- Trước khi bước vào cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo, anh có được lựa chọn bạn diễn cho mình không hay là do ban tổ chức chỉ định?
- Khi nhận được lời mời của ban tổ chức, thật sự lúc đó tôi chẳng biết ai sẽ là bạn diễn của tôi, đến sát ngày họp báo, tôi mới biết rằng người sẽ hát cùng tôi là Phương Linh. Thật sự tôi cũng không quan trọng lắm và tôi rất tin tưởng vào sự lựa chọn của ban tổ chức. Chắc họ thấy tôi và Phương Linh có điểm chung gì đó nên mới có ý ghép đôi.
- Vậy sau vài tuần diễn ra, anh thấy sự lựa chọn này của ban tổ chức thế nào?
- Tôi nghĩ là một điều may mắn đấy! Tại vì Phương Linh sở hữu một giọng ca tinh tế và một vẻ bề ngoài thanh thoát, cộng với một chút gì đó kiêu sa. Phương Linh kết hợp với tôi, tạo thành một sự đối lập nên rất dễ bày trò. Người ta thường nói, phải tu ba kiếp mới có thể đi được một chuyến đò, đằng này lại đi cùng nhau cả một chương trình, nên tôi nghĩ chắc tôi đã phải tu vài kiếp rồi nên mới có thể gặp được Phương Linh.
- Trước đây, anh đã từng làm việc nhiều cùng Phương Linh chưa?
- Chưa bao giờ! Khi biết được bạn diễn của tôi là Phương Linh, thậm chí tôi còn phải lên mạng tìm kiếm tên để coi mặt, vì thật sự tôi nhớ mặt kém lắm (Cười). Không sợ lúc gặp nhau không biết đường mà chào nhau thì lại mang tiếng. Đến hôm họp báo, tôi mới gặp Phương Linh lần đầu, hai anh em cũng chỉ ngồi bàn bạc cùng nhau qua qua.
Nhưng qua vài đêm thi, cùng nhau trải nghiệm những cảm xúc của các đêm diễn đó, anh em đã hiểu nhau hơn. Hiểu được những thế mạnh, thế yếu của từng người và đặc biệt là hạn chế tranh cãi. Vì bao giờ cũng thế thôi, các quan điểm lúc nào cũng có những xung đột nhất định trong việc chọn bài hay việc dàn dựng này nọ. Nhưng phương châm của chúng tôi, đã là một “cặp đôi hoàn hảo”, kết quả thế nào sẽ là trung bình cộng của cả 2 người. Không thể nào cả 2 cùng tốt hết, phải có cái xấu, cái không xấu, cộng gộp lại ra một cái chấp nhận được thì đi tiếp, còn không thì bị loại, cũng chẳng có vấn đề gì.
- Hiện nay, nhiều độc giả cảm thấy khó chịu vì trên các phương tiện truyền thông, tên của anh đều bị đổi thành giáo sư Cù Trọng Xoay chứ không phải là tên thật Đinh Tiên Dũng, vậy quan điểm của anh về vấn đề này là gì, và anh thích tên gọi nào hơn?
- Thế này nhé, ban tổ chức mời tôi với tư cách là người đóng vai Cù Trọng Xoay, chứ nếu mời với tư cách Đinh Tiến Dũng thì chắc chẳng ai biết đâu. Và khi họ mời tôi như vậy, thì tôi dùng cái tên đấy để làm việc đó, còn thỉnh thoảng họ kêu tôi bằng tên thật thì cũng là điều bình thường, không vấn đề gì cả.
Thật ra Cù Trọng Xoay chỉ là một góc trong con người tôi, chính vì vậy nếu bạn để ý lên sân khấu tôi đích thị là một Mr Xoay đúng nghĩa, rất ngơ ngác và khù khờ. Cũng có nhiều người góp ý với tôi là không nên phải “diễn” như vậy, nhưng tôi lại nghĩ khác, rõ ràng tôi lên sân khấu là một Cù Trọng Xoay chứ không phải là một Đinh Tiến Dũng nên việc tôi “diễn” cũng không có gì là lạ.
- Nhưng nói gì thì giờ anh cũng đã chính thức bước chân vào thế giới người nổi tiếng, vậy anh thấy hiện nay khi đã trở thành người của công chúng, anh có thây sự khác biệt gì nhiều so với trước đây, khi anh chỉ là một nhân viên bình thường của một tập đoàn lớn?
- Không! Chẳng có sự khác biệt gì cả. Ở tại công ty, mọi người vẫn rất bình thường với tôi. Chia sẻ là trước khi “thò đầu” lên truyền hình, ở tại công ty tôi cũng đã rất nổi tiếng với nhiều trò nghịch ngợm khác (cười). Và có vẻ như bạn bè tôi ở tại công ty thích gọi tôi với cái tên là “Dũng đê tiện” nhiều hơn là “giáo sư Xoay” vì con người thật của mình làm sao có thể thay đổi được. Và rõ ràng, đời thật phải vui hơn nhiều so với một vai diễn nào đó trên truyền hình chứ.
- Vậy ở cuộc đời thật của mình, anh có thường xuyên “đáp, xoay” mọi người chứ?
- Không! Thật sự bên ngoài tôi là một người rất lười trả lời, đôi khi im lặng lại là một câu trả lời tốt nhất. Không chỉ riêng đáp, xoay đâu, trong công việc tôi luôn tìm mọi cách để xoay trở mọi việc, vì công việc mà năm nào cũng giống năm nào thì buồn lắm. Chính vì thế tôi phải luôn làm mới con người mình cũng như công việc.
- Những chương trình được phát sóng trên truyền hình, có phải do anh viết kịch bản không hay do người của ban tổ chức?
- Cũng một số! Phần nhiều, lúc ban đầu khoảng vài chục số đều là do tôi viết kịch bản, nhưng sau đó khi sức ép sáng tạo đã cùn đi, đầu tôi đã không còn nghĩ được thêm những thứ hay ho nữa, thì những đồng nghiệp mới “nhảy vào” để giúp sức tôi. Thật sự, một tác phẩm khi được phát sóng chỉ hơn chục phút, nhưng đó là cả một nỗ lực của toàn bộ ekip gồm cả chục con người chứ không riêng gì tôi.
- Viết kịch bản tiểu phẩm hài như vậy, anh đã bao giờ thử sức viết kịch bản phim chưa?
- Chưa! Vì chẳng có ai đặt hàng cả (Cười). Nói vậy thôi, chứ tôi nghĩ viết kịch bản phim rất khó vì tôi đã xem nhiều phim Việt Nam và đều thấy chưa đươc tròn trịa lắm. Có lẽ viết kịch bản tiểu phẩm hài sẽ vui hơn, vì sự tương tác của nó có nhiều hơn.
Ví dụ, khi bạn viết một kịch bản phim hài, rõ ràng là khi đọc kịch bản sẽ rất buồn cười, và lúc diễn phim diễn viên cũng cảm thấy buồn cười, tuy nhiên họ sẽ chẳng thể biết được là khán giả có buồn cười hay không. Còn với tiểu phẩm hài, mình sẽ được nghe trực tiếp những tiếng cười của khán giả tại sân khấu, đó là một niềm vui, một sự khích lệ cần thiết cho một người viết kịch bản tiểu phẩm hài.
Hơn nữa, phim bạn làm hỏng, bạn có thể quay lại, nhưng với kịch trên sân khấu, nếu bạn diễn hỏng, bạn sẽ làm mất luôn cái cơ hội để gây tiếng cười đó. Sự tương tác trực tiếp giữa khán giả và vở kịch nó hồi hộp hơn, và đồng thời thành quả thu được cũng sẽ ngọt ngào hơn.
Có nhiều lần, tôi rất tâm đắc một phân đoạn nào đó, và chắc chắn sẽ lấy được không ít tiếng cười của khán giả. Nhưng đến khi vở kịch được diễn ra thì khán giả lại ngồi im mà chẳng ai cười. Thứ nhất, có lẽ do diễn viên quên thoại hoặc đóng sai ý của mình, thứ hai có thể diễn viên diễn đúng ý đồ nhưng chắc mình nhầm vì có lẽ chỉ mình buồn cười mà khán giả lại không cảm thấy buồn cười. Chính vì thế, đây là những sự bất ngờ mà chỉ làm kịch mới có được, còn phim thì chưa chắc.