SAO » Chuyện làng sao

MC Phương Mai: 'Tôi không phạt khi con bướng bỉnh mà sẽ giả vờ khóc nhè để con dỗ dành'

Thứ sáu, 10/09/2021 07:23

Phương Mai cho biết, sau 3 tháng giãn cách, cô bớt chi tiêu mua sắm quần áo và mĩ phẩm, thậm chí giờ đây có cảm giác lười ra đường. Nữ MC hài lòng vì có thời gian tập quen với nếp sống mới và chăm sóc quý tử.

Chào MC Phương Mai, trải qua hơn 3 tháng ở nhà để tránh dịch, cuộc sống của chị có những thay đổi nào?

- Như mọi gia đình khác, chúng tôi không đi đâu cả, tự lo việc nhà, tự nấu ăn và mua thực phẩm qua mạng. Bệnh dịch đã xuất hiện 2 năm nay nên cuộc sống của tôi đã dần thay đổi từ thời điểm đó, chứ không phải đến bây giờ mới bắt đầu.

Thời gian ở nhà nhiều giúp tôi biết quan tâm đến nơi ở của mình hơn, đồng thời chịu khó dành tâm sức tìm tòi nấu nướng. Công việc chậm lại thì tôi bớt chi tiêu, đặc biệt bớt mua sắm quần áo, giày dép bởi mỗi ngày, tôi cũng chỉ mặc đi mặc lại vài bộ đồ đơn giản. Vì bận chăm bé Henryk, dọn nhà, rồi đọc sách bổ sung kiến thức và tìm hiểu chuyên môn mới nên tôi càng không có đầu óc dành cho việc trưng diện. Cũng may vì ở nhà suốt, ăn uống tập luyện điều độ hơn nên cơ thể, da, tóc tôi đều đẹp hơn, thành ra cũng đỡ tốn mĩ phẩm hơn nhiều.

Có quá nhiều khó khăn khi phải thích nghi với cuộc sống chỉ quanh quẩn ở nhà không?

- Đó là thời điểm 2 năm trước. Còn bây giờ, tôi thậm chí hơi lười ra đường. Bản chất tôi là người rất dễ thích nghi nên cảm xúc bí bách không tồn tại lâu. Ví dụ như đợt giãn cách tăng cường này, tôi stress một đêm khó ngủ khi nghĩ tới viễn cảnh phải tự làm việc nhà, rồi thu xếp mua sẵn thực phẩm cho vài tuần, rồi học nấu nướng… Nhưng stress xong là xong, sáng hôm sau tôi đứng dậy và dần dần bắt đầu nếp sống mới. Mọi chuyện rồi cũng đâu vào đấy ấy mà.

Mọi người nói với nhau mùa dịch là: Đời sống vợ chồng có bền hay không là phải xem giai đoạn này. Vì ở chung ở nhau 24/24 sẽ rất dễ khiến các cặp đôi nảy sinh bất đồng quan điểm và tranh cãi. Riêng chị và ông xã thì sao?

- Quả thực là chia sẻ không gian với một cá nhân khác suốt ngày rất dễ bị căng thẳng. Bạn cứ quan sát 2 chú mèo mà xem, chúng cũng có lúc chơi với nhau, nhưng hầu hết vẫn phân chia lãnh thổ rất rõ ràng - em nào vào lãnh thổ của em kia mà tỏ ra không ngoan là có chuyện liền.

Tôi và ông xã cũng vậy. Đất của ai người đó làm vua, người kia làm khách phải nghe lời vua. Cụ thể, "lãnh thổ" của anh là phòng làm việc. Tôi không bao giờ bước chân vào đó, trừ khi anh mời; đồng thời anh có quyền lựa chọn ở lì trong đó cả ngày nếu muốn. "Lãnh thổ" của tôi là phần còn lại của căn hộ. Tôi là phụ nữ nên được ưu tiên cũng hợp lí thôi.

Ngoài ra, may mắn là chúng tôi không chịu áp lực về kinh tế nên đời sống không căng thẳng gì để phải tranh cãi. Vấn đề cần tranh luận dai dẳng nhất dạo gần đây của chúng tôi là chuyện bật hay tắt điều hoà (tôi lạnh, anh nóng) và chuyện có cho mèo lên giường ngủ chung hay không. Kể ra trước đây, anh đi công tác suốt nên tôi tha hồ làm mọi thứ theo ý mình, bây giờ phải chia sẻ và thay đổi sở thích của mình một chút cũng hơi vất vả.

Liên tục gặp nhau thì vợ chồng chị làm cách nào để cho nhau không gian riêng mà vẫn giữ lửa tình yêu?

- Nói "liên tục gặp nhau" cũng không đúng lắm, chính xác là chúng tôi chỉ gặp nhau sau giờ làm việc của anh, nghĩa là khoảng sau 8 giờ tối thôi. Anh vẫn làm việc bình thường, nên trừ 2 ngày cuối tuần ra, ngày nào anh cũng "biến mất từ sáng đến tối".

Tất nhiên, trong thời gian anh "đi làm", tôi cũng không được quá tự do như trước. Mấy tháng nay, tôi không được chạm vào cây đàn piano, càng không được tập pole dance vì không dám làm ồn, ảnh hưởng tới công việc của anh. Tôi nghĩ ở phía anh cũng có rất nhiều những sự hi sinh thầm lặng khác để đảm bảo sự thoải mái cho tôi khi ở nhà nên tình cảm không bị sứt mẻ gì. Bữa tối của chúng tôi luôn đầy đủ nến và rượu vang, thậm chí thi thoảng tôi cũng gây choáng cho anh bằng cách làm một món bánh đơn giản chẳng hạn.

Ở nhà trong thời gian giãn cách, chị đã học được điều quý báu gì mà trước đây chưa nhận ra?

- Rất nhiều. Vừa may sáng nay, nằm trên giường, tôi cũng tự vấn bản thân về điều này. Quả thực là tôi đã luôn coi mọi thứ là hiển nhiên, sẵn có, đến nỗi coi nhẹ chúng. Tôi đã coi nhẹ việc có một sự nghiệp đang phát triển, những chuyến du lịch, những bữa cơm với cha mẹ, những buổi cafe lê la với bất kì ai tại bất kì đâu mình muốn, những món ăn ngon… Tôi cũng đã coi nhẹ mọi niềm vui mà mình đã luôn có trước đây để cho phép bản thân buồn lâu đến thế về những điều nhỏ nhặt (hoặc thấy to tát nhưng thật ra cũng là nhỏ nhặt). Tôi nhất định sẽ trân trọng mọi thứ hơn rất, rất nhiều, khi một ngày cuộc sống quay trở lại bình thường.

Quý tử của chị càng lớn càng kháu khỉnh, đáng yêu. Chị đã bắt đầu giáo dục cho con những thói quen cũng như cách sinh hoạt tốt như thế nào trong suốt thời gian giãn cách?

- Kể ra giãn cách đúng vào thời điểm có con cũng tiện cho tôi, vừa không phải lo nghĩ lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình, vừa được tha hồ theo dõi sự phát triển của bé. Bé đang bước vào giai đoạn biết thể hiện chính kiến của mình nên đòi hỏi sự kiên nhẫn lẫn cứng rắn của mọi người xung quanh. Bé hiện đã biết tự lo cho bản thân như: tự ăn, chọn quần áo, đi giày, cất đồ chơi, xếp chỗ ngủ… Đồng thời biết làm việc nhà cùng các thành viên khác trong gia đình như: lau bàn, lau nhà, tưới cây, cho mèo ăn... Đặc biệt sáng nào bé cũng nhận nhiệm vụ pha cafe cho bố mẹ. Đương nhiên mọi việc bé làm đều chỉ ở mức độ cho vui, làm cùng bố mẹ chứ chưa thể làm mọi việc chuẩn chỉnh và an toàn được. Nhưng mấu chốt vấn đề không phải ở chỗ bé làm được gì, mà là bé muốn làm gì. Ở tuổi này, bé rất thích được đối xử như một người trưởng thành nên tôi luôn khuyến khích để bé tự do. Đó chính là cách tôi dạy con: Cho con tham gia làm mọi việc để con hiểu ý nghĩa của lao động.

Tôi cũng chưa nghĩ đến việc phạt bé mỗi khi bé bướng bỉnh. Thay vào đó, mỗi khi bé tỏ thái độ không hợp tác, tôi sẽ giả vờ khóc nhè để bé phải ôm hôn dỗ dành, rất là đàn ông luôn. Dỗ mẹ suốt mệt quá nên bé cũng bớt dám nghịch thì phải.

Trong nhà hiện tại, chị và chồng trao đổi với con bằng ngôn ngữ nào? Nhóc tì thích nghi ra sao?

- Hiện chúng tôi trao đổi với bé bằng tiếng Việt và tiếng Anh - đương nhiên tôi là người nói tiếng Việt. Bé hiểu cả hai ngôn ngữ nhưng chưa nói được nhiều từ. Bé mới biết gọi papa mama và cat, duck, cùng một số món ăn yêu thích như bread stick hay cracker thôi. Tiếng Anh dễ phát âm hơn nên bé chọn nói tiếng Anh trước, điều này cũng khá phổ biến ở những trẻ sinh trưởng trong môi trường đa ngữ.

Ở thì hiện tại, chị chú trọng dạy cho con điều gì ở tính cách?

- Ở bất kì thời điểm nào, tôi cũng chú trọng dạy con biết yêu thương. Tôi cho bé tiếp xúc với mèo từ khi mới sinh và bây giờ bé rất thích ôm ấp, vuốt ve các bạn mèo. Các bạn động vật bông cũng rất được bé cưng, đi ăn hay đi ngủ cũng được mang theo. Tôi nghĩ tính cách đáng quý nhất ở con người là tính lương thiện, tôi muốn con lớn lên như thế.

Cách đây không lâu, chị có livestream và chia sẻ về chuyện phụ nữ, nhất là các bạn trẻ phải biết bảo vệ bản thân và biết nhờ pháp luật can thiệp để dành quyền lợi chính đáng. Có phải chị đang cảm thấy vấn đề phụ nữ Việt đang chịu nhiều thiệt thòi sau chuyện tình cảm diễn ra nhan nhãn mỗi ngày?

- Thật ra không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, phụ nữ vẫn đang trong quá trình đấu tranh cho sự tôn trọng cùng quyền lợi mà mình xứng đáng được nhận được. Tiêu biểu là phong trào Me Too đang phát triển rất mạnh mẽ và được hưởng ứng rộng rãi trong thời gian gần đây. Cả thế giới đang chuyển động, chúng ta cũng không nên đứng yên. Để thay đổi cuộc sống, chúng ta cần bắt đầu bằng việc thay đổi chính mình: hãy tìm hiểu nhiều hơn, biết nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn, từ đó nâng cao nhận thức của bản thân.

Nhiều người quan niệm là phụ nữ Việt có tính cam chịu từ xưa đến nay và lại còn sợ xấu hổ nên đụng chuyện sẽ ngại nói lên sự thật và đòi công bằng cho bản thân. Chị nghĩ điều này có đúng?

- Phụ nữ Việt xưa có tính cam chịu vì đàn ông Việt xưa áp đặt như vậy. Một số đàn ông và phụ nữ Việt ngày nay vẫn giữ những áp đặt về giới tương tự nhưng rất may là phụ nữ hiện đại có quyền tiếp xúc với tri thức bằng, thậm chí hơn đàn ông nên thế giới quan của phụ nữ có cơ hội đa dạng hoá. Tri thức là một trong những chìa khoá quan trọng quyết định lòng tự trọng của một người. Chính vì vậy, quan niệm cho rằng phụ nữ Việt ngày nay vẫn cam chịu là không có tính thống kê nên không có giá trị.

Chị có nghĩ showbiz Việt ngày nay đang quá dễ dãi khi chỉ một lời xin lỗi là xoá hết mọi lỗi lầm, trong khi nỗi đau của người phụ nữ vẫn mãi đó?

- Hãy nói chung là xã hội vẫn đang quá dễ dãi với đàn ông sai và đang quá cay nghiệt với những phụ nữ thiệt thòi. Đây là một sự thật đồng thời là một tâm lý phổ biến nhưng đáng buồn: tấn công kẻ yếu ( đang bị tổn thương ) bao giờ cũng dễ hơn là tấn công kẻ mạnh. Đương nhiên nhiều người chọn làm việc dễ hơn.

Chị nghĩ phụ nữ cần làm gì để bảo vệ bản thân và khi lỡ làm mẹ đơn thân thì phải học điều gì để bước tiếp?

- Không phải cô gái nào trước khi bước vào đời cũng may mắn được trang bị đủ kiến thức và bản lĩnh sống để biết tránh hay vượt qua những cạm bẫy. Nhưng bản năng sống sẽ giúp chúng ta biết cách rút kinh nghiệm và thay đổi cách nhìn nhận vấn đề sau mỗi lần vấp ngã. Bất kì ai cũng nên học cách bảo vệ bản thân bằng cách đọc, xem, nhìn, quan sát, lắng nghe, tiếp nhận tri thức từ những người đi trước. Tôi nghĩ mọi cô gái trẻ lựa chọn làm mẹ đơn thân đều xứng đáng cảm thấy tự hào về chính mình khi đang mạnh mẽ hơn rất nhiều người.

Cảm ơn MC Phương Mai về cuộc trò chuyện này!

Lam Khánh (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới