SAO » Chuyện làng sao

Jimmii Nguyễn: Tôi không phải gồng mình để tỏ phong độ

Thứ hai, 12/09/2011 17:16

"Người ta bảo phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là tồn tại. Ít ai gọi cậu bé non choẹt nào đấy, mặt búng ra sữa, là đẳng cấp mặc dù cậu ta đã hết sức “gồng” cho ra vẻ có… phong độ. Chúng tôi khác nhau ở chỗ đấy." - Jimmii chia sẻ.

- Anh định vị mình như thế nào với thế hệ ca sỹ, nhạc sỹ trẻ bây giờ?

Định vị nghe… ớn thật, những cũng đúng thôi. Nếu đã nói định vị thì cho phép tôi được định vị tôi với các bạn trẻ một cách chân tình và đứng đắn nhất. Và cho phép tôi được trình bày câu trả lời như thể viết công văn hoặc hợp đồng nhé.

Thứ 1: Tôi là một ca nhạc sỹ đã có tên và bây giờ bắt đầu chớm nở cái nụ mà trong giới thường trêu ghẹo anh chị nghệ sỹ đi trước là “có tuổi”. Vâng, tôi đang bắt đầu chớm nở nụ hoa “có tuổi”.

Thứ 2: Tôi lọt lòng ca hát từ năm 1991. Tính đến nay tôi tròn 20 tuổi nghề. Trong giới nghệ thuật, già trẻ lớn bé, nghệ sỹ ai cũng nhớ mình đang ở đâu và làm gì lúc bấy giờ, đúng không ạ?

Ca - nhạc sỹ Jimmii Nguyễn

Thứ 3: Như fan của các cha ông, anh chị đi trước tôi, fan của chúng tôi khác rất xa với fan của thế hệ bây giờ. Fan của tôi là đẳng cấp kể cả người bị thất bại. Trong hai mươi năm họ đã trở thành những nhà doanh nhân thành đạt, những nhà chính khách, bác sỹ, kỹ sư, luật sư, thợ thuyền, thương gia có tên tuổi và kể cả nông dân, họ dày dặn và đầy kinh nghiệm.

Chẳng may số fan nào bị thất bại, không gặp vận may hoặc thời cơ, không gặt hái thành công, ngoại trừ một số có được một cái “20 cái năm tuổi”, thì với cái sự lăn lộn, chiêm nghiệm trong cuộc sống, họ vẫn là “mẹ” của những người thành công. Còn một số fan rất đặc biệt của ngày xưa bây giờ toàn là… đại ca có tuổi. Hai mươi năm đâu phải ngắn.

Và cuối cùng: Người ta bảo phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là tồn tại. Ít ai gọi cậu bé non choẹt nào đấy, mặt búng ra sữa, là đẳng cấp mặc dù cậu ta đã hết sức “gồng” cho ra vẻ có… phong độ. Chúng tôi khác nhau ở chỗ đấy.

- Còn về nghệ thuật thì sao thưa anh?

Tôi nghĩ không nên so sánh hoặc định vị nghệ thuật vì thời nào cũng có cái hay, cái trẻ trung, cái máu của thời đấy. Thông thường, chỉ có thế hệ sau bị thấm chất nghệ thuật của thế hệ đi trước mình mà thôi, cũng như tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều của nghệ thuật đàn anh, đàn chị đi trước. Chỉ có tôi được nghe nhạc của họ.

Làm sao tôi có thể cho họ nghe được nhạc của tôi cơ chứ? Cho nên, điều quan trọng là hãy nên trân trọng và luôn luôn ngả nón chào những thế hệ đi trước mình – như thế là đàng hoàng và văn hóa nhất. Mỗi khi tôi gặp các anh chị đi trước, kể cả đi sau tôi đều chào.

- Anh thấy thế hệ trẻ bây giờ họ có phong cách văn hóa như các anh không?

Nếu được thế còn nói làm gì nữa. Phần đông nghệ sỹ trẻ bây giờ họ thường coi chúng tôi như là người tàng hình. Nhiều lúc diễn chung, tôi thường hay nhường các cô cậu (kể cả các cô cậu chưa có sao nào) hát trước. Thấy thế, các em thi nhau giành lấy micro để “nhào” ra sân khấu. Có những hôm tôi ngồi im phì cười. Trông họ và ban tổ chức của chương trình rất bình dân đến mức ngây ngô. Sao kiếm tiền dễ thế nhỉ?

Có những hôm, tôi không biết phải nhường các em đến bao giờ tôi vì còn phải gặp khán giả ở tụ điểm khác. Tôi đành phải rời sân khấu để đi cho kịp giờ. Tôi rất buồn những người tổ chức kém nghiêm túc và thiếu trình độ như thế. Tôi không hiểu ai cho họ cái chức danh là nhà tổ chức khi họ không thể lãnh đạo được cấp dưới và luôn bó tay trước sự tranh giành thiếu văn hóa của các cô cậu ca sỹ nhí được.

- Đến giờ này anh có thể khẳng định mục đích sống của mình là gì?

Mỗi đêm trước khi đi ngủ tôi thường nghiệm lại những gì mình làm trong ngày. Mặc dù, tôi chưa thực hiện được hết những gì tôi muốn làm cho bản thân, gia đình và xã hội nhưng tôi chưa lừa dối ai, chưa làm hại ai bằng hành động hoặc lời nói của mình. Chưa lấy của ai cái gì và cũng chưa thiếu nợ của bất cứ ai. Tôi hứa với lòng mình ngày mai tôi cũng sẽ đạt được như ngày hôm nay. Tôi không giàu nhưng tôi có thể nhắm mắt ngủ thật ngon.

- Con người thường hay tìm người khác để theo gương. Anh thấy mình là một tấm gương về những điều gì?

Con người thường hay tham lam nhiều thứ. Tham lam làm điều xấu và ngay cả tham lam để làm điều tốt. Khả năng tôi cũng có hạn. Kể cả khả năng làm sao để tránh  làm điều xấu nên tôi cố gắng sống mỗi ngày với chính mình như tôi đã nói ở trên. Với tôi là cả một sự cố gắng.

Tôi  thường nói với mọi người: biển cả mênh mông thật ra không nguy hiểm vì biển luôn có hai mặt: sự bình yên và sóng gió. Cuộc đời cũng thế. Cơ hội để chết vì sóng gió ngoài biển khơi không cao nếu như người ta có sự chuẩn bị chu đáo, nhưng người ta sẽ chết ở một ao hồ nhỏ xíu êm ả chỉ vì… không biết bơi.

Còn tôi có là một tấm gương về điều gì thì người khác sẽ thấy.

- Làm luật sư – hay gọi là thầy cãi – thì mục đích trong nghề là phải cãi thắng. Vậy khi về nhà, mỗi lúc tranh luận với người thân, mục đích của anh có là: cãi phải thắng?

Không hẳn là thế! Người luật sư có lương tâm không bao giờ cãi thắng mà phải là cãi đúng theo công lý. Công lý luôn có khe hở, cho nên, thắng trong kẽ hở vẫn là thua, mà thua trong công lý thì vẫn hoàn toàn thắng với lương tâm. Tranh luận trong gia đình không phải để thắng hay thua mà là để hiểu rõ hơn như thế nào để cùng xây dựng hạnh phúc.

- Khi cãi thua anh sẽ làm gì?

Sẵn sàng xin lỗi và cám ơn, nhưng hiếm khi xảy ra việc đấy.

- Anh quan niệm về thế nào về gia đình? Anh có sẵn sàng theo “tiếng gọi của con tim” mà bỏ gia đình?

Chẳng ai dí súng ép mình phải lập gia đình nhưng khi đã lập gia đình, đã có con thì nên hiểu rằng tiếng nói của trái tim vẫn đứng sau, rất xa cái thở nhẹ của lý trí.

- Có người kể: Chế Linh có 14 vợ, bà nào cũng yêu thương ổng và không ghen tỵ nhau. Anh có ngưỡng mộ hay ganh tỵ với Chế Linh về mặt này?

Nếu như anh Chế Linh gom hết các bà vào ở chung một nhà thì tôi ngưỡng mộ. Duyên số, trời cho ai nấy hưởng, tại sao phải ganh tỵ? Biết đâu trong tương lai, anh ấy sẽ phải ngưỡng mộ ngược lại tôi vì cái mà tôi đang cố gắng để có được điều mà đối với người nghệ sỹ là rất khó - đó là không sa ngã trong rừng hoa xinh đẹp vây quanh mình và tìm cho được một bông hoa duy nhất cho mình và gia đình mình mà thôi.

Có dạo tôi từng bị gọi là “khác hệ” vì tôi né tránh việc gần gũi một bông hoa xinh đẹp đấy, bạn biết không? Nhưng phải công nhận, ở Việt Nam có nhiều bông hoa xinh đẹp quá. (Cười)

- Người ca sỹ nói riêng, nghệ sỹ nói chung, theo anh chữ chung thủy được nhìn nhận với ý nghĩa thế nào?

Khoa học đã chứng minh gen của người nghệ sỹ khác với người bình thường nên họ rất nhạy cảm và rất yếu đuối trong quan hệ tình cảm.  Tuy nhiên với tôi, sự chung thủy không nói lên điều gì cả nếu như nó không đem lại thành công, hạnh phúc và niềm vui trong gia đình.

- Xin cảm ơn về những chia sẻ ngày hôm nay, chúc anh luôn thành công và hạnh phúc.

VNMedia
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới