"Cưới một lần giống như tôi trả hiếu cho bố mẹ mình. Hiện tại, hãy cứ là tình nhân"
Chào Nguyễn Hồng Nhung, tính cách của chị khá thoải mái và phóng khoáng. Có phải điều này giúp chị dung hoà được tất cả các mối quan hệ, ví dụ như không yêu vẫn hát song ca thật tình cảm với Lâm Nhật Tiến?
Tôi và Lâm Nhật Tiến chưa bao giờ chạm vào nhau hay là người yêu của nhau. Chúng tôi chỉ là người tình trong âm nhạc. Chúng tôi có sự gần gũi hơn cả anh em trong gia đình. Ai gần với tôi cũng thấy tôi vui vẻ, hoà đồng, hay pha trò khiến họ cảm thấy dễ chịu, mang tiếng cười cho họ nên họ muốn gần gũi tôi. Nó phá tan sự xa cách ban đầu. Tôi mang năng lượng tốt cho người ta, hẳn họ cũng đáp lại cho tôi như thế. Tâm niệm của tôi là vậy.
Một người luôn lạc quan như chị, khi một mình có nỗi buồn sâu thẳm như bao nghệ sĩ khác không?
Chắc chắn. Người nghệ sĩ luôn cô đơn. Đó là lí do khiến các nghệ sĩ khó vượt quá bản thân mình. Đằng sau những ánh hào quang, nếu chúng ta không tỉnh táo sẽ dễ có suy nghĩ là: hào quang thuộc về mình, không ai bằng mình. Thậm chí trong tình cảm, mình cảm thấy phải làm được điều gì đó to lớn, được bao nhiêu người tung hô, yêu thích, nhất quyết phải tìm người xứng đáng. Thế là ế, ở vậy một mình suốt cuộc đời. Có những ngừoi nghệ sĩ ở Hàn Quốc tự tử, hay tìm đến rượu, ma tuy... vì họ quá cô đơn. Một phần nữa, người nghệ sĩ là không chấp nhận sự đào thải. Vì họ đang trên đỉnh cao. Giống như biểu đồ hình Sin, có đi lên cũng tất có ngày phải đi xuống. Nó xuống đến đâu, mình phải chấp nhận điều đó. Đi xuống trong huy hoàng, êm ái, bình an hay đi xuống trong sự kiệt quệ, mất hết tất cả? Người nghệ sĩ may mắn là có được tình cảm của số đông theo họ. Thậm chí có hẳn lượng fan cuồng vì mình, mặt áo in hình của mình, đặt tên con là tên của mình... Tuy nhiên, những điều đó đồng nghĩa với việc người nghệ sĩ nợ ơn của khán giả. Khi đã nợ thì phải trả sao cho đúng, đừng nghĩ mình xứng đáng được hưởng như thế mà quên trả.
Tôi suy nghĩ, bản thân đã có ngày hôm nay nên tiếp tục cống hiến. Khi nào về già, tôi sẽ kết thúc trong sự yêu thương để khán giả gặp lại còn cảm thấy tôi không chảnh, không phải thế này thế nọ, vẫn rất hoà đồng, dễ thương. Khi mình đã già đã xuống, không còn trong ánh hào quang, ít nhất khán giả vẫn nhớ ngày xưa đã từng yêu thương tôi. Nếu cố chấp sống ảo trong hào quang dẫn để thái độ chảnh choẹ, đến lúc về già gặp lại khán giả chắc chắn sẽ bị nói: “Cho đáng đời”. Điều đó mới là đau khổ nhất.
Câu chuyện của phần 2 lại là một Nguyễn Hồng Nhung rất khác: Một người phụ nữ dịu dàng ẩn sau vẻ ngoài cá tính, một người vợ cũ biết điều khi vun vén hạnh phúc cho người xưa và một người mẹ vĩ đại khi cùng con trai chiến đấu với căn bệnh tự kỷ.
Trên sân khấu, khán giả thấy một Nguyễn Hồng Nhung xinh đẹp, kiêu sa. Vậy về nhà sẽ là một Nguyễn Hồng Nhung như thế nào?
Khi về nhà, tôi là một người vợ, một người mẹ hết sức bình thường. Tôi lăng xả với con cái của mình như: tự tay tắm cho con, tự tay nấu ăn cho con... Tất nhiên trong nhà cũng có người giúp như bà ngoại hay người giúp việc. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn tự tay làm những điều đó vì là hạnh phúc của riêng tôi . Suy cho cùng dù phụ nữ có tài giỏi đến mấy ở ngoài xã hội nhưng về nhà, vẫn phải làm thiên chức của người mẹ. Đến giờ, tôi vẫn cảm thấy, tôi hạnh phúc khi có được niềm vui giản dị đó, dù con tôi khác với những đứa bé khác. Tôi phải bỏ nhiều thời gian cho con hơn. Mỗi ngày các con sẽ khôn lớn, trưởng thành và lập gia đình, chỉ còn trơ lạ hai ông bà già. Tại sao chúng ta không tận dụng lúc này để yêu thương và bên con? Nhiều người có tư tưởng tranh thủ đi du lịch hay trốn con đi chơi. Tôi ít khi nào nghĩ mình có thể rời con. Nếu không bay show xa, tôi chỉ muốn ở nhà với các con, lăn lộn dưới sàn để chơi cùng con. Bấy nhiêu thôi cũng khiến tôi sung sướng. Ngày thường, khi ra đường, tôi cũng lười trang điểm. Ở Mỹ, tôi đâu phải là ngôi sao Hollywood để phải thể hiện thế này thế kia. Tôi thoải mái dắt các con đi chợ, đi công viên, vui đùa trên bãi cỏ... Đó mới là cuộc sống, hãy sống với những gì đáng sống nhất. Ánh hào quang ở sân khấu không phải là cuộc sống thật.
Chị giữ được mối quan hệ bạn bè với chồng cũ. Khá hiếm người được làm được như vậy. Chị nghĩ như thế nào khi bản thân kết thúc một mối quan hệ lại đồng thời bắt đầu một mối quan hệ mới trên phương diện khác?
Một cuộc hôn nhân đến với tôi cũng đã từng yêu thương. Dù nó kết thúc như thế nào, mình hãy cư xử một cách văn minh, sống có trái tim, có tâm đạo, có tâm linh. Những cuộc ly hôn bao giờ cũng có tranh chấo tài sản nhưng với tôi thì không. Tôi sẵn sàng để cho đối phương lấy tất cả những gì họ cần. Tôi chấp nhận làm lại từ đầu. Tôi nghĩ, con người là quý giá nhất, tôi không giữ được, vậy những vật ngoài thân, tôi giữ làm gì? Khi chia tay, nếu người cũ có điều kiện, lỡ tôi xảy ra điều không may, con cũng có cha chăm sóc tốt.
Chúng tôi chuyển hoá mối quan hệ vợ chồng thành bạn bè là điều dĩ nhiên. Chúng tôi không tranh chấp. Tôi nuôi con. Về tình cảm, anh ấy là người muốn chia tay, tôi tôn trọng ý nguyện của anh. Tôi chỉ muốn chuyển hoá mối quan hệ sang tình bạn để cùng nhau, giúp đỡ nhau nuôi dạy con cái. Tôi là người thúc giục chồng cũ phải cưới người vợ mới sau này. Vì với tôi, đến một lứa tuổi nào đấy, người phụ nữ sẽ cần danh phận. Tôi đã có rồi nhưng tôi muốn chồng cũ của mình hạnh phúc bên cạnh ngừoi đàn bà xứng đáng. Tất nhiên, xuất phát điển là họ chọn nhau chứ tôi không chọn dùm họ. Thế nhưng, tôi thấy cả hai rất phù hợp với nhau nên tôi vung đắp thêm cho họ. Mẹ chồng cũ của tôi hay tâm sự với tôi: “Con ơi, buồn quá, thấy hai đứa nó thế này thế kia nên tội nghiệpcho cô bé kia”. Tôi lại nói chuyện với bà rằng: “Con sẽ nói chuyện với cả hai cho mọi chuyện suông sẻ. Mẹ đừng lo”. Hiện tại, họ đã kết hôn. Mẹ chồng cũ có chuyện gì cũng tâm sự với tôi. Khi tôi sinh con thứ hai là bé Su Kem, bà vẫn đòi vào chăm cho tôi. Tôi thấy mình hạnh phúc vì được nhà chồng cũ thương và bây giờ lại có thêm nhà chồng mới thương. Bây giờ, anh chỉ là bạn trai nhưng bố mẹ anh rất thương tôi. Tất nhiên, ông bà sống ở nước ngoài lâu năm nên tiêu chí thấy con sống hạnh phúc là vui.
Bạn trai của tôi sau này rất thoải mái khi tôi có những mối quan hệ bạn bè riêng tư, hay cả mối quan hệ với chồng cũ. Anh không bao giờ cằn nhằn hay nghi ngờ tình cũ không rủ cũng đến. Chúng tôi đối xử với nhau rất văn minh. Cuộc đời này ngắn lắm, làm được điều gì cho nhau cứ làm. Mình đầu biết điều gì phía trước để sau này hối tiếc. Đã không chung sống được với nhau, hãy chuyển hoá thành bạn bè. Có khó khăn gì trong cuộc sống cũng cố gắng giúp đỡ lẫn nhau. Bố mẹ sau ly hôn lại quay sang thù hận nhau thì người thiệt thòi là con của mình. Chúng nó đâu biết chuyện gì của người lớn. Chúng ta không nên mang các con ra hành hạ, dằn vặt. Tại sao không thêm bố hay thêm mẹ cho con mình để các con có thêm tình yêu thương?
Tại sao chung sống đã lâu, chị vẫn chưa chịu kết hôn với bố của Su Kem?
Anh có cầu hôn tôi nhưng tôi vẫn cứ để đó thôi. Tôi đã từng cưới một lần giống như tôi trả hiếu cho bố mẹ mình một lần. Gia đình bên chồng cũ của tôi từ Mỹ về tận Hà Nội mang trầu cau đến nhà, được cưới hỏi đàng hoàng dù tôi không có mặt ở đó. Điều này là hạnh phúc.
Hiện tại, tôi không muốn quan trọng hoá vấn đề. Đôi lứa khi chung sống với nhau không quan trọng chỉ là tờ giấy. Nếu vì sự ràng buộc trên giấy tờ: anh là chồng tôi hay tôi là vợ anh cho nên phải thế này thế kia, là điều không cần thiết. Sống với nhau, đối xử với nhau bằng tấm lòng, bằng trái tim và trân trọng nhau.
Nhiều người hỏi tôi tại sao không kết hôn với bạn trai hiện tại? Kết hôn mới có sự ràng buộc về tài sản chứ? Tôi bảo: “Không, tài sản lớn nhất của một dôi vợ chồng chính là con cái. Không phải vì tôi có điều kiện, có tiền mới suy nghĩ như thế. Nhiều người càng có tiền lại càng muốn giữ tiền, càng sợ mất tiền. Người không có mới không sợ mất. Với tôi, giàu tiền giàu bạc chẳng cho là giàu.
Chị không sợ người đàn ông của mình tủi thân vì đã cầu hôn nghĩa là anh muốn chị có vị trí hợp pháp trong tim lẫn trên pháp luật?
Anh ấy chiều tôi thôi. Đôi khi anh muốn nhưng anh lại xuôi theo mong muốn và suy nghĩ của tôi hơn. Tôi cảm thấy bạn trai của tôi là người có tâm và có đạo đức. Anh lúc nào cũng vì suy nghĩ và mong muốn của tôi để cố gắng theo tôi. Bù lại, tôi cũng phải đối xử với anh sao sao cho tương xứng. Tôi sinh con cho anh.
Người đàn ông đầu tiên đã cho tôi danh dự với gia đình, là người tôi trao gửi yêu thương. Tôi từng nghĩ đây là bến đỗ suốt đời và cho tôi môt đứa con trai kháu khỉnh. Cuối cùng, hết duyên hết nợ, nó qua đi. Người đàn ông thứ hai ghé vai gánh vác những khó khăn cùng tôi. Tôi mang ơn họ về tình yêu. Tuy nhiên, ở lứa tuổi của tôi sẽ không còn sự yêu thương nồng cháy. Những gì tôi đã trải qua, tôi không thể tim đập rộn ràng hay những biểu hiện quá khích. Một người đàn bà như tôi đã có những bài học, không dám nói là khổ nhất nhưng tôi đã vượt qua bằng chính nghị lực của mình. Tôi mong chờ sự bình an. Anh Quân là người mang đến cho tôi sự bình an sau những sóng gió. Anh phải rất yêu tôi mới có thể cho tôi được mọi thứ, mới có thể vì tôi quên đi bản thân mình. Một người phụ nữa đâu còn hạnh phúc nào hơn khi đã có một người yêu mình đến vậy. Có những cặp vợ chồng có sự nghiệp thành công nhưng lại xa cách về tình cảm. Vì cuộc sống thay đổi và con người cũng thay đổi. Nhu cầu của một người phụ nữ đã không còn như trước, họ cũng muốn người chồng của mình phải thay đổi. Hoặc người chồng cũng thế. Họ ra ngoài thấy nhiều cô trẻ đẹp, về nhà họ cũng người đàn bà của họ cũng thay đổi. Họ không thể chấp nhận vợ nhếch nhác vì chăm con chăm cái.
Tôi suy nghĩ giống như lời một bài hát: "Hãy cứ là tình nhân". Lúc nào cũng cảm thấy mình cần người đó và người đó cũng cần mình. Cả hai cùng cần nhau chứ không phải đã là vợ chồng thì kiểu gì cũng phải nghe đối phương. Hãy bỏ ngay tư tưởng đó. Chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau, người này phải luôn vì người kia mới giữ được hạnh phúc.
Gia đình hai bên có hối việc kết hôn của anh chị không?
Mẹ tôi đồng quan điểm với tôi. Mẹ tôi bảo, làm sao miễn cảm thấy bình an là được. Về phía nhà anh Quân, chắc chắn ông bà cũng muốn danh chính ngôn thuận. Quan điểm hai gia đình khác nhau. Bố mẹ anh Quân cực kì dễ thương. Ông bà biết tôi là người của công chúng nên không bao giờ muốn làm điều gì ảnh hưởng đến tôi. Tôi tôn trọng ông bà. Cha mẹ hai thân như nhau, kể cả bố mẹ chồng cũ tôi vẫn chăm sóc bình thường. Có thể đời sống của tôi mất mác quá nhiều trong tình cảm nên giờ đây, tôi chỉ muốn được bù đắp bằng tình cảm thôi. Có thể, tôi hơi tham lam. Tôi không quan trọng về thủ tục, phải thế này hay thế khác. Tôi chỉ muốn có thêm ba mẹ, có thêm người yêu thương chứ không muốn bớt.
Tôi đi chùa, ai hỏi tôi cầu điều gì? Tôi chỉ cầu bình an, hạnh phúc, sức khoẻ cho tôi lẫn tất cả người thân yêu để tôi gánh vác những khó khăn cho họ.
"Tôi phát hiện con mắc bệnh tự kỉ từ lúc tôi và bố của bé ly hôn với nhau"
Con của chị có biết mẹ mình là ca sĩ nổi tiếng không?
Không. Bé Skyler bị tự kỉ nên mỗi lần thấy mẹ hát trên tivi, bé sẽ chạy ra tắt. Ai hát cũng được nhưng tôi hát là con lại tắt. Chắc có lẽ, mỗi lần tôi đi xa, Skyler nghĩ vì ca hát nên mẹ xa mình. Một em bé tự kỉ đến nói còn khó khăn, tôi không biết trong đầu Skyler nghĩ điều gì? Tôi chỉ biết mỗi ngày cùng con vượt qua, cố gắng cho con có cuộc sống bình thường thôi.
Skyler bắt đầu mắc bệnh tự kỉ từ khi nào?
Từ lúc Skyler 2 tuổi rưỡi đến giờ đã 7 tuổi. Tôi phát hiện con mắc bệnh tự kỉ từ lúc tôi và bố của bé ly hôn với nhau. Hai việc đó đến cùng một lúc. Thời điểm đó, tôi chỉ có mỗi một việc là tập trung chăm sóc cho Skyler, không phải dành tâm trí cho chuyện ly hôn.
Khoảng thời gian đó hai mẹ con vật lộn với bệnh tự kỉ của bé có vất vả lắm không?
Có những đêm, tôi phải ngồi ôm Skyler cả đêm và thức trắng. Khi em bé bị tự kỉ, con rất khó ngủ. Cứ bật dậy là lại khóc vì mới hơn hai tuổi. Cứ nằm xuống, con lại không chịu. Tôi phải ngồi đong đưa để con áp vào người ngủ ngon hơn. Đến bây giờ, thi thoảng con lại thế, tôi vẫn thức cùng con đến sáng. Những khoảnh khắc đó lại vô cùng quý giá đối với tôi. Ít nhất, tôi cũng cảm thấy mình chạm đến nỗi đau của con mình, cùng chia sẻ với nó.
Hiện tại, sức khoẻ của Skyler tiến triển như thế nào, có tốt hơn chưa?
Skyler bây giờ đã biết tự múc ăn nhưng thức ăn vẫn phải xay nhuyễn. Vì bé không biết nhai, chỉ nuốt chửng. Bé không ăn gì khác, cũng không uống nước ngọt hay nước trái cây, chỉ uống nước lọc và sữa. Bé biết tự đi vệ sinh nhưng tắm thì vẫn phải mẹ tắm cho. Con cũng không nói nhiều. Con cần cái gì nói vài từ về cái đó, không nói được cả câu dài. Tôi nói chuyện con hiểu, nhưng đôi khi có những điều con vẫn chưa hiểu. Khi tôi đưa Skyler ra ngoài những nơi đông đúc như quán cafe, chắc chắn con sẽ không ngồi yên. Mỗi lần đi máy bay rất cực nhưng dù đi đâu, tôi vẫn muốn cho con đi cùng. Tôi muốn mang thiên nhiên đến cho con và muốn con cảm nhận được không khí gia đình. Tôi cùng với anh Quân, Su Kem và Skyler hay đi du lịch mỗi khi rảnh rỗi. Một mình Skyler bằng bốn em Su Kem.
Skyler bây giờ phải học nói, học cách cư xử với xã hội. Con cũng phải học cách tương tác, giao tiếp với những người xung quanh. Dần dần, con cũng có tiến triển nhưng không thể ép con tốt lên chỉ ngày một ngày hai. Khi tôi đi show, Skyler cũng có thầy cô đến nhà dạy. Con cũng đi học ở trường bình thường nhưng lớp đặc biệt. Những em bé tự kỉ rất thông minh. Skyler có một năng khiếu là thích đánh trống và chơi rất giỏi. Tôi có tìm hiểu và có pháp đồ điều trị riêng của các em bé tự kỉ. Em não cũng có công năng riêng, những thứ khác lại không phát triển. Điểm chung là tăng động và không chịu ăn. Tôi có lập ra một hội những cha mẹ có con tự kỉ để chia sẻ như diễn đàn để học tập lẫn nhau, giúp các con bớt tăng động... Tôi đang nghiên cứu và muốn khi về Việt Nam sẽ mở được một hội kết hợp với cha mẹ và trung tâm có con tự kỉ.
Bạn trai có phụ chị chăm sóc cho Skyler không?
Anh Quân là người chăm sóc chính cho Skyler. Anh cùng với bà ngoại lo cho Skyler và Su Kem nhiều nhất. Nhà tôi cũng có người giúp việc nhưng họ không thể làm được thay cha mẹ. May mắn cho tôi là anh Quân thương Skyler từ khi chưa có Su Kem. Đén giờ đã có Su Kem, anh vẫn thương và chăm sóc Slylẻ như thế. Mỗi buổi sáng, anh dậy sớm đưa Skyler đi học để tôi ngủ đủ, giữ sức khoẻ. Buổi trưa, anh cũng đón Skyler đi học trường khác. Buổi chiều anh lại đón con về. Khi tôi không có ở nhà, anh Quân là người lo lắng tất cả mọi thứ. Anh ấy còn tắm và cho Skyler ăn.
Chị thấy tình cảm giữa Skyler và anh Quân như thế nào?
Rất gần gũi. Nhiều khi ba của Skyler sang đón, con còn không muốn về. Skyler thương chú Quân và có một sự gắng kết. Đó là điều tôi rất mừng. Tôi cũng kĩ tính, nếu người đàn ông không thương con mình, chắc chắn tôi không ở cùng vì tôi không phải người cần đàn ông. Tôi từng suy nghĩ sẽ sống với Skyler đến già cũng không thành vấn đề. Anh Quân quá tốt nên tôi cảm động.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!