SAO » Chuyện làng sao

Từ phát ngôn mới gây dư luận xôn xao: CÓ OAN QUÁ cho Thanh Lam?!

Thứ hai, 23/10/2017 21:37

Chỉ với một câu nói, ngay lập tức Thanh Lam nhận không ít gạch đá từ khán giả lẫn đồng nghiệp của mình.

Những ngày qua, dư luận xôn xao về phát ngôn của Thanh Lam khi nữ diva này cho rằng, Thu Minh, Mỹ Tâm và một số ca sĩ miền Nam "ít học hành" nhưng vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông. Ngay lập tức, một làn sóng giận dữ hướng về Thanh Lam. Họ cho rằng cô có thái độ coi thường ca sĩ miền Nam. Thanh Lam đúng hay sai khi phát ngôn như thế? Công chúng có quá vội vàng không khi cho rằng cô có suy nghĩ kì thị vùng miền và quá cao ngạo với tài năng của mình.

Nói một chút về nữ ca sĩ này, không ai phủ nhận giọng hát nội lực và kĩ thuật hát, cách luyến láy nhấn nhá nghe cực đã tai trong những ca khúc mà cô thể hiện như: Lối cũ ta về, Cho em một ngày, Hoa cỏ mùa xuân, Một mai em đi… Thanh Lam hát hay, đúng, nhưng không phải ai cũng thích nghe cô hát. Vì sao ư? Bởi ngày nay khán giả không chỉ nghe mà còn nhìn. Cái cách ăn mặc khó hiểu của cô trên sân khấu, cái cách ngông của cô cũng là chất riêng của cô nhưng không phải ai cũng đón nhận. Người ta nhìn cô lần đầu cảm nhận cô khó gần. Tiếp đó, những phát ngôn của cô mới gây mệt mỏi làm sao. Lúc thì cô nhận xét về Uyên Linh: "Uyên Linh theo tôi về mặt ca hát thì cũng bình thường thôi và tôi không thích lắm. Cô ấy không được đào tạo bài bản nên vẫn còn nhiều hạn chế như khi hát lên cao xuống thấp rất là kém. Với người được học hành thì không gian âm nhạc sẽ mở hơn nhiều". Đến những ngôi sao đang trên đỉnh cao của nghề, cô cũng không ngần ngại phán một câu xanh rờn: “"Khi tôi xem chương trình này tôi cũng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng ra hai ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà sẽ dạy bằng cái gì?... Có bột mới gột nên hồ. Phải có trình độ mới dạy được"… Và giờ đây mạnh miệng hơn lại là: "Không có ngành nghề nào không cần phải học cả. Vì khi không có trình độ thực sự thì không khai thác chiều sâu được, nó chỉ hớt váng được lúc đầu thôi. Nhưng trong miền Nam lại nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông. Tôi đặt dấu hỏi về điều này".

Đối với những người bình tĩnh và suy xét sâu xa thì xem câu nói của Thanh Lam là bình thường theo một góc độ rất bình thường. Còn với những người ngay từ đầu đã không thích thậm chí ác cảm sẽ lại là một câu chuyện rất nghiêm trọng. Cùng từ đó, cụm từ "Nhiều ca sĩ chẳng học hành gì mà vẫn nổi tiếng" bị mượn để "vơ đũa cả nắm", gán cho Thanh Lam tội kì thị ca sĩ miền Nam. Kì thực, nhìn thoáng hơn, nữ ca sĩ chỉ đang nhắc đến những "con sâu làm rầu nồi canh" mà thôi. Cái nghĩa của từ “học hành” ở đây là học bài bản trên trường lớp được hiểu theo nghĩa hẹp. Còn Thanh Lam nói chữ “học hành” lại theo nghĩa rộng hơn tức sự tự học, tự rèn luyện và phấn đấu để đi lên.

Nếu Thanh Lam thật sự nghĩ không học hành trường lớp mà vẫn nổi tiếng thì khác nào cô ấy đang tự vả mặt mình khi các thần tượng mà cô ngưỡng mộ: Whitney Houston, Mariah Carey, Madonna, Bob Dylan… cũng có tốt nghiệp trường lớp chính quy nào đâu. Tất cả học đều tự mài mò, tự rèn luyện để phát huy tài năng của bản thân từng giờ, từng ngày. Sở dĩ Thanh Lam nhắc đến "học hành" nhiều là vì cô nhìn thẳng vào thực tế vẫn có không ít ca sĩ trẻ dựa dẫm vào truyền thông, chiêu trò, scandal để nổi tiếng mà bỏ qua việc tự rèn luyện bản thân khiến chất lượng âm nhạc đi xuống nặng nề. Tư duy của họ không còn là “học hành” để khẳng định bản thân mà nổi tiếng bằng công nghệ lăng xê với đủ mọi mánh khoé làm mệt mỏi dư luận. Trong khi đó, nhiều ca sĩ trẻ có ăn có học và tài năng như: Đông Hùng, Dương Hoàng Yến… ai cũng công nhận họ hát hay, kĩ thuật hát tốt lại ít nổi tiếng, lại không được truyền thông lẫn khán giả chú ý chỉ vì họ “nhạt” theo nghĩa bóng. Thanh Lam chỉ muốn đòi công bằng cho những tài năng đang tự học tự trau dồi mỗi ngày nhưng không thích nghi với chiêu trò để bớt “nhạt” như vài người vẫn gán ghép. Tuy nhiên, cái suy nghĩ thẳng thắn đó của cô lại ít có người chịu chấp nhận, mà họ còn chụp mũ cô bằng cách suy diễn thêm nhiều tư tưởng sai lệch khác.

Rõ ràng, Thanh Lam là một trong số những ca sĩ dám nói thật một cách vụng dại. Vì nền văn hoá và cách nhìn vấn đề ở Việt Nam đâu có thoáng như nền văn hoá phương Tây đâu mà cô hi vọng sẽ thay đổi điều gì qua lời nói thật của mình. Còn nhớ, trong tập 1 của The Face Australia, siêu mẫu Nao Mi Campell đã từng tranh cãi gay gắt với Nicole rằng: “Đừng so sánh bản thân cô với tôi. Cô không cùng đẳng cấp với tôi và sẽ không bao giờ như thế”. Hay Aretha Frankin trong một buổi phỏng vấn đã thẳng thừng chê bai Taylor Swift và Nicki Minaj, dù hai ca sĩ này đang rất nổi tiếng, sở hữu lượng fan hùng hậu. Hoặc Mariah Carey cũng chẳng kém cạnh, khi được hỏi về Ariana Grande, Madonna, Demi Lovato, Miley Cyrus, nữ diva chỉ nói một câu duy nhất: "Tôi không biết họ là ai cả"…. Những sự thẳng thắn đó lại được thừa nhận, được cho là có chất, được tôn vinh là thẳng thắn. Vậy mà đến Thanh Lam tỉnh táo nhận ra thực trạng nền nhạc Việt đang dậm chân tại chỗ trong khi nền âm nhạc của bạn bè láng giềng ngày một phát triển. Và tất thảy mọi người đang ngủ say trong chiến thắng, xem trọng lời tán dương và khinh rẻ những lời chê bai.

Khi không dám nhìn nhận sự thật và không tìm được cái cớ nào tốt hơn để biện minh cho điều đó. Họ lại chỉ trích quy chụp cho Thanh làm phân biệt, khinh thường nghệ sĩ miền Nam. Điều đó thật phi lí. Thanh là từng là một trong những thế hệ ca sĩ miền Bắc đầu tiên Nam tiến thành công. Chính bản thân cô dành nhiều tình cảm cho khán giả miền Nam nhất. Nữ ca sĩ từng chia sẻ rằng: "Đến giờ tôi vẫn biết ơn khán giả miền Nam nhiều lắm. Họ đã yêu tôi từ những tháng ngày đầu tiên và dõi theo tôi tới tận bây giờ. Ngày ấy, tôi cũng hơi lo lắng khi lần đầu vào Nam hát. Nhưng chỉ cần bước lên sân khấu là cái lo lắng đó tan biết hết trước sự nhiệt tình và yêu mến của khán giả.

Khán giả miền Nam chân thật và đáng yêu lắm. Họ cuồng nhiệt và coi âm nhạc như món ăn không thể thiếu, cần phải thưởng thức ngay. Tôi yêu những con người như vậy. Họ cho chúng tôi nhiệt huyết và đam mê với nghề".

Cô coi thường nghệ sĩ miền nam không học hành gì cũng thật oan. Hơn ai hết, cô đã từng đứng ở vị trí người ngưỡng mộ những nghệ sĩ tài năng trong Nam khi thốt ra rằng: “Tôi cực kì ngưỡng mộ chị Bảo Yến. Chị hát rất Việt Nam và đa sắc thái. Ở Việt Nam này chẳng mấy ai được như chị Bảo Yến. Tôi cũng rất thích chị Cẩm Vân, chị Ngọc Lan và nhiều ca sĩ khác trong Nam. Mỗi người đều tạo được dấu ấn riêng của mình trong ca hát" – Thanh Lam chia sẻ.

Thanh Lam cũng từng phản pháo lại Đàm Vĩnh Hưng khi anh nói về tình trạng phân biệt vùng miền trong âm nhạc: "Không hề có chuyện đó. Phân biệt vùng miền là điều không nên, vì ở đâu cũng có cái hay riêng. Quan họ hay cải lương, không cái nào hay hơn cái nào, tất cả đều tuyệt vời". Với những suy nghĩ tích cực đó, nói Thanh Lam coi thường hay kì thị đồng nghiệp của mình ở phía Nam thật sự không tin nổi.

Trong câu chuyện phát ngôn gây tranh cãi kể trên, Thanh Lam không hẳn đúng hoàn toàn. Cô cũng có cái sai. Cái sai của cô là nên diễn đạt ngôn từ cho rõ ràng rành mạch hơn. Người ta vẫn bảo: “Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Chỉ một chữ đặt trong một câu với ngữ cảnh khác nhau, với góc nhìn khác nhau và với trạng thái tiếp nhận khác nhau, ngay lập tức câu nói đó sẽ bị hiểu sai ý. Thậm chí, nó sẽ bị vẽ vời ra nhiều ý nghĩa khác mà chính chủ nhân câu nói đó cũng phải giật mình. Thanh lam càng sai hơn khi đặt sự thẳng thắn không đúng chỗ. Showbiz này chỉ đón nhận sự thảo mai, chào mừng những lời tán dương tận mây xanh chứ có ai muốn làm phật lòng người khác bằng những lời nói thẳng tuột rồi rước hoạ vào thân. Đó là tâm lí bình thường của con người. Showbiz Việt, nghệ sĩ càng phải khôn khéo để không bị ném đá vì phát ngôn chuyện người ta, chuyện chả liên quan đến mình.

Hạ Phong (Theo Giadinhvietnam.com)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới