Johnny Trí Nguyễn và Hoài An: Dạy võ kiếm tiền "khủng"
Mọi người thường bảo: "Dạy võ không đủ cái ăn, cái mặc", nhưng nếu ứng nhận định này với diễn viên Johnny Trí Nguyễn và nhạc sĩ Hoài An hoàn toàn… sai lầm.
Chính Cung Lê, nhà vô địch thế giới không có đối thủ, khi đến thăm võ đường củaJohnny Trí Nguyễn cũng phải kinh ngạc vì sự đầu tư hoành tráng không kém phần đẳng cấp của một lò võ 5 sao. Từ phòng tập tạ với dụng cụ hiện đại nhất, đến một chiếc lồng sắt đấu võ đúng tiêu chuẩn quốc tế, một thảm tập chỉ có trong mơ đối với các võ sinh.
Nếu nghĩ Johnny Trí Nguyễn chỉ chiêu sinh dạy võ tìm kiếm nhân tài đóng phim hành động, coi chừng lầm. Việc đầu tư vào võ đường Liên Phong của anh không đơn giản, dù mức kinh phí vẫn còn đang bí mật.
Qua giải đấu võ nhân dịp Tết Trung thu do anh tổ chức vừa qua với sự tham gia của gần 80 võ sĩ, có mặt khá đông đảo các ngôi sao Tăng Thanh Hà, đạo diễn Quang Dũng, Nguyễn Tranh, Charlie Nguyễn, Nhung Kate… và việc xuất hiện hàng loạt nhà tài trợ trên băng rôn – áp phích đủ thấy lợi nhuận thu được từ việc dạy võ này hấp dẫn như thế nào.
Tuy trên danh nghĩa, dạy võ để mở mang kiến thức, tăng cường sức khỏe, nhưng khó ai đoán được lợi nhuận Trí Nguyễn thu về là bao nhiêu. Không phải ngẫu nhiên anh đầu tư một võ đường siêu sang như thế.
Còn Hoài An, ít ai biết tay nhạc sĩ sở hữu thu nhập cao nhất những năm 2000 với hàng loạt ca khúc hit Tình thơ, Biết yêu khi nào, Cung đàn tình yêu, Khúc Tương phùng, Trương Chi – Mỵ Nương… lại kiêm thêm nghề dạy võ. Cứ đều đặn, tuần ba buổi, người ta thấy anh xuất hiện ở trung tâm Bình Thạnh dạy côn nhị khúc, loại binh khí đặc biệt của thần tượng Lý Tiểu Long.
Và có lẽ, chẳng ai biết Hoài An được liệt vào hàng cao thủ đánh côn hay nhất ở Việt Nam. Những động tác hoa mỹ, phức tạp, nhưng đầy hiệu quả trong chiến đấu đã chinh phục hầu hết các võ sinh muốn tìm đến để thử thầy.
Sau khi mục kích tận nơi, tâm phục khẩu phục, Hoài An sẵn sàng nhận rất nhiều học trò ngoan không phải đóng học phí. Với những võ sinh, võ sư khá giả, giá học phí tương đương với một ca khúc hit là 1.000 USD. Câu chuyện cứ tưởng như đùa, nhưng khi chứng kiến học trò của anh không chỉ có trong nước mà cả hải ngoại cũng tìm đến thọ giáo, người ta mới hết hồn với thu nhập "khủng" đến từ lò dạy võ của anh.
Lê Văn Nghĩa: Mở xưởng giấy nuôi nghề diễn
Tay thủ lĩnh Kòn Trô trong Sương gió biên thùy được biết đến như một võ sư thứ thiệt của làng võ Việt Nam khi anh từng đảm đương chức vụ Chủ tịch liên đoàn taekwondo TP.HCM, nhưng để kiếm tiền nuôi ước mơ phim ảnh suốt gần 20 năm qua, anh lại nhờ vào kinh doanh văn phòng phẩm.
Chịu khó từ những ngày vất vả bán ở lề đường Lê Lợi, anh cùng người vợ tích góp, đầu tư một xưởng sản xuất giấy ở quận 8. Đây cũng là nơi lý tưởng dành cho anh em diễn viên trong đoàn phim Sương gió biên thùy tập luyện nhiều tháng liền.
Hiện giờ, với phương châm chậm mà chắc, anh dần tiến lên tận Bình Dương để xây dựng cả một nhà máy chế biến giấy với hệ thống khép kín sản xuất tập vở, văn phòng phẩm mang thương hiệu Thành Công. Đây là thương hiệu nhiều năm liền đoạt huy chương vàng, cúp vàng về chất lượng sản phẩm và uy tín.
Mai Thu Huyền: Giám đốc sản xuất phim
Cô Trúc của Những ngọn nến trong đêm ngày nào nay đã trở thành giám đốc sản xuất phim chuyên nghiệp. Dù nhan sắc vẫn còn mặn mà, nét diễn xuất vẫn còn tinh tế nhưng các vai diễn trên phim đã từ từ bị cô từ chối, bởi vai trò đầu tàu cho công việc sản xuất phim gần như chiếm hết thời gian của Mai Thu Huyền.
Hàng loạt bộ phim truyền hình cũng như phim chiếu rạp Xin thề anh nói thật, Lập trình cho trái tim, Gia sư nữ quái, Chít và Pi, Lời thề danh dự, Bước chân hoàn vũ, Chuyện đời, Sóng gió thương trường, Những cuộc tình trắng đen, Vòng tròn cạm bẫy… đều do cô đảm trách.
Có chứng kiến cô phụ trách họp báo, gặp gỡ giới truyền thông, chỉ huy phim trường rồi chỉ đạo từng công việc như casting chọn diễn viên, lựa kịch bản, liên hệ Đài truyền hình và hàng khối công việc không tên khác nhau, mới thấy được sức chiến đấu của cô dẻo dai như thế nào.
Một phụ nữ xinh đẹp trên phim trường, một doanh nhân thành đạt với vai trò giám đốc sản xuất, Mai Thu Huyền cho thấy ngoài nghề diễn viên xuất sắc cô vẫn có một khả năng lãnh đạo khá tài tình.
Huỳnh Du: Bán mắt kính từ đời đến phim
Huỳnh Du tham gia phim từ những năm 80, thời của đạo diễn NSND Hồng Sến, Huy Thành, Lê Hoàng Hoa và là người chuyên trị vai ác trong các bộ phim: Truy tìm dấu vết, Đôi mắt ân tình, Con tàu không số, Cầu ông me, Lòng dạ đàn bà, Tham vọng…
Bất kỳ diễn viên nào trong các đoàn phim đều nể tài xem mắt kính của anh. Chỉ cần liếc sơ, anh biết ngay kính xịn hay dỏm, có từ đời nào, của hãng nào, giá bao nhiêu. Gương mặt của ông hội đồng đeo mắt kính loại nào, tiểu thơ thời Pháp thuộc đeo màu gì cho đúng vai diễn.
Bất kỳ đạo diễn nào muốn tìm hiểu về mắt kính của các nhân vật trong phim đều tìm anh để hỏi ý kiến. Mới đây, trong bộ phim Mùa hè lạnh của đạo diễn Quang Hải, anh ưu ái tặng mắt kính xịn cho NSƯT Hồ Kiểng trong vai ông chủ người Hoa giàu có, khiến cả đoàn phim nể phục. Hỏi ra mới biết anh từng kinh doanh 4 tiệm mắt kính ở Sài Gòn, và hiện giờ nổi danh với cửa hàng mắt kính Mêkông nằm trên đường Châu Văn Liêm, quận 5.
Anh cho biết: "Tôi đóng phim hơn 30 năm trong nghề, kiêm đủ loại vai, nhưng không có phim nào tôi dư tiền, toàn bỏ tiền nhà ra xài. May mắn, tôi nhờ có nghề mắt kính, làm ăn uy tín, anh em trong nghề giới thiệu, tôi chỉ cần lượm bạc cắc cũng đủ theo nghiệp diễn viên đến tận bây giờ".
Tuyết Thu: Bà chủ khách sạn
Cô bác sĩ Oanh trong Blouse trắng lại chọn trở thành bà chủ khách sạn Minh Khang cao 9 tầng ở đường Võ Văn Tần với hệ thống kinh doanh đa dạng. Cô phục vụ khách hàng từ việc ăn ngủ với nhiều thực đơn hấp dẫn như chăm sóc sắc đẹp cho quý bà với dịch vụ spa cao cấp, phục vụ các ông tìm lại sức khỏe với dịch vụ massage foot, body… đúng với tiêu chuẩn của sở y tế.
Với nền tảng kinh tế từ đây, Tuyết Thu hoàn toàn yên tâm và sẵn sàng hết mình với các vai diễn sắp tới.