Nghề người mẫu trình diễn nội y lâu nay chủ yếu được công chúng biết đến qua một số bộ hình lẻ tẻ, các thông tin nước ngoài, nhưng tập trung hơn cả là qua danh xưng "nữ hoàng đồ lót" của Ngọc Trinh. Qua cuộc trò chuyện của Hà Anh, mới thấy đó cũng là một nghề rất khó khăn để tồn tại ở thị trường thời trang Việt Nam hiện nay.
- Hà Anh vốn luôn được đánh giá là người mẫu chuyên nghiệp trong giới thời trang, đặc biệt có rất nhiều bộ ảnh nội y ấn tượng. Theo chị, ở Việt Nam, có ai xứng đáng với danh xưng “Nữ hoàng đồ lót” không?
Chỉ những thị trường thời trang nội y rộng lớn như ở châu Âu (Paris, Milan…) với hàng chục thương hiệu nội y lớn, nhỏ với những hợp đồng quảng cáo lên tới hàng triệu USD, hoặc phải có những hãng thời trang chịu chi cho hoạt động branding (xây dựng thương hiệu) toàn cầu như Victoria's Secret của Mỹ thì mới tồn tại những người mẫu chuyên chụp hình và diễn các show thời trang nội y. Do độ luân phiên các show diễn thời trang mang quy mô lớn nhỏ khá nhiều, cộng thêm chụp hình catalogue, quảng cáo mới đủ thu nhập tốt để người mẫu nội y “chuyên” về một thứ.
Tuy nhiên, đa số các người mẫu, đã đứng trong hàng ngũ chuyên nghiệp thì họ có thể làm việc trong mọi loại hình thời trang như người mẫu thời trang, diễn catwalk, chụp quảng cáo, chụp catalogue, đóng quảng cáo, làm người mẫu thử đồ v.v… cho bất kỳ thương hiệu thời trang hay sản phẩm thương mại nào có nhu cầu.
“Nữ hoàng đồ lót” không phải là một danh hiệu được giới chuyên môn thẩm định, đó chỉ là một cái tên, một hình thức PR của thương hiệu trên phương tiện truyền thông. Cái tên đó không có ý nghĩa gì đối với thẩm định chuyên môn.
- Tức, chị muốn khẳng định “Nữ hoàng đồ lót” chỉ là một biệt danh, thích là có thể “tự nhận”?
Tôi không rõ trong những siêu mẫu trên thế giới, ai là “nữ hoàng đồ lót” và nó được ai trao tặng. Nhưng tôi cho rằng kiểu danh xưng như vậy chỉ là cái tên yêu mến mà công chúng dành cho các siêu mẫu khi họ đã khẳng định được tên tuổi của mình. Chẳng hạn như như “báo đen” Naomi Campell hay “kỳ quan thứ 8 của thế giới” Claudia Schiffer, hoặc như “The body” Elle Macpherson… Rõ ràng, đây chỉ là những biệt danh được nhớ đến chứ không phải danh hiệu được trao tặng.
Hơn nữa, ở Việt Nam thị trường đồ nội y chưa đủ lớn để coi đó là một loại hình thời trang. Thị trường nội y không được phép quảng cáo và cấp phép nhiều show diễn. Do đó, loại hình công việc dành cho quảng cáo đồ nội y là rất ít. Một số thương hiệu nội y ở Việt Nam như Winny, Wow hay Vera, thì theo tôi biết họ thường tổ chức chụp hình catalogue khoảng 2 lần/năm. Và, thông thường họ cũng lựa chọn nhiều người mẫu khác nhau cho mỗi chiến dịch quảng bá của mình.
Riêng đối với chụp hình thời trang nội y cho tạp chí thì không phải nhiều, hoạt động này không mang lại nhiều thu nhập cho người mẫu.
- Cái khó để duy trì, giữ gìn phong độ của một người mẫu nội y chuyên nghiệp là gì?
Là rèn luyện cơ thể săn chắc. Người mẫu nội y vòng ngực không nên lớn hơn C cup (tiêu chuẩn của đồ lót đi diễn trên toàn thế giới là B/C cup) và size quần là cỡ S (Small). Mọi cỡ lớn hơn đều thường khó được lựa chọn trình diễn hoặc chụp hình nội y, trừ dòng sản phẩm dành cho vòng ngực ngoại cỡ.
Ở đây nên tránh nhầm lẫn người mẫu nội y, với các người mẫu ngực lớn, khiêu gợi chuyên chụp đồ lót cho các tạp chí giải trí của đàn ông như Play boy, FHM, GQ… Họ là những người mẫu “glamour” – hay còn gọi là người mẫu chụp hình khiêu gợi, chứ không phải người mẫu thời trang.
- Nếu ai đó nói, Hà Anh là một trong những số những người chụp nhiều ảnh nội y nhất Việt Nam, chị nghĩ sao?
Do khi làm việc ở Anh, tôi có cơ hội trình diễn, chụp hình cho khá nhiều những tên tuổi đồ nội y như Aubade, Rosy Lingerie Paris, DKNY Lingerie, Agent Provocateur, Myla… nên tôi “hiểu” về văn hóa của món đồ trang sức xinh xắn dành cho phái đẹp này.
Đối với chụp hình hay trình diễn đồ nội y, không chỉ là khoe ra những đường cong trên cơ thể, mà còn là ý thức được sự nữ tính, sang trọng, quyến rũ của món đồ thời trang đó và thể hiện được nó đối với người xem. Mỗi một thương hiệu lại có một đặc tính riêng, nếu như Agent Provocateur nóng bỏng và thách thức thì Aubade lại rất thanh lịch, sang trọng, Rosy vô cùng nữ tính, ngược lại DKNY lại rất khỏe khoắn… Vậy nên cách thể hiện của người mẫu phải thay đổi tùy theo mẫu mã và đặc tính của thương hiệu.
- Trong nghề, chị đánh giá cao những gương mặt mẫu nội y nào?
Như tôi đã nói, hiếm có những người mẫu nào không hoạt động các loại hình thời trang khác mà chỉ tồn tại nhờ trình diễn đồ nội y. Tôi thích thế hệ “những cô gái vàng” như Claudia Schiffer, Naomi Campell, Christy Turlington, Elle Macpherson, Linda Evangelista, Cindy Crawford, Eva Herzigova… bởi mỗi một tên tuổi của họ đều đại diện cho một “phong cách sống”, một thương hiệu, cá tính rất riêng.
Các gương mặt hiện tại như Kate Moss, Gisele Bunchen, Adriana Lima… cũng là những người mẫu tạo được thương hiệu rất riêng của mình. Họ đều là những siêu mẫu để chúng tôi - các người mẫu trẻ trên toàn thế giới phải “ngả mũ”.
- Xin cảm ơn chị!