Năm 1992, Lý Tống uy hiếp phi công máy bay A310 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam bay qua TP.HCM rồi thả truyền đơn xuống kêu gọi nhân dân Việt Nam nổi dậy chống lại chính quyền. Lý Tống nhảy dù xuống và bị bao vây bắt giữ, chuyển giao lại cho công an; Lý Tống đã bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt và kết án 20 năm tù vì tội cướp máy bay.
Một trong những con tin đầu tiên trong vụ cướp máy bay ấy chính là mẹ chồng Hà Tăng, lúc đó đang là tiếp viên hàng không Lê Hồng Thủy Tiên.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao TP.HCM, Lý Tống nguyên là sĩ quan không quân chế độ Sài Gòn đã gây nhiều tội ác với nhân dân. Tháng 4.1975, Tống bị bắt làm tù binh, chính quyền đã cho đi học tập cải tạo nhưng với bản chất phản động và ngoan cố, y không chịu cải tạo thành con người lương thiện mà luôn muốn tìm mọi cách trốn đi nước ngoài nhằm chống lại cách mạng, chống lại nhân dân.
Chuyến bay kinh hoàng
Để thực hiện ý đồ trốn đi nước ngoài, ngày 1.9.1981, Tống đã đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất để cướp máy bay nhưng không thành.
Ngày 13.9.1981, y lại tiếp tục đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng lại vào đúng nơi để máy bay hỏng nên không thực hiện được ý đồ đã định, Tống đã vượt biên theo đường bộ qua Campuchia, Thái Lan, cuối cùng định cư tại Mỹ.Trong thời gian ở Mỹ, Tống tiếp tục học lái máy bay và tập nhảy dù với mục đích sau này có thời cơ sẽ cướp máy bay về Việt Nam để gây tội ác.
Cũng chính trong thời gian này, Tống đã có ý thức chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho hoạt động chiếm đoạt máy bay như: dây dù (để trói người), dù, kìm, cưa sắt và mặt nạ dưỡng khí… Sau khi chuẩn bị các dụng cụ cần thiết cho hoạt động chiếm đoạt máy bay nhằm mục đích thực hiện ý đồ gây tội ác chống lại nhà nước CHXHCN Việt Nam, ngày 12.8.1992, Tống mua vé máy bay từ Mỹ về Bangkok, Thái Lan.
Tại đây, Tống đã vào sân bay Ubon để cướp máy bay A37 nhằm bay về TP.HCM với mục đích rải truyền đơn và nhảy dù. Nhưng khi vào sân bay Ubon, Tống không cướp được máy bay. Sau đó, Tống đã mua vé về Việt Nam vào ngày 4.9.1992 bằng máy bay A310-200 của Hãng Hàng không JES-AES (Bulgaria) bay thuê cho Hãng Hàng không Việt Nam.
Máy bay này có phi hành đoàn gồm 12 người, chỉ huy máy bay là Vitkow Tanas Styanov (công dân Bulgaria), chở 115 hành khách. Theo lịch trình mà Tống biết được, máy bay cất cánh tại sân bay Bangkok lúc 17 giờ (VN), đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 18 giờ 30.
Tống lên máy bay lúc 16 giờ 50 và có mang 2 túi xách tay, trong đó có dù, dây dù, truyền đơn và các thứ cần thiết khác. Để thuận tiện cho việc thực hiện chiếm đoạt máy bay, trước khi lên máy bay, Tống đã quyết định phải hành động trước khi máy bay tới TP.HCM 30 phút.
Đến 17 giờ 45 cùng ngày, khi hành khách bắt đầu dùng bữa ăn trên máy bay, Tống đã phát hiện trên khay đựng thức ăn có một con dao inox (là dao ăn của hàng không), y liền lấy cắp con dao này để làm vũ khí đe dọa khống chế. Đến 17 giờ 55, Tống trả khay đựng đồ ăn và chuẩn bị các động tác để hành động. 18 giờ 08, Tống bấm chuông gọi tiếp viên.
Nữ tiếp viên Nguyễn Xuân Thủy Tiên đưa nước uống đến chỗ Tống. Khi cô tiếp viên vừa quay đi thì lập tức bị Tống rút dây dù trong túi quàng vào cổ, một tay siết chặt, tay kia gí dao vào cổ cô tiếp viên và tuyên bố "không tặc".
Cô tiếp viên Nguyễn Xuân Thủy Tiên la lên một tiếng thì bị Tống đẩy vào phòng tiếp viên. Lúc này, trong phòng tiếp viên có Minov Chavdar Milehev cũng là tiếp viên, người Bulgaria. Lập tức, Tống đe dọa và dùng dây dù trói tay chân tiếp viên nam Minov. Sau đó Lý Tống bắt, khống chế Nguyễn Xuân Thủy Tiên và Minov nằm xuống sàn máy bay và buộc theo lệnh của y. Y nói nếu không sẽ cho bom nổ.
Cùng lúc này, tiếp viên Lê Hồng Thủy Tiên từ khoang dưới bước vào phòng tiếp viên để lấy tờ khai hải quan phát cho hành khách thì bị Tống dùng dây quàng vào cổ và dùng dao đe dọa buộc Lê Hồng Thủy Tiên phải mở cửa buồng lái.
Khi cửa buồng lái được mở, Lý Tống bước vào có mang theo 2 túi xách và tuyên bố với mọi người có bom, máy bay bị không tặc. Lý Tống buộc tổ lái phải làm theo sự điều khiển của y. Sau đó Lý Tống đẩy Lê Hồng Thủy Tiên ra khỏi buồng lái và đóng cửa lại. Lúc này, Tống vẫn cầm dao, dây dù và túi xách đồng thời đe dọa cả tổ lái là sẵn sàng cho nổ bom nếu không chấp hành lệnh của y.
Tống bắt tổ lái phải cho máy bay hạ thấp độ cao xuống 200 feet (khoảng 70m) và lượn vòng trong khu vực cấm của TP.HCM, bắt mở cửa buồng lái để y rải truyền đơn. Sau khi rải truyền đơn xong, Tống buộc tổ lái phải điều khiển máy bay, bay ở độ cao 7.000 feet (cao 2.333m) để y nhảy dù.
Khi máy bay đã lên cao, Tống buộc Minov phải mở cửa lên xuống bên trái máy bay để y nhảy dù. Lúc đó, lái trưởng Vitkov nõi rõ cho Tống biết việc mở cửa máy bay lúc này là hết sức nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho máy bay. Nhưng Tống vẫn bắt Minov phải mở cửa lên xuống bên trái máy bay.
Vì áp suất không khí bên ngoài máy bay rất lớn nên khi Minov mở cửa thì cửa máy bay bị vặn lại, không mở được. Tống chạy sang cửa bên phải để mở thì lập tức cửa cũng bị vặn xéo như bên trái. Lúc này, Tống cố chui ra nhưng không lọt người. Gió bắt đầu lùa vào máy bay rất mạnh, làm cho mọi người trên máy bay hoang mang, lo sợ.
Tống không có cách nào nhảy dù bằng cửa lên xuống được, y chạy ngay vào buồng lái, buộc lái trưởng để cho y nhảy dù qua cửa sổ buồng lái (là cửa vừa rải truyền đơn). Lái trưởng Vitkov buộc phải làm theo lệnh của Tống. Sau khi Tống nhảy dù ra ngoài, lái trưởng Vitkov mới điều khiển cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 19 giờ 14. Khi nhảy dù xuống mặt đất, Tống bị người dân TP.HCM phát hiện bắt giữ.
Không tặc đền tội
Với những tài liệu, vật chứng thu được Tống đã phải thú nhận hành vi phạm tội tại CQĐT. Lời nhận tội của Tống còn được chứng minh bằng các lời khai của những người làm chứng như Vitkov lái trưởng và các tiếp viên Minov, Nguyễn Xuân Thủy Tiên, Lê Hồng Thủy Tiên, Lê Bá Tùng, Võ Hồng Nhật và Hing Chung Hung là hành khách cùng đi chuyến bay này.
Ngoài ra, còn có các tài liệu khác như: biên bản sự cố kỹ thuật xác định 2 cửa bị hỏng. Một số vật chứng thu được như: con dao inox, 1 sợi dây dù và băng ghi âm đối thoại giữa Tống và người lái.
Như vậy, hành vi chiếm đoạt máy bay của Tống diễn ra bắt đầu từ 18 giờ 15 đến 19 giờ 12. Trong khoảng thời gian 57 phút, tổ lái và nhân viên trên máy bay bị đe dọa, khống chế, mất hoàn toàn quyền điều khiển bình thường máy bay.
Tống đã buộc máy bay phải bay lượn trên khu vực cấm của TP.HCM là hết sức nguy hiểm. Tống còn buộc máy bay phải bay dưới độ cao an toàn tối thiểu (do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO quy định), thậm chí ở độ cao quá thấp (200 feet - khoảng 70m) và như vậy có thể dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu máy bay bị va chạm.
Hành vi của Tống đe dọa cho nổ bom đặt trên máy bay còn gây tâm lý căng thẳng cho tổ lái, có thể dẫn đến việc xử lý các thao tác không đúng, gây hậu quả nghiêm trọng không thể lường hết được.
Tống buộc mở cửa máy bay trong lúc máy bay đang bay, quẳng đồ vật từ trên máy bay xuống và nhảy dù từ một máy bay chở khách…là một trong những hành vi vi phạm nghiêm trọng quy tắc bảo đảm an toàn trong khi bay.
Nếu không có sự đối phó hợp lý của tổ lái thì những hành vi nguy hiểm trên của Tống có thể gây ra một thảm họa chưa từng có trong lịch sử hàng không Việt Nam, không những đối với sinh mạng của 127 người trên máy bay mà còn cả tính mạng, tài sản của nhân dân TP.HCM.
Theo tài liệu giám định của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, hành vi chiếm đoạt máy bay của Tống đã gây thiệt hại cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam là 500.000USD và 7.000.000 đồng. Hành vi chiếm đoạt máy bay của Tống không những vi phạm nghiêm trọng đến pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam mà còn vi phạm đến các quy định của công ước quốc tế về an ninh hàng không mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Với các căn cứ nêu trên và tính chất đặc biệt nghiêm trọng của hành vi phạm tội, Viện KSND tối cao quyết định truy tố ra trước Tòa xét xử theo thủ tục sơ thẩm đồng thời chung thẩm bị can Lý Tống về tội và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 87 BLHS nước CHXHCN Việt Nam.
Trong phần thẩm vấn của HĐXX, Lý Tống đã khai nhận đầy đủ hành vi phạm tội cướp máy bay của mình. Kiểm sát viên trình bày luận tội: Hành vi chiếm đoạt máy bay của Lý Tống đã hoàn thành. Tính nguy hiểm của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ: Bắt máy bay bay vào khu vực cấm có thể gây hậu quả không lường được.
Điều 48 Luật Hàng không dân dụng quy định: Máy bay chở khách không được nhảy dù. Nhảy dù rất nguy hiểm có thể làm máy bay mất thăng bằng. Dọa có bom có thể làm lái trưởng căng thẳng tinh thần. Kết thúc vụ án, Lý Tống bị tuyên phạt 20 năm tù nhưng đã được đặc xá vào tháng 9.1998.
Lý Tống từng tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng Tối 18.7.2010, tại sân khấu Trung tâm Hội nghị Santa Clara, California, Mỹ, Lý Tống cải trang thành phụ nữ trà trộn vào buổi biểu diễn của các ca sĩ Việt Nam. Sau khi Đàm Vĩnh Hưng kết thúc màn song ca với Mỹ Tâm bài Trái tim không ngủ yên, Lý Tống đã chen lên sát sân khấu, tặng hoa cho ca sĩ. Khi Mr. Đàm cúi xuống nhận hoa, Lý Tống thừa cơ xịt hơi cay vào mặt anh. Đêm diễn tạm ngưng trong chốc lát vì hơi cay nồng nặc khiến một số khán giả ngồi gần sân khấu bị ho và chảy nước mắt. Tháng 7.2010, Tòa án ở San Jose, California, Mỹ đã tuyên Lý Tống 6 tháng tù. Theo tờ Mercurynews, ban đầu Lý Tống bị cáo buộc 4 tội danh bao gồm 2 trọng tội là sử dụng hơi cay trái phép, đột nhập với mục đích phạm tội và 2 tội nhẹ là hành hung và chống lại khi bị bắt giữ. Với những tội này, Lý Tống có thể phải đối mặt với án tù tối đa là 3 năm, tối thiểu là 8 tháng. Tuy nhiên, trong phiên tòa hôm 22.6, bồi thẩm đoàn vẫn không thống nhất ý kiến về việc Lý Tống sử dụng hơi cay hay hỗn hợp nước hoa pha nước mắm nên Lý Tống không bị khép tội "sử dụng hơi cay trái phép". Chính vì thế, Lý Tống chỉ bị phạt 6 tháng tù cho 3 tội danh. |