“Tôi tự bỏ tiền mua vé cho ông xã ra Hà Nội với mình vì mất ngủ”
Chào Ngân Quỳnh, với chị, hiệu ứng phim “Về nhà như con” như thế nào?
Tôi rất bất ngờ. Tôi từng đóng rất nhiều vai bà mẹ, có nhiều bà mẹ nặng kí hơn “Về nhà đi con". Ban đầu khi đọc kịch bản tôi hơi do dự nhưng vẫn nhận lời. Vì tôi nghĩ mình là diễn viên, có đoàn phim mời thì không nên từ chối, miễn sao vai diễn đó đừng quá nhợt nhạt . Tôi nghĩ diễn viên đừng tùy tiện nhận vai không hợp vì sẽ uổng công. Làm diễn viên phải nhìn kịch bản có thuyết phục hay không?
Ban đầu, tôi nghĩ “Về nhà đi con" chỉ là một vai bình thường, như bao bà mẹ chồng trong những gia đình khác. Tôi không ngờ vai bà Giang lại sự đón nhận của khán giả. Lúc đó, tôi mới nhận ra, những phân đoạn mình đóng không hoài phí. Mỗi phân đoạn đều nói lên tính cách của một bà mẹ chồng luôn luôn bao dung với con dâu.
Kịch bản phim “Về nhà đi con", không riêng gì bà Giang, tất cả nhân vật trong phim dù là nhân vật nhỏ cũng nhấn mạnh cho khán giả thấy rõ tính cách của nhân vật hơn những phim khác. Đó là điều tôi rất thích và mong sau này có những bộ phim giống “Về nhà đi con". Mỗi tuyến nhân vật xuất hiện không hoài phí, không thừa.
Khi ra Hà Nội quay phim, chị có gặp những điều gì bất tiện gì không?
Những phương tiện đi lại, điều kiện ăn ngủ được bên đoàn phim lo cho tôi rất chu đáo. Tuy nhiên, tôi khó ngủ là do bản tính của tôi. Dù đi đâu, tôi cũng phải mang mền, gối hay cái gì có hơi của tôi. Ra Hà Nội, khoảng 2-3 ngày đầu, tôi khó ngủ kinh khủng, thức trắng đêm không hiểu vì sao. Đến sáng quay phim, tôi hơi mỏi mệt một tí. Tôi coi lại vài phân cảnh quay phim mới thấy bọng mắt tôi xuất hiện trở lại. Tuy mất ngủ nhưng tôi cũng cố gắng tập trung vì đoàn phim “Về nhà đi con" ai làm việc cũng cật lực hết, từ khâu biên tập đến tất cả những khâu khác đều làm như một cái bánh xe xoay tròn, không bị lỗi chút gì. Chính vì vậy, phim đem lại hiệu quả rất tốt. Nhất là đạo diễn rất giỏi và có tâm. Tính tôi hay giận hay dỗi, hay bị tổn thương, chỉ cần nói nặng chút xíu thôi tôi cũng tổn thương chút xíu. Đạo diễn Danh Dũng rất tâm lí, góp ý cũng rất nhẹ nhàng.
Lần đầu hợp tác với NSND Hoàng Dũng, chị cảm giác như thế nào?
Tôi hơi hồi hộp vì tôi nghe nói anh Dũng hơi khó tính. Anh Dũng đã từng và đang làm thầy dạy diễn xuất cho trường nghệ thuật. Thỉnh thoảng, tôi cũng có nhiều phân đoạn khiến anh Dũng phải nhắc nhở như đứng sai điểm hay diễn xuất ra sao. Điều đó làm tôi cảm thấy rất phục anh Dũng. Chưa hẳn diễn viên lớn tuổi, đứng ở vị trí cao là không thiếu sót. Phải có những thiếu sót, hơn nữa phải đi xa, đi đến những đơn vị khác làm việc mới là trải nghiệm, rút kinh nghiệm cho nghề của mình vì nghệ thuật là con đường rất dài. Chúng ta đi một con đường dài mới biết chông chênh, rộng mở, đẹp đẽ như thế nào. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất thú vị trên con đường làm nghệ thuật của tôi.
Nghệ thuật cứ ngồi tại chỗ hoặc cứ hài lòng với những gì mình có, cảm thấy thoả mãn hay đạt được đỉnh cao là sai. Mỗi bước phải đi học hỏi nhiều hơn. Lần này được làm việc với anh Hoàng Dũng, đó là điều may mắn, vinh hạnh vì anh Hoàng Dũng diễn quá hay, chi tiết từng chút một. Khi được kết hợp diễn với anh Hoàng Dũng, anh ấy diễn rất thật, y như chồng tôi vậy, giống như một gia đình hẳn hoi. Tôi nghĩ diễn viên nên kết nối với nhau trước mỗi phân đoạn, kết nối từ ở bên trong ra đến bên ngoài.
Ở miền Bắc thoại phải rõ từng chữ và chậm hơn trong Nam, chị có phải điều chỉnh cách thoại của mình để phù hợp không?
Trước đây, tôi cũng làm việc với những đạo diễn miền Bắc khá nhiều. Họ rất chú tâm về vấn đề thoại. Người Bắc cũng nói nhanh nhưng họ nói nhanh tuỳ theo hoàn cảnh. Ví dụ mật độ tang, họ nói nhanh. Còn những lúc tâm sự hay tự sự, họ có thể nói rất chậm. Vì nói chậm để câu văn được thấm thía hơn. Tôi cũng có nghiên cứu về việc đó.
Ban đầu, tôi cũng hơi bỡ ngỡ về câu văn ngoài Bắc, tréo với miền Nam mình. Ví dụ chữ “đấy". Nếu nói “đó" sẽ không hợp văn từ miền Bắc nên tôi kết hợp giữa miền Bắc và miền Nam, nói để dung hoà, để hợp. Đạo diễn Danh Dũng cũng nói tôi, nếu thấy tréo miệng cứ sửa lại cho thuận với văn người trong Nam, miễn sao tôi thấy thoải mái nhất. Nhưng tôi quyết làm cách nào cho hay, tròn vành rõ chữ để đúng văn từ trong kịch bản, liền mạch chứ không thể theo ý tôi. Nếu nói theo ý tôi giống như bị lội ngược dòng. Đó là khó khăn bước đầu của tôi, thoại cứ vấp hoài, không vô đầu tôi được vì văn miền Bắc như kiểu nói đi rồi sẽ nói ngược lại. Nếu để ý sẽ làm được và tôi đã làm được. Tôi rất vui và tôi cảm thấy đó là trải nghiệm mà tôi vừa thành công.
Thường ngày đi đâu cũng có ông xã theo cùng và chăm sóc. Ra Hà Nội, chị phải tự thân vận động nhiều hơn, đi đến phim trường cũng không có ai ở bên cạnh chăm lo, chị có thấy khó chịu không?
Tôi cũng quen. Đôi khi tôi đi Đà Lạt hay đi tỉnh cũng không có anh vì anh cũng có công việc riêng, anh bận tôi đi một mình. Lúc đó, tôi cũng chấp nhận lo được. Ở ngoài Bắc họ cũng lo cho tôi mọi thứ như: phục trang, phương tiện đi lại, ăn uống... Chỉ duy nhất một điều là tôi ngủ không được nên lập tức đợt sau ra, tôi mời anh đi theo. Nếu tôi đòi hỏi thêm một suất cho trợ lí cũng không sao, đoàn phim có thể lo được nhưng tôi cảm thấy rất ngại. Khi làm việc với đài truyền hình nhà nước, họ rõ ràng lắm, code vé cũng phải giữ lại, để mất code vé là không được thanh toán. Khi làm việc với đài kinh phí không được quyền đòi hỏi nên tôi tự bỏ tiền mua vé cho anh ra chơi. Chúng tôi cũng có nhiều bạn ngoài này. Những khi đi quay về sớm thì đi thư giãn, làm vài chai bia... Vui lắm.
Chị xuất thân từ truyền thống nghệ thuật cải lương. Những cô đào như chị thường thích đóng vai trẻ trung. Thêm nữa, ngoại hình của chị vẫn còn rất trẻ đẹp, tại sao chị luôn nhận những vai bà mẹ?
Tôi thuộc dạng không ăn ảnh, khi đi casting tôi bị già rất nhiều. Từ khi tôi hát cải lương đến sang làm ca nhạc là một khoảng thời gian cũng khá dài, tầm mười mấy năm. Máu nghề tự nhiên trỗi dậy, tôi muốn được diễn nhưng sân khấu cải lương lúc đó không còn đất để diễn. Vì ngay cả bản thân những anh chị nổi tiếng như: chị Thanh Hà hay Thanh Ngân… còn phải đi diễn tỉnh lẻ, sân khấu diễn không còn như xưa. Ngày xưa khán giả đến rạp rất nhiều nhưng sau này có nhiều loại hình trên TV, Youtube…. khán giả dần dần lãng quên sân khấu. Thậm chí nhiều khi TV bây giờ họ cũng chẳng xem nhiều. Ngoài bộ phim “Về nhà đi con" đánh động tất cả những người lâu nay lãng quên phim truyền hình. Ở hải ngoại cũng vậy, lúc tôi đi diễn ở Đài Loan, người dân ở đó xem “Về nhà đi con” rất nhiều. Lúc đó, họ hâm mộ khiến tôi hãnh diện, khen đến lỗ mũi tôi muốn nổ luôn (cười).
Quay lại cải lương, sân khấu lúc đó không phải nơi trụ vững, tôi lại quá nhớ nghiệp diễn. Tôi bước sang lĩnh vực phim ảnh. Tôi được mời đi casting nhiều lần nhưng khi mặt tôi vào màn ảnh lại rất già, không ăn ảnh. Kể từ đó, tôi chuyển sang đóng vai già, đến 5-7 năm sau già là vừa vì lúc đó cũng vừa chín mùi, vừa nổi tiếng luôn. Hơn nữa, ở thời điển đó, tôi đóng phim rất nhiều nhưng tiếng tăm thì tôi chưa có. Tôi cũng rất cảm ơn chương trình “Gương mặt thân quen" vì nhờ đó mà tôi mới có được tên tuổi trong đài truyền hình cả nước. Nhờ đó, tôi càng tấn công lên, tôi được khán giả ghi nhớ nhiều hơn.
Mấy năm nay tôi cũng tham gia gameshow để khán giả biết thêm. Năm ngoái, tôi cũng được khán giả ấn tượng trong phim “Gạo nếp gạo tẻ", vai đó được ấn tượng nhưng không được khán giả yêu mến vì thấy ghét quá. May mắn năm nay, tôi vào vai bà Giang lại được yêu mến, được gọi là “Mẹ chồng quốc dân” luôn. Có nhiều người yêu mến tôi qua vai diễn và ấn tượng về tạo hình nhân vật của tôi. Nhiều người hỏi tôi mua đầm đó ở đâu đẹp vậy, rất hợp vai. Trước khi nhận vai tôi đã xem kịch bản và nghiên cứu trước. Khi đó, ông xã hỏi tôi sao ngủ trễ vậy, tôi đi quay về lại loay hoay hoài để làm tóc như thế nào cho hợp với nhân vật. Tôi bỏ ra mấy ngày đi khắp cửa hàng thời trang xuất khẩu vì ở đó đồ dành cho người lớn rất nhiều, lại rẻ nữa. Tôi tậu một vali mang theo, mấy người trong đoàn hay trêu tôi: “Mẹ Giang điệu đà nha". Tôi đầu tư rất nhiều cho phim này vì phim quá hay. Vai bà Giang cũng rất dễ thương, đầu tư trang phục, ngoại hình để vai diễn càng tốt hơn nữa.
Theo tôi một diễn viên ngoài diễn xuất, tạo hình nhân vật cũng rất quan trọng, chiếm đến 40-50%. Nếu diễn xuất tốt nhưng không đầu tư cho ngoại hình cũng bị mất điểm. Tôi từng vấp phải trường hợp này. Vai đó tôi không đầu tư cho trang phục do ba tôi mất, tôi không kịp chuẩn bị trang phục được. Tôi nghe cô giám đốc sản xuất Mai Liên, vợ đạo diễn Quốc Thuận nhận xét khiến tôi nhớ hoài: “Chị Quỳnh diễn xuất rất tốt nhưng em nhắc chị nhớ rằng, chị định hình phục trang và tóc tai nhân vật này không đẹp cho nên vai diễn này của chị bị mất 40% điểm nha chị. Lần sau chị nhớ trước khi lên vai, chị phải chuẩn bị phục trang, hoá trang, làm sao cho hợp với nhân vật”. Tôi buồn không phải vì lời nói của Liên mà tôi buồn cho bản thân tôi. Liên góp ý rất chân thành, tôi ấn tượng câu nói của Liên nên sau này tôi chuẩn bị chỉn chu từ ngoại hình. Tôi được khán giả khen vai mẹ chồng này một phần vì tóc tai, ngoại hình. Tôi cũng cảm ơn ông xã tôi vì anh chính là stylist của tôi. Mỗi một bộ đồ, mái tóc ông xã tôi đều rất kĩ và góp ý nhiệt tình.
'Chị Thanh Hằng và Thanh Ngân quá nổi tiếng, đi kế bên người ta đẩy tôi ra để được chụp hình'
Trước khi lấn sân sang lĩnh vực phim ảnh, chị là một cô đào hát tài sắc. Bây giờ nhìn lại sân khấu cải lương, chị cảm thấy thế nào?
Tôi rất mong ước nền nghệ thuật cải lương quay lại như cũ, gọi là hưng thịnh thì quá xa xôi. Tôi biết bây giờ nhiều khán giả vẫn còn yêu thích bộ môn này nhưng sự thật bộ môn không được nơi nào hỗ trợ. Một vở cải lương tập không đơn giản. Phim lại rất dễ, luyện tập miễn sao thuộc thoại, nắm tâm lý, quay không được thì quay lại nhưng một khi đã bước lên sân khấu tất cả đều phải đồng bộ. Diễn xuất, âm thanh, ánh sáng… phải đồng bộ, trải qua những quá trình rất gian khổ và công phu. Bây giờ, nghệ sĩ đều phải đi kiếm sống. Ai cũng chạy show nên để tìm được người chịu tập luyện với tôi như sân khấu ngày xưa rất khó.
Ngày xưa thời bao cấp, còn nghèo, không ai có việc gì ngoài đi hát nên họ rất rảnh rỗi để tập luyện, nhờ đó nghệ thuật cải lương mới được tốt, được giữ vững. Còn bây giờ ai cũng đi làm, diễn chỉ có ba cọc ba đồng, họ yêu nhưng thật sự không nuôi sống được họ nên bắt buộc nền cải lương càng ngày càng đi xuống. Tôi cũng nói thẳng các em nhỏ hiện tại yêu cải lương nhưng không biết cải lương là gì, thậm chí hát cũng không biết đang hát gì. Cải lương giống như những bài nhạc mà trong nhạc của anh Trịnh Công Sơn gọi là rắc co dòng, chỉ bấy nhiêu đó nhưng vẫn rất hay. Cải lương cũng có ngũ cung là: xàng, xê, liu, cống. Hát cải lương phải biết nhấn nhá ca nốt nào ra nốt đấy. Ca cải lương không phải đơn giản, phải hát, diễn thuyết phục khán giả mới nổi tiếng được.
Trong 4 chị em, chị cùng với Thanh Hằng và Thanh Ngân quá nổi tiếng. Riêng chị Thanh Ngọc lại hơi lận đận, không nổi tiếng như 3 chị em, điều đó có làm chị buồn không?
Nếu Thanh Ngọc theo đuổi nghề liên tục như ba chị em tôi chắc có lẽ cũng rất nổi tiếng. Vì Thanh Ngọc hồi nhỏ đã sở hữu một giọng hát rất tốt, hơi rất mạnh nhưng lúc đó Ngọc có gia đình sớm. Từ năm 17 tuổi, cô ấy đã có gia đình rồi sinh con, sau khi sinh lại đi làm kinh doanh chứ không nghĩ đến chuyện nổi tiếng. Giai đoạn đó Ngọc cũng rất mâu thuẫn, nhớ nghề, đi lại nghề rồi lại chuyển sang kinh doanh, kinh doanh xong lại trở về nghề. Nói chung quá trình nghệ thuật của Ngọc bị phân tán rất nhiều. Nghệ thuật phải theo đuổi liên tục. Có những khoảng thời gian, tôi rất muốn kinh doanh vì nghệ thuật cải lương hầu như bị mai một, tiếng cũng không có, tiền cũng không có. Tôi nghĩ: “Thôi, mình đeo đuổi nghệ thuật làm gì nữa, hiu quạnh quá".
Thời đó, chị Thanh Hằng và Thanh Ngân quá nổi tiếng, đi kế bên người ta đẩy tôi ra để được chụp hình với Thanh Ngân. Họ bảo: “Chị đứng nhích ra cho em chụp hình với chị Ngân. Em rất mến gia đình chị mà em ái mộ chị Thanh Ngân, Thanh Hằng nhất". Điều đó khiến tôi hãnh diện cho gia đình nhưng riêng với bản thân tôi rất buồn tủi. Không phải tôi ganh tị với chị em mình nhưng tôi hay tự hỏi: Tại sao số phận tôi lận đận? Tôi không đeo đuổi nghề vì mưu sinh của gia đình, tôi đi hát nhạc để kiếm tiền cho gia đình, tôi hy sinh một khoảng thời gian thanh xuân. Tôi định chuyển sang kinh doanh nhưng lửa yêu nghề trong tôi quá đậm, tôi không kinh doanh nữa. Tôi chấp nhận đeo đuổi và nghĩ đến ngày nào đó tôi sẽ được Tổ đãi. Nghệ thuật là vậy, được một cái gì đó đều mang ơn ông Tổ, ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng bây giờ cũng hay lên Facebook cảm ơn Tổ mỗi khi họ có được điều gì tốt đẹp. Chúng tôi rất tin vào Tổ. Ai nói gì tôi vẫn tin, nếu yêu nghề, lập tức nghề yêu lại, cho lại những gì tốt đẹp nhất.
Chị có cảm thấy nghệ sĩ cải lương tuy rất đa cảm nhưng lại lận đận chuyện tình cảm không?
Có chứ. Tôi nói không phải biện minh cho nghệ sĩ hay cho rằng nghệ sĩ bị đa sầu đa cảm. Thật sự khi diễn trên sân khấu, từng nhập vai trọng kịch bản nên biết được tâm lý của người khác. Ngay cả người chồng, người yêu cũng vậy. Khi yêu thấy tình yêu quá đẹp nhưng khi về sống chung, đôi lúc không ai hoàn hảo, lòi ra những thói hư tật xấu. Người nghệ sĩ lại bị nhập tâm, bước lên sân khấu. Đối với họ cái gì cũng hoàn hảo nhưng khi bước vào cuộc sống gia đình lại có nhiều cái không vừa ý, lập tức mâu thuẫn ngay trong gia đình. Khi mâu thuẫn không dằn lại được, lâu ngày thành một vết thương và sau đó bị vỡ tan.
Người ta hay nói nghệ sĩ lãng mạn là do môi trường gây ra. Người nghệ sĩ luôn có những cung bậc cảm xúc oà đến, không thể nào kiềm chế được. Tôi rất may mắn khi gặp ông xã. Anh ấy là người rất hiểu tôi. Khi đi làm bên ngoài tôi rất vui, rất tưng bừng với mọi người. Tôi cảm thấy nếu đi làm mà nặng nề, mang những gì của gia đình đến thì không nên, luôn luôn hoà nhập cộng đồng, luôn luôn mang đến tâm lý vui vẻ công việc sẽ vui và được mọi người yêu mến. Khi tôi về gia đình, tôi lại không dằn được, tôi hay trút giận, bực mình hay có những điều lặt vặt mà tôi không kiềm được cảm xúc, ông xã tôi là người hiểu tôi nhất. Đôi lúc ông xã tôi cũng bức xúc và phản kháng lại, những lúc đó giống như có gì đó dập tắt lửa nóng trong tôi. Tôi chợt nhớ ra: “Thì ra mình cũng quá đáng".
Những lúc tôi quá nóng giận, tôi bị áp lực công việc, ông xã tôi chính là người xoa dịu và hiểu tôi. Tôi rất biết ơn. Nếu ông xã không hiểu tôi, có lẽ chúng tôi đã chia tay từ lâu. Một lần xây dựng một gia đình mới cũng rất khổ cực, phải quay lại từ đầu từ kinh tế đến tình cảm, chưa kể con cái sẽ tiếp xúc với một người khác nữa, điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều và tôi không muốn nên thôi, tôi chấp nhận gia đình. Có nhiều bạn gái nói với tôi rằng cô ấy sợ lấy chồng, sợ có gia đình. Tôi nói: “Thôi, nếu sợ thì chấp nhận cô đơn, còn nếu không sợ cứ bước vào rồi sẽ thấy trong cuộc đời này có đủ cay, đắng, ngọt, bùi, hỷ nộ, ai, ố". Phải sẵn sàng chấp nhận và tự điều tiết cảm xúc của mình.
Giai đoạn khó khăn nhất của nghề hát là sân khấu không còn và tiền lương ít ỏi. Đó có phải giai đoạn khó khăn của chị và ông xã khi phải cân bằng kinh tế, nuôi con mà vẫn theo đuổi nghề diễn của mình không?
Có một đợt kinh tế khủng hoảng, tôi phải đi hát đám cưới ở vùng sâu vùng xa, có khi tôi phải đi vào những mồ mả mà người ta đang xây vì đám cưới diễn ra trong đó. Ban đêm đi vào khu mồ mả xa xôi như Tân Phú, tôi và ông xã sợ ma đến mức muốn quăng chiếc xe chạy về. Nhiều khi mưa gió, hai vợ chồng ướt nhẹp như chuột lột. Tôi vào hát mà cái đầm của tôi nước còn nhiễu giọt, khán giả thấy thương, họ nói: “Tội nghiệp ca sĩ quá vậy, ca sĩ đi xe mưa ướt"... Ông xã tôi ướt toàn thân. Thế nhưng ráng kiếm được ba đồng ba cọc để lo cho con đi học. Hồi con còn nhỏ, tôi cho con đi học Anh văn Anh ngữ Quốc tế rất mắc tiền. Con tôi còn học vẽ. Sau khi mua được căn chung cư nhỏ, hai vợ chồng tôi mừng lắm, không mơ ước xa xôi mua biệt thự, miễn sao có căn nhà che mưa che nắng cho vợ chồng, con cái sống hạnh phúc, điều đó tôi đã mãn nguyện. Bây giờ, tôi nghĩ nếu sống biết đủ là hạnh phúc vì càng mơ, càng muốn với tới càng mệt mỏi. Trên đời này có nhiều người khổ hơn tôi nhiều, từ cột mốc đó khiến tôi có nghị lực sống càng vươn lên. Cuộc sống của tôi chỉ biết làm việc và làm việc hiệu quả, đó là điều tôi thích hơn những điều mơ mộng viễn vông, cảm thấy công việc ít tiền quá không đi làm, đó mới là khổ.
“Bắt con trai không thương vợ mà đi thương mẹ nó hoài, điều đó vô duyên kinh khủng”
Với cuộc sống mưu sinh khó khăn, làm sao chị có nghị lực quyết tâm cho con đi du học?
Con tôi học tiếng Anh rất giỏi. Tôi lại chỉ có một đứa thôi. Khi tôi đưa con ra sân bay du học, bước vào phòng cách ly, con dáo dác tìm chỗ check-in, tôi đứng ngoài mà rụng rời tay chân, muốn xỉu, tôi nghĩ: “Thôi chết rồi, tại sao mình chỉ có một đứa con mà lại cho nó rời xa khỏi vòng tay mình vậy?” Còn về kinh tế tôi lại rất tự tin, tôi nghĩ cho con bung ra khỏi vòng tay vì sớm muộn con cũng rời khỏi vòng tay tôi. Tôi nghĩ vết thương nào cũng sẽ lành, tôi chịu cắt núm ruột để cho con sang nước ngoài du học. Nhiều khi con tôi điện về nói: “Mẹ ơi mẹ chưa gửi tiền kịp, con phải xin bánh của bạn con ăn, con đói bụng 3 ngày luôn". Đồng tiền tôi bỏ ra tôi không thấy tiếc. Ngày hôm nay con tôi ở nước ngoài có việc làm, được sống với nghị lực của chính mình trong khi con là cục vàng của chúng tôi. Tuy chúng tôi nghèo nhưng chúng tôi lo cho con rất đầy đủ, con muốn gì cũng có hết. Nhiều người hỏi tôi sao cho nó chơi game nhiều quá nhưng tôi biết con tôi rất biết cách tiết chế, chơi game nhưng có giờ học hành đàng hoàng. Con rất thông minh, còn nói với tôi: “Mẹ, con còn nhỏ, mẹ cho con tận hưởng hết tuổi thơ đi, sau này con lớn con đi làm, con không có thời gian để chơi nữa”. Tôi nghĩ việc thương con là phải chịu xa con để con có tương lai tự lo cho mình. Con đã là thanh niên, phải có lý tưởng để sau này còn lo được cho vợ con nó nữa.
Được gọi là “Mẹ chồng Quốc dân”, về tiêu chí chọn con dâu hay làm mẹ chồng, chị có giống bà Giang trong phim không?
Chuyện giàu có như bà Giang chắc là tôi không có, còn về hành động giống bà Giang tôi nghĩ tôi làm được 80%, 20% còn là chuyện hợp đồng hôn nhân chắc chắn không.
Trước khi tôi vào vai bà Giang, tôi cũng hằng mong ước có một cô con dâu sống thật. Trên cuộc đời không ai hoàn hảo cả, có thể vụng về, có thể không đẹp như người mẫu nhưng ít ra phải ăn nói có duyên một chút, phải biết để ý để tứ, còn vụng về hay không biết nấu ăn tôi vẫn thương. Tôi thương con dâu là lời thêm đứa con gái nữa, nếu cứ bắt con trai luôn phụng sự, có hiếu với tôi nhưng lại không thương vợ, điều đó tội nghiệp cho người phụ nữ. Tự nhiên căng thẳng với con dâu làm gia đình mất hoà khí. Hay tự nhiên bắt con trai không thương vợ mà đi thương mẹ nó hoài, điều đó vô duyên kinh khủng.
Bản thân tôi luôn nhõng nhẽo với ông xã, nhiều khi ông xã tôi đang ngồi tôi bất chấp sà vào lòng. Người ta hay nói tôi và chồng cả ngày cứ đeo dính như sam. Thôi kệ người ta, miễn sao mình sống trọn với tình yêu là được. Tôi nghĩ nếu con dâu tôi được con trai tôi cưng như ông xã tôi cưng tôi, điều đó càng vui. Phụ nữ cần có hạnh phúc tự nhiên lại đi ganh tị với con dâu, vậy cưới làm gì. Tôi luôn muốn con tôi tràn đầy hạnh phúc như tôi và ông xã, bù thêm vào đó, tôi phải vun đắp, thương con dâu để con dâu thương tôi, nếu không thương con dâu, nó bỏ đi thì sao. Con trai bỏ được nhưng con dâu sẽ thương và chăm sóc mẹ chồng như một đứa con gái ruột.
Con chị học và làm việc ở nước ngoài sẽ phải cưới người nước ngoài hay người Việt ở nước ngoài, không giữ được ngôn ngữ hay văn hoá Việt Nam. Chị có chấp nhận?
Tôi cũng đang lo về điều đó nhưng nếu có xảy ra cũng đành chịu thôi, con tôi chọn nên tôi đâu bắt buộc được. Người ta nói “ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên", tôi từng coi trong các bộ phim, thậm chí có những phim tôi từng đóng, tôi ghét nhất thể loại đó, luôn ép duyên. Có thể ngày xưa lúc hướng nghiệp thì ép được nhưng duyên do ông trời đưa đến phải chấp nhận. Về chuyện tuổi tác, tôi rất để ý vì tôi tín lắm, tôi sợ tuổi tác khắc nhau lắm vì tuổi tác không hợp có chuyện liền. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp, tuổi không hợp là không được. Con dâu tôi có vụng về, mập, xấu, lùn nhưng tôi vẫn thương. Con dâu nói chuyện hơi vô duyên chút xíu nhưng chân thành, thật thà, tôi thương. Riêng về tuổi tác không hợp, xung khắc, nguy hiểm đến hai đứa tôi sẽ tìm cách khuyên và cho chúng nó hiểu về vấn đề đó.
Cảm ơn nghệ sĩ Ngân Quỳnh về buổi trò chuyện này!