Đã là con trai thì phải hào hiệp!
“Về cách dạy con, theo tôi nghĩ đó là một lĩnh vực cực kỳ khó, khó lắm! Tôi đang dạy con theo cách ngày xưa cha mẹ dạy tôi. Nói thật, cha mẹ tôi không phải là những người học cao, học rộng, mà chỉ học vừa đủ biết đọc biết viết. Thế nhưng, những điều cha mẹ dạy vẫn luôn có giá trị trong cuộc sống của tôi cho đến giờ, và tôi có thể học được nhiều khi tôi làm mẹ".
Tôi chưa bao giờ coi Gia Bảo (con trai Thảo Vân) là một đứa trẻ để áp đặt cháu mọi thứ. Giống như bất cứ bà mẹ nào, tôi kỳ vọng, mong muốn nhiều thứ ở Gia Bảo lắm!
Tôi luôn coi cháu là một người đàn ông bé nhỏ, vì vậy, trong cách cư xử với con, tôi thường không có quá nhiều cử chỉ âu yếm, dịu dàng. Tôi cư xử với cháu khá nghiêm túc, thẳng thắn, giống một người bạn của mình. Gia Bảo 6 tuổi, lứa tuổi bất kỳ đứa trẻ nào cũng thường đặt vô vàn câu hỏi tại sao về cuộc sống xung quanh.
Trước mỗi câu hỏi như thế, tôi luôn cố gắng nói chuyện, giải thích cho cháu các thắc mắc một cách đến cùng, chứ không bỏ lửng bất cứ điều gì. Điều tôi chưa biết, tôi sẽ tìm hiểu bằng được để nói lại với con trai. Theo tôi, cách giải thích cho con nhỏ, trước hết phải hết sức đơn giản, nhưng phải đúng và không nên qua loa.
Thảo Vân và con trai Gia Bảo
Điều tôi muốn ở con trai và luôn dạy cháu, đó là sự hào hiệp. Con là một người đàn ông, cần biết sống hào hiệp, sống có tâm. Bản thân tôi thực sự rất coi trọng người đàn ông trung thực, sống trách nhiệm, nên muốn con trai trở thành một người như thế. Tất nhiên bây giờ để giải thích cho cháu hiểu thế nào là hào hiệp, thế nào là trách nhiệm thì khó lắm, nhưng qua các việc nhỏ nhỏ hằng ngày, hy vọng cháu học được điều đó.
Trong giao tiếp, ngoài việc lễ phép, tôi dạy Gia Bảo “thảo” với mọi người xung quanh. Cho cháu đi chơi, mua cho cháu thứ gì, tôi sẽ nhắc tới bạn bè, người thân của cháu, dạy cháu nên mua một thứ gì đó nhỏ thôi, về cho chị cho em. Thêm điều khác, nói ra có vẻ hơi sáo rỗng, là tôi luôn cố gắng trở thành bạn thân của con, tôi mong cháu sẽ không ngần ngại chia sẻ với tôi nhiều thứ để tôi có thể giúp cháu khi cần.
"Hôm nay mẹ đi làm thế nào, có bị phạt không?"
Tôi vui, khi tối đến 2 mẹ con đi ngủ, sau khi tôi hỏi chuyện trong ngày của cháu, cháu cũng hỏi lại tôi: “ Hôm nay mẹ đi làm thế nào, có bị phạt không?”. Và một điều tôi thấy khá quan trọng, đó là con học rất nhiều từ mình, từ những cái nhỏ nhất bản thân hoàn toàn không để ý. Người ta vẫn nói tính cách con trẻ luôn phản chiếu một phần nào đó từ bố mẹ, cho nên tôi cố gắng kìm chế những cái chưa hay, chưa tốt của mình. Cố gắng để cháu học được nhiều điều tử tế, lớn lên thành người. Có lẽ, chính nhờ con mà tôi thấy mình trở nên tốt hơn.
"Nhờ có con tôi thấy mình tốt hơn"
Gia Bảo nhà tôi 6 tuổi, dĩ nhiên, đôi lúc cháu rất nghịch ngợm, khó bảo. Ngày trước, có lần tôi dùng roi đánh cháu. Nhưng bây giờ, tôi thường nói cho cháu hiểu chứ không sử dụng đòn roi – dù vậy nếu cần, tôi sẽ đánh, khi cháu thực sự hư. Và, nếu đánh, tôi chỉ dùng roi đánh vào mông. Tuyệt đối không dùng biện pháp nào khác nữa, chẳng hạn như tát vào mặt cháu.
Nói thật, giống như nhiều bà mẹ có con nhỏ, tôi thường lo lắng cách mình dạy con đã đúng chưa? Vì cuộc sống có ti tỉ thứ tác động đến con người – nhất là 1 em bé mới lớn. Tôi cố gắng chăm sóc con ở mức độ tốt nhất mà bản thân có thể, tuy nhiên, tôi không cho rằng, dạy con là điều gì đó áp lực khủng khiếp. Với tôi, điều quan trọng nhất là uốn nắn, dạy dỗ Gia Bảo trở thành một người tử tế, sống có tâm với những người xung quanh, có trách nhiệm với những việc nó làm.
Điều đó chúng ta có thể dạy con hằng giờ, hằng ngày, qua những việc nhỏ nhất. Lứa tuổi này, tôi dạy con tôi như thế đã! Tôi sẽ để con trai phát triển một cách tự nhiên, nhưng chắc chắn, sự tự nhiên đó phải nằm trong quản lý của người lớn, chứ không phải muốn làm gì tùy ý".