SAO » Chuyện làng sao

“Ngọc Thố Tinh” - Lý Linh Ngọc 58 tuổi đi hát rong, tình sử trắc trở khiến người ta phải xuýt xoa: 'Đời có thăng cũng sẽ có trầm'

Thứ sáu, 18/06/2021 07:00

Cuộc đời của các diễn viên từng nổi tiếng khắp Châu Á qua một bộ phim kinh điển "Tây du ký" khiến cho chúng ta thấy được sự thăng trầm, thịnh suy khi trưởng thành mà ai cũng phải đối mặt.

Đời người vô thường, thăng trầm khó định

Gần đây có một bài báo khiến người ta phải tiếc nuối, có người đã vô tình nhìn thấy “Ngọc Thố Tinh” xinh đẹp nhất “Tây du ký” ngày ấy - Lý Linh Ngọc đứng trên sân khấu sập sệ, phông nền phía sau là hình ảnh trong bộ phim “Tây du ký” năm 1986, hình ảnh vô cùng sắc nét, rõ ràng. Nhưng cho dù là vậy, Lý Linh Ngọc vẫn phải cố gắng bươn chải, cô mặc bộ trang phục màu đỏ rượu vang, trông rất phấn chấn, trên tay còn cầm một chiếc micro cất tiếng hát.

Đáng tiếc, tuy giọng hát du dương và sự cố gắng biểu diễn của cô chỉ đổi lại được sự lạnh nhạt từ khán giả qua đường. Cũng vẫn còn một số ít khán giả vỗ tay, nhưng tiếng vỗ tay thưa thớt, khung cảnh tiêu điều đến đáng thương. Không chỉ có vậy, sau khi có người đăng video này lên cũng nhận được rất ít sự chú ý của khán giả, còn có một người bình luận rằng: Đây là ai?

Năm đó, Lý Linh Ngọc cũng là “nữ hoàng nhạc trữ tình” nổi tiếng một thời, nay lại rơi vào bước đường chẳng ai biết đến, thực sự khiến người ta phải xuýt xoa. Trước kia có một bài báo viết, Đường Tăng đẹp trai nhất trong “Tây du ký” ở tuổi 62 cũng phải ra ngoài hát rong kiếm sống. Những người gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ nay đều đã già rồi, nhưng lại chẳng thể bước kịp con đường kiếm sống tốt đẹp, chỉ có thể dùng hình tượng trước kia của mình để kiếm chút thu nhập ít ỏi.

Nghĩ thôi cũng thấy đau lòng. Đời người vô thường vậy đấy, có lẽ một giây trước, bạn vẫn còn đang hưởng thụ những vinh quang đỉnh cao, nhưng một giây sau đã bị số phận đả kích. Cho dù bạn có là người bình thường hay là nghệ sĩ ngôi sao, đứng trước những đắng cay của cuộc sống đều sẽ trở thành những đứa trẻ yếu đuối.

Trong cuốn “Cô độc trăm năm” có một câu như thế này: "Tất cả mọi điều xán lạn đã từng có trong cuộc đời, cuối cùng đều sẽ phải dùng nỗi cô tịch để trả giá. Cuộc đời vốn là một chuyến du lịch một mình, trước cô độc là mơ hồ, hoang mang, sau cô độc là trưởng thành. Con người mãi mãi không thể trốn tránh được, buộc phải đối mặt với hiện thực tàn khốc, cuộc đời thảm đạm". Tìm niềm vui trong nỗi đau khổ là chuyện thường trong cuộc sống, cho dù là kẻ sinh ra ở vạch đích hay là xuất thân bần hàn, mỗi một người đều đang phải lần mò, va chạm trong thế giới riêng của mình, tự mình chịu đựng mọi nỗi cô đơn, tiều tụy, thất vọng và đau khổ.

Sự bất định, không chắc chắn mới chính là chân tướng của cuộc đời

Đôi khi, số phận của con người thực sự rất khó nắm bắt. Mọi người đều biết, trong “Tây du ký” năm 1986 có vô số mỹ nhân. Trong đó, 3 người để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng khán giả đó là Thường Nga, Ngọc Thố Tinh và Quốc vương Nữ Nhi Quốc. Khâu Bối Ninh là người đóng vai Thường Nga, diễn xuất siêu phàm thoát tục, sắc lạnh như băng sương, không nhuốm mùi khói lửa trần gian, đạt tới mức độ hợp nhất hoàn hảo giữa diễn viên với nhân vật.

Lý Linh Ngọc đóng vai Ngọc Thố Tinh, hoạt bát, phóng khoáng, thêm vào đó là ca khúc “Thiếu nữ thiên trúc” lại càng khiến người xem ấn tượng. Chu Lâm đóng vai Quốc vương Nữ Nhi Quốc, đây lại là một nàng thơ trong lòng nhiều người, có thể coi là tuyệt thế mỹ nhân. Nhưng cuộc đời sau này của cả ba tuyệt thế mỹ nhân này lại không hề giống nhau.

Cuộc sống tình cảm của Chu Lâm rất trắc trở, nghe nói năm xưa phim giả tình thật với Từ Thiếu Hoa - người năm xưa đóng vai Đường Tăng. Đáng tiếc rằng hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình, cả hai cuối cùng lại chẳng thể đến với nhau thành giai thoại. Sau này, Chu Lâm còn có một cuộc hôn nhân thất bại, sau khi bị tổn thương quá nhiều, sau ly hôn cô vẫn luôn độc thân. Mãi cho tới khi 53 tuổi, Chu Lâm mới gặp được người chồng thứ hai của mình, nhưng đáng tiếc là, khi ấy tuổi đã cao, không thể sinh con được.

Khâu Bội Ninh đóng vai Thường Nga sau khi đóng “Tây du ký” xong cũng dần rút lui khỏi giới điện ảnh, bắt đầu con đường kinh doanh của mình. Trải qua 30 năm phấn đấu của bản thân, cô đã thành lập công ty riêng của mình, trở thành chủ tịch của một tập đoàn. Cuộc sống hôn nhân cũng rất hạnh phúc, còn có 2 người con. Hàng năm, Khâu Bội Ninh cũng dùng một phần tiền mình kiếm được đi làm từ thiện, cô đã quyên góp cho rất nhiều em học sinh nghèo khó khăn, đi khắp Trung Quốc để làm từ thiện, có thể ngang tầm với “Mạnh Thường Quân” của Hong Kong - Cổ Thiên Lạc.

Còn Lý Linh Ngọc sau phim “Tây du ký”, vì xinh đẹp, hát hay được mệnh danh là “Hoàng hậu nhạc trữ tình”. Sau đó cô cũng từng cho ra mắt các album cá nhân như “Ngọt ngọt ngọt”, “Hoàng hậu điềm ca”, “Cô bé ngọt ngào”,… Mỗi album đều có lượng tiêu thụ lên hàng triệu bản, hình ảnh ngọt ngào của cô gây ấn tượng sâu sắc với nhiều người. Thời kỳ đỉnh cao nhất, Lý Linh Ngọc đã từng lên sân khấu của chương trình "Chào đóng năm mới" (Xuân Vãn) của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc thể hiện ca khúc “Mục dã tình ca”. Tuy nhiên, ngay sau khi đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, Lý Linh Ngọc đã gặp được người chồng thứ hai của mình là Jerry, một thương gia người Canada.

Sau khi cả hai gặp gỡ, Lý Linh Ngọc đã di dân tới sống ở Canada, từ bỏ sự nghiệp đang phát triển rực rỡ của mình ở trong nước, cô còn sinh cho Jerry một người con trai tên là Jesse. Vì chồng và con, Lý Linh Ngọc đã lui về chăm sóc cho gia đình, rời khỏi làng giải trí nhưng cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài được 6 năm. Lý Linh Ngọc sau đó trở về nước thì nay mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn.

Nhưng chúng ta đều nên tôn trọng và kính phục lựa chọn này của cô. Ai cũng biết, một mình bươn trải không dễ dàng gì, cô quả thực là một người mẹ dũng cảm. Khi quay đầu nhìn lại, cuộc đời chính là như vậy, đầy ắp những điều bất định, không chắc chắn. Giống như trên mạng nói rằng: "Số phận chính là một chiếc xe buýt, anh và tôi lên xe ở những trạm khác nhau nhưng đều đi trên cùng một con đường, thậm chí có người còn chưa xem hết phong cảnh bên ngoài xe thì đã xuống xe rời khỏi từ lâu".

Haruki Murakami nói: “Cái gọi là cuộc đời, chẳng qua là một quá trình không ngừng mất đi. Rất nhiều thứ đáng quý, từng thứ từng thứ một, giống như chiếc lược bị gãy răng lược vậy, sẽ rơi khỏi bàn tay của bạn. Người mà bạn yêu thương, hết người này đến người khác cũng sẽ lần lượt biến mất khỏi bạn”. Một cử chỉ nhỏ bé vô tình trong khoảnh khắc nào đó của chúng ta, nhiều năm sau này có lẽ sẽ trở thành một dải phân cách quan trọng trong cuộc đời của chúng ta.

Trưởng thành thực sự là mỉm cười đối diện với nỗi đau

Trên mạng có một câu hỏi như thế này: Tiêu chí trưởng thành thực sự của một người là gì? Có người trả lời: Đó chính là có thể sống những ngày tháng hạnh phúc được thì cũng sẽ sống những ngày tháng khó khăn được. Mỗi người đều có những giây phút cảm thấy mình cuối cùng cũng đã đứng trên đỉnh cao của cuộc đời. Có thể là bạn được thăng chức, tăng lương, có thể là bạn có được nhiều danh tiếng vinh quang, cũng có thể là cuối cùng cũng đã mua được một căn nhà lớn của riêng mình.

Nhưng cho dù bạn đạt được thành tích gì thì cũng đừng có quá ngạo mạn, kiêu căng, cũng không được chủ quan chỉ lo cái lợi trước mắt mà không nghĩ tới tương lai lâu dài, cần phải biết tính đường lui mới có thể sống một cuộc sống yên ổn. Vì cuộc đời giống như con thuyền đi ngược dòng nước, không tiến thì ắt sẽ bị lùi, không thể nào mãi mãi tiến bước vững vàng như vậy được. Đợi đến khi tuột dốc, nếu như bạn quá yếu ớt, không muốn chấp nhận hiện thực thì điều đợi bạn phía trước chính là những nỗi khổ không đếm hết được.

Tôi có quen một người làm ông chủ, từng giàu có xa hoa, phong độ ngời ngời. Nhưng sau này đầu tư thất bại, nợ nần chồng chất, vợ bỏ con rời. Đến khi khó khăn gian nan nhất, để có thể mượn được vài triệu, thậm chí là vài chục tệ còn phải hạ mình quỳ gối cầu xin người khác. Anh hùng lúc yếu thế là lúc thê lương nhất. Cuộc đời chính là như vậy, luôn có lúc trầm lúc bổng, có lúc lên voi xuống chó.

Thế nên, đừng vì đi quen đi xe hơi thì coi thường người đi xe buýt, đừng vì sống quen ở ngôi nhà 120 mét vuông mà không thể sống được trong căn nhà 60 mét vuông, đừng vì có mức lương cao mà không thể chịu đựng được cuộc sống lương thấp. Những loại quả đắt tiền như cherry thì ăn ít đi cũng được, giá trị dinh dưỡng cũng ngang với táo, ăn thêm táo là được. Không đi du lịch nước ngoài được thì đi vài nơi ở trong nước cũng ổn mà. Chúng ta đều là những người bình thường, cuối cùng đều là theo đuổi hạnh phúc trong cuộc sống bình dị đó.

Có người từng nói, sự thật tàn khốc nhất của cuộc đời chính là: Con người sống cả cuộc đời sẽ luôn có những năm tháng “thịnh” và “suy". Khi tiền tài rủng rỉnh là “thịnh”, khi tài vận không tốt thì là “suy”. Khi làm gì cũng thuận lợi thì là “thịnh”, làm gì cũng vấp ngã, thất bại là “suy”. Lúc sức khỏe dồi dào thì là “thịnh”, lúc đau ốm bệnh tật lại là lúc “suy”.

Con người trong lúc thịnh thì đương nhiên sẽ đắc ý, sống tiêu dao tự tại, nhưng ngoài những sự đắc ý, tiêu dao ấy phải suy nghĩ cách sống cho lúc “suy”, phải để lại đường lui cho bản thân. Giống như tác giả Bạch Tiên Dũng đã nói: “Những thứ có được chưa bao giờ là sự ăn may, vô thường mới là trạng thái vốn có của cuộc đời, tất cả mọi sự trưởng thành đều bắt đầu từ sự mất đi”.

Cuộc sống khó khăn, mong bạn bình an

Lý Hồng Chương những năm cuối đời đã viết một câu đối. Vế đầu: Hưởng thanh phúc không phải là làm quan, chỉ cần trong túi có tiền, trong kho có gạo, trong bụng có văn thơ, ắt sẽ là tể tướng trong núi. Vế sau: Cầu sống thọ không cần phải uống thuốc, chỉ mong cơ thể không bệnh không tật, tâm vô ưu, nhà không có nợ nần thì được gọi là thần tiên trên mặt đất.

Đây chính là lời cảm ngộ cuộc đời của một vị trọng thần - một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử cổ đại Trung Quốc. Thực ra, trên đời này chẳng có cuộc đời nào là không có tai ương, hoạn nạn, mỗi người đều sẽ phải gánh vác những trách nhiệm nặng nề. Khi bạn cắn răng chịu đựng tiến bước trong bóng đêm đen, đừng quên rằng vạn vật đều có những vết nứt, chỉ cần có ánh sáng, cho dù là yếu ớt đến mấy cũng sẽ có hy vọng.

Thế nên, chấp nhận mọi sự tàn khốc của cuộc sống, chấp nhận sự bất lực của bản thân, không ngừng điều chỉnh, hoàn thiện bản thân, hạ thấp mọi sự kỳ vọng xuống, thản nhiên đối diện với mọi đau khổ mà số phận dành cho mình. Đây chính là môn học bắt buộc của mỗi người. Cuộc đời chính là không ngừng nhẹ nhàng buông bỏ, có khổ đến mấy, chúng ta cũng cần phải sống một đầy nhiệt huyết. Mong chúng ta bước về phía trước, vượt qua phong ba bão táp, gọt rửa mọi phong trần, cuộc đời sẽ tỏa sáng lấp lánh.

Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới