SAO » Chuyện làng sao

Nghệ sĩ cải lương mưu sinh đủ cách, về già bệnh tật không chỗ dung thân: Nguyên nhân mới xót xa bi thảm

Chủ nhật, 03/03/2019 21:15

Nhiều người thắc mắc vì sao các nghệ sĩ cải lương vang danh một thời và cả thế hệ hiện tại lại vất vả chạy từng bữa cơm nuôi thân, bệnh tật không thể tự trang trải? Tất cả đều có lí do nhưng vô cùng bất ngờ.

Mưu sinh vất vả, bệnh tật đeo mang, không chốn nương thân

Từ năm 1975, cải lương được xem là hình thức giải trí ưa chuộng nhất của miền Nam. Vào thời hoàng kim, các nghệ sĩ cải lương không khác gì những ngôi sao hạng A, những minh tinh đình đám. Họ nhận được sự yêu mến và ngưỡng mộ từ khán giả mộ điệu gần xa.

Tuy nhiên, đến đầu thập niên 1990, sân khấu cải lương bắt đầu thưa vắng khán giả, nhiều đoàn hát phải giải thể. Những suất diễn thưa thớt dần, không chỉ nhân viên hậu đài, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng vất vả tìm kế sinh nhai. Mãi đến nay, sân khấu cải lương vẫn thoi thóp tìm chỗ đứng cho mình giữa muôn vàn cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác. Những nghệ sĩ nổi tiếng, những ngôi sao một thời chỉ còn vài người trụ vững về kinh tế, có đời sống ổn định. Còn lại đa phần đều rơi vào tình trạng nghèo khổ, vất vả mưu sinh. Một thực trạng đau lòng là nhiều ngôi sao cải lương ngày nào nay phải làm đủ nghề nuôi thân.

Nghệ sĩ cải lương Trang Thanh Xuân từng nổi danh trên sân khấu cải lương phía Nam. Bà nổi tiếng với vai diễn Bạch Thanh Nga trong vở Máu nhuộm sân chùa. Thời thế thay đổi, cải lương mất thị phần trong làng giải trí của người dân, bà phải nghỉ hát, bán ngô luộc, bánh chuối chiên nuôi gia đình. Sau khi cha mẹ qua đời, em trai lấy vợ và ở rể, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân cùng em gái dắt díu nhau tới sống trong một căn phòng rộng chưa đầy 10 m2 tại khu nhà trọ dành cho dân lao động tại Q.9, TP HCM. Ở tuổi 50, cô đào tài danh ngày nào phải sống bằng nghề bán vé số, nhặt ve chai. Không chỉ thế bà còn mắc bệnh rối loạn tiền đình, hở van tim và thấp khớp. Với khoản chưa tới 60.000 đồng/ngày, bà phải sống rất tằn tiện, không đủ tiền mua thuốc nên phải dùng vải bó chặt đầu gối để đi lại mỗi khi đau nhức.

Nghệ sĩ cải lương Trang Thanh Xuân ngày nào giờ phải vất vả kiếm tiền mưu sinh

Nghệ sĩ Phi Hùng cũng từng là kép chính của đoàn cải lương Hậu Giang, Tây Đô. Ông từng đứng chung sân khấu với bậc tiền bối Diệp Lang, Minh Cảnh... Đến năm 1991, ông đành phải từ bỏ ca hát để mưu sinh bằng đủ nghề khác nhau. Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn chống nạng đi bán từng tờ vé lẻ, kiếm vài chục nghìn tiền lời để lo cho bản thân và người vợ đau ốm nằm nhà.

Nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh chọn công việc sơn móng dạo làm kế sinh nhai. Cách đây vài chục năm, bà từng là đào chính của các đoàn cải lương Việt Nam như Minh Vương, Tấn Tài, Hoa Đăng. Tên tuổi Hoa Mỹ Hạnh thời đó chỉ đứng sau Minh Vương, Lệ Thủy, Phương Bình... Bà từng nhận được sự ái mộ của biết bao khán giả. Vậy mà ngày nay lại rơi vào cảnh mưu sinh vất vả.

Không chỉ vất vả mưu sinh với bệnh tật trên người, nhiều nghệ sĩ tài danh một thời phải chọn cách vào viện dưỡng lão nghệ sĩ để có chỗ che mưa che nắng vì nhiều hoàn cảnh cơ cực khác nhau.

Nữ nghệ sĩ ưu tú Diệu Hiền từng là đào chính trong đoàn hát Thống Nhất của ông bầu kiêm danh ca Út Trà Ôn. Bà nổi tiếng gần xa với vai Triệu Thị Trinh trong vở Nhụy Kiều tướng quân và vai Bùi Thị Xuân trong vở Nữ tướng Cờ Đào. Bà nổi tiếng với danh hiệu "Đệ nhất đào võ cải lương". Hiện tại, bà bị bệnh tim, gai cột sống và thấp khớp, phải ngồi xe lăn. Bà và 10 người con cháu từng sống trong căn hộ chưa đầy 70 m2 mua hơn 20 năm trước. Để đỡ gánh nặng cho các con, bà quyết định vào viện dưỡng lão nghệ sĩ với số tiền trợ cấp ít ỏi. Thế nhưng, bà lại được gặp và chung sống với nhiều đồng nghiệp cùng thời trong những ngày về già. Đó cũng là chút an ủi cho người nghệ sĩ khi hào quang đã tắt.

Trường hợp của nữ nghệ sĩ cải lương Thanh Thế cũng thế. Bà sinh năm 1945 tại TP HCM trong một gia đình có truyền thống ca cổ. Mới 7 tuổi, bà đã đóng vai đào con trên sân khấu. 16 tuổi, nghệ sĩ trở thành đào chính trong đoàn Đồng Ấu Minh Tơ. Bà được khán giả yêu mến qua nhiều vai chính của các vở tuồng: Tình sử A Nàng, Phàn Lê Huê giáo tử, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Chung Vô Diệm, Bùi Thị Xuân... Vì lập gánh hát thất bại, cuộc sống gia đình rơi vào khó khăn tột cùng. Sau khi chồng bà là nghệ sĩ Bửu Truyện qua đời, bà vẫn đi hát các tỉnh lẻ để lo cho gia đình. Con trai và con dâu rất thương và lo lắng cho bà. Tuy nhiên, hiểu hoàn cảnh của các con khó thể nuôi và chăm sóc cho mình, bà quyết định vào viện dưỡng lão để đỡ phần nào cho các con mình.

Trên đây chỉ là vài hoàn cảnh tiêu biểu của các nghệ sĩ cải lương phải chịu cuộc sống cơ cực khi màn nhung khép lại, hào quang không còn. Không biết còn bao nhiêu người nghệ sĩ vì tự ái và tự trọng vẫn lẩn tránh đâu đó tiếp tục ôm ấp quá khứ vàng son, đối mặt với cuộc sống mưu sinh khốn khó.

Và nguyên nhân cũng lắm đoạn trường

Có nhiều lý do khiến các nghệ sĩ cải lương lâm vào cảnh khốn khó khi về già dù không thể phủ nhận trên đỉnh vinh quang những năm xưa, họ kiếm không ít bạc tiền. Thế nhưng, cũng trong hào quang đó lại phát sinh những nguyên nhân khiến người nghệ sĩ lâm cảnh đường cùng.

Đa phần nghệ sĩ cải lương đều xuất thân cơ hàn nên gánh nặng phụng dưỡng cha mẹ, chăm lo cho đàn em thơ khi họ nổi tiếng là không thể thoái thác. Bởi người nghệ sĩ khi đó sĩ diện, tự trọng và tình nghĩa lắm. Không lẽ mình sống trong nhung lụa lại nỡ để người thân màn trời chiếu đất. Nghệ sĩ Lý Lắc từng chia sẻ sự nổi tiếng đã khiến ông lạc lối. Thời hoàng kim, số tiền ông kiếm được đủ cho ông cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, ông không thể chỉ lo cho bản thân mình mà phải giúp gia đình. Nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh cũng phải gồng gánh chi phí chữa bệnh nan y cho người thân đến khánh kiệt. Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân không hề có tích lũy do tuổi trẻ làm được bao nhiêu, bà đưa hết cho cha mẹ cất giữ. NSƯT Diệu Hiền một mình cáng đáng cả gia đình, đến khi gặp biến cố, bệnh tật cũng trở nên trắng tay ở những năm tháng cuối đời.

Một số khác lại dính tới nghiệp làm bầu nên gia tài đành tan tác. Bởi thế giới nghệ thuật mới có câu khá đúng dành cho nghệ sĩ cải lương: "Đi buôn thì lỗ, làm bầu trắng tay". Từng có rất nhiều nghệ sĩ cải lương dẹp đi giấc mộng làm bầu chỉ vì những nguyên nhân: không có kinh nghiệm tổ chức; sự quán xuyến với vai trò quản lý đã chi phối lực diễn; không có cộng sự tốt dù là con cháu có tâm giúp đỡ… để rồi nhiều nghệ sĩ tán gia, bại sản vì nghiệp bầu như: Đức Lợi - Bạch Mai; Minh Vương; Minh Cảnh; Minh Phụng; Tấn Tài; Thanh Phong; Hùng Minh; Vũ Minh Vương; Tài Bửu Bửu, Kiều Hoa…

Nghệ sĩ Thanh Thế cũng đau lòng kể về nghiệp làm bầu của mình rằng: "Đúng là sau năm 1975, tôi là một đào chính nổi tiếng và có thu nhập cao ở Sài Gòn. Vợ chồng tôi sống sung túc trong ngôi nhà do cha mẹ tôi để lại. Mọi chuyện chỉ xấu đi khi chúng tôi lập đoàn hát Thanh Thế và gặp thất bại, phải bán nhà gán nợ. Chúng tôi chuyển sang ở ngôi nhà nhỏ hơn. Tôi vẫn tiếp tục theo các đoàn hát tỉnh để duy trì cuộc sống của cả nhà. Chồng tôi là đạo diễn Bửu Truyện, buồn khổ quá sinh chán nản và uống rượu dẫn đến ung thư. Tôi phải bán nốt ngôi nhà nhỏ trị bệnh cho chồng nhưng anh cũng không qua khỏi. Mẹ con tôi phiêu dạt đi ở trọ 16 năm nay, cứ nhà tăng giá lại tìm phòng trọ khác để chuyển".

Không chỉ gánh nặng gia đình, dính nghiệp làm bầu, các nghệ sĩ cải lương cũng vướng phải những thói hư tật xấu đến phá sản. Đó là mặt trái của sự nổi tiếng mà thời nào cũng gặp. Khi là những chàng kép, cô đào tài sắc lừng danh, khán giả ái mộ cung phụng đủ điều.

"Ông hoàng cải lương Hồ Quảng" Vũ Linh ngậm ngùi kể chuyện ham mê cờ bạc của ông một phần cũng từ sự hâm mộ thái quá của một bộ phận khán giả yêu mến ngôi sao: “Đã từng có một đại gia tặng tôi tiền tỉ để đánh bạc giải sầu, rồi ngỏ ý cho tiền trả nợ nhưng tôi từ chối. Bởi lẽ, mang ơn khi ngặt nghèo túng khó thì dễ trả chứ xin tiền để trả nợ bài bạc biết khi nào mới ngóc đầu lên được?”. Ngoài cờ bạc, Vũ Linh cũng suýt dính vào ma túy, thuốc lắc nhưng ông biết dừng lại đúng lúc khi nhận ra đứa con gái cưng của mình bỏ nhà đi bụi, vì thấy cha “cứ bỏ nhà đi chơi. Cha đi được thì con cũng... đi”. Thời điểm đó Vũ Linh như điên dại, chạy khắp nơi tìm con, mẹ anh hay tin lâm bệnh nặng và sau đó qua đời. Ngày anh tìm được con gái, đứng trước vong linh của mẹ, anh thề không bao giờ đụng đến lá bài. Máu đỏ đen suýt đốt cháy cả sản nghiệp, mà tội lỗi hơn là nó đã đẩy anh vào tội bất hiếu.

Nghệ sĩ Lý Lắc cũng từng thừa nhận, bản thân rơi vào thảm cảnh ngày nay là do khi kiếm được nhiều tiền, ông đã tiêu xài phung phí vào cờ bạc, rượu mạnh và chuyện tình cảm trai gái. Lối sống phóng túng là một trong nhiều nguyên nhân khiến tuổi già của nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội bị sự nghèo khó, cô đơn, bệnh tật đeo bám.

Có tài sản là một chuyện nhưng giữ được của cải tiền bạc lại là chuyện quá khó với người nghệ sĩ khi cuộc sống gạo chợ nước sông trôi nổi. Sau khi thoát gánh nặng gia đình, họ lại khó thoát những tệ nạn khiến bản thân lạc lỗi, rơi vào biển khổ như hôm nay. Âu cũng là cái nghiệp cầm ca đeo mang. Có vinh phải có nhục, có thăng phải có trầm.

Lam Khánh (Theo nld.com.vn)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới