"Tôi là người duy nhất ủng hộ anh Hải làm phim và đến bây giờ tôi cũng không hối tiếc"
Chào Minh Hà, để một bộ phim trụ được ở rạp thường có những bài toán giữa nhà làm phim và phía rạp, chị và anh Hải có phải cân nhắc nhiều không vì có nhiều nhà làm phim không trụ vững ở rạp nổi vì ăn chia quá cao?
- Tỷ lệ ăn chia ở Việt Nam hiện nay không thể so được với các thị trường phim đang phát triển. Nói đi cũng phải nói lại, cụm rạp cũng phải đầu tư rất nhiều, trong thời gian Covid, họ cũng bị lỗ rất nhiều, thời gian bị phong tỏa, gần như họ không có doanh thu. Tôi nghĩ, nếu một bộ phim chất lượng, được khán giả yêu thích, tất nhiên khán giả sẽ lựa chọn và rạp sẽ sắp xuất, họ cũng không thể không sắp xếp cho phim được khán giả muốn xem. Trước đây Lật mặt rất nhiều lần chiếu đụng với phim bom tấn của thế giới, tôi cũng hiểu chất lượng và sự ủng hộ của khán giả là điều quan trọng nhất. Sau khi Lật mặt 3 chiếu đụng với Avenger, chúng tôi vẫn thắng, vẫn có lời, vẫn đi được xa, phim của chúng tôi luôn chiếu được trong vòng 2 tháng, 2 tháng rưỡi. Cái gì cũng có 2 chiều, phải nhìn thoáng hơn, phải nhìn thấy những khó khăn của người khác.
Có nhiều bộ phim bỏ ra số tiền khá lớn, thậm chí cả trăm tỷ nhưng những người xem họ cảm thấy số tiền đó không nhiều như số tiền họ nói, vô tình việc quảng cáo PR quá lố cũng là điều giết chết phim Việt, chị nghĩ điều này có đúng không?
- Đúng. Khán giả bây giờ rất thông minh. Phim rạp bây giờ có cả phim Mỹ, Hàn, Thái và đó là những thị trường phim rất phát triển. Mỗi ngày, khán giả lại có cái nhìn cao cấp hơn, sâu sắc hơn về điện ảnh và họ hoàn toàn có thể phân biệt được giữa những dòng phim khác nhau, như phim điện ảnh thế nào, kịch thế nào, phim truyền hình thế nào… Họ phân biệt được hết những sự khác nhau nên nhu cầu của khán giả cũng cao hơn rất nhiều, họ phải tốn tiền vé để đi xem. Điều tất yếu với giải trí là luôn luôn thay đổi và luôn luôn cập nhật. Khi làm phim, phải theo kịp sự thay đổi đó để đảm bảo rằng luôn mang được một bộ phim chất lượng, hợp thời và phục vụ được nhu cầu giải trí cho khán giả.
Để tạo nên thương hiệu phim riêng đã rất kỳ công, chị và anh Hải có gặp áp lực và trăn trở để duy trì thương hiệu của mình không?
- Đối với điện ảnh, quan trọng nhất là kịch bản. Kịch bản không tốt, dù có đầu tư bao nhiêu tiền hay hợp tác với ai đi nữa cũng sẽ rất khó thành công. Kịch bản quan trọng nhất và là điều tôi lẫn anh Lý Hải luôn xem trọng. Khi bắt đầu, khâu kịch bản luôn mất thời gian nhất. May mắn ê-kip của chúng tôi đã đi cùng nhau từ phần 1 đến bây giờ, tất cả mọi người đều đồng hành. Có thể trong thời gian chúng tôi không làm phim, mọi người có thể đi làm phim này, phim khác nhưng một khi anh Hải bắt đầu làm dự án phim, tất cả mọi người đều để dành lịch cho anh Hải. Chính vì vậy, chúng tôi luôn có ê-kip thiện chiến từ quá trình sản xuất phim, từ giai đoạn tiền kỳ đến hậu kỳ để đảm bảo được chất lượng theo đúng như chúng tôi mong muốn. Ngoài ra, các diễn viên hợp tác với vợ chồng tôi, ngoài những diễn viên thân quen, năm nào chúng tôi cũng chọn những gương mặt mới để vào phim, có cơ hội cho những bạn trẻ để thị trường phim ngày càng nhiều diễn viên hơn.
Thông thường anh Lý Hải sẽ vẽ ra một kịch bản trong bao lâu?
- Anh Lý Hải hay ở chỗ anh ấy có rất nhiều ý tưởng và anh ấy có thể nghĩ ý tưởng liên tục. Đối với tôi, khó nhất là mấu chốt ý tưởng, kịch bản. Anh Lý Hải làm việc không ngừng nghỉ, có thời gian anh ấy sẽ nghĩ và nghĩ ra ý tưởng nào anh ấy sẽ viết ra. Thường anh ấy viết ra ý tưởng nào, anh sẽ có cái sườn cơ bản, lúc nào anh ấy cũng có mười mấy ý tưởng kịch bản như vậy. Anh đi đâu nhìn thấy tình huống nào đó cũng có thể nghĩ ra kịch bản, đi gặp sự việc nào cũng nghĩ ra được câu chuyện khác. Anh ấy luôn có ý tưởng kịch bản sẵn và xem kể câu chuyện thế nào. Thường anh ấy sẽ kể cho tôi câu chuyện trước, rồi tôi góp ý xem ý tưởng đó có đủ hấp dẫn hay không để giữ chân khán giả ở rạp. Sau đó chúng tôi sẽ chọn ra kịch bản để làm.
Để chọn ra được giữa mười mấy kịch bản đó, hai vợ chồng chị có những tranh luận không?
- Thường hai vợ chồng tôi làm việc không có tranh cãi, chỉ góp ý với nhau trên tinh thần xây dựng. Anh Hải cũng là một người rất tiếp thu, tôi cũng vậy. Nếu anh góp ý ý tưởng đó, tôi sẽ suy nghĩ lại, nếu không đồng tình, tôi sẽ nói rằng tôi đang nghĩ thế kia, làm sao để cuối cùng hiệu quả và tốt cho phim. Cả ê-kip của tôi làm việc cũng vậy, không có chuyện tranh cãi, chỉ xây dựng, đóng góp cho nhau.
Nói về vấn đề tiền bạc, chi phí làm phim, có những phát sinh sẽ đội lên. Chị làm vai trò sản xuất, có khi nào chị áp lực như những cặp vợ chồng khác?
- Tôi luôn có suy nghĩ phải làm được cái tối đa trong cái tối thiểu. Muốn như vậy phải hết sức tập trung và theo sát trong công việc. Cũng đỡ một điều, anh Hải vừa là đạo diễn, vừa là nhà sản xuất, có những điều anh ấy sẽ tiết chế được làm sao vừa với ý anh ấy và vừa đủ trong ngân sách cho phép. Nếu anh không làm được, tôi sẽ hỗ trợ anh trong việc đó, tôi sẽ tìm cách làm sao để vẫn có thể làm cái mình muốn.
Chị và anh Lý Hải, ai là người bị hồi hộp về chuyện theo dõi doanh thu kể từ lúc phim ra rạp?
- Từ đó đến giờ, tôi và anh Lý Hải không lo sợ chuyện đó vì khi phim ra, tất cả những gì chúng tôi có thể làm đã cố gắng hết sức để làm. Chúng tôi không có sự hối hận trong đó. Thường mỗi năm, đến ngày phim ra chúng tôi sẽ đi giao lưu với khán giả, từ sáng cho đến tối nên cũng khá bận. Đến tận nơi chúng tôi sẽ thấy được cảm giác của khán giả thế nào, tập trung vào việc để khán giả chọn phim chúng tôi. Thời gian đầu phim ra, cả ê-kip dành trọn thời gian để đi tri ân khán giả, như một lời cảm ơn đến khán giả. 3 năm liên tiếp phim chúng tôi đối đầu với phim bom tấn nên cũng cảm thấy mọi thứ bình thường, quan trọng là chất lượng phim và sự ủng hộ của khán giả.
"Điều tôi học được chính là sự bình tĩnh trong tất cả mọi việc"
Từ ngày đầu anh Hải quyết định chuyển hướng làm phim, đến bây giờ chị đã đi cùng anh qua một chặng đường dài như vậy, cảm nhận của chị thế nào?
- Tôi cảm thấy đây là quyết định đúng đắn. Đây cũng là tâm thế khi ra bất kỳ phim nào, khi làm một công việc đã cố gắng hết sức, dù kết quả có được hay không cũng dựa vào nhiều yếu tố khác, quan trọng bản thân đã cố gắng hết sức và không còn gì hối tiếc. Khi anh Lý Hải quyết định chuyển hướng, tôi là người duy nhất ủng hộ anh ấy và đến bây giờ tôi cũng không hối tiếc vì anh đã đạt được ước mơ của anh.
Rất nhiều người không tin anh Lý Hải chuyển hướng làm phim sẽ thành công. Điều gì chị nhìn thấy ở ông xã của mình để tin anh sẽ thành công trong lĩnh vực mới này?
- Tôi là người luôn bên cạnh anh Hải, chính vì vậy, tôi nhìn thấy được năng lực của anh. Anh Lý Hải rất ít nói nên mọi người xung quanh ít biết được anh đang làm gì, cũng không biết được năng lực của anh thế nào. Rất nhiều người nghĩ anh Lý Hải có được hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của người khác, ai đó đứng sau lưng. Tôi luôn bên cạnh anh nên biết được năng lực của anh tới đâu, anh không nói nhưng anh làm nhiều, tư duy của anh cũng rất tốt. Tôi đã từng bên anh từ “Trọn đời bên em 5” đến khi kết thúc, tôi biết được “Trọn đời bên em" thành công là vì sao, nên khi anh Lý Hải chuyển sang làm phim điện ảnh, tôi hoàn toàn ủng hộ.
Bên anh Lý Hải cũng lâu, chị thấy giai đoạn nào anh ấy bị áp lực nhiều nhất?
- Anh Hải có thể cân bằng được bản thân. Anh ấy bị áp lực khi làm việc cũng không nhiều. Anh ấy chủ yếu anh ra vườn chăm cây, tự tìm những điều cân bằng cho bản thân. Anh ấy rất thích trồng cây, chăm sóc cây cối, anh ấy có thể vừa nghĩ kịch bản, vừa chăm sóc cây cối, vừa đi tập thể dục… Tôi nghĩ anh ấy có những cách riêng để cân bằng bản thân. Tôi nghĩ một người nghệ sĩ phải giữ được cảm xúc để cân bằng bản thân, nếu cứ căng thẳng, không yêu đời sẽ không sáng tạo được, nếu bản thân mệt mỏi, không có năng lượng cũng không thể truyền cảm hứng cho ai được. Đối với người làm nghệ thuật sáng tạo, họ phải luôn giữ được tâm hồn cho mình nên tôi hay nói: “Đã làm nghệ thuật thì không cơm áo gạo tiền được". Những cái về tiền bạc, tôi sẽ quản lý, còn anh Hải tập trung vào việc sáng tạo. Tôi luôn muốn giữ như vậy để cân bằng mới có thể tạo nên những tác phẩm và đóng góp cho nền điện ảnh Việt Nam.
Chị và anh giống hai thế hệ khác nhau, để hoà hợp chung sống trong khoảng thời gian dài, có điều gì cần phải tiết chế ở đối phương lại không?
- Giai đoạn đó nằm ở lúc tôi và anh mới tìm hiểu nhau. Lúc đó chênh nhau 17 tuổi, 2 thế hệ hoàn toàn khác nhau về quan điểm, tính cách, tất cả mọi thứ. Trước đó, anh Lý Hải quan niệm một người phụ nữ cần có đủ độ chín chắn để lo toan trong gia đình, còn tôi mới chỉ học Đại học năm nhất, còn ngây thơ, bay bổng nên có những điều khác anh. Ví dụ lúc đó tôi thích xem phim, còn anh Hải muốn mua đĩa về xem, không muốn mua vé ra rạp xem. Có thể nói tôi là người thuyết phục anh Hải đi xem phim rạp. Ngày xưa người Việt Nam không có thói quen đi xem phim rạp, còn tôi thuộc giới trẻ, muốn xem phim rạp, rạp mới mở đã bước ra rạp xem phim rồi. Đi ăn kem cũng vậy, anh Hải đi nhậu mới đi, còn đi ăn kem sẽ không đi (cười).
Anh Hải có những suy nghĩ chẳng hạn như, anh thấy tôi giống tiểu thư, vì lúc đó tôi còn nhỏ, không thể có những lo toan như phụ nữ được. Tôi và anh hải quen nhau 6 năm, trong 6 năm đó bản thân tôi và anh Hải đều phải thay đổi rất nhiều để cuối cùng quyết định đi đến hôn nhân. Cả hai có tính tự ái rất cao và cũng rất cứng đầu, đến bây giờ cũng vậy. Trong công việc hay trong gia đình tôi cũng cảm thấy quan điểm của mình là như vậy, nhưng phải lắng xuống và suy nghĩ liệu việc đó với suy nghĩ của mình có đúng hay không. Nếu tôi có lời góp ý đến với ông xã, cũng phải lựa lời nào đó. Trong gia đình nếu lỡ lời với nhau, làm mất hình ảnh của nhau cũng rất kì. Tôi thấy hồi xưa tôi rất nóng tính, còn sau này tôi luyện lại bản thân, giận gì đó cũng không nói liền, ráng nhịn lại 3 đến 7 ngày rồi mới nói. Khi đã nhịn như vậy, cứ mỗi ngày trôi qua lại cảm thấy chuyện đó bình thường. Lúc nóng giận cảm thấy chuyện đó to nhưng khi nhịn được qua những ngày sau, cảm thấy chuyện đó rất nhỏ nhặt, đôi khi không cần nói nữa. Tự nhiên cảm thấy nếu nói ra chuyện đó sẽ làm mất tình cảm gia đình.
Trong những cuộc tranh luận, ai cũng tự ái nhiều như nhau, ai sẽ là người nhường?
- Ai là người sai sẽ tự nhận lỗi (cười). Cũng nên tự nhìn bản thân xem mình đúng hay sai, không có chuyện anh Hải phải xin lỗi tôi hay nếu tôi không sai, tôi sẽ không xin lỗi. Anh Hải có tính khi có khả năng gây gổ, anh sẽ đi chỗ khác, không nói chuyện nữa, dù anh sai hay đúng.
Anh Lý Hải cũng lớn hơn chị và tính anh cũng điềm đạm hơn. Trong thời gian ở với nhau, chị học và ảnh hưởng điều gì ở anh ấy?
- Điều tôi học được chính là sự bình tĩnh trong tất cả mọi việc. Tôi thấy anh Hải là người không bao giờ giận bất cứ người nào và tôi đã chứng kiến rất lần việc anh Hải giúp đỡ nhiều người, sau này họ đều là người nổi tiếng nhưng họ lại có thái độ và hành động theo tôi thấy là kì, nhưng với anh Hải lại thấy bình thường. Người ta có quay lưng với anh ấy hay đến một ngày người ta quay lại vui vẻ, anh Hải vẫn đón nhận bình thường. Tôi thấy chính vì điều đó nên mọi người yêu thương anh Hải, cho dù người ta có làm chuyện xấu hay thế nào đi nữa. Đối với tôi, tôi sẽ không chấp nhận được, tôi sẽ không chơi với người đó nữa nhưng anh Hải lại không, anh sẽ bỏ qua và không nói gì hoặc bình thường và giữ được mối quan hệ. Tôi nghĩ đó là điều tôi cần học hỏi ở anh.
So với thời điểm mới yêu và thời điểm hiện tại, chị thấy anh Hải đã thay đổi điều gì chị mong muốn và ấnh ây có phải người đạt 100 điểm về làm chồng, làm cha chưa?
- Tôi chọn anh Hải không vì anh nổi tiếng hay đẹp trai. Tôi tiếp xúc với anh và cảm thấy anh thông minh, thể hiện ở chỗ khi nói chuyện với nhau, anh ấy thuyết phục được tôi. Đối với những vấn đề khúc mắc, anh cũng có thể giúp tôi giải quyết được. Sự sáng tạo của anh cũng không ngừng nghỉ và đó là sự hấp dẫn với người đàn ông bên cạnh tôi. Anh Hải luôn duy trì được phong độ đó. Ngày xưa khi quen anh Hải, tôi không nghĩ anh là người đàn ông của gia đình vì anh đi diễn nhiều. Sau này, càng ở gần anh, đến khi cưới về, tôi mới thấy anh 100% là người đàn ông của gia đình. Có thể nói tôi may mắn vì đôi khi trong quá trình tìm hiểu, anh không thể hiện hết, nếu tôi chỉ nhìn vào việc anh đi diễn nhiều, không chăm lo cho gia đình là không phải. Khi cưới nhau về, có con rồi, gần như thời gian anh chỉ dành thời gian cho gia đình, cho con. Tôi không phải nói hay yêu cầu anh làm, đó là điều rất may mắn.
Về mảng chăm sóc con cái, cả hai đều bận rộn, không thể phó thác con cho người giúp việc đúng không?
- Tôi, anh Hải và bà ngoại là những người trực tiếp chăm các con. Nói là bận rộn nhưng chúng tôi vẫn thu xếp được, bận cách mấy cũng thu xếp được vài tiếng gặp con, chơi với con. Trừ khi đi công tác nhưng việc đi công tác không phải cả 365 ngày, chỉ một vài ngày nên không ảnh hưởng, sẽ có những ngày khác dành cho con cả ngày. Khi đã quyết định có con, hai vợ chồng phải ngồi lại với nhau để làm sao sắp xếp công việc ổn định và phải có những định hướng nhất định để khi sinh ra phải có trách nhiệm với con. Không thể sinh con ra rồi nói vì con nên ba mẹ như vậy… Tất cả bạn bè của tôi, ai định lập gia đình tôi cũng nói nếu có ước mơ gì hãy làm đi vì khi có chồng mới có thời gian lo cho gia đình. Đối với những cặp chuẩn bị có con, tôi cũng khuyên nên có chuẩn bị về kinh tế, về công việc và hai vợ chồng phải sắp xếp được thời gian thế nào để đảm bảo thời gian cho công việc, cho gia đình và thời gian dành cho con.
Trong hai vợ chồng anh chị, ai là người cầm trịch trong vấn đề định hướng giáo dục con cái?
- Cả hai đều phải làm. Tôi và anh Hải luôn trao đổi với nhau mỗi ngày, con có bất cứ vấn đề gì đều nói với nhau. Mỗi một ngày con khác nhau thế nào, hai vợ chồng đều nói hoặc thống nhất với nhau về việc dạy dỗ con, nói với cả gia đình nữa. Bây giờ các bé đã đi học, ngoài việc gia đình dạy dỗ, các bé cũng sẽ ảnh hưởng môi trường học đường, từ bạn bè hay từ thầy cô giáo nữa.
Chị có muốn sinh thêm con không?
- Tôi chưa nghĩ đến (cười).
Cảm ơn Minh Hà về buổi trò chuyện này!