Mẹ chồng Ca nương Kiều Anh là cô Văn Thùy Dương, đồng thời là phó hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh. Cha của cô Văn Thùy Dương chính là GS.Văn Như Cương.
Là người có tư tưởng tân tiến nên cách đây khoảng 4 năm, cô Văn Thùy Dương đã tái hôn. Khi ấy, đã ở tuổi U50 nhưng cô Văn Thùy Dương vẫn quyết định sinh thêm con. Trước đó, cô đã có hai người con lớn và trưởng thành là Quỳnh Văn (chồng ca nương Kiều Anh) và Đặng Tiểu Tô Sa.
Vợ chồng cô Văn Thùy Dương mừng sinh nhật hai con út tròn 2 tuổi.
Hai con lớn của cô Văn Thùy Dương đều đã trưởng thành.
Mới đây trong ngày sinh nhật hai con út, cô Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã có chia sẻ khá dài nhắn đến con:
"Happy Birthday Cơm Canh của mẹ!
Bố mẹ lấy nhau 2 năm thì có tin vui, mẹ vui hơn cả ngày vui của mẹ! 38 tuần ba mẹ con là một, mẹ con mình đã cùng nhau vật lộn qua bao nhiêu là khó khăn. Mẹ nhớ những ngày mẹ một mình vác bụng to cứ hai tuần một lần đến phòng siêu âm để mong được ngắm nhìn hai đứa, mẹ nhớ những ngày cuối đến khám, bác sĩ... bảo cô không được tự lái xe nữa, cô phải vào viện nằm ngay!. Nhưng việc sửa nhà dang dở, mẹ con mình lại kệ để cùng nhau rong ruổi trên mọi nẻo đường mặc cho cái bụng mẹ chạm vào vô lăng liên tục! Rồi cho đến ngày linh tính mẹ mách bảo, không được chủ quan nữa, mẹ chuẩn bị đồ và vào viện nằm chờ!
Cơm Canh là tình yêu của mẹ với cuộc đời này! Cũng giống như anh Quỳnh và chị Hin, có thêm Cơm Canh mẹ tràn đầy yêu thương và hy vọng. Mỗi ngày chăm Cơm Canh là mẹ lại được nhớ về ngày xưa khi mẹ chăm anh Quỳnh và chị Hin. mỗi lần Cơm Canh gọi "Mẹ ơi! Mẹ!”… mẹ lại cảm nhận rõ ràng đến thế sự yêu thương như ngày anh Quỳnh chị Hin còn bé bỏng!
Chăm con nhỏ giúp cô Văn Thùy Dương nhớ lại rõ hơn khi có hai con đầu.
Ngày anh Quỳnh chị Hin còn bé, mẹ mải vật lộn với cơm áo gạo tiền, đôi khi anh chị còn là áp lực đối với mẹ, đôi khi mẹ thấy stress vì quá mệt mỏi để chăm sóc dạy dỗ anh chị cho thật tốt. Còn bây giờ khi có Cơm Canh, mẹ đã vững vàng hơn, khi không còn phải áp lực và lo lắng thì mẹ cảm nhận mọi thứ khác hơn rất nhiều. Mẹ tìm lại được, nhớ lại được tiếng gọi mẹ đầu tiên mà anh Quỳnh gọi, mẹ nhớ lại được câu đầu tiên đầy âm sắc mà chị Hin hát cho mẹ nghe khi mẹ xách túi mệt lử lê bước về nhà, chỉ một câu hát của chị Hin và đôi mắt tròn to của chị nhìn mẹ mà mẹ như được tiếp thêm năng lượng.
Khi có Cơm Canh, khi Cơm Canh lấy tay vuốt má mẹ, mẹ nhớ lại ngày mẹ chảy nước mắt và nằm bẹp sau khi mẹ đánh anh Quỳnh một trận rất đau vì anh Quỳnh mải chơi điện tử… anh Quỳnh đã leo lên phòng mẹ, tay anh Quỳnh mềm như bông khẽ khẽ đặt nhẹ lên má mẹ, lau nước mắt cho mẹ, rồi anh Quỳnh nghĩ mẹ ngủ nên lại khe khẽ đi xuống phòng để lại cạnh mẹ lá thư có đúng 1 câu "mẹ ơi dù mẹ đánh con rất đau nhưng con vẫn rất yêu mẹ!"
Có Cơm Canh mẹ như người mất trí tìm được tiềm thức. Mẹ nhớ lại những ngày chị Hin bập bẹ nói yêu mẹ như Cơm Canh bây giờ….
Có Cơm Canh, mẹ chợt hiểu tình yêu không hề bị san sẻ khi ta có nhiều con mà nó được nhiều thêm lên, dày thêm lên vô tận!
Cơm Canh hãy nhớ là các con sướng hơn anh chị nhiều, thời bé của anh chị mẹ vất vả lắm,sinh nhật anh chị nhiều lắm cũng chỉ là vài cái bánh cái kẹo. Sinh nhật anh Quỳnh lớp 10 mẹ mới mua cho nột đôi giày đẹp, còn lại toàn là giày thượng đình! Anh Quỳnh đi Mỹ học vẫn còn mua đầy mỳ tôm và đồ ăn mang theo cho đỡ tốn tiền mẹ. Bây giờ Cơm Canh sướng hơn nhưng chưa bao giờ thấy anh chị tị mà ngược lại chỉ chăm chăm để mua cho em đủ thứ ngon thứ đẹp. Sau này Cơm Canh lớn, nhớ bù đắp cho anh chị nhé. Vì lúc Cơm Canh 20 tuổi anh Quỳnh đã 50 rồi!".
Sinh con ở tuổi U50 nên mỗi năm qua cô Văn Thùy Dương đều lo sợ thêm tuổi: "Mỗi năm mẹ lại thêm tuổi, mẹ sợ tuổi già nhưng lại hạnh phúc vì thấy các con khôn lớn lanh lợi! Mẹ vẫn tin Cơm Canh sau này sẽ có thêm cả anh chị lo lắng, mẹ lại càng nhàn hơn! Mừng Cơm Canh hai tuổi! Đã biết nói tiếng yêu đầu tiên … đó là yêu mẹ! Ngày ấy và bây giờ của mẹ!".
Ngoài ra, cô cũng dành lời nhắn đến chồng: "Dành cho bạn đồng hành!
Hôm nay sinh nhật Cơm Canh, mẹ cháu ngồi viết một lèo. Một câu chuyện là để dành cho Cơm Canh, sau này lớn bằng anh Quỳnh, khi mẹ già mẹ lẫn rồi, không quát được Cơm Canh nữa thì Cơm Canh sẽ đọc để nhớ mẹ. Một câu chuyện khác là dành cho người mà mẹ Cơm Canh yêu thương vô cùng! Nhờ có người ấy mẹ Cơm Canh mới đủ dũng khí vượt qua mọi khó khăn để sinh ra hai thằng cu thật đáng yêu của mẹ cháu!
Mẹ cháu luôn hiểu, con cái là số phận, nhiều bố mẹ yêu nhau nhiều thật nhiều vẫn không kiếm nổi mụn con, nhiều bạn thì lại sẵn sàng bỏ đi đứa con của mình như một kiểu chối bỏ để sau này không khỏi nguôi ngoai ân hận. Những người yêu nhau thật sự, dù mang trong mình bệnh tật vẫn ngóng chờ đứa con ra đời, đứa con chính là kết tinh của yêu thương.
Trong quãng thời gian bầu bí và đến tận bây giờ cô Văn Thùy Dương vẫn được chồng hỗ trợ, chăm con.
Bố mẹ cháu khi yêu nhau đã bảo” không đẻ thêm nhé!” Nói tưởng đùa vì 46 rồi, nói đẻ là đẻ được sao? Đồng ý luôn. Không ngờ mới có mấy tuần chính thức ký giấy đăng ký, ông ý lại bảo “phải đẻ thêm một đứa”. Mẹ cháu cũng “nhẹ dạ” bao biện hộ “ông hay thay đổi” rằng “yêu nhau mà không muốn có con mới là có vấn đề chứ muốn có con thì đúng là yêu lắm đây” thế là mẹ cháu cùng người ấy hì hụi đi tìm con và tìm được tận hai thằng!
Các mẹ là phụ nữ, các mẹ mủi lòng nhất khi nào, khi nào tự nhiên có thể chảy nước mắt mà khóc tu tu! Khi được chồng yêu đúng không các mẹ? Rất đúng bởi vì được bố mẹ yêu là chuyện đương nhiên, được con cái yêu là điều tất yếu còn được chồng yêu… cũng phải cố gắng nhiều! Các mẹ có khóc hay cay cay sống mũi khi bất chợt bắt gặp ánh mắt đầy lo lắng hay hay yêu thương chồng hướng về phía mình không?. Chỉ những lúc như thế, người phụ nữ có thể xả thân đúng không các mẹ?
Mẹ cháu đẻ 3 lần nhưng khi sinh Cơm Canh mẹ cháu mới hiểu nhiều điều. Bụng to lái xe chạm vô lăng, khi tắm phải ngồi ghế và không với tay để cọ được bàn chân của mình, mẹ cháu nhớ và nhớ lắm khoảnh khắc chuẩn bị trước khi ngồi lên xe đẩy để bố chau đẩy lên phòng mổ, bố cháu dặn chị Hin, để bố về tắm cho mẹ. Ngồi trên ghế, thấy tấm lưng với cánh tay bố cháu cần mẫn xối nước cọ chân cho mẹ cháu, sạch thật sạch để mẹ cháu yên tâm ở cữ, mẹ cháu phát khóc!
Rồi đưa mẹ cháu vào phòng mổ, tay bố cháu rời khỏi tay mẹ cháu nhưng ánh mắt đau đau lo lắng vẫn nhìn theo đến lúc mẹ cháu bị đẩy hẳn vào phòng mổ!!!! Mẹ cháu cũng không bao giờ quên đâu.
Đẻ lần thứ 3 mới biết được chăm là thế nào. Mẹ cháu về phòng cũng như các mẹ khác, mềm như một con cua bấy, lại là bố cháu bưng bô, đỡ đi vệ sinh mỗi lần mẹ cháu cựa mình! Không cả kịp về nhà thay quần áo, bố cháu ở lỳ với mẹ con cháu cho đến khi đón được mẹ con cháu về nhà!
Nhiều lúc mẹ cháu cứ nhìn bố cháu lụi cụi và chảy nước mắt!
Cảm ơn người đồng hành cùng mẹ cháu, người khiến mẹ cháu rưng rưng khi cúi xuống bên nôi hôn lên má các con sau mỗi buổi đi làm về, người xách hai đứa lên như xách hai con cún khiến mẹ cháu phát hoảng nhưng lại làm mẹ cháu buồn cười, người mà khi mẹ cháu biết ăn bột rồi người ý mới ra đời (kém mẹ cháu tận 3 tháng tuổi) nhưng lúc nào cũng bắt mẹ cháu phải tuân thủ các qui định tự người ý nghĩ ra - quy định khắc khe như những qui định của ông ngoại cháu dành cho mẹ cháu vậy. Cảm ơn người ấy - bố Cơm Canh!".