc đó để chọn vai diễn khác với vẻ ngoài của mình lắm. Vậy mà tôi lại chơi trội mới ghê.

Sau nhiều vai diễn, tôi quyết định thành lập nhóm Tam ca sắc màu. Ba thành viên mang vẻ đẹp na ná nhau, “mát mẻ” ngang ngửa nhau. Tôi làm trưởng nhóm và phải lo mọi thứ từ A đến Z cho các thành viên từ chọn trang phục, chọn bài đến vũ đạo. Trong lúc mải mê với ca hát, tôi lại may mắn gặp chú đạo diễn My Hà. Chú đang đi tìm nữ diễn viên đóng vai Hoa cho “Blouse trắng”. Hầu như tất cả các vai diễn đều đã lên danh sách sẵn sàng. Chú cũng mời một diễn viên nổi tiếng khác vào vai Hoa trước đó. Thế nhưng, chị diễn viên ấy đã từ chối phút chót vì vai Hoa quá ghê gớm, sợ bị khán giả ghét. Bạn biết đó, thời bấy giờ, diễn viên chỉ thích được khán giả thương thôi, chứ ghét rồi ảnh hưởng hình ảnh thì ai dám mạo hiểm. Ấn tượng của chú My Hà dành cho tôi là hiền lành trong sáng. Vậy mà chú lại muốn đánh ngược lại: ẩn sau vẻ hiền lành ấy là một con người mưu mô xảo nguyệt. Tôi lo lắm, từ nào đến giờ toàn đóng vai tiểu thư uỷ mị, khóc lóc chứ. Làm sao tôi có thể lột tả tính cách của một người phụ nữ đã có gia đình, từng trải, bất chấp thủ đoạn để giành lấy những thứ mình muốn trong khi tôi còn chưa có tình yêu, chưa có gia đình nữa?

Nữ diễn viên Minh Thư không ít lần "bầm dập" vì các vai diễn

Bộ phim 70 tập này cho tôi nhiều cái lần đầu tiên. Lần đầu tôi mặc những trang phục hở hết cỡ để mỗi lần vào bệnh viện là gây náo loạn cả lên. Lần đầu tiên lái xe trên phim. Tôi đâu có xe hơi để đi mà toàn là mẹ chở. Thời đó, nữ lái xe ít lắm. Người lái xe đã quen vừa lái xe vừa nghe điện thoại không sao. Còn tôi vừa học thoại dài lê thê lại vừa phải tập trung tinh thần lái xe. Chú My Hà phải mướn người về dạy lái xe cho tôi. Tập khoảng mấy giờ thôi vì phải trả tiền theo giờ nên đâu được thoải mái thong dong. Cứ tập xong là vô quay.Tôi nhớ có lần tôi khóc không quay được luôn. Lúc đó, tôi lo quá nên chú hướng dẫn cứ kêu đạp thắng, không hiểu sao tôi cứ nhấn ga lao nhanh vào xe tải. Chú đó giận quá hét vào mặt tôi là phải tập trung. Tôi vừa ức chế vừa tức, khóc như mưa. Tôi không muốn như vậy, phải thông cảm cho tôi chứ. Tôi khóc đến mức mắt đỏ hoe sưng húp không thể bấm máy được. Lần đầu tiên tôi phải đóng cảnh nóng nữa. Càng hồi hộp hơn vì lúc đó, tư tưởng mọi người cũng có thoáng như bây giờ đâu. Phim này quay một năm mà tôi “bầm dập”. Kinh nghiệm gì cũng tích luỹ cho bằng đủ mới thôi.

Trong lúc tôi quay “Blouse trắng”, anh đạo diễn Lê Hoàng mới đến đoàn phim chơi và cũng muốn tìm diễn viên cho “Gái nhảy”. Một sự vô tình tiếp lại diễn ra. Anh Lê Hoàng thấy tôi mặc đồ cực sexy, mang boot thật sang chảnh ngay tại sân bay. Thế là anh chấm tôi và xin số. Anh Lê Hoàng đưa kịch bản cho tôi và muốn mời tôi vào vai Ngọc của Bằng Lăng chứ không phải vai Hạnh vì anh đã chấm Kiều Khanh cho vai Hạnh rồi. Tôi đọc cả kịch bản nhưng không có cảm xúc của vai Ngọc mà lại cực thích vai Hạnh. Tôi nói với anh Lê Hoàng rằng: “Em không cảm nhận được vai Ngọc. Em muốn đóng vai Hạnh. Nếu anh tin tưởng em thì em hứa sẽ không làm anh thất vọng. Còn không thì anh em mình hẹn dự án khác vậy”. Nhưng lúc đó phim “Bouse trắng, chưa ra, mọi người đâu ai biết “nội lực” của tôi ra sao mà tin tưởng. Phim nhựa lại khá nhiêu khê, diễn một lần không xong là không có cơ hội diễn lại cho cảnh sau như phim truyền hình. Chính sự tự tin của tôi đã khiến anh Lê Hoàng tin và giao cho tôi. Hơn nữa, Kiều Khanh lại thích vai nhà báo chứ không thích vai Hạnh. Đúng là vai diễn chọn người. Tôi lo sợ lắm chứ, nếu tôi làm không tốt là tôi “chết”.

Thật ra, kịch bản cũng không có gì ghê gớm, nhưng nó ra đúng vào thời điểm cả xã hội đang lên cơn sốt kinh hoàng vì căn bệnh thế kỉ HIV/ AISD. Bộ phim như một hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội, quá sốc. Thời điểm phim ra cũng là lúc “Blouse trắng” chiếu trên truyền hình được một tháng. Đúng như kiểu “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Phim kia người ta đã quá ấn tượng tôi ở vai ác nên người ta rất muốn xem phim này tôi đóng ra sao. Vì “xấu đóng vai ác” là thường, còn “đẹp đóng vai ác” mới ghê.

Sự thành công của “Blouse trắng” và “Gái nhảy” “dập” tôi ghê gớm, hơn cả khi đậu Hoa hậu. Khi thắng giải nhất cuộc thi Hoa hậu, hạnh phúc lắm nhưng một tuần là lấy lại thăng bằng. Còn Hạnh của “Gái nhảy” cứ kéo dài sự hân hoan vui sướng của tôi đế cả tháng. Cứ ngày nào tôi cũng ra quán cafe quen thuộc để tiếp báo chí. Đi ra ngoài là thấy các báo và tạp chí toàn hình ảnh của tôi. Tôi không nghĩ mình được như vậy. Anh Thanh Hoàng nói với tôi: “Nếu sau hai phim này Minh Thư mà không nổi tiếng thì em nghỉ nghề đi”. Khi đó, tôi chỉ nghe vậy thôi chứ có nghĩ mình được như thế đâu. Bởi điện ảnh đang lắng đọng, không ai đến rạp xem phim Việt Nam cả. Tôi mua vé coi phim và ngồi hàng chót vì hết vé. Tôi cảm thấy thiên đường mở ra.

Sau này, có nhiều vai diễn cũng rất hay, rát tính cách, rất số phận nhưng không bao giờ qua được Hoa của “Blouse trắng” và Hạnh của “Gái nhảy”. Đến giờ người ta nhắc đến Minh Thư là hay kèm hai chữ “Gái nhảy”. Lúc đầu, nghe hai chữ này dính với tên mình, tôi ngại lắm chứ. Tôi cũng tâm sự với mẹ là tôi không thoải mái. Vai diễn gái nhảy buộc tôi phải cởi, phải chịu đánh đập, phải chịu lội sình lội mương, phải chịu dày vò... Định kiến xã hội khi đó cũng còn nặng nề. Tôi tự hỏi mình có chịu nổi không? Nếu phim thắng, tôi có tất cả nhưng nếu phim không được đón nhận, số phận tôi sẽ ra sao? Mẹ tôi khuyên rằng: "Không phải trần truồng là xấu xa. Đã vào nghệ thuật thì làm hết mình vì nó. Con người chỉ xấu ở tính cách chứ không ai xấu vì nghề". Hai vai người ta không lấy, mình hốt hụi chót và mình thành công. Người ta hay hỏi tôi rằng, tôi có thấy tự ái khi lụm vai phút chót không? Tôi trả lời là: “Không, cái gì cũng vậy, nếu mình làm tốt, dù người ta có bỏ thì vẫn đáng tuyên dương. Đâu phải lúc nào người ta bỏ cũng là xấu đâu”. Định mệnh buộc tôi vào hai vai phản diện và nấc thang cuộc đời cũng là vậy. Cảnh quay cuối của "Gái nhảy", anh lê Hoàng không cho tôi quay thử. Chỉ một lần thôi, một lần thật cảm xúc và chân thật nhất. Một mình tôi và máy quay. Khi tôi kể về số phận của hạnh thật mạnh mẽ nhưng càng về sau, sự mềm yếu và tủi thân cứ thế tuông trào. Tôi đã khóc lên và kêu mẹ. Cả khán phòng nín thở và khóc thật. Kết thúc cảnh quay, mọi người vẫn khóc, vẫn lắng đọng. Tôi chợt nhận ra tôi thương nhân vật của mình rất nhiều.

"Xin lỗi, nếu sexy không đúng chỗ, hở không đúng cách thì còn lâu mới nổi tiếng", Minh Thư chia sẻ

Tôi đã cống hiến cho nghệ thuật bằng mồ hôi nước mắt. Tôi vẫn biết có nhiều người họ đâu thích phim "Gái nhảy". Họ đi xem chẳng qua vì tò mò và theo trào lưu. Và nhiều người nói tôi nổi tiếng vì tôi sexy. Xin lỗi, nếu sexy không đúng chỗ, hở không đúng cách thì còn lâu mới nổi tiếng.

Ngẫm lại, cuộc đời tôi chưa bao giờ cầm đến một quân bài nào. Vì máu liều trong người nên tôi chẳng ngại dấn thân vào nhiều canh bạc. Được ăn cả ngã về không? Có sao đâu!

(Còn nữa)

Lam Khánh, Photo: Windy (Theo Giadinhvietnam.com)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới