Những ngày này diễn viên múa Linh Nga tất bật trên sàn tập từ 8 giờ sáng tới 21-22 giờ đêm cho chương trình nghệ thuật hoành tráng mang tên Sen sẽ diễn ra năm đêm tại Hà Nội, Hải Phòng, bắt đầu từ ngày 15-8. Chỉ có thể trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ sau 22 giờ 30, song cuộc trò chuyện với Linh Nga lại diễn ra rất cởi mở, thoải mái.
Sen - múa thuần Việt
Có phải do nhiều ý kiến chưa hài lòng về chương trình Vũ trước đây chị biểu diễn rất nhiều tiết mục múa Trung Quốc nên Sen là một chương trình thuần về múa dân gian Việt Nam?
Sen là chương trình nhằm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen, lại trùng hợp vào dịp hoa sen được chọn làm quốc hoa nên chương trình hoàn toàn phải thuần Việt. Còn Vũ gần như là chương trình báo cáo kết quả sau 10 năm học múa ở Trung Quốc của Linh Nga, trong đó nhiều tiết mục tôi từng đoạt giải tại Trung Quốc.
Đây là chương trình chị sẽ xuất hiện ở vị trí chính từ đầu đến cuối như Vũ?
Ồ, không. Đây là chương trình chung của cả nhà hát với 60 diễn viên tham gia. Tôi chỉ xuất hiện trong sáu tiết mục thôi.
Đã có một bài báo nói rằng Sen còn là chương trình chào mừng ngày thành lập của ngành công an nhân dân vì gia đình chồng bạn thuộc ngành công an?
Nếu có bài báo đó thì do nhà báo tự viết chứ tôi chưa bao giờ trả lời phỏng vấn ai như thế. Sen thực hiện bằng kinh phí làm chương trình hằng năm của Nhà hát Bông Sen như năm ngoái nhà hát làm chương trình Nghìn năm Thăng Long vậy. Sen có kinh phí rất lớn nhưng không bằng Vũ và không có sự tài trợ nào. Chỉ có Công ty Vương Vũ của tôi phối hợp với nhà hát cùng làm Sen và PR cho chương trình. Chúng tôi phải bán vé và rất sợ lỗ, bởi lo cho 60 người ra Hà Nội ăn ở là chuyện rất khó khăn. Thậm chí tôi còn phải bỏ tiền của công ty ra lo thêm cho Sen.
Con cưng của nhà hát
Chị nghĩ thế nào với dư luận cho rằng Linh Nga quá may mắn vì được Nhà hát Bông Sen lăng-xê hết mức với những chương trình riêng hoành tráng. Linh Nga là con cưng của nhà hát, chỉ xuất hiện ở những chương trình lớn có thể mang lại tiếng tăm, chỉ đi làm show event, quảng cáo, lo cho công ty riêng vì đã là ngôi sao nổi tiếng rồi?
Tôi chưa bao giờ nói mình ngừng lại hay không cần show diễn. Nhưng tôi không sống với mục đích dùng nghệ thuật để kiếm tiền và chưa bao giờ từ chối, nói không với nhà hát. Nếu cần, tôi sẵn sàng bỏ show event về diễn cho nhà hát. Nhà hát mới chính là cuộc sống của tôi, là cuộc đời tôi. Những show diễn ở nhà hát mới chính là show múa, là nghệ thuật thật sự. Có thể người khác không có thông tin nên hiểu nhầm. Tôi là nhân viên biên chế của nhà hát khoảng một năm nay, còn trước đó tôi là nhân viên hợp đồng nên không phải show nào cũng có mặt.
Mong muốn duy nhất của tôi chỉ là được diễn nhiều. Phải diễn hàng trăm show diễn nhỏ, phải đi diễn ở tỉnh, ở nước ngoài... với nhà hát tôi mới có đủ kinh nghiệm, khả năng làm được một chương trình lớn như Sen chứ. Tôi sợ nhất là bị đặt sai chỗ. Ba năm về nước, tôi chưa bao giờ làm việc gì ngoài múa, kể cả diễn event. Trừ những lúc phải xuất hiện ở các buổi tiệc lớn do các nhãn hàng tôi làm gương mặt đại diện tổ chức để quảng cáo, tôi không nhận lời dự các bữa tiệc khác. Ở những nơi đấy, có khi tôi thấy mình lạc lõng vì đông người quá. Tôi là người không biết giải trí, không có sở thích tụ tập cà phê hay mua sắm. Còn công ty của tôi cũng chỉ làm về múa, chuyên đem show diễn, hợp đồng trong và ngoài nước về cho Nhà hát Bông Sen, cũng chỉ là làm show của nhà hát thôi.
Và đúng là làm nghệ thuật ngoài tài năng, sự khổ luyện cần có yếu tố may mắn nữa để có thể thành danh.
Mải theo nghề, không có tuổi thơ
Chị có thể kể về cuộc sống riêng không biết giải trí của mình như thế nào không?
Thuở bé tôi chưa từng được uống nước ngọt, chưa từng được đi chơi công viên. Sáu tuổi cha mẹ tôi đã gửi tôi cho ông bà ngoài Hà Nội để vào Nam làm việc. 10 tuổi tôi vào Nam sống với cha mẹ nhưng rất ít khi được gặp mặt vì cha mẹ tôi phải đi diễn suốt ngày. Hơn 10 tuổi tôi sang Trung Quốc học (suốt 10 năm). Vì bé quá mà sống có một mình ở nước ngoài nên trong lòng luôn lo sợ, vì thế chỉ biết cắm đầu vào việc học và sàn tập từ sáng sớm đến hơn 9 giờ tối. Riết rồi thành thói quen. Món ngon nhất tuổi thơ của tôi là bịch kẹo dừa mà lâu thật lâu mới có người thân, người quen từ Việt Nam sang cho.
Bây giờ, thường xuyên thấy tôi đổ mồ hôi ròng ròng trên sàn tập, ông xã phải tổ chức cho tôi thư giãn cùng các em học sinh. Nhưng thú vui của chúng tôi cũng chỉ là mua đồ ăn vặt về rồi lăn lê trên sàn tập vừa ăn vừa bật nhạc thật to, hét giỡn hay thỉnh thoảng chở học sinh đi ăn.
Sen gồm 17 tiết mục, được dàn dựng thành một câu chuyện. Biên đạo: Nghệ sĩ Vương Linh, Trần Ly Ly và Linh Nga. Đạo diễn chương trình: Tất My Loan. Tổng đạo diễn: NSND Đặng Hùng. Ở Sen, lần đầu tiên thời trang được đưa vào múa với sự cộng tác của hai nhà thiết kế Minh Hạnh và Sĩ Hoàng. Đây cũng là lần đầu tiên thử nghiệm chơi nhạc sống cho múa ở hai tiết mục. Các nhạc sĩ Quốc Trung, Giáng Son, Tiến Đạt và Hữu Ước là người làm nhạc cho chương trình. |
Tôi vui nhất là lúc ở trên sàn tập, không hóa trang gì cả, chỉ có bộ đồ tập, không có khán giả, chỉ có tôi là Linh Nga rất thật với niềm đam mê múa.
Chỉ cho con theo nghề nếu...
Chị có thấy tiếc tuổi thơ của mình không? Nếu có con, chị có cho con đi du học từ nhỏ như mình? Bây giờ chị có hạnh phúc không?
Tuổi thơ của mình thiệt thòi nhưng tôi không cảm thấy tiếc vì đó là con đường đi đúng mà ba mẹ định hướng cho mình. Tôi muốn con tôi theo con đường của tôi nhưng với điều kiện nó phải thật sự có năng khiếu và yêu thích nghệ thuật. Nếu không thì không nên vì trẻ con mà phải sống một mình sợ lắm. 10 năm là rất dài.
Hiện tại tôi hạnh phúc vì có một gia đình sum họp mà mình luôn khao khát. Tuổi thơ tôi luôn xa cha mẹ, khi về nước thì lao vào công việc suốt ngày như con thiêu thân, không dừng lại được. Hồi nhỏ tôi luôn ngưỡng mộ ba, mong muốn lớn lên lập gia đình sẽ gặp người chồng như thế.
Xin cảm ơn chị, chúc chị luôn thành công và hạnh phúc.