SAO » Chuyện làng sao

Mặt trái đen tối của showbiz Hàn

Thứ ba, 18/10/2011 11:10

Khán giả luôn hình dung showbiz Hàn như một thế giới lung linh, hào nhoáng nhưng ít ai biết đằng sau ánh hào quang ấy là một bức màn đen tối.

Sự thật nghiệt ngã đằng sau việc "Tìm kiếm và đào tạo tài năng" .

Trở thành thực tập sinh từ năm 11 tuổi, 7 năm sau, các thành viên của nhóm nhạc SNSD mới có cơ hội được đặt chân lên sân khấu với tư cách ca sĩ.

Công nghệ giải trí Hàn Quốc đã sản xuất và lăng-xê thành công nhiều ngôi sao khi tuổi đời còn rất trẻ. Ánh hào quang của sự nổi tiếng ví như một ánh đèn, mà các bạn trẻ như những con thiêu thân cứ đua nhau đổ xô theo con đường làm diễn viên, ca sĩ với mong muốn được trở thành thần tượng. Thế nhưng, ít ai biết rằng để có được những ngày tháng huy hoàng, họ phải đánh đổi cả quãng đời tuổi trẻ đầy thơ mộng và phải trả những cái giá không nhỏ.   Thông thường, thời gian của một đợt đào tạo ngôi sao ít nhất là từ 2-3 năm, nhiều là 7-8 năm và lứa tuổi được chọn khoảng 14-15 tuổi. Các học viên phải tuân thủ một thời khóa biểu sắt đá, thường từ 9, 10 giờ ngày hôm trước đến 2, 3 giờ ngày hôm sau.   Giai đoạn này, các thực tập sinh không chỉ được đào tạo về giọng hát, vũ đạo, luyện tập hình thể mà ngay cả đến nhan sắc, hình thức bên ngoài cũng đều do công ty quản lý o bế. Định kỳ, các thực tập sinh sẽ được chụp ảnh và quay phim ở nhiều góc độ khác nhau. Sau đó, sẽ có một nhóm chuyên gia phân tích trên ảnh và phim để tìm ra điểm cần phải dùng đến dao kéo nhằm tút tát lại nhan sắc và dĩ nhiên, không có cách nào khác, họ bắt buộc phải chấp thuận theo dù bản thân không muốn.

Sự tồn tại của những “bản hợp đồng nô lệ”

    Mặc dù đã nổi tiếng nhưng BOA và Kang Ta vẫn chưa trở thành nghệ sĩ tự do vì còn vướng hợp đồng với Công ty quản lý SM.

Trong thời gian đào tạo, công ty chịu mọi chi phí học tập và sinh hoạt của thực tập sinh nên khi thành nghề, họ phải ký hợp đồng dài hạn với công ty, trung bình là từ 5-10 năm, thậm chí là 20 năm. Nếu ngôi sao không tham gia một số hoạt động do bận học tập hoặc sức khỏe không cho phép, thời hạn của bản hợp đồng sẽ được kéo dài thêm. Nếu phá bỏ hợp đồng hoặc muốn chuyển sang công ty khác, họ sẽ phải trả cho công ty quản lý một khoản chi phí lớn gấp ba lần số tiền mà công ty đã đầu tư cho họ.

Khi hoạt động nghề nghiệp, thu nhập của các nghệ sĩ đều phải chia phần trăm với công ty, thường là 7-3 hay 8-2 tùy quy định. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nghệ sĩ ra nghề mấy năm vẫn không được lĩnh đồng xu nào. Đó là nguyên nhân vì sao làng giải trí Hàn Quốc thường xảy ra những vụ kiện tụng giữa nghệ sĩ và công ty quản lý.   Đơn cử như vụ kiện giữa nam ca sĩ Hankyung (Super Junior) với “ông trùm” nổi tiếng SM Entertainment liên quan đến bản hợp đồng độc quyền dài 13 năm là scandal tiêu biểu cho tình trạng bóc lột sức lao động quá đáng của các công ty đối với nghệ sĩ.

Công ty quy định, trong thời gian còn đang đào tạo, nếu Hankyung đi muộn hoặc vắng mặt trong các buổi tập, thậm chí không thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ, anh sẽ bị phạt 10 nghìn won trong lần vi phạm đầu tiên. Nếu lần vi phạm thứ hai, Hankyung sẽ bị phạt 20 nghìn won. Khi nhóm chính thức đi vào hoạt động, nếu vắng mặt trong các buổi làm việc, Hankyung sẽ phải chi trả toàn bộ khoản thiệt hại. Nếu không hoàn tất nhiệm vụ, Hankyung sẽ bị phạt khoảng 5 triệu won. Do vậy, Hankyung không dám vắng mặt trong các buổi làm việc của nhóm dù bị ốm đau gì. Không  thể tiếp tục chịu đựng những quy định nghiêm ngặt, những điều khoản “nặng” tính bóc lột trong bản hợp đồng với công ty này, Hankyung đã quyết tâm dứt áo ra đi.

Khối lượng công việc khổng lồ

   Song Ji Hyo và Bi Rain: 2 trong số rất nhiều ngôi sao bị kiệt sức do làm việc quá nhiều

Để không bị khán giả lãng quên, công ty thường ép nghệ sĩ làm việc cật lực mỗi ngày 20 tiếng đồng hồ. Ngoài việc ghi âm, biểu diễn, đóng phim… các nghệ sĩ bắt buộc phải tham gia các chương trình giải trí tổng hợp xuất hiện nhan nhản trên truyền hình. Chạy đua với thời gian, họ phải tranh thủ ăn, ngủ, nghỉ ngay trên xe hơi khi di chuyển.

Chính vì vậy mà các nghệ sĩ luôn bị áp lực và kiệt sức. Có lần, nam ca sĩ Bi Rain phải liên tục tham gia hai show trò chuyện trên truyền hình trong cùng một buổi tối nên anh suýt bị tai nạn giao thông do quá mệt mỏi, thiếu ngủ.

Trưởng nhóm Super Junior, Leeteuk cũng có thời gian phải chuyển đến bệnh viện vì vắt kiệt sức cho các dự án của mình. Mới đây, nữ diễn viên Song Ji Hyo – ngôi sao của “Hoàng cung”, “Truyền thuyết Ju Mông” cũng hai lần phải nhập viện trong một tuần vì sức khỏe kiệt quệ.

Trao đổi thân xác lấy sự thăng tiến trong nghề nghiệp

Chuyện dùng tình làm công cụ đổi lấy vai diễn ở xứ kim chi không còn là chuyện lạ nhưng sau cái chết tức tưởi của nữ diễn viên “Vườn sao băng” Jang Ja Yeon hồi tháng 3/2009 thì sự thật trần trụi này mới được phanh phui.

Trước khi tự kết liễu đời mình, Jang Ja Yeon đã để lại 50 bức thư tay tố cáo 31 “ông lớn” có chức sắc, địa vị trong ngành giải trí, truyền hình đã ép cô phải quan hệ tình dục 100 lần để đổi lấy các vai diễn. Sự việc nghiêm trọng này đã gây chấn động và phẫn nộ trong dư luận, buộc cảnh sát phải vào cuộc điều tra để lôi sự thật ra ánh sáng. Từ đây, bức màn đen tối sau ánh hào quanh của showbiz Hàn đã dần được hé lộ.

Jang Ja Yeon chọn cái chết để kết thúc chuỗi ngày bị ép làm "nô lệ tình dục" cho các ông lớn ngành giải trí Hàn Quốc

Tuy nhiên, Jang Ja Yeon không phải là nạn nhân duy nhất của vấn nạn này. Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 4/2010 của Ủy ban Nhân quyền Hàn Quốc cho thấy, có đến 60,2% trong số 351 nghệ sĩ Hàn Quốc được hỏi thừa nhận họ từng bị đề nghị “bán thân” cho những "ông lớn" trong xã hội để có được danh tiếng.

45,3% nữ nghệ sĩ nói rằng họ từng bị yêu cầu tiếp rượu, một số người bị quấy rối hay cưỡng bức tình dục, 6,5% bị bạo dâm, 55% từng trở thành “vật cúng tế” trong những cuộc gặp gỡ với những nhân vật có máu mặt, các vị tai to mặt lớn trong ngành giải trí. Nếu khước từ lời đề nghị, chắc chắn người nghệ sĩ sẽ phải hứng chịu nhiều điều ngang trái và nhận hậu quả xấu cho sự nghiệp của mình.

Áp lực vô hình của sự nổi tiếng

Các nghệ sĩ Hàn Quốc, nhất là những ngôi sao đang được yêu thích luôn buộc mình phải không ngừng làm việc và phải liên tục xuất hiện trên mặt báo. Chỉ cần bị báo chí lãng quên một thời gian hay không được nhận công việc mới là họ cảm thấy căng thẳng, áp lực ngay.

Áp lực công việc quá tải, những "góc tối" trong hậu trường showbiz, khát vọng khẳng định mình đã đẩy nhiều nghệ sĩ đến trạng thái stress tột độ và họ phải tìm cách tự giải thoát mình bằng những cái chết đau lòng. Nạn nhân của nó là một danh sách dài dằng dặc những cái tên quen thuộc với khán giả như Choi Jin Sil, Choi Jin Young, Jang Ja Yeun, Park Yong Ha, Jung Da Bin, U Nee,…

Vấn nạn này dù được đề cập đến rất nhiều nhưng hiện nay nó vẫn đang là một căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa khi tỷ lệ các vụ tự tử của ngôi sao Hàn ngày một gia tăng.

 

Theo VnMedia