SAO » Chuyện làng sao

Mẹ chồng Tăng Thanh Hà: Từ cựu diễn viên vạn người mê đến bà hoàng đế chế hàng hiệu tỷ đô

Chủ nhật, 22/09/2024 14:19

Trước khi trở thành nữ hoàng của đế chế hàng hiệu, mẹ chồng Tăng Thanh Hà - bà Lê Hồng Thủy Tiên còn được công chúng biết đến với hình ảnh cô diễn viên xinh đẹp, cuốn hút nhất màn ảnh bạc của thập niên 90.

Không an phận làm người vợ đẹp đứng sau lưng chồng đại gia, Lê Hồng Thủy Tiên còn khiến bao người phải khâm phục khi tiếp quản và mở rộng đế chế kinh doanh với chồng, trở thành bông hồng vàng của làng doanh nhân và nằm trong top 50 nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam. Vậy làm thế nào mà từ một cựu diễn viên cho đến một tiếp viên hàng không bình thường lại có được danh vọng và quyền lực như ngày nay?

Doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên, mẹ chồng Tăng Thanh Hà.

Tuổi thơ nghèo khó

Phu nhân của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), tên thật là Lê Hồng Thủy Tiên, sinh năm 1970 tại Hà Nội. Nổi tiếng là người phụ nữ xinh đẹp, thành công và giàu có, nhưng ít ai biết được rằng, vị CEO quyền lực này cũng từng trải qua một tuổi thơ rất khó khăn và chẳng mấy suôn sẻ.

Lúc nhỏ, gia đình Thủy Tiên không mấy khá giả, nhà lại đông người. Lên 5 tuổi, cha bà qua đời, mọi gánh nặng cuộc sống dường như đổ lên đôi vai của người mẹ, là giáo viên với đồng lương ít ỏi. Trong tâm trí của Thủy Tiên, mẹ là người vô cùng nghiêm khắc và có tầm ảnh hưởng rất lớn đến bà. Mẹ Thủy Tiên luôn dạy bà, làm việc chăm chỉ sẽ là chìa khóa để tồn tại. Cũng chính những mất mát thời thơ ấu cùng lời dạy sâu sắc đó đã giúp Thủy Tiên tôi luyện ý chí và nỗ lực không ngừng sau này.

Khi còn là sinh viên, Thủy Tiên đã biết đi làm gia sư tiếng Anh sau mỗi buổi học để trang trải cuộc sống cũng như đỡ đần gia đình. Bên cạnh đó, nhờ nhan sắc ngọt ngào và vóc dáng cân đối, bà cũng sớm bén duyên với nghiệp diễn. Dù không hề được đào tạo về chuyên môn, nhưng Thủy Tiên đã được mời đóng vai chính trong phim "Vị đắng tình yêu" cùng với diễn viên Lê Công Tuấn Anh, bộ phim đạt doanh thu cao nhất thập niên 1990 ở Việt Nam, với khoảng 500 triệu đồng tiền vé và giành giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1993.

Lê Hồng Thủy Tiên đảm nhận vai chính và tỏa sáng trong bộ phim Vị đắng tình yêu.

Tuy không có giải thưởng nhưng vẻ ngoài xinh đẹp của Thủy Tiên trên màn ảnh lúc đó "gây thương nhớ" với nhiều người. Về sau, bà tiếp tục đóng chính trong các tựa phim như: Chân dung màu đỏ, Cô gái điên, Tôi và em. Tất cả đều là những vai diễn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.

Dù vậy, màn bạc không phải là con đường lâu dài mà người phụ nữ này lựa chọn. Sau khi đã tham gia đóng vai chính của nhiều bộ phim và để lại những dấu ấn nhất định, Lê Hồng Thủy Tiên quyết định dừng lại sự nghiệp diễn xuất của mình để hướng sang một con đường mới. Nói về lý do chia tay màn ảnh, Thủy Tiên chia sẻ rằng do không tìm được kịch bản ưng ý cũng như bản thân chỉ là “tay ngang” nên đã quyết định rút lui để không phụ tình cảm của khán giả.

Cơ duyên định mệnh

Sau khi từ bỏ nghiệp diễn, Thủy Tiên bất ngờ đăng ký trở thành một tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines. Những chuyến bay tới những phương trời mới của thế giới đã giúp người phụ nữ này gặp được người đàn ông thay đổi cuộc đời mình, chính là Jonathan Hạnh Nguyễn, tổng giám đốc tập đoàn IPPG. Khi nhìn thấy nhan sắc và sự tinh tế của người đẹp, vị doanh nhân ấy cảm thấy như bị gục ngã và quyết tâm theo đuổi bằng được.

Nói về quá trình theo đuổi của chồng, Thủy Tiên chia sẻ rằng: "Để theo đuổi tôi, anh ấy đi mọi chuyến bay có tôi. Nếu bây giờ tôi gom hết những vé máy bay của anh ấy thời đó, chắc được phòng lớn".

Lúc đầu, Thủy Tiên khá dửng dưng và không để tâm đến. Tuy nhiên, chính vì sự chân thành của người đàn ông chín trắng, trưởng thành, đã chinh phục được trái tim của bà. Năm 1995, cặp đôi chính thức về chung một nhà. Cũng từ thời điểm này, Thủy Tiên từ bỏ nghề tiếp viên hàng không và được chồng dẫn lối bước vào nghiệp kinh doanh.

Con đường trở thành bà hoàng đế chế hàng hiệu

Sau khi kết hôn, ông xã Johnathan chính là người dìu dắt, hướng dẫn và dạy bà Thủy Tiên từng đường đi nước bước trong lĩnh vực kinh doanh. Năm 1986, ông Jonathan Hạnh Nguyễn bắt tay xây dựng tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPPG tại Philippines.

Năm 1995, Thủy Tiên bắt đầu với siêu thị miền đông rộng hơn 10.000 m2 và có 24.000 mặt hàng. Trước đó, chồng Thủy Tiên đã cho bà đi học một khóa ngắn hạn về quản lý ở Singapore. Thủy Tiên cho biết, ngoài kiến thức trong khóa học, thì những kỹ năng học được khi từng là diễn viên hay tiếp viên hàng không đều giúp ích cho bà khá nhiều trong quá trình khởi nghiệp làm kinh doanh.

Bà nói: "Nghề diễn viên giúp tôi trở nên tự tin giao tiếp, diễn thuyết trước đám đông. Điều này vô cùng quan trọng khi tính chất công việc yêu cầu những buổi trình bày ý tưởng, thuyết phục các đối tác đồng ý cho công ty đưa sản phẩm của họ vào bán tại thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, kinh nghiệm khi là một tiếp viên hàng không rèn luyện tính kỷ luật trong công việc và khả năng chịu đựng áp lực cao. Ai cũng biết, nghề tiếp viên hàng không căng thẳng, đi trễ 5-10 phút thôi đã có thể bị cắt bay, không chỉnh cho ngoại hình cũng sẽ bị nhắc nhở. Và một tiếp viên cũng phải rèn luyện thái độ để phục vụ khách hàng của mình thật chuyên nghiệp, khả năng chịu đựng giỏi để khách hàng có những trải nghiệm tốt nhất.

Kinh nghiệm này giúp tôi rất nhiều trong việc xây dựng các mối quan hệ với khách hàng trong ngành bán lẻ, đảm bảo họ có được cảm giác hài lòng nhất khi sử dụng dịch vụ và cả cách xử lý lúc họ nóng giận".

Tuy nhiên, Thủy Tiên vẫn phải nỗ lực rất nhiều để vận hành tốt siêu thị có 24.000 mặt hàng. Bà tâm sự: "Thời điểm đó tôi vừa làm, vừa học, vừa điều chỉnh liên tục để tối ưu hóa từng chút một việc vận hành. Tôi còn nhớ quãng thời gian ấy, cứ có khóa học nào về siêu thị là tôi và anh Hòa, tức ông Nguyễn Ngọc Hòa, nguyên chủ tịch Sài Gòn Co-op, lại rủ nhau chia sẻ thông tin, rồi có đối tác nào làm về siêu thị qua Việt Nam, hướng dẫn thì lại xin thông tin của nhau để tìm cách giúp dịch vụ trong siêu thị của mình tốt hơn. Rồi từ từ, các công ty nước ngoài vào nước ta mở nhà máy sản xuất, hợp tác với các thương hiệu trong nước.

Cũng nhờ làm việc và đàm đàm phán với Coca-Cola, Pepsi, tôi cũng học thêm được nhiều kiến thức mới về mẫu hợp đồng, các điều khoản ràng buộc để có thêm chiết khấu hay tổ chức thêm chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng. Đó là khoảng thời gian rất gian nan. Tôi có bầu em bé trong bụng lớn rồi mà vẫn ngồi làm tới tận ngày sinh luôn".

Trên chặng đường tiến đến vinh quang của mình, có một câu chuyện mà Thủy Tiên vẫn luôn ghi nhớ. Đó là những lần thuyết phục các quý ông mặc quân phục bằng những con số biết nói. Bà cho biết: "Điều rất ít người biết là ngoài những khó khăn do phải hoạch định vận hành một mô hình hoàn toàn mới, đây còn là liên doanh giữa IPPG và một công ty của quân đội. Tôi là nữ nhân duy nhất trong ban điều hành, gồm toàn những người mặc quân phục. Mỗi lần họp, căng thẳng không chỉ đến từ việc tôi phải xây dựng mô hình mới từ ban đầu.

Đó còn là khó khăn khi phải ngồi trong ban điều hành với những quý ông mặc quân phục cùng thái độ băn khoăn, nghi ngờ khả năng lãnh đạo của một phụ nữ trẻ, khi đó tôi mới 25 tuổi.

Điều khiến tôi kiên trì thuyết phục các anh và trụ lại được là bởi thực chất, dù các anh có rất nhiều kinh nghiệm trong công việc, nhưng riêng quản lý và vận hành siêu thị thì chỉ duy nhất tôi có mà thôi. Thực tế trong nhiều cuộc họp, tôi phải cố gắng vượt qua sự sợ hãi, giữ bình tĩnh để làm việc. Có lần tôi phải đi vào toilet để khóc hoặc để hét lên tìm lại sự tự tin.

Sau những lần va chạm trong cuộc họp, tôi biết dùng sự mềm dẻo, nhiệt huyết và kiến thức của mình để thuyết phục mọi người. Quan trọng hơn là dần dần tôi thuyết phục được các anh bằng kết quả kinh doanh thực tế, với những con số ấn tượng và sự ủng hộ sau này của các anh gần như là 100%".

Cuối cùng, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, dưới sự quản lý của Thủy Tiên, tập đoàn IPPG đã chính thức nhập khẩu và phân phối nhiều nhãn hàng có thương hiệu đến từ Mỹ và châu Âu, với kim gạch nhập khẩu trên hàng trăm triệu đô mỗi năm. Cũng từ đây, Thủy Tiên được bổ nhiệm vai trò CEO của IPPG.

Tuy vậy bà tâm sự: "Mình điều hành trong giai đoạn đầu, giúp họ xây dựng, mở rộng cũng như chọn cơ cấu hàng hóa. Đó không phải là siêu thị bình thường, mà là các đại siêu thị (hypermarkets) rất to, bán đủ hàng hóa nhưng lại được cơ chế miễn thuế vì nằm trong khu kinh tế.

Do vậy, tất cả những quy trình nhập hàng vô cùng khó khăn, phức tạp, phải trải qua rất nhiều thủ tục hải quan và tuân thủ nghiêm túc quy định bán hàng cho người Việt Nam và cho người nước ngoài. Nhờ việc tham gia tổ chức từ A tới Z và làm song song nhiều việc như vậy, tôi mới được đội ngũ lãnh đạo IPPG nói chung và anh Hạnh ghi nhận và có quyết định bổ nhiệm. Chứ không phải chỉ nhờ điều hành siêu thị miền Đông thành công mà tôi có thể bước đến vị trí CEO IPPG đâu".

Lần đầu tiếp nhận vai trò CEO của IPPG, Thủy Tiên cần phải mở rộng thị trường cho 3 thương hiệu, Burberry, Poly và Ferragamo. Nhờ sự thông minh và nhạy bén, bà cũng đã đề xuất nhiều phương án kinh doanh hiệu quả, thành công trong việc đàm phán các hợp đồng phân phối, đảm bảo lợi ích cho cả hai bên.

Trong những lần đàm phán với các thương hiệu quốc tế, có một kỷ niệm thú vị mà đến giờ Thủy Tiên vẫn nhớ. "Tôi nhớ lần đó là đàm phán đưa một thương hiệu nổi tiếng vào thị trường nội địa, nhưng tất cả mọi người đều không thuyết phục được, chủ yếu do họ rất chảnh.... Trong những điều kiện họ đưa ra, có một điều khoản rất buồn cười, sau khi hợp đồng 10 năm hợp tác với mình kết thúc, họ yêu cầu IPPG phải bàn rao mặt bằng đó để họ kinh doanh tiếp.

Họ không cần biết mình phải làm gì để giữ cho họ mặt bằng dù không còn kinh doanh ở đó. Và thời điểm đó, người chủ có đồng ý hay không? Họ cho rằng, với lợi ích mà IPPG được quyền phân phối sản phẩm thì họ có quyền yêu cầu điều đó.

Khi tôi trực tiếp qua đàm phán, có nói vui với ông CEO bên đó. Thôi được rồi, tôi nói cho ông nghe nè, giả sử tôi và ông cưới nhau, sau đó ly dị, nhà cửa đã chia xong bán cho người khác. Nhưng ông vẫn bắt tôi phải giữ cái nhà đó để ông ở hoài thì sao tôi giữ được, cái nhà thuộc sở hữu của người khác rồi mà. Ông kêu tôi phải năn nỉ người chủ mà tôi còn chưa biết mặt để giữ nhà cho ông vào ở là sao? Ông CEO kia nghe xong, cười lớn và dẹp luôn điều khoản đó. Cuối cùng thì hợp đồng cũng được ký".

Chứng kiến những gì Thủy Tiên thể hiện và thành quả bà đem lại cho tập đoàn, đã lấy được lòng tin của Chủ tịch IPPG và ông quyết định trao quyền điều hành cho vợ mình. Chia sẻ về quyết định lui về sau để vợ tỏa sáng, Johnathan Hạnh nguyễn tự hào: "Lúc đầu tôi chưa tin lắm, vẫn đứng sau, vẫn giám sát điều hành. Nhưng sau 3 năm, tôi đã nhận ra, người phụ nữ năng động hơn chúng tôi. Đàn ông như tôi, nhiều khi nóng tính, quyết định có lúc nóng vội. Chứ phụ nữ họ suy nghĩ điềm đạm, ra quyết định cũng rất nhanh chứ không cà rề cà ra. Tôi chỉ so sánh giữa tôi và Thủy Tiên thì thấy tính mềm mại của người phụ nữ dễ giải quyết công việc hơn đàn ông".

Bông hồng vàng trong giới kinh doanh

Chia sẻ về đam mê kinh doanh, Lê Hồng Thủy Tiên nói rằng, do xuất thân từ một gia đình khó khăn và kỷ luật, điều này đã giúp cô hình thành tính tự lập và quyết tâm vươn lên thoát nghèo từ khi còn nhỏ.

Trong khi đó, những chuyến bay đến Paris, Berlin, Sydney trong thời gian làm tiếp viên hàng không đã mở rộng tầm mắt của bà về thời trang, từ đó nuôi dưỡng tình yêu với lĩnh vực này. Khi bắt đầu cùng chồng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh, bà đã nhanh chóng nắm bắt xu thế và nhu cầu của khách hàng.

Dù IPPG được biết đến nhiều hơn với tên tuổi của tỷ phú Jonathan Hạnh Nguyễn trong hơn 30 năm qua, nhưng ít ai biết rằng trong 10 năm gần đây, Thủy Tiên đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của tập đoàn. Bà đã góp phần chuyển IPPG từ một công ty chỉ phân phối 3 thương hiệu thời trang năm 2010, trở thành một trong những doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Việt Nam với hơn 25.000 nhân viên, 33 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực.

Về bí quyết thành công, Thủy Tiên chia sẻ: "Tôi đã học mọi thứ về kinh doanh từ A đến Z và đó là lý do tôi có được thành công như hôm nay". Với tài năng và tinh thần học hỏi không ngừng, bà đã vượt qua cái bóng của chồng và khẳng định bản lĩnh của mình trong môi trường kinh doanh khốc liệt.

Năm 2019, Thủy Tiên được tạp trí Forbes vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân có ảnh hưởng nhất Việt Nam. Bà còn nhận được nhiều danh hiệu cao quý khác như: huân chương lao động hạng 3, bông hồng vàng - nữ doanh nhân tiêu biểu 2 kỳ liên tục 2013-2016, giải thưởng doanh nhân châu Á 2017-2018, giải thưởng đại sứ thương mại toàn cầu, giải thưởng doanh nhân ASEAN năm 2021. Gần đây nhất, bà tiếp tục được vinh danh nữ doanh nhân xuất sắc TP.HCM 2024.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên vinh dự nhận Giải thưởng nữ doanh nhân xuất sắc TP.HCM 2024.

Tên tuổi của Lê Hồng Thủy Tiên không chỉ nổi bật trong nước mà còn được báo chí quốc tế đề cập. Năm 2021, bà vinh dự nhận Huân chương công trạng - Tước hiệu Hiệp sĩ do Tổng thống Cộng hòa Ý trao tặng. Đây là danh hiệu cao quý nhất dành tặng người nước ngoài, góp phần khẳng định dấu ấn của phu nhân tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn trong việc phát triển kinh doanh, các hoạt động xã hội.

Có thể nói, nhờ sự dẫn dắt của chồng và tài kinh doanh khéo léo của bản thân, doanh nhân Thủy Tiên đã đạt được nhiều thành công sau hàng chục năm kinh doanh, trở thành bông hồng vàng tiêu biểu trong giới doanh nhân.

Trước sự thành công của Thủy Tiên, nhiều người không khỏi thán phục, nhưng họ cũng rất tò mò muốn biết vì sao gần 30 năm trước, bà không chịu đứng sau lưng chồng như nhiều cô gái trẻ lấy chồng giàu ở tuổi đôi mươi. Tại sao cô tiếp viên hàng không Thủy Tiên năm đó lại không an phận làm phu nhân của Jonathan Hạnh Nguyễn, mà phải vất vả để trở thành doanh nhân?

Trả lời thắc mắc này, Thủy Tiên cho hay: "Tôi xuất thân từ một gia đình đông anh chị em. Ba mất từ khi còn nhỏ, mẹ tôi phải làm ba đến bốn công việc cùng lúc, trải dài từ sáng sớm đến khuya để nuôi lớn những đứa con. Những bài học từ sự khắc nghiệt của tuổi thơ khiến tôi thấy việc nhàn hạ nó làm sao ấy, không đúng với bản chất con người mình".

Ngoài ra, doanh nhân Thủy Tiên cũng chia sẻ thêm về mong muốn có thể giúp đỡ cho những hoàn cảnh kém may mắn: "Tôi thực sự mong muốn tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người phụ nữ, trẻ em nghèo và số phận kém may mắn. Tôi nghĩ đơn giản, với vai trò là một doanh nhân, mình sẽ có cơ hội để tạo ra nhiều của cải giúp ích không chỉ cho bản thân, cho gia đình mà còn cho xã hội. Tạo ra cơ hội việc làm cho càng nhiều người càng tốt, nhất là những người kém may mắn hơn mình".

Ở tuổi 54, ngoài nổi tiếng vì sự thành công và độ giàu có, phu nhân của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương còn khiến nhiều người ngưỡng mộ về sắc vóc và khí chất khó ai sánh bằng. Nếu như thời thanh xuân, nhan sắc của bà được miêu tả là có vẻ đẹp thánh thiện, đôi mắt tuyệt đẹp, ngây thơ trong vắt, môi hồng mọng và ngọt ngào, làm mềm lòng bất cứ người đàn ông nào, thì theo thời gian, doanh nhân Thủy Tiên giờ đây là người phụ nữ đẹp quý phái lại có tiền tài, quyền lực. Mỗi lần bà xuất hiện cùng chồng hoặc các con trong các sự kiện, đều thu hút sự chú ý và dành được nhiều lời khen ngợi về độ sang trọng, cùng nét đẹp vượt thời gian của mình.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới