Muôn ngàn lời truyền về ngày giỗ tổ
Hàng năm, cứ vào ngày 11-12/8 Âm lịch thì những người làm nghề sân khấu (đặc biệt phía Nam) tổ chức giỗ tổ nghề rất trang trọng, thành kính. Từ năm 2010, Việt Nam đã chính thức lấy ngày 12/8 Âm lịch làm Ngày Sân khấu VN, nâng hoạt động này lên một tầm cao mới. Trong ngày này, một số sân khấu nhà nước ở miền Trung và miền Bắc cũng đã khôi phục nét văn hóa giỗ tổ nghề truyền thống.
Những nghệ sĩ xuất thân trong gia đình có truyền thống về sân khấu hoặc có tìm hiểu về tổ nghề đều biết giữ các mỹ tục xưa, nhất là trong việc ứng xử hòa nhã với “đồng môn” như ca kỹ, ăn xin… Nhiều nghệ sĩ khi muốn cho tiền ăn xin đều phải nhờ ai đó không làm nghề đưa giúp, bởi họ không muốn xúc phạm tổ và xúc phạm chính mình. Nhiều người còn tránh đến các khu đèn đỏ, dù đi du lịch ở các đất nước mại dâm được phép hành nghề, bởi theo họ, dính vào điều cấm kỵ này, về sau nghề nghiệp sẽ chẳng ra gì.
Hầu hết các nghệ sĩ đều hướng về ngày giỗ tổ. Dù bận rộn cách mấy, họ vẫn dành thời gian để sắm sửa lễ vật trang trọng đến dâng hương trước bàn thờ tổ. Bởi họ tin rằng nếu không kính tổ nghiệp thì sẽ làm ăn không ra, hoặc sẽ gặp những điều không may mắn, lận đận trong nghề. Vô tình những điều tâm linh này lại trùng khớp với những trường hợp đời thực. Những nghệ sĩ hoặc sân khấu lơ là, coi thường điều này, họ hay thất bại; vì thiếu căn cứ để kết luận nên xin miễn nêu tên ở đây. Những cụm từ cửa miệng cũng chỉ rõ điều này: “tổ độ” - dùng chỉ những nghệ sĩ thành tâm và thành công với nghề; “tổ trác” - thiếu nghiêm túc, thất bại, vô duyên; “tổ phạt” - vì hỗn láo, xấc xược với đồng nghiệp, khán giả mà bị vạ thân; “tổ lấy nghề” - phải bỏ nghề làm việc khác, dù trong lòng vẫn thích; “tổ hành” - phải đi ăn xin, điên loạn, phạm tội…
Nói về ngày giỗ tổ sân khấu, đến nay vẫn còn lưu lại rất nhiều truyền thuyết. Thế nhưng, câu chuyện được truyền nhiều nhất là truyền thuyết về “Hai ông hoàng mê hát”. Trên bàn thờ tổ hát bội có thờ tượng hai em bé mà theo truyền thuyết là hai hoàng tử. Vì hiếm muộn nên để tạ ơn trời đất đã ban cho mình hai đứa con, nhà vua bèn lập đoàn hát biểu diễn trong cung ca ngợi công ơn trời đất để tỏ lòng thành của mình. Không ngờ hai hoàng tử lại quá ham coi hát, thường xuyên trốn trong buồng coi hát và chết luôn trong buồng hát vào ngày 12/8 Âm lịch. Người nghệ sĩ mượn hai vị hoàng tử này làm hai vị thần phù hộ cho nghề hát và ngày mất của hai vị trở thành ngày giỗ Tổ.
Tính đến nay đã qua nhiều thập kỉ, nhưng nhiều làng quê vẫn còn thờ ông tổ sân khấu, ví dụ như ở xã Điện Minh (Điện Bàn, Quảng Nam). Nơi đây có một làng tên Xướng An, mà theo chiết tự có nghĩa là “nơi yên ổn của giới xướng ca vô loài”, gồm cả ca kỹ, ăn xin… Chuyện kể rằng, dân làng này vào Nam cùng thời với Đào Duy Từ (1572-1634), người đã “vượt biên” vào Đàng trong năm Ất Dậu (1627), là một ông tổ của sân khấu. Hàng năm, vào dịp cúng thành hoàng, dân làng Xướng An đi qua các làng kế cận để xin đồ ăn thức uống về làm lễ vật, ấy là cách nhắc nhớ truyền thống ca kỹ, ăn xin của mình, dù làng bây giờ đã khá giả.
Được mệnh danh là nghệ sĩ mê tín nhất showbiz Việt, Phương Thanh từng chia sẻ, có lần cô vô tình hát chênh phô (là hát không đúng cao độ của nốt nhạc chuẩn do nhạc sĩ sáng tác) trên sân khấu. Ngay lập tức, cô liền bỏ vào cánh gà để cúng tổ và cầu khấn để tổ nghề cho lấy lại giọng hát. Và điều đó đã được chứng nghiệm.
Không chỉ mình Phương Thanh, khá nhiều nghệ sĩ cũng tin tưởng về việc "Tổ độ". NSƯT Kim Tử Long cho biết, thường xuyên nhất là những khi nghệ sĩ gặp vấn đề sức khỏe, khan tiếng, mất giọng... cứ thành tâm khấn tổ là hát được ngay. Hoài Linh cũng là một trong những nghệ sĩ dành khá nhiều lòng tin vào sự linh thiêng của tồ nghề sân khấu.
Danh hài Hoài Linh cũng rất tâm linh và thành kính với tổ. Anh dồn mọi tâm huyết và sức lực để xây dựng nhà thờ tổ trăm tỉ. Ít ai biết, có thời điểm Hoài Linh không có lấy một show diễn, vậy là anh khấn tổ "Con không có tiền đóng tiền nhà, thanh toán bill (hóa đơn - PV), cầu mong tam vị thánh tổ thương, phù hộ cho con". Ngay sau đó, bầu show liên tục gọi cho Hoài Linh. Cũng chính vì điều này mà về sau, Hoài Linh nhất mực tin vào tổ nghiệp và dành trọn tâm sức để trả nợ Tổ.
Hoài Linh từng cho biết: “Nhiều năm dài trong quá trình đi diễn, tôi tích lũy được số vốn và hy sinh tất cả việc gia đình, con cái để đeo đuổi cái nghề. Tôi hy sinh tất cả cuộc đời cho sự nghiệp để bà con công chúng được vui. Cuộc đời cô đơn của tôi sống chỉ làm sao cho bà con được vui là tôi cảm thấy hạnh phúc. Nếu tổ nghiệp cho tôi cái gì thì tôi sẽ trả hết để có chỗ thờ cúng theo tâm linh ông tổ sân khấu. Làm nghề 18 năm, lúc nào lòng tôi cũng hướng tới tổ nghiệp và đó cũng là niềm mơ ước của anh em nghệ sĩ”.
Đố sao Việt nào dám phạm những điều này!
Cũng trong ngày giỗ tổ linh thiêng, bên cạnh những truyền thuyết về tổ nghiệp, nhiều nghệ sĩ lão thành đã cẩn thận truyền tai dạy dỗ các nghệ sĩ trẻ về những điều cấm kị khi cúng kiếng trong những show diễn.
Điều đầu tiên là loại quả bị cấm trên bàn thờ tổ. Đó là quả thị. Bất cứ nghệ sĩ nào cũng không được mang vào hậu trường các show diễn. Theo tương truyền, tổ nghiệp ngành sân khấu vốn là hai vị hoàng tử nhỏ tuổi nên nếu ngửi được mùi thơm của trái thị sẽ xao nhãng, không tập trung phù hộ cho nghệ sĩ nữa.
Không chỉ có quả thị, mía cũng là vật cấm không được mang vào phòng thay đồ, bởi trẻ con rất thích ăn mía. Nếu mang mía vào, vị Tổ này sẽ lao vào ăn mà quên chứng cho đêm diễn, dẫn đến việc nghệ sĩ bị quên lời khi bước lên sân khấu.
Điều cấm kị thứ hai là không được đụng đến trống chiêng vì cho rằng trống là bộ phận trong cơ thể ông tổ, cũng chỉ là một cách lý giải tâm linh cho việc giữ gìn đạo cụ sân khấu bởi nếu trống hỏng thì rất khó sửa chữa, nhất là đang lúc biểu diễn hoặc đang ở vùng xa xôi.
Theo lời NSƯT Thành Lộc, nghề có ba vị Thánh Tổ gồm Tiên Sư, Tổ Sư và Thánh Sư. Trong ba vị này có một người là ăn xin. Thế nên giới nghệ sĩ kiêng kị cho tiền vì họ nghĩ rằng cùng một ông Tổ không nên bố thí cho nhau. Họ có thể mượn tay người khác hoặc tự tay mua đồ ăn để cho chứ tuyệt nhiên không được bố thí tiền lẻ.
Và những câu chuyện tâm linh rợn người trong đám tang sao Việt
Từ những tương truyền khiến nghệ sĩ yêu kính và tôn thờ tổ nghiệp của mình. Tuy nhiên, điều này cũng khiến các nghệ sĩ nặng về tâm linh. Nhất là trong đám tang của những nghệ sĩ trẻ, nhiều câu chuyện khó lí giải đã được truyền miệng.
Trong đám tang Wanbi Tuấn Anh, mẹ Wanbi kể khi mới qua đời, nhìn anh tiều tụy và nhợt nhạt đi rất nhiều. Nhưng khi mặc bộ đồ mà anh thích nhất, gương mặt của chàng ca sĩ lại bất ngờ hồng hào trở lại như đang ngủ và trên đôi môi còn hé nở một nụ cười.
Vào buổi sáng khi tang lễ diễn ra, căn nhà của nam ca sĩ quá cố mất điện ít nhất hai lần trong khi xung quanh hàng xóm vẫn bình thường. Mỗi lần như vậy, mẹ anh lại hối hả đi ra bên quan tài con vì sợ "Bi có điều gì khó chịu". Lần thứ nhất, cổ áo của chàng ca sĩ bị dây một vài vết bẩn, nhưng lúc đó không thể thay đổi trang phục được vì đã liệm. Gia đình và người thân đã thắp nhang khấn vái, xin: "Bi chịu khó mặc tạm, vì giờ không thay đồ cho Bi được nữa." Chỉ ít phút sau, căn nhà có điện trở lại. Lần thứ hai mất điện, mẹ Wanbi lại giục người thân trong nhà tới bên quan tài của chàng ca sĩ trẻ xem có chuyện gì. Trên nắp quan tài, ngoài những bông hoa trắng còn có thêm một hộp quà nhỏ được đặt ngay ngắn bên trên. Khi người thân vừa nhấc hộp quà lên, điện vụt sáng trở lại trong sự kinh ngạc của tất cả mọi người có mặt. Đem ra phía ngoài, một fan nữ của Wanbi nhận mình là chủ nhân của món quà và thú nhận: "Chỉ muốn tặng anh Wanbi đôi mắt để anh có thể lành lặn đi tới thiên đường".
Đến đám tang ca nhạc sĩ Trần Lập cũng xảy ra điều kỳ lạ. Khi người bạn thân là MC Anh Tuấn dẫn chiếc xe motor của anh yêu thích ra để chạy tiễn biệt anh thì chiếc xe không thể nổ được máy dù mọi người đã dùng đủ cách. Cuối cùng, MC Anh Tuấn khấn trước di ảnh nam ca sĩ quá cố rằng: "Ông ơi, anh em ở đây hết để đi tiễn ông, ông về nổ máy cái xe để đi cùng anh em đi, đừng ở lại…". Ngay sau đó, chiếc xe lập tức nổ máy inh ỏi.