Chấp nhận nghèo… để dành tiền mua nhà!
- Người ta có nhiều cách đánh giá thành công của một diễn viên. Nhưng ở Việt Nam, sau mỗi mùa phim Tết, cách đánh giá thực tế nhất là nhìn lại một năm người diễn viên có vai diễn nào đáng chú ý và bộ phim ấy có ấn tượng hay không. Vừa rồi anh có hai vai trong 2 phim nhựa chiếu kề cận nhau: "Cột mốc 23" và "Lệ phí tình yêu". Nhưng hình như anh không hài lòng và phim cũng kém ấn tượng?
Năm 2011, tôi thành công nhất với phim Cô dâu đại chiến. Còn Cột mốc 23, dù phim có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng vai diễn của tôi đã có được phản ứng tốt. Tôi đóng vai anh chàng bán thịt chó, da đen nhẻm, râu ria xồm xoàm, bặm trợn và… hơi xôi thịt, một hình ảnh hoàn toàn mới so với những anh chàng đào hoa trước đây. Thêm vào đó, tôi cũng đã thành công trong vai trò mới: phó đạo diễn của phim, một lĩnh vực mà tôi muốn theo đuổi. Còn với Lệ phí tình yêu, đúng là nhân vật này khá quen thuộc với tôi. Không cần phải cố gắng gì nhiều để thể hiện vai diễn đó. Nhưng nó cũng không phải là vai diễn dở, dù nếu là người quá khắt khe tôi sẽ từ chối vai diễn đó. Bù lại, tôi cũng có thêm những vai diễn hay trong phim truyền hình, những nhân vật rất lạ lùng mà tôi chưa từng được thể hiện: đó là một ông già mất trí nhớ, một tay trùm giang hồ khét tiếng…
- Anh vừa nói nếu quá khắt khe sẽ không nhận lời đóng "Lệ phí tình yêu". Phải chăng đây là lúc chúng ta buộc phải nhìn nhận rằng, người diễn viên không dám từ chối một cơ hội đóng phim, vì tình nghĩa, vì sợ nhà sản xuất và vì… tiền?
Đúng! Ở Việt Nam, làm gì cũng phải nghĩ trước nhìn sau. Không phải ai cũng có những cơ hội tốt. Với Lệ phí tình yêu, tôi biết họ là nhà sản xuất uy tín, có rạp chiếu riêng và có hệ thống quảng bá chuyên nghiệp, có thể nói đó là lý do lớn để tôi nhận lời đóng Lệ phí tình yêu. Còn tiền cũng là một lẽ, tôi là một diễn viên và tôi sống bằng những đồng tiền kiếm được từ nghề diễn xuất, làm MC và tham gia gameshow. Chính vì thế, tôi chẳng giàu có gì cả. Tiền, như một lẽ tất nhiên, cũng là một áp lực. Nhưng nếu tính về tiền, thì tôi tham gia phim truyền hình đều đặn và đó mới là nơi nuôi sống những diễn viên chỉ biết diễn như tôi, chứ chẳng biết làm gì khác.
- Nhớ cách đây một năm, anh từng nói, muốn tạm quên những series truyền hình dài tập để bắt đầu công việc làm đạo diễn. Xem ra, lời nói vẫn chỉ là lời nói?
Đúng là tôi có nói nhưng nghề diễn viên không giống như những công việc khác, không dễ gì bỏ ngang. Đạo diễn nào cũng gọi và nói có vai hay lắm, viết riêng cho tôi. Và như một cái máu làm nghề, tôi lại tiếp tục đi làm. Cứ như vậy, vai này tiếp theo vai khác, hết năm lúc nào không biết! Thêm vào đó, lúc này tôi nhận ra chưa có nhà sản xuất nào dám giao phim cho tôi làm đạo diễn. Họ nghĩ là tôi đang viển vông hoặc nói cho vui. Nếu muốn làm, tôi phải đi năn nỉ họ. Và phàm là trong nghệ thuật, những gì phải xin xỏ năn nỉ quá nhiều, thì cũng là những thứ… “của rẻ là của ôi, của đầy nồi là của không ngon”. Tôi đi lên từ công việc của diễn viên phim truyền hình và tôi thích làm ra những bộ phim truyền hình chứ không phải là điện ảnh. Mà như vậy, tôi cần thời gian, để mọi người tin rằng tôi là một đạo diễn thực thụ. Tôi tin ngày ấy cũng gần thôi…
- Nghe anh miêu tả, dường như nghề diễn viên không hào nhoáng như những gì chúng ta vẫn bắt gặp trên các trang báo mạng về các ngôi sao: xe hơi xịn, đồ hiệu đắt tiền và luôn khoe những món đồ cả tỷ bạc?
Tôi đóng phim 10 năm rồi, toàn đóng vai chính thôi, nhưng giờ mới rón rén đi mua căn chung cư ở quận 7, mà mua trả góp đó. Nhà đầu tư nói, cứ ráng tới khi nào hết tiền họ sẽ hỗ trợ cho vay ngân hàng, nên tôi mới dám mua. Nghĩ là có cái nhà để an cư, chứ không lẽ cứ ở ké ba mẹ hoài. Tiền cát sê một diễn viên chính trong một bộ phim truyền hình 30 tập, ở mức như tôi được tiếng là cao nhất trong nghề rồi, cũng trên dưới 200 triệu, mà trang phục và mọi thứ đi lại mình phải tự lo. Phim quay trong 3 tháng, đấy là thuận lợi, còn không sẽ kéo dài hơn. Trừ hết chi phí đi thì thực tế, số tiền tích lũy của tôi chắc cũng ngang bằng với một… công chức!
Sự thật thu nhập của diễn viên điện ảnh ở Việt Nam là như vậy! Hôm nay, có cô bạn làm bất động sản nói, ở quận 2 có căn chung cư đẹp lắm, khoảng 1,7 tỷ thôi, mà nội thất rất cao cấp. Tôi nghe thích lắm, nhưng rồi nghĩ, giờ làm sao có tiền? Tiền đóng phim các hãng còn nợ cả năm trời chưa trả, đôi khi mình cũng phải thông cảm vì phim họ chưa bán được nên chưa có tiền. Lúc đó đành trào lộng, chắc đi mua vé số, biết đâu mình gặp hên (cười). Thế nên, mặc dù thấy các em diễn viên trẻ mới vào nghề đi diễn bằng xe hơi, tôi cũng chạnh lòng. Nhưng nghĩ lại, ở Sài Gòn này, nếu mua xe phục vụ nghề diễn thì sai bét, làm sao có thể chạy xe hơi mà đến điểm diễn nhanh và dễ dàng bằng xe máy, chẳng qua là để se xua làm dáng thôi. Còn nếu đi diễn xa, đoàn phim đã có xe đưa. Thôi, chấp nhận nghèo chút, tôi có được căn nhà. Nếu có tiền, tôi cũng sẽ không mua xe, mà mua thêm căn nhà, cho mai mốt con mình ở!
Đã yêu Mạc Anh Thư
- Anh vừa nhắc tới tương lai của con mình, anh có nghĩ mình quá bận để có thể lo lắng và chăm sóc cho Kiến Bách?
Kiến Bách vừa tổ chức sinh nhật lên 6, bé bắt đầu lớn và chúng tôi dần coi nhau như đôi bạn. Hơn một năm qua, bé đã được mẹ đưa về sống tại Việt Nam và chuẩn bị đi học. Rảnh là tôi ghé thăm con, đưa con đi chơi và cố gắng lắng nghe những nguyện vọng của con. Con trai tôi dễ thương và nhạy cảm. Cu cậu cũng bắt đầu có những thắc mắc rất ngộ nghĩnh. Có hôm cu cậu gọi điện cho ba để hỏi, làm cách nào để… chinh phục cô bạn gái cùng lớp. Ba còn đang lúng túng thì cu cậu đã tìm ra giải pháp: “hối lộ” bạn một hộp kẹo. Nói chung, Kiến Bách đã trở thành chàng trai và tôi cần phải luôn ở bên con mỗi khi con cần. Bây giờ, tôi làm mọi việc không chỉ cho bản thân, mà còn phải nghĩ cho con mình.
- Anh luôn tỏ ra yêu con và là người cha đầy trách nhiệm. Anh nghĩ thế nào về những người đàn ông, đặc biệt là giới diễn viên, không chịu thừa nhận con của mình?
Tôi không đứng ở vị trí của mình để phán xét người khác được. Vì mỗi người một hoàn cảnh. Nhưng nhìn từ góc độ một người từng có con, tôi hiểu được một đứa trẻ cần cha nó tới mức nào. Và, một cô bạn gái, thậm chí một người vợ, anh có thể yêu rồi chia tay. Nhưng đứa con anh sinh ra, thì không còn là chuyện yêu hay ghét, nó là máu thịt, huyết thống, là tình yêu hòa lẫn với trách nhiệm, như máu trong người mình vậy. Thế nên, sự rũ bỏ trách nhiệm của người đàn ông trong trường hợp này là rất đáng khinh! Tôi rất ghét thái độ đó!
- Nhân nói chuyện con cái, hình như năm Nhâm Thìn này, anh và cô bạn gái Mạc Anh Thư cũng tính sinh một… chú rồng con?
(Cười lớn). Đúng, tôi và Mạc Anh Thư yêu nhau cả năm nay và tôi không hề giấu diếm điều ấy. Còn chuyện con cái là chuyện của ông trời. Tôi không muốn nói những chuyện đó trước khi nó xảy ra, bởi vì ông trời có cho thì mới được. Tôi muốn nói chúng tôi yêu nhau rất thành thật, nhưng chuyện đám cưới hay con cái là chuyện riêng, khi nào có sẽ thông báo. Còn năm nay, mọi dự định của tôi đều tập trung vào công việc làm phim!
Đợi vai diễn đồng tính
- Vậy thì chúng ta nói chuyện làm phim nhé. Anh có thể chia sẻ về vai diễn mới trong "Lấy chồng người ta"?
Đó là một vai diễn đặc biệt nhất mà tôi nhận được. Yêu cầu của đạo diễn là tôi phải phơi mình cho đen và phải biết bơi thuyền bằng hai chân. Bối cảnh trọn vẹn của phim là quay ở làng nuôi cá bè La Ngà (Đồng Nai). Phim chỉ có 3 diễn viên thôi, đó là tôi, Thái Hòa và Đinh Y Nhung, cả ba sẽ có những nhân vật hoàn toàn khác biệt so với sở trường thông thường của mình. Sở dĩ đạo diễn yêu cầu phải biết bơi thuyền bằng chân, vì sẽ có cảnh nhân vật của tôi vừa bơi thuyền vừa nâng đứa con của mình bằng hai tay trên mặt sông. Người dân ở đó nói muốn bơi thạo phải mất 3 ngày, nhưng thật may sau một ngày tập thì tôi đã thành thạo, bơi được tới 2km. Tôi cũng phải về tận mấy vùng quê để tìm những bộ quần áo thật cũ, có thể nói là hơi nát, để đạo diễn chọn, cho nó ra đúng chất kham khổ mà nhân vật phải có!
- Anh thích những vai diễn như thế này phải không?
Thích! Mỗi vai diễn mới, với số phận khó đoán, sẽ là một vai diễn làm cho người diễn viên thấy hứng thú rất nhiều, mọi khó khăn sẽ được giải quyết nhanh hơn. Tôi đã đóng tất cả những vai xa hoa, giàu sang, thậm chí là đểu giả nữa. Nhưng cái tôi thiếu chính là những vai đòi hỏi diễn xuất nội tâm thật sâu. Điện ảnh không dễ và không nhanh như truyền hình, vì chỉ cần bạn diễn hơi cương, hơi giả thì khán giả sẽ ngay lập tức từ chối bạn.
- Còn dạng vai nào mà anh hứng thú nữa không?
Đó là vai đồng tính!
- Trông mặt bắt hình dong, anh quá đào hoa và... sát gái trên phim rồi, nên hiếm có đạo diễn nào mạo hiểm để giao cho anh vai đồng tính... ?
Tôi đã có cơ hội rồi! Đó là vai nam chính trong bộ phim Dục vọng của đạo diễn Lưu Huỳnh. Phim sẽ khởi quay vào tháng 6. Đây là kịch bản dữ dội với rất nhiều cảnh nóng. Tôi đóng vai một anh chàng đồng tính, yêu người bạn thân của mình điên cuồng, đến mức hy sinh mọi lẽ, kể cả nhận tội và đi tù thay bạn. Cho đến khi, người bạn nói rằng, mình không yêu người đồng tính, nhân vật của tôi đã lặng lẽ đi phẫu thuật để trở thành phụ nữ. Tóm tắt là như vậy, chứ kịch bản này không dễ đoán như thế, nó là chuỗi của những bất ngờ liên tiếp, và những cảnh quay nóng bỏng sẽ chiếm dung lượng khá lớn.
- Anh có sợ người đồng tính sẽ chê anh hóa thân vào vai của họ đầy... sai lệch ?
Tôi nghĩ là mình đủ sức. Vì tôi quan sát nhiều, bạn bè thân trong giới đồng tính cũng nhiều. Nhiều diễn viên là người đồng tính sẽ ngần ngại và ngượng ngập khi thể hiện vai này trên phim. Còn tôi, tôi nghĩ mình có được sự thoải mái hơn họ. Đó là một lợi thế.