SAO » Chuyện làng sao

Những mất mát to lớn của showbiz Việt trong 3 tháng đầu năm 2021

Thứ bảy, 06/03/2021 07:22

Chỉ vỏn vẹn 3 tháng đầu năm 2021, làng giải trí Việt đã phải trải qua những nốt trầm buồn đáng tiếc. Khán giả cả nước vô cùng bàng hoàng khi chứng kiến sự ra đi đột ngột của hàng loạt nghệ sĩ có tâm với nghề.

Vẫn biết "sinh, lão, bệnh, tử" là quy luật hà khắc của tự nhiên, thế nhưng thông tin loạt nghệ sĩ đã giã từ cõi đời không một lời tạm biệt đã khiến công chúng không khỏi xót xa, đau lòng. Mất mát chồng chất mất mát, đau thương nối tiếp đau thương, những chỗ trống trên sân khấu cũng như trong tim người hâm mộ giờ đây thật khó để lấp đầy.

Danh ca Lệ Thu

Lệ Thu sinh ngày 16/7/1943, tên thật là Bùi Thị Oanh. Bà là một trong những giọng ca hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam. Tiếng hát của Lệ Thu lan tỏa với các ca khúc của Phạm Duy, Cung Tiến, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương, Trường Sa... cũng như nhiều nhạc phẩm tiền chiến, tình khúc 1954-1975 khác. Năm 1980, bà sang Mỹ định cư cùng gia đình và vẫn duy trì đam mê ca hát cho đến nay. Vào ngày 15/1 vừa qua, khán giả cả nước vô cùng bàng hoàng khi nhận được thông tin nữ danh ca nổi tiếng một thời bất ngờ qua đời sau gần 2 tháng chiến đấu với Covid-19, hưởng thọ 78 tuổi.

Danh ca Lệ Thu qua đời trong niềm tiếc thương vô hạn của nhiều khán giả.

NSND Trung Kiên

Nghệ sĩ Trung Kiên sinh năm 1938 tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Ông cũng từng là ca sĩ đầu tiên trình diễn 5 bản Romance của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc vào năm 1978. Giọng ca đẹp của cố nghệ sĩ gắn liền với dòng nhạc cách mạng và các bài hát nổi tiếng như: Đất nước trọn niềm vui, Phất cờ Nam tiến, Cô lái tàu, Tình ca, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Chào sông Mã anh hùng, Bài ca Trường Sơn. Không chỉ vậy, NSND Trung Kiên từng có khoảng thời gian giữ chức vụ thứ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin. Ngày 27/1, tại thủ đô Hà Nội, ông qua đời vì căn bệnh tai biến mạch máu não, hưởng dương 83 tuổi.

NSND Trung Kiên là một cái tên quen thuộc với những người yêu nhạc cách mạng.

Nghệ sĩ Chiêu Linh

Nghệ sĩ Chiêu Linh tên thật Trần Văn Su Ky, sinh ngày 7/7/1966. Ông học ca cổ và tham gia phong trào đờn ca tài tử từ nhỏ. Bên cạnh đó, ông cũng có thời gian gắn bó với các đoàn cải lương: Long Châu, An Giang, Đất Thép, Trần Hữu Trang… Nỗ lực phấn đấu từ vai kép ba, lên kép nhì rồi kép chánh, ông được các soạn giả, đạo diễn nhận xét là "anh kép hiền như cục bột", chịu khó học nghề và miệt mài lao động nghệ thuật. NSƯT Tâm Tâm cho biết Chiêu Linh bị nhồi máu cơ tim, dù được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu nhưng ông đã trút hơi thở lúc 11 giờ 48 phút ngày 2/2 ở tuổi 55.

Nghệ sĩ Chiêu Linh từng "làm mưa làm gió" với những màn trình diễn ấn tượng trên các sân khấu cải lương.

Nhạc sĩ Hồ Bắc

Cố nhạc sĩ Hồ Bắc sinh ngày 8/10/1930 tại Bắc Ninh. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, 15 tuổi đã là cán bộ Việt Minh phụ trách Thiếu nhi tuyên truyền cách mạng. Sau đó, Hồ Bắc vào bộ đội và là cán bộ âm nhạc của Văn công sư đoàn 316, Tổng cục Hậu cần. Ông là tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng như: Làng tôi, Bên kia sông Đuống, Gặt nhanh tay, Bến cảng quê hương tôi.... Từ năm 1956, cố nhạc sĩ chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam và làm việc ở đây cho đến khi nghỉ hưu. Theo thông tin từ phía gia quyến, ông qua đời tại nhà riêng lúc 3h sáng 8/2 vì tuổi già sức yếu, hưởng thọ 92 tuổi.

Nhạc sĩ Hồ Bắc là chủ nhân của hàng loạt ca khúc nổi tiếng thời xưa.

NSND Hoàng Dũng

NSND Hoàng Dũng sinh năm 1956 tại Hà Nội. Không chỉ là một diễn viên tài năng và hoạt động trên nhiều lĩnh vực kịch, truyền hình, điện ảnh, cố nghệ sĩ còn giữ chức Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội (2007-2017). Năm 2007, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Được biết đến là một diễn viên đa màu sắc, ông luôn khiến khán giả phải ngưỡng mộ tài năng diễn xuất của mình trong mỗi lần đảm nhiệm vai diễn mới, đặc biệt phải kể đến "ông trùm Phan Quân" trong bộ phim ''Người phán xử'. Ngày 14/2 (Mùng 3 Tết nguyên đán) vừa qua, NSND Hoàng Dũng đã giã biệt cõi đời sau khoảng thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư, hưởng thọ 65 tuổi.

Thông tin NSND Hoàng Dũng qua đời đã khiến hàng triệu khán giả yêu phim không khỏi đau lòng.

Diễn viên Hải Đăng

Nguyễn Hải Đăng sinh năm 1986 và tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM. Từng là thành viên nhóm nhạc Rainbow Boys rồi bất ngờ chuyển hướng sang làm diễn viên, Hải Đăng đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với khán giả trong loạt phim như: Ra giêng anh cưới em, Thám tử tình yêu, Phiên khúc đoàn viên, Sắc đẹp dối trá...Rạng sáng 17/2, Kim Hoàng - bạn gái của Hải Đăng thông báo anh đã qua đời vì đuối nước. Thông tin này được giới nghệ sĩ chia sẻ rầm rộ. Các nghệ sĩ Hoài Linh, Trịnh Tú Trung và nhiều bạn bè của diễn viên Hải Đăng lên tiếng chia buồn.

Chàng diễn viên tài năng nhưng xấu số đã lìa xa cõi đời vì tai nạn vô cùng thương tâm.

NSND Trần Hạnh

Nghệ sĩ Trần Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội, là nghệ sĩ sân khấu và diễn viên gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam. Ông là một trong số những người đầu tiên nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú do nhà nước trao tặng năm 1994. Sau hơn 20 năm, cho tới ngày 29/8/2019, ông chính thức được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Nhắc về một thời huy hoàng, ông nổi tiếng với các vai diễn được khán giả nhiều thế hệ yêu quý, như ông bí thư đảng ủy trong phim Làng nổi, bố An trong phim Truyện cổ tích tuổi 17, bố Lài trong Tướng về hưu, ông Khiển trong phim Người cầu may, ông Lâm trong phim Chiếc bình tiền kiếp, bố Mai trong phim Hãy tha thứ cho em...Con gái NSND Trần Hạnh cho biết, ông qua đời lúc 2h50 sáng 4/3 vì tuổi già sức yếu, hưởng thọ 93 tuổi.

NSND Trần Hạnh từng ghi dấu ấn mạnh bởi những vai diễn sâu sắc và đầy tính nhân văn.

Anh Thư (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới