SAO » Chuyện làng sao

Mỹ Tâm ngất xỉu nhiều lần vì mê đóng phim

Thứ hai, 30/05/2011 13:45

Mỹ Tâm kể cô bị ngất xỉu mấy lần vì lịch quay quá căng và thường xuyên phải dầm mưa dãi nắng ngoài đường…

Nếu chỉ nhìn những diễn viên nổi tiếng trang phục lộng lẫy sải bước trên thảm đỏ ở các sự kiện văn hóa, dạ tiệc đình đám, lễ ra mắt phim… không ít người mơ ước được oai phong như họ và nghĩ đó là nghề nhàn hạ, được tung hô mà lại dễ dàng kiếm nhiều tiền.

Và nếu bạn từng ngồi ở một quán cà phê nào đó, nghe các bạn trẻ vừa đọc tạp chí về “sao”, nghe họ bàn tán về các diễn viên, người mẫu thì câu chuyện thường thế này: “Xinh đẹp như cô ấy cũng sướng nhỉ, kiếm tiền dễ như bỡn”, “Phim đó con X. đó đóng dở quá mà sao báo chí cứ tung hô rần rần”, “Hình như cái cô này nhờ cặp với ông B., ông C. nào đó mới được nâng đỡ rồi nổi tiếng như bây giờ chứ tao thấy tài cán gì đâu”, hoặc phũ hơn: “Chỉ được cái mẽ ngoài chứ bên trong rỗng tuếch, cái gì mà không phải đánh đổi chứ bọn bay, làm gì có chuyện tự nhiên nổi tiếng…”, rồi “Nghề diễn viên tao nghe nói là – ‘trai đòi tiền, gái đòi tình’ trắng trợn đó…”…. Có bao nhiêu công chúng yêu và trân trọng công sức họ thật sự, dán hình của họ ở nhà, đặc biệt là đối với sao nội?

Không có thành công nào tự nhiên cả, khán giả nói đúng quá. Nhưng điều mà những diễn viên phải đánh đổi lấy sự nổi danh, lấy những giờ phút lấp lánh ánh đèn Flash đó là mồ hôi, tủi nhục, chê bai, lao động cật lực cả ngày ngoài trời, người yêu ghen tuông chia tay, những lời đàm tiếu, thời gian cho cuộc sống cá nhân, không dám sống thật với nhu cầu cá nhân vì sợ bị săm soi và vô số điều “nhạy cảm” khác.

Trên con đường lấp lánh của nghiệp diễn chỉ có 10% là may mắn, còn lại là một cuộc chiến khắc nghiệt từ miếng cơm manh áo, sự kèn cựa, lợi dụng lúc mới vào nghề đến tủi nhục, vạ miệng, mang tiếng oan… lúc nổi danh.

Nghề lao lực nhất

Bạn có biết nếu không phải là công việc chân tay, lao động phổ thông thì nghề nghiệp nào ở Việt Nam là lao lực và nhanh già nhất?  Bạn  làm ở công ty liên doanh nước ngoài, làm ở ngân hàng… tuy áp lực cao nhưng dù sao giờ giấc vẫn ổn định và mỗi tuần nghỉ 1-2 ngày. Trong muôn vàn công việc ở đời thì nghề diễn viên là công việc bị… bóc lột sức lao động nhiều nhất. Diễn viên chỉ rảnh rỗi khi… không có việc.

Điều này không ai muốn không hẳn vì vấn đề cơm áo. Nỗi lo sợ thường trực của các diễn viên lại chính là những lúc rảnh. Rảnh đồng nghĩa với việc không đạo diễn nào mời đóng phim, rảnh nghĩa là những phim gần đây họ đóng dở quá và tệ hơn, nếu rảnh thì chút danh tiếng vừa gây dựng được rất có thể sẽ nhanh chóng rơi vào lãng quên.

Thế nên dù là lính mới tò te đến các diễn viên lão làng đều xăng xái ngày đi quay, tối đi nhậu lấy quan hệ, nghe ngóng, xã giao lấy mối làm việc và tranh thủ nhận bất kỳ kịch bản nào miễn là có phim để đóng. Và nếu có việc, các ngôi sao xinh xẻo mà bạn ngưỡng mộ bàn tán mỗi ngày sẽ phải làm việc bất kể giờ giấc, từ sáng đến đêm tùy theo yêu cầu của đạo diễn.

Một điều cần nhớ và đừng thắc mắc, hãy quên ngày nghỉ đi nếu nhận một vai chính trong phim, bất kể là phim truyền hình hay điện ảnh. Các phim điện ảnh hoặc truyền hình Việt Nam khi bắt đầu lịch quay sẽ “cày” đủ 7 ngày trong tuần, tận dụng từng giờ từng phút để hoàn thành phim cho kịp ngày giao hàng tới nhà sản xuất, để tiết kiệm chi phí tối đa và cũng để cả diễn viên lẫn đạo diễn chạy sô mới.

Thời buổi này khác xưa nhiều, quay 40 tập phim mà mất nửa năm thì chết đói mà lại không chuyên nghiệp chút nào.   Ở phim trường không có ngôi sao. Diễn không được thì diễn lại. Tuyệt đối tuân thủ theo chỉ đạo của đạo diễn.  Diễn không đạt vài lần không sao, nhưng diễn mãi không nổi tự diễn viên cảm thấy áp lực, xấu hổ mà bật khóc nức nở chứ chưa cần đạo diễn nhiếc mắng.

Diễn viên phải tham gia một cuộc chơi tập thể, một người sai cả mấy chục người làm lại, áp lực đó rất lớn, đặc biệt là những lúc bối cảnh lớn, sắp đặt khó khăn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bao nhiều người hì hục làm lại từ đầu chỉ vì một diễn viên nào đó quên thoại, hay rặn không ra nước mắt… Hãy tưởng tượng bao nhiêu con mắt dồn vào bạn lúc bạn cảm thấy bất lực và hoang mang nhất.

Những ca sỹ, người mẫu nổi tiếng, được mời đóng phim còn cực hơn. Họ bị áp lực là chiêu bài để PR, là tay ngang, là bình hoa di động… nên thường phải cày cực hơn những diễn viên chuyên nghiệp khác. Siêu mẫu diễn viên Thanh Hằng tập nhảy đến trẹo cả chân để đóng phim ca nhạc, ca sỹ Quang Dũng gác show ca nhạc chỉ vì chưa thuộc thoại cho phân đoạn phải diễn ngày mai, Mỹ Tâm kể cô bị ngất xỉu mấy lần vì lịch quay quá căng và thường xuyên phải dầm mưa dãi nắng ngoài đường…

Trang phục diễn phải tự lo, tự mua trừ khi đóng phim cổ trang. Diễn viên Minh Luân – anh chàng nổi tiếng của bộ phim Anh em nhà Bác sỹ tâm sự, “hồi mới vào nghề khổ nhất là phải bóp mồm bóp miệng, vay tiền đi mua trang phục diễn. Vào vai nhà nghèo thì dễ rồi nhưng nếu nhận vai công tử nhà giàu thì số tiền bỏ ra mua tấm quần, tấm áo cho ra hồn mất cả chục triệu đồng.

Chưa kể còn phải mang đến cho đạo diễn duyệt. Có lần đi quay ở Bình Dương, đạo diễn không ưng trang phục Luân mang đến, vậy là giữa trưa phải đi xe ôm ra chợ tìm mua đồ. Xong lại nháo nhào chạy về để đạo diễn duyệt và đi mua lại!”. Nếu bạn mới ra trường, điều kiện sống còn khó khăn mà theo nghề diễn thì đúng là như phận má hồng trong kỹ viện xưa, phải cày cuốc cật lực trả nợ tiền son phấn.

 Nhiều diễn viên trẻ phải bỏ nghề vì không có tiền theo đuổi chuyện sắm sửa trang phục, phí đi lại, đôi khi cát sê còn bị cắt xén vì là “ma mới” mà chẳng biết kiện ai, tốt nhất là nín vì ngho nghoe bị rỉ tai, trù dập tập thể là sống không biết trên dưới thì mãn kiếp không ngóc đầu lên nổi.

Tăng Bảo Quyên, Thanh Hằng trầy da tróc vẩy với nghiệp diễn

Xem phim và đưa ra những lời nhận xét, phê bình rất dễ dàng nhưng đến tận phim trường xem đoàn làm phim làm việc khổ cực, ăn cơm hộp uống trà đá, thức đêm thức hôm mới thấy thông cảm với những người làm phim.

Đến xem một buổi làm quay của đoàn làm phim ca nhạc Cho một tình yêu (đạo diễn Nguyễn Tranh) tại Phú Mỹ Hưng. Giữa trưa nắng gay gắt, hơn 20 người từ đạo diễn, diễn viên, quay phim tất bật chuẩn bị cho những cảnh quay. Ca sĩ Quang Dũng đứng dưới tán cây uống trà đá tranh thủ luyện lại lời thoại, đội ngũ kỹ thuật mình ướt sũng mồ hôi căn chỉnh cả tá máy móc, đèn chiếu… Một cảnh nhỏ như mời nhau uống trà, hay ăn bữa cơm cũng mất cả giờ đồng hồ quay đi quay lại.

Những diễn viên nữ như ca sỹ Mỹ Tâm, Châu Hà Yến Nhi liên tục hàng giờ đồng hồ diễn đi diễn lại phân đoạn của mình dưới 4 đèn chiếu cao áp nóng rẫy rọi thẳng vào mặt. Người nào người nấy cũng mướt mồ hôi, mệt mỏi đến thất thần. Tranh thủ lúc đạo diễn quay phân đoạn khác, ca sỹ Quang Dũng trốn vào bếp gục đầu xuống bàn ngủ vì anh đã quay từ 5 giờ sáng đến tận 2h chiều.

Đi xem đoàn làm phim Những nụ hôn rực rỡ thực hiện những cảnh quay ca hát nhảy múa trên biển Cam Ranh. Toàn bộ diễn viên đều đi khập khiễng vì nhảy múa, tập luyện quá nhiều.  Ê kip đoàn làm phim từ Dũng khùng, Võ Tòng, Huy Tuấn, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, các tay quay phim Nguyễn Nam, Nguyễn Tranh… đều bì bõm lội nước, è vai khiêng vác để dựng bè chìm cho diễn viên múa dưới nước và bè nổi cho khán giả trong phim.

Đặc biệt là những cảnh quay cuối - show diễn  ca nhạc cây nhà lá vườn phải quay thông đêm. Diễn viên Thanh Hằng để vao vai ca sỹ, nhảy múa tưng bừng trong phim đã liên tục tập luyện trong nửa năm, trầy da tróc vẩy với những động tác của các diễn viên múa chuyên nghiệp.

Thanh Hằng mặt mũi bơ phờ, chân bước cà nhắc là vậy nhưng khi vào cảnh quay cô vẫn nhảy rất xung và khiến đoàn làm phim phải e ngại cho sức khỏe của cô. 3 giờ sáng, Thanh Hằng phải nhảy xuống biển thực hiện cảnh quay nhảy múa dưới nước.

Có lần gặp diễn viên Tăng Bảo Quyên thấy cô gầy đi nhiều, hỏi mới biết cô bị sút gần 5kg: “Nửa năm trở lại đây, tôi đóng phim liên miên, gần như không còn thời gian nghĩ đến bản thân, tình yêu riêng tư nữa.

 Trong thời gian quay bộ phim Giao lộ định mệnh của đạo diễn Victor Vũ, cả đoàn làm phim ai nấy mắt thâm quầng trong suốt mấy tháng vì bối cảnh phim chỉ quay vào ban đêm. Liên tục mấy tháng, tôi đến phim trường lúc 6h tối và đến 6h sáng hôm sau đoàn làm phim mới nghỉ. Nhiều người gọi đùa là đoàn làm phim Cú vọ.

Nghề diễn ấy hả, cực lắm ai ơi nhưng trót yêu, trót đam mê, trót mang nghiệp vào thân thì cứ vui vẻ lao vào quay mòng mòng thôi, chứ rảnh rỗi lại nhớ phim trường ngay. Còn chuyện bị bạn trai ghen, hiểu lầm thì ai cũng vướng phải, lắm lúc khóc không nổi nữa”, diễn viên Bảo Quyên tâm sự.

Nhìn ra nước bạn, năm 2009, công chúng nghiêng mình kính nể Kim Myung-Min với vai diễn trong bộ phim Closer to Heaven. Phim về mối tình thủy chung, tận tụy của một cô gái khi phải chứng kiến người yêu mình chết dần chết mòn từng ngày.

Kim Myung-Min vào vai một nhân vật nỗ lực đấu tranh giành giật từng milimét sự sống trước những ảnh hưởng bại liệt từ bệnh Lou Gehrig. Bạn sẽ làm gì khi biết người mình yêu dần mất đi khả năng cử động, chỉ còn ý thức và sẽ chết trong hai năm tới? Bệnh Lou Gehrig nhắm vào những dây thần kinh kiểm soát quá trình vận động tùy ý, gây ra chứng bại cơ.

Bệnh nhân có đầy đủ nhận thức, trí khôn và cảm giác trong lúc căn bệnh làm thoái hóa cơ thể họ. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định và chưa có giải pháp chữa trị cụ thể. Khoảng 3 hoặc 4 năm sau đợt phát bệnh đầu tiên, phổi của nạn nhân sẽ hoạt động yếu ớt, đến mức chỉ sống nổi khi dựa vào các hỗ trợ y khoa.

Tiến trình của triệu chứng này di căn ra cả tay chân, ngón tay, ngón chân và mặt, khiến cho bệnh nhân chỉ có thể chớp mắt. Bệnh nhân không bị giảm sút đáng kể về mặt thần kinh, nhưng lại phải sống một cuộc đời thực vật, nên Lou Gehrig được ví như “căn bệnh đáng sợ nhất trên thế giới.”

Diễn viên Kim Myung-Min có chiều cao 1m82 nhưng anh quyết tâm giảm 20Kg, để nhập vai. Cho đến lúc nhân vật lìa đời, anh nhìn gầy trơ xương và xanh xao như một xác chết. Điều đáng nói là đầu phim nhìn anh vẫn cao to cường tráng, trong quá trình đóng phim theo tiến trình của căn bệnh, anh ép mình gầy rộc đi từng ngày, cùng lúc anh đến bệnh viện nơi có những bệnh nhân Lou Gehrig để học từng cử chỉ, thần thái của họ.   Để liệt kê ra những khốn khó, hi sinh của nghề diễn thì đến trăm trang cũng chưa đủ, từ nền điện ảnh chuyên nghiệp nhất đến nền điện ảnh mì ăn liền đều có những khó khăn khác nhau.

Phim ra mắt có thể hay dở, lời lỗ nhưng để có những thước phim đó những diễn viên phải trải qua rất nhiều khó khăn, áp lực. 

NSƯT Thành Lộc nói: “Sống một cuộc đời đã có rất nhiều khó khăn rồi. Nhưng phải sống nhiều cuộc đời và cuộc đời nào cũng phải vắt kiệt tâm sức không dễ. Nếu không gìn giữ được đam mê thì nghề diễn sẽ ăn mòn diễn viên đến kiệt quệ”.

PhunuToday
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới