SAO » Chuyện làng sao

Góc nhìn trong tuần: Catse Mỹ Tâm, thâm tình phai nhạt!

Thứ bảy, 13/04/2013 15:16

(Ngoisao.vn) – Trong những ngày qua, câu chuyện “hét” giá catse cao của Mỹ Tâm bị chính quê hương cô – Đà Nẵng “cắt” biểu diễn trong chương trình pháo hoa 2013 làm dậy sóng dư luận. Người đồng tình, kẻ chỉ trích gây nên những luồng tranh luận gay gắt.

Chuyện được bắt đầu từ khi lãnh đạo tỉnh Đà Nẵng yêu cầu cắt giảm ba ca sĩ ngôi sao, trong đó có Mỹ Tâm tại chương trình pháo hoa 2013 (DIFC) do đòi catse “khủng”. Cụ thể, trong thời điểm khó khăn, lẽ ra phải chia sẻ thì ca sĩ Mỹ Tâm chỉ hát mỗi đêm một bài mà đòi catse bằng tiền đô lên đến 6.000 USD, rồi làm tròn thành 110 triệu đồng và buộc thành phố Đà Nẵng phải chịu luôn cả tiền thuế VAT 10% là quá vô lý – theo lời Lãnh đạo tỉnh tại buổi họp công tác chuẩn bị cho DIFC.

Theo đó, ông cũng yêu cầu Đà Nẵng phát huy nội lực, dùng “cây nhà lá vườn” như một cách đối phó để tiết kiệm chi phí. Và câu chuyện tưởng bé lại hóa ra to, khi cùng lúc hàng triệu độc giả cũng như đối tượng văn nghệ sĩ, truyền thông dấy lên những luồng tranh luận không ngớt. Rất nhiều ý kiến đồng tình với mức yêu cầu catse của Mỹ Tâm như thế là quá bình thường, vì để có được mức giá ấy hay cao hơn nữa thì người ca sĩ đã bỏ ra không ít “máu và nước mắt” trong sự nghiệp của mình.

Nhưng luồng dư luận khác lại cho rằng, việc Mỹ Tâm đòi hỏi như thế là quá đáng, cái quá ở đây lại đến từ chữ tình, tình “máu mủ ruột rà” sòng phẳng ở chính quê hương mình thì thật…đáng trách! Thế nên, bên xuất giá, bên gợi tình bên nào cũng có lý lẽ riêng, bỏ thì thương mà vương thì mệt. Ai cũng phải sống và được công nhận, mà sống được và ghi nhận cũng chính là sự cho đi lòng mến mộ, tình yêu thương của mỗi người.

Chưa kể, việc “ép giá” lại quá vội vàng ngay khi chưa có bất kỳ thỏa thuận hợp lý nào để đi đến thống nhất giữa Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Mỹ Tâm. Chỉ có phía công ty tổ chức trung gian đứng ra dự toán và đề xuất mức giá trung bình của ca sĩ, mà ngay bản thân các sự kiện chênh lệch về kinh phí là điều tất yếu. Chưa hẳn Mỹ Tâm là ca sĩ sống cạn tình, việc Mỹ Tâm hát phục vụ khán giả không phải là không có. Nhưng do sự việc “giao khoán” cho “nhà thầu” làm tăng chi phí phát sinh dẫn đến báo giá không theo sát tình hình, thậm chí dấy lên nghi vấn có “hưởng lợi” trong việc “ép giá” hay không thì cũng chưa biết rõ. Hơn nữa, sự việc được đưa ra công luận càng gây bức xúc về việc cần công khai mức nộp thuế thu nhập cá nhân của nghệ sĩ khi câu chuyện catse không còn là của riêng ai.

Mọi chuyện rồi sẽ qua, nhưng chưa hẳn là kết thúc, kết thúc có hậu hay dở dang đến từ cách giải quyết vấn đề của những người trong cuộc, hoặc khó thay đổi là do lòng chấp phát nảy sinh. Âu cũng là góc nhìn về chữ “tình” giữa thời buổi kinh tế thị trường nhiều biến động.

Justin
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới