SAO » Chuyện làng sao

Nổi như Đại sứ du lịch trong Vbiz

Chủ nhật, 09/06/2013 08:28

Không biết liệu Việt Nam có thêm một ĐSDL nữa hay không, nhưng quả thực, chưa bao giờ một danh hiệu “Đại sứ” nào lại có thể gây bão trong showbiz Việt như vậy.

Vừa xuất hiện đã tạo scandal, suốt một thời gian dài gần như im hơi lặng tiếng rồi bỗng dưng tái xuất với một loạt scandal mới là công thức rất quen thuộc của nhiều “nghệ sĩ”. Nhưng có lẽ, đây là lần đầu tiên trong showbiz Việt, những scandal cũng có thể tạo nên một danh hiệu hot: Đại sứ du lịch Việt Nam.

Khi mới xuất hiện, danh hiệu Đại sứ du lịch (ĐSDL) đã gây ra nhiều tranh cãi từ việc Việt Nam cần hay không cần có một ĐSDL đến việc lựa chọn Lý Nhã Kỳ đảm nhận vai trò này. Tuy nhiên, trong suốt một năm hoạt động, Lý Nhã Kỳ đã dần lấy được lòng tin của công chúng qua những hoạt động tích cực quảng bá du lịch Việt Nam của mình.

Lý Nhã Kỳ tại Nam Phi trong chuyến quảng bá du lịch cuối năm 2012

Khi công chúng đều tin rằng danh hiệu ĐSDL sẽ yên vị ở lại với Lý Nhã Kỳ thêm một nhiệm kỳ nữa thì bất ngờ cô rút khỏi danh sách ứng viên khiến cho vị trí ĐSDL có phần bất ổn. 

Lý Nhã Kỳ xin rút, rất nhiều người nộp đơn ứng cử từ những nghệ sĩ tên tuổi đến những nhân vật ít được biết đến. Cái tên ĐSDL xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyên thông, còn hot hơn cả những nghệ sĩ nổi tiếng.  

Có nhiều người đẹp đang cùng nhau ứng cử vào vị trí ĐSDL như: Người đẹp Du lịch cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN 2011, cô giáo tiếng Anh Đỗ Thị Hồng Thuận, diễn viên Lan Phương, Hoa hậu Đông Nam Á Diệu Hân và Á hậu châu Á tại Mỹ năm 2012 Châu Mộng Như. Jennifer Phạm – Hoa hậu Châu Á tại Mỹ năm 2006 cũng lên tiếng về việc tham gia ứng cử. Cuộc đua vào vị trí ĐSDL đã được dự đoán sẽ rất gay cấn và hấp dẫn. 

Nhiều người đẹp tham gia ứng cử ĐSDL Việt Nam

Tuy nhiên, dù có rất nhiều ứng cử viên cho vị trí ĐSDL và theo quy định thời gian bổ nhiệm chức danh này vào tháng 9 hàng năm nhưng không rõ vì lý do gì mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) lại dời thời gian xem xét hồ sơ tới tận tháng 10. Việc này khiến cho công chúng và những ứng viên thắc mắc liệu danh ĐSDL có còn tiếp tục được Bộ sử dụng nữa hay không. 

Gần đây, danh hiệu ĐSDL tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi Lý Nhã Kỳ nhận mình là Đại sứ du lịch của Việt Nam tại Liên hoan phim Cannes mặc dù đã hết nhiệm kỳ từ lâu. Vụ việc này làm phát sinh những ý kiến trái chiều trong công chúng, ngay cả cha đẻ của ĐSDL – Bộ VHTTDL - cũng phải lên tiếng. 

 Lý Nhã Kỳ trả lời phóng vấn của Fashion TV tại Liên hoan phim Cannes

Trước khi có ý kiến của đại diện Bộ VHTTDL – ông Phan Đình Tân, Phó Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ thì đa phần công chúng chỉ trích, không ủng hộ hành động này của Lý Nhã Kỳ, coi đây chỉ là chiêu tạo scandal của cô như rất nhiều hành động gây tai tiếng gần đây. Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là nếu cô đã chủ động rút khỏi vị trí ĐSDL thì tại sao còn tự xưng danh hiệu đó với báo chí nước ngoài. Thậm chí có ý kiến cho rằng việc Lý Nhã Kỳ lạm dụng danh hiệu Đại sứ để cố tình PR tên tuổi tại Cannes là không thể chấp nhận.

Nhưng, ngay sau khi ông Tân lên tiếng, những ý kiến này nhanh chóng giảm xuống, thậm chí dư luận còn quay ngược lại ủng hộ Nhã Kỳ và khen ngợi việc cô vẫn tích cực quảng bá cho du lịch Việt Nam khi nhắc tới cụm từ “Đại sứ du lịch Việt Nam”. 

Mặc dù khẳng định “Danh hiệu ĐSDL chỉ làm nhiệm kỳ trong vòng 1 năm thì đương nhiên là đã hết thời gian có hiệu lực” nhưng vị đại diện của BVHTTDL cũng cho rằng, việc làm của Lý Nhã Kỳ không có vấn đề gì. Bất cứ ai nếu có thể quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với thế giới thì cũng đều có thể coi là một Đại sứ hình ảnh của Việt Nam, công chúng không nên quá khắt khe với danh hiệu ĐSDL bởi nó chỉ là một danh hiệu tượng trưng chứ không phải là một chức danh hành chính. 

Ông Tân cũng cho biết, việc Lý Nhã Kỳ có nhận danh hiệu ĐSDL để quảng bá cho nhãn hàng rượu hay kim cương không Bộ không quan tâm vì không liên quan. Mặc dù trong quy chế về ĐSDL ban hành theo Quyết định số 2995/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quy định rõ ràng: “Không sử dụng danh hiệu Đại sứ Du lịch Việt Nam vào mục đích tư lợi”.

Trước đó, ông Trần Nhất Hoàng – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến VHTTDL – Cục Hợp tác Quốc tế cũng cho biết lý do tổ chức bầu chọn ĐSDL: “ĐSDL là một danh hiệu khá phổ biến trên thế giới, mà đất nước mình cũng có những nhân vật phù hợp thì mình cũng nên thực hiện những việc đó”. Cũng theo ý kiến của ông Hoàng thì dù có hay không có ĐSDL, việc quảng bá du lịch ra nước ngoài vẫn được thực hiện.

Có lẽ sẽ có người thắc mắc, nếu ai cũng có thể trở thành ĐSDL, cái danh ĐSDL chỉ mang tính tượng trưng, có làm sai quy chế hay không cũng không cần quan tâm và có hay không cũng được thì còn tổ chức bầu chọn một cách tốn kém và ồn ào như thế để làm gì. Đến Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cũng phải bình luận: "Chọn Đại sứ du lịch là trò vô bổ"

Lan Phương luôn sẵn sàng đảm nhiệm vai trò ĐSDL

Rất nhiều nghệ sĩ, người đẹp muốn trở thành ĐSDL Việt Nam để có thể chính thức thực hiện những kế hoạch ấp ủ bấy lâu. Lan Phương khi phát biểu trong chương trình “Chuyên cơ số 6” của VTV6 mới đây cũng đã khẳng định, cô luôn mong muốn và sẵn sàng cống hiến cho việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới trong vai trò ĐSDL. 

Không biết, danh hiệu ĐSDL còn tiếp tục gắn với cái tên của một người đẹp nào hay không. Nhưng công chúng hy vọng, nếu danh hiệu này có chủ nhân mới, chủ nhân của nó sẽ không làm cho cụm từ “Đại sứ du lịch” thay vì gắn liền với hoạt động quảng bá du lịch lại gắn liền với quá nhiều scandal như vừa qua.   

Theo Khampha.vn