Sau khi sinh con cho chồng Tây, Hà Anh luôn được quan tâm vì thường xuyên chia sẻ phương pháp chăm sóc và dạy dỗ con gái - bé Myla.
Mới đây, Hà Anh chia sẻ về việc dạy tiếng Việt và tiếng Anh cho con gái: "Myla của chúng tôi là cô bé mang trong người hai dòng máu Việt Nam - Anh Quốc, là cư dân của hai thủ đô Hà Nội - London.
Myla 2 tuổi rưỡi, đang tập nói và bé nói giao tiếp với mẹ hoàn toàn bằng tiếng Việt, giao tiếp với bố hoàn toàn bằng tiếng Anh. Mẹ với bố mặc dù nói chuyện bằng tiếng Anh với nhau nhưng mẹ quay ra nói với Myla thì bao giờ cũng bằng tiếng Việt.
Mình không biết mọi người nghĩ sao chứ mình thực sự rất mong muốn bé Myla nói và sau này là viết thành thạo tiếng Việt.
Việc bé có khả năng song ngữ, có thể nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, đối với mình là điều dĩ nhiên bởi bé có bố là người Anh, sau này lớn hơn chút nữa sẽ đi học ở trường quốc tế Anh Quốc, giao thiệp hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Còn tiếng Việt, là một ngôn ngữ rất khó, nên mình muốn những năm đầu đời bé phải rất rõ ràng về ngôn ngữ Tiếng Việt.
Hà Anh cho biết những năm đầu đời của bé Myla cô muốn con gái được học tiếng Việt. Cô chọn tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ cho con chứ không phải tiếng Anh.
Vì sao? Vì tiếng Việt là ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của bé. Vì bé đang và sẽ sống ở nước Việt Nam trong phần lớn cuộc đời trưởng thành đầu đời của bé.
Vì dù sau này có đi đâu, là công dân toàn cầu, bé cũng sẽ định nghĩa được rõ ràng nguồn gốc của mình. Khi tự tin biết gốc gác của bản thân, người ta có quyền tự hào, có bản sắc riêng, có thể hội nhập nhưng không hoà tan, có khả năng cởi mở nhiều rào cản với con người đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau. Có khả năng quay lại, làm việc và master được tiếng nói của cộng đồng chính mình, đó là vũ khí cực sắc bén khi mà văn hoá toàn cầu đang rất cố gắng hoà nhập và tôn trọng văn hoá địa phương.
Nhiều bố mẹ nghĩ Việt Nam nghèo, lạc hậu, chả là cái gì so với thế giới, chỉ mong cho con học tiếng nước ngoài, sau này đi nước ngoài, điều đó trong quan điểm của mình là chưa chính xác.
Ngay chính mẹ của mình ngày xưa cũng phản đối việc mình về Việt Nam làm việc khi mình đã học và làm việc ở Anh 10 năm. Tuy nhiên mình vẫn kiên quyết về và cuối cùng chứng minh rằng ở nước nhà mình vẫn có thể tạo dựng cho mình một sự nghiệp thành công.
Đúng vậy các bố mẹ ạ, điều mình nghĩ và muốn, chưa chắc đã là điều các con mình muốn. Vì vậy việc của chúng mình có thể làm là tạo điều kiện cho con, đừng giới hạn cơ hội của con.
Rất nhiều bạn bè của mình là Việt Kiều về Việt Nam làm việc đều phải cố gắng học lại ngôn ngữ này để không bị hạn chế cơ hội như một người nước ngoài ở chính quê hương mình. Mà các bạn cũng biết học một ngôn ngữ ở độ tuổi hai mấy nó chật vật khó khăn thế nào rồi đó.
Chưa kể một yếu tố quan trọng nữa là đa số chúng ta nói tiếng Anh không thành thạo. Như tôi sống ở Anh 10 năm không nói tới, chứ những mẹ Việt lấy chồng nước ngoài không phải mẹ nào nói tiếng Anh cũng giỏi. Có thể giao tiếp bình thường chứ để tranh luận, giãi bày bằng tiếng Anh thì khá hạn chế. Đừng cắt đi cây cầu giao thiệp giữa mình và con khi không thể tâm sự, giảng giải với con bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Tôi cũng có những người bạn đến khi con lớn rồi mới thấy thực sự hối hận về việc không giữ tiếng mẹ đẻ cho con. Con tranh luận nhiều khi mình không nói được lại với con bằng tiếng Anh, thế là á khẩu.
Tôi cũng rất đồng cảm với các bố mẹ việc mong muốn cho con mình làm quen với tiếng Anh từ nhỏ để bé có khả năng làm chủ được ngôn ngữ này, cũng là cái passport giúp bé hội nhập với thế giới trong tương lai. Tuy nhiên chúng ta hãy làm đúng cách, đúng trình tự.
Các bố mẹ hãy hiểu rằng đứa trẻ mới vài tuổi đầu còn đang học về các khái niệm đầu đời, chính vì thế chúng ta hay giúp chúng phân biệt rõ ràng. Ví dụ hệ ngôn ngữ, bé cần phải hiểu được là có hai hệ ngôn ngữ riêng biệt Anh và Việt, đây là hai thứ tiếng khác nhau.
Để giúp bé được phân biệt rõ ràng bé sẽ luôn nói với mẹ, với những người trong gia đình, bạn bè bố mẹ là người Việt bằng tiếng Việt. Bé sẽ nghe và nói với ba, bạn bè ba mẹ người nước ngoài... bằng tiếng Anh. Chính vì điều này được rõ ràng, phản xạ về 2 thứ tiếng của bé sẽ nhanh và rõ ràng ngang nhau. Bé sẽ không ngại ngùng khi trả lời với bố hay mẹ bằng 2 thứ tiếng tương tự. Bé sẽ không coi một trong hai là ngoại ngữ mà là ngôn ngữ chính.
Chính vì Myla còn nhỏ nên tôi chưa muốn cho bé vào trường quốc tế hoàn toàn luôn vì tôi muốn cho bé có thêm thời gian phát triển ngôn ngữ tiếng Việt.
Ngay cả việc xem hoạt hình bài hát thiếu nhi trên Youtube, tôi cũng cố gắng cho bé xem cả hoạt hình, dạy cho bé nhiều bài hát tiếng Việt dù rất tiếc các chương trình giải trí bằng tiếng Việt nội dung thua xa các chương trình bằng tiếng Anh.
Các bố mẹ người Việt nếu muốn con mình được tiếp xúc với tiếng Anh từ nhỏ, theo tôi có thể thuê gia sư người nói tiếng Anh bản xứ đến chơi và trò chuyện, dạy bé tiếng anh từ nhỏ.
Mẹ tôi ngày xưa cho chúng tôi học tiếng Anh từ năm 7,8 tuổi. Ngoài giờ học, bà còn mời giáo viên lúc thì người Mỹ, lúc thì người Anh đến hàng tuần để giao tiếp với chúng tôi bằng tiếng Anh, đưa chúng tôi đi sở thú, dạy chúng tôi hát... để chúng tôi được luyện phản xạ và phát âm chuẩn bằng tiếng Anh.
Chứ tôi nghĩ không nên nói chuyện nửa nạc nửa mỡ với con kiểu "Con ơi đưa mẹ con duck màu yellow" nó làm đứa trẻ rất rối loạn về ngôn ngữ.
Kiểu này các bà mẹ Việt lấy chồng nước ngoài hay vô tình mắc phải mà không để ý. Và cũng bởi vì không ai chỉ chúng ta cách dạy con về ngôn ngữ nên chúng ta rất bối rối.
Có những đứa trẻ vì rối loạn ngôn ngữ còn dẫn đến việc chậm nói, phải mất khá nhiều thời gian để bé hiểu và phản hồi bằng ngôn ngữ. Hôm nay nhân tiện viết một lần nên hơi dài. Cũng do rất nhiều người hỏi tôi là bé Myla nói tiếng Anh, Việt như thế nào ở nhà. Những kinh nghiệm của tôi có được do đúc kết từ các "ca" thành công của các bố mẹ bạn bè, và do tôi đúc kết từ những gì rất là logic mà ra. Cái gì nó cũng có tiến trình, công đoạn. Học là cả đời chứ đừng đốt cháy giai đoạn, phải kiên nhẫn và đúng trình tự, phương pháp!".