Từng tuyên bố tốt nghiệp Đại học REAL tại Đức, song Lý Nhã Kỳ đã vấp phải phản ứng của những người Việt "sành" nước Đức, từng sống và làm việc tại quốc gia này. Theo đó, tại Đức không có ngôi trường cấp Đại học nào mang tên REAL, mà thực tế chỉ có danh từ Realschule (dịch ra là trường dạy nghề cấp phổ thông trung học chứ không phải đó là tên riêng của một trường đại học). Giáo dục của Đức phân loại học sinh từ khi hết lớp 4 thành 2 hướng: hệ 10 năm và 12 năm. Hệ 10 năm từ lớp 7 được cho chọn hướng chuyên sâu (tự nhiên/kỹ thuật hay kinh tế/xã hội) để phù hợp với nghề nghiệp sau này. Từ định nghĩa này, học sinh tại trường Realschule sẽ tốt nghiệp sau khi học xong lớp 10, và có thể theo học ở một trường dạy nghề (Fachschule) với hệ 12 năm. Sau khi tốt nghiệp, học sinh tại đây chỉ có thể vào học cao đẳng (Fachhochschule), không thể đi thẳng được vào đại học (Uni) được. Muốn vào đại học, sinh viên cần có bằng tốt nghiệp ở cao đẳng.
Từ những phân tích trên, Lý Nhã Kỳ bị cho rằng đã nói dối về trình độ học vấn và bằng cấp. Trước nghi vấn này, Lý Nhã Kỳ bình thản giải thích: "Đó chỉ là một sự nhầm lẫn về tên gọi khi tôi chia sẻ thông tin với mọi người. Ngôi trường tôi học mang tên ALEXANDER WIEGAND. Trường của tôi học theo slogan Con người thật - Công việc thật - Hành động thật, vì thế sinh viên trong trường đã gọi tắt tên trường thành REAL. Từ REAL cũng được lấy lại từ ALEXANDER. Trong phần chơi chữ, chữ ER và AL được đảo ngược, ghép lại sẽ thành REAL. Theo nghĩa, REAL dịch ra là THẬT, nó phù hợp với slogan của trường nên REAL được gọi thân thương như một cái tên khác của cái tên quen thuộc ALEXANDER WIEGAND mà mọi người vẫn gọi".
Để minh chứng cho lời giải thích, Lý Nhã Kỳ nói thêm: "Giấy tờ bằng cấp của tôi đã được lãnh đạo nhà nước cấp cao kiểm chứng, vì thế tôi không nhất thiết phải đưa ra bằng chứng trước công chúng. Thực tế là nếu sự việc nào mọi người cũng bắt tôi phải giấy trắng mực đen, tôi sẽ không thể đáp ứng đủ yêu cầu mỗi ngày càng lớn của mọi người. Trong chuyện này, nếu tôi sai hay thiếu xót gì, những người có thẩm quyền cao nhất sẽ làm việc và có những công bố chính thức trước dư luận".
Trước đó, ngày 21.9, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 3000/QĐ-BVHTTDL về việc bổ nhiệm nữ diễn viên Lý Nhã Kỳ (tên thật là Trần Thị Thanh Nhàn) là Đại sứ Du lịch Việt Nam. Và đây cũng là khởi nguồn của mọi dư luận đối với nữ diễn viên này khi thậm chí nhiều người có tiếng tăm trong ngành Du lịch khẳng định, Lý Nhã Kỳ không đủ tư chất để đại diện ngành Du lịch Việt Nam khi ra với bạn bè năm châu.