Cách báo hiếu có ý nghĩa nhất
Là con trai duy nhất trong nhà nhưng sau khi kết hôn, anh quyết chí ra riêng. Điều gì khiến anh quyết định như thế?
Khi quyết định sống riêng, tôi biết bố mẹ tôi sẽ giận. Nhưng đến giờ này, tôi vẫn thấy mình không sai khi sớm tránh được những mâu thuẫn rất dễ nảy sinh giữa bố mẹ và vợ trong quá trình chung sống lâu dài. Để giúp vợ không bị áp lực, bố mẹ không bị áp lực và chính bản thân tôi cũng không bị áp lực từ hai phía thì phương án tốt nhất là ở riêng. Tôi không phủ nhận, sống chung có cái hay nhưng cũng có cái dở: con cái khó tự lập, ông bà hay chiều cháu, đáp ứng mọi yêu cầu của cháu. Vì vậy tôi đã cân nhắc rất kỹ rồi mới đi đến quyết định đó. Tôi chấp nhận bố mẹ giận thời gian đầu rồi từ từ sẽ tìm cách hoá giải.
Anh nhận định sự khác nhau như thế nào khiến khả năng nảy sinh mâu thuẫn giữa cha mẹ với vợ chồng anh, đến bây giờ, cha mẹ đã hết giận anh chưa?
Rất khó nói khác nhau như thế nào. Chỉ đơn giản là, cùng một vấn đề nhưng ý thức hệ khác nhau sẽ dẫn đến cách nhìn nhận và suy nghĩ khác nhau. Tôi nghĩ không chỉ bây giờ, thế hệ chúng tôi có suy nghĩ khác với bố mẹ mà cả sau này, con trai tôi cũng có suy nghĩ khác chúng tôi. Đó là chuyện bình thường mang tính quy luật. Là người đàn ông, tôi nhìn xa thấy trước điều này nên thà giải quyết ngay từ đầu chứ không nên để xảy ra mâu thuẫn rồi mới giải quyết. Bố mẹ tôi nói giận thế thôi chứ rất thương con thương cháu. Các cụ chỉ trách móc sao bố mẹ có nhà mà các con không ở, chứ không phải giận theo kiểu to tát, cấm cửa hai vợ chồng. Hồi vợ tôi sinh con còn trong tháng, bé hay có tật giật mình khi ngủ nên bà nội cứ thức suốt đêm ôm cháu để mẹ cháu có thể nghỉ ngơi. Còn tôi lúc đó đi làm cả ngày, tối về cũng chỉ phụ pha sữa cho con chứ không phải làm gì cả. Đó là điều tôi cảm thấy rất hạnh phúc.
Nam Khánh cùng vợ - chị Bảo Thi và con trai, bé Bảo Khôi ba tuổi.
Anh quả là người can đảm, thậm chí đã có lần anh tự hào “có yêu mới sợ vợ”. Nhưng cha mẹ có thể sẽ buồn vì thiếu vắng bóng con trai?
Tôi nghĩ con cái nào cũng phải có trách nhiệm báo hiếu với bố mẹ và không nhất thiết phải ở chung mới báo hiếu được. Bố mẹ nào chẳng muốn con mình thành đạt, có gia đình hạnh phúc ấm êm, muốn con cái trưởng thành tự lập được mọi thứ. Theo tôi, đó là cách báo hiếu hay nhất, có ý nghĩa nhất. Còn hơn mọi người sống chung nhà mà phải giữ kẽ, chịu đựng nhau, đến khi đụng chuyện thì gia đình xào xáo không yên. Công việc của tôi ổn định, gia đình hạnh phúc thì cũng là cách để báo hiếu. Chúng tôi ở riêng không có nghĩa là con dâu không chăm lo được cho mẹ chồng. Cuối tuần, vợ chồng tôi đều dẫn cháu về thăm ông bà. Nếu tôi bận thì hai mẹ con đưa nhau đi. Tuần nào, chúng tôi cũng về thăm nội, ngoại ít nhất là một lần. Chúng tôi biến khoảng cách thành không còn khoảng cách.
Bản sao của bố mẹ
Vợ chồng trẻ dù có hạnh phúc đến mấy thì vẫn ít nhiều vấp phải mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con. Anh giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?
Chúng tôi “phân công” thế này: mẹ lo việc ăn uống, ngủ nghỉ cho con, bố đảm đương việc chơi đùa, thuốc men mỗi khi con bệnh... Trước mặt con, bố mẹ phải luôn đồng quan điểm trong cách dạy dỗ. Hàng ngày, cứ rảnh lúc nào tôi chơi với con lúc ấy. Ngoài vợ ra, con cái là niềm vui lớn nhất của tôi. Tôi và vợ thống nhất rằng: bố mẹ sẽ vừa cương vừa nhu với con. Có la rầy, có thủ thỉ, có lắng nghe, có trách phạt. Thậm chí, có lần bé làm sai quấy gây nguy hiểm cho bản thân, tôi đã dùng đến roi để dạy bé. Nhưng sau này khi con lớn hơn, tôi nghĩ phải có cách dạy khác phù hợp với tâm sinh lý của con chứ không thể ép buộc. Chẳng hạn mới đây, bé lấy cây roi của tôi để đánh vào tivi làm nứt màn hình. Tôi hỏi: “Tại sao con lại làm bể tivi?”, bé trả lời: “Con đập tivi để được chơi vi tính của mẹ”. Thì ra vợ chồng tôi muốn bé xem tivi nhiều hơn là chơi iPad nên bé hiểu đơn giản là phải dẹp đi cái tivi thì bố mẹ sẽ cho bé chơi vi tính. Đến lúc này tôi không thể dùng đến roi mà phải giảng giải cho con hiểu như thế là sai. Thế là bé tự vòng tay xin lỗi bố mẹ và cả ngày hôm đó, bé ngoan hơn, ít nghịch ngợm hơn. Theo tôi, cách dạy con trẻ trong thời điểm này là phải lắng nghe ý kiến của con rồi khuyên giải hướng con đến cái đúng chứ không thể áp đặt suy nghĩ của mình. Nếu không, lâu dần bé sẽ thu mình như con ốc, không dám tâm sự thì hậu quả sẽ nghiêm trọng bất ngờ. Chẳng hạn có lần bé chia sẻ: “Con buồn bố mẹ quá!” Tôi sửng sốt: “Sao vậy con?” Con trai thẳng thắn: “Vì bố mẹ… không chơi với con!” Từ đó, tôi rút kinh nghiệm, dù bận đến mấy nhưng cuối tuần cả gia đình cố gắng dành trọn thời gian ở bên nhau.
Nghe anh kể, có thể thấy con trai anh vừa thông minh vừa ngây thơ thú vị. Tính cách bé giống bố hay mẹ hơn?
Bé thừa hưởng tính cách của cả bố lẫn mẹ. Chính vì thừa hưởng cộng gộp như vậy, nên tính cứng đầu chẳng hạn, bé cứng đầu gấp đôi. Bé lì và hiếu động vô cùng. Không lúc nào bé ngồi yên, luôn loay hoay, nghịch ngợm. Lúc tôi dạy hát cho học trò, bé đứng ở cửa phòng quan sát. Khi tôi hỏi: “Con có muốn làm ca sĩ, làm thầy giáo như bố không?” Bé trả lời: “Con không muốn!” Nhưng khi tôi ra khỏi phòng thì bé… leo lên bục đánh đàn và bắt các anh chị “hát đi” với tác phong y như một thầy giáo.
Còn năng khiếu, bé có được thừa hưởng từ bố mẹ?
Bé nhà tôi thích đánh đàn, thích đá banh, nhìn hình đố con thú. Bé cũng thích nghe bố đàn và nhảy theo nhạc. Ngộ nghĩnh nhất là cái kiểu lắc bụng, lắc mông khi nhảy của bé nên đi đâu tôi cũng chỉ muốn mau mau về chơi với con, nhìn con nhảy. Bây giờ bé thích vẽ nhất và đó cũng là năng khiếu bé thừa hưởng từ ông ngoại. Ông ngoại bé là hoạ sĩ. Về khoản này, tôi thấy con giống y hệt tính mình, không thích theo khuôn mẫu nào. Ngày xưa, ba tôi là nhạc sĩ, mẹ là nhạc trưởng nhưng tôi lại thích làm ca sĩ. Bây giờ tôi là ca sĩ, vợ tôi là giảng viên còn con tôi lại thích làm hoạ sĩ.
Vậy đến bao giờ, gia đình Nam Khánh sẽ dự định có “bản sao” thứ hai?
Vợ chồng tôi thống nhất phải lo được cho con đến khi con năm tuổi thì mới sinh, không thì thôi. Vẫn hiểu con là trời cho nhưng tôi nghĩ sinh con ra thì phải lo được cho con, chứ coi con là cái “nợ” thì tội lắm. Con trẻ luôn được quyền yêu thương và nên chăm sóc con thật tốt. Nếu có thêm con, vợ chồng tôi vẫn mong nhà sẽ “có nếp có tẻ”.
Ở thời này, mẫu người đàn ông “chiều vợ, thương con” như anh rất dễ nhận được nhiều sự ngưỡng mộ, quan tâm đặc biệt của những phụ nữ giàu – đẹp – từng dang dở, bởi vì họ luôn khao khát thứ mà mình không có. Anh làm sao để tim mình không lạc nhịp và để vợ luôn tin tưởng?
Tôi chưa gặp phải điều này. Nhưng bà xã là con gái Huế nên cũng ghen dữ lắm. Lúc còn yêu nhau, tôi cũng có nhiều fan nữ hâm mộ lắm. Cưới vợ rồi, đi công việc, đi dự tiệc tôi luôn dẫn bà xã đi theo để nhắc nhở và hạn chế rất tốt những xao xuyến bất chợt nhưng tiềm tàng hiểm nguy. Chính vì vậy, vợ luôn hiểu tính chất công việc của chồng và chẳng có lý do gì để ghen cả. Thậm chí, những lần đi nhậu tôi cũng dẫn vợ theo. Đi riết, vợ thấy tin tưởng chồng nên tự nguyện ở nhà. Được cái, bà xã có công việc tương đồng là giảng viên của một trường đại học nên có lúc cũng bận rộn như ca sĩ và có lúc rảnh rỗi như dịp hè nên cô ấy có điều kiện tư vấn công việc cho tôi. Vợ chồng tôi đã thống nhất: từ việc nhà đến việc xã hội đều chia sẻ cho nhau, không giấu nhau điều gì.
Thế còn khoảng không gian riêng để hai vợ chồng luôn giữ lửa yêu thương?
Tôi nghĩ khung trời riêng là do mình chủ động sắp xếp, biết ưu tiên cái gì trước và sau. Ngày xưa tôi dạy học nhiều, rảnh rỗi lắm mới đi chơi. Bây giờ thì khác rồi. Cuối tuần tôi và bà xã hay đi coi phim, đưa con về thăm ông bà nội hay ông bà ngoại, dẫn con đi bơi...
Câu hỏi cuối cùng, anh có nghĩ rằng việc giữ gìn mái ấm hạnh phúc của những cặp vợ chồng trẻ hiện nay không chỉ là niềm tin, sự chung thuỷ, lòng tôn trọng mà còn phụ thuộc khá nhiều vào sự ổn định kinh tế?
Những điều kể trên đều đúng cả! Với gia đình tôi thì kinh tế ổn định theo đúng câu “của chồng, công vợ”. Những ý kiến đóng góp cho chiến lược kinh doanh của công ty truyền thông Nam Khánh để công việc của chồng tốt hơn đều do vợ tôi đưa ra thì thành công được xem là của cả hai người. Đôi lúc tôi cũng than: “Anh mệt quá còn em chẳng làm gì!” Nhưng đó chính là lúc tôi muốn nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ bà xã. Mỗi lần như vậy, vợ hiểu ý, rủ tôi đi shopping hoặc uống cà phê…
- Xin cảm ơn anh!