SAO » Chuyện làng sao

NSND Hồng Vân: 'Sau vai diễn bà Mai, tôi còn kí hợp đồng quảng cáo nhiều hơn'

Thứ tư, 25/07/2018 10:50

Mới đây, NSND Hồng Vân đã có những trải lòng về vai diễn bà Mai trong "Gạo nếp gạo tẻ" khiến khán giả ghét cay ghét đắng. Đồng thời, cô cũng chia sẻ thêm về tình hình sân khấu vài tháng qua.

"Bà Mai giống tôi là lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, không có thời gian lo cho bản thân"

Chào NSND Hồng Vân, sau "Gạo nếp gạo tẻ" có khá nhiều ý kiến tích cực lẫn tiêu cực dành cho vai diễn bà Mai. Cô đã đón nhận những ý kiến đó như thế nào? Nó có làm ảnh hưởng đến các hợp đồng quảng cáo khác của cô không?

Sau vai diễn bà Mai, cuộc sống của tôi bận rộn và vui vẻ hơn, nghĩa là nhiều sắc thái hơn. Nó không ảnh hưởng gì đến các công việc khác của tôi. Thậm chí sau phim này, tôi còn kí hợp đồng quảng cáo nhiều hơn, chứ không bị giảm sút như mọi người nghĩ.

Trong "Gạo nếp gạo tẻ" chia làm hai tuyến nhân vật: chính diện và phản diện. Vì khán giả xem quá nhập tâm nên đã phản ứng thái quá và để lại nhiều bình luận khiếm nhã, thậm chí là doạ giết. Riêng cô có nhận những bình luận như thế và phản ứng của cô có tức giận không?

Tôi cũng nhận được nhiều bình luận trên trang cá nhân. Có những bình luận cực kì phẫn nộ. Đại khái như: đồ ác độc, bà đi chết đi, tại sao bà lại đối xử với con bà như thế?... Thực tế, ở giai đoạn hiện tại để tìm một phim hay sự kiện tạo cảm xúc của khán giả đẩy lên đến tột độ như vậy là rất hiếm. Đó là thành công của bộ phim. Không phải khán giả nào cũng phân định được giữa diễn viên và nhân vật. Có những khán giả tiếp xúc với nghệ thuật, xem nhiều và thưởng thức nhiều sẽ hiểu được nó. Còn những khán giả ở vùng sâu vùng xa, ít theo dõi mặt bằng nghệ thuật hoặc những em nhỏ thì khó hơn. Tôi thường xuyên nhận được những tin nhắn từ các em nhỏ ở khoảng mười hay mười mấy tuổi chỉ trích nhân vật của tôi khá nặng. Điều đó chỉ ra rằng, khán giả thật sự sống với nhịp đập của phim và những nhân vật đó. Họ cảm giác rằng, gia đình của bà Mai có thật trong cuộc đời này và họ phẫn nộ với những cái xấu.

Thực tế, càng có nhiều phẫn nộ với những cái xấu đó thì định hướng của bộ phim lại thành công. Bởi mục đích của thể loại phim gia đình là sau khi khán giả tập trung xem có thể tự cảm nhận, nếu trong gia đình mình cư xử với nhau như thế sẽ dẫn đến bi kịch như thế nào, những người khác khổ ra làm sao. Nhiều ý kiến căm hận tuyến phản diện, định hướng của bộ phim càng thành công. Người ta phải lên tiếng phẫn nộ với cái ác mới không làm cái ác giống như thế. Nhân vật của tôi hay Băng Di, Thuý Ngân đều được đạo diễn và biên kịch cố gắng đẩy lên tối đa, cá biệt như: những cô gái đi giật chồng người khác, những cô vợ chỉ biết se sua ăn diện không lo gì đến hạnh phúc gia đình, những bà mẹ có con ghét con thương sống bằng cảm tính mà không sử dụng lí trí... Khi đẩy nhân vật lên dạng cá biệt sẽ tạo ra một bi kịch cho tuyến chính diện. Cái xấu đang thắng cái tốt. Việc làm cho khán giả phẫn nộ chính xác là để giáo dục cho mọi người rằng: Đừng làm những điều như vậy.

NSND Hồng Vân đã có những trải lòng về vai diễn bà Mai trong "Gạo nếp gạo tẻ" khiến khán giả ghét cay ghét đắng.

Trước bộ phim này đã có "Sống chung với mẹ chồng" với nhân vật mẹ chồng cực kì quá đáng. Bây giờ lại là nhân vật bà mẹ vợ của cô cũng gây ức chế không kém. Nhiều người cho rằng các nhà làm phim đang tận dụng tối đa khai thác kiểu nhân vật bà mẹ nhưng lại câu view quá đà. Cô nghĩ sao về ý kiến này?

Việc xoáy vào các tuyến nhân vật mẹ vợ hay mẹ chồng, người vợ hay người chồng đều đã được các phim truyền hình khai thác triệt để. Vấn đề là bộ phim nào đủ sức lan toả mà thôi. Vừa rồi có phim "Sống chung với mẹ chồng" và bây giờ là "Gạo nếp gạo tẻ". Đó là hai bộ phim thành công về mặt PR và nội dung câu chuyện. Nó khiến khán giả xem chăm chú và thích thú. Điều này vô tình giúp hai nhân vật người mẹ trở nên tiêu biểu.

Nhiều người cho rằng cả hai nhân này vô tình làm xấu đi hình ảnh người mẹ. Vì không có người mẹ nào lại có sự phân biệt giữa các con quá khắc nghiệt như thế. Cô nghĩ sao về suy nghĩ này?

Mẹ thương con là một vấn đề hết sức bình thường. Những gì bình thường, người ta không chú ý. Nó như cái nhịp diễn ra một cách dĩ nhiên. Nếu muốn người ta chú ý thì phải đưa những việc bất thường, những điều ngược lại. Thủ pháp của đạo diễn, biên kịch rất giỏi ở chỗ đẩy xung đột, cảm xúc của khán giả vượt ngưỡng. Khán giả một khi đã bực mình lại càng buộc họ phải theo dõi và bình luận. Bây giờ, đối tượng khán giả là đàn ông xem phim đó nhiều lắm. Đầu tiên là do vợ bắt coi. Sau khi xem xong lại ghiền, thậm chí ghiền hơn vợ. Bạn cứ thử hình dung, giả sử "Gạo nếp gạo tẻ" thuần đúng như việc bạn mở mắt ra thấy một bà hàng xóm thương chồng, thương con... thì có gì đâu để xem. Khán giả phải xem những cái cá biệt, không bình thường để thấy được những bi kịch số phận có thể mình chưa gặp nhưng người khác đã gặp rồi để rút kinh nghiệm cho bản thân. Ví dụ những người lớn có hơi hướng giống bà Mai hẳn phải khựng lại ngay, những người giống Hân hay Hương có nhìn thấy bà mẹ như thế cũng tự nhủ lòng sau này có làm mẹ chồng hay mẹ vợ cũng không nên như vậy... Khi đã đưa một câu chuyện một vấn đề lên điện ảnh, lên đại chúng và cần khán giả xem, chúng ta buộc phải đưa điều gì thật đặc biệt, thật cá biệt và tạo những xung đột kịch tính.

Khán giả sau khi xem xong đều nói một câu giống nhau: "Làm gì trên đời có một bà mẹ kì cục như vậy?" Tuy nhiên, khán giả phải thừa nhận đây là một gia đình có thật và tức thật. Lúc đầu nhận kịch bản, tôi cũng không tin trên đời có một bà mẹ kì khôi thế này. Tôi xung đột với đạo diễn hoài. Tôi nói rằng, tôi không đóng được kiểu nhân vật này. Bản thân tôi là người mẹ, tôi không bao giờ làm như bà Mai. Phải có một lí do gì khiến bà Mai phải như thế. Tất nhiên, lí do là có nhưng lại được đẩy ở phần cuối phim. Lí do ở đây khá đơn giản, bà Mai quá khổ khi lấy chồng, không sinh được con trai, bị mẹ chồng hà hiếp bao nhiêu năm dài. Bà ấy phải sinh đến bốn lần mới được một thằng cháu đích tôn cho mẹ chồng. Suốt ngày bị mẹ chồng chì chiết. Bản thân phải nuôi bốn đứa con, chăm một ông chồng, một người em chồng và một bà mẹ chồng. Chưa bao giờ bà Mai biết nghỉ ngơi. Bà ấy đã quá khổ nên không muốn con của mình bị lặp lại hoàn cảnh như mình. Cô có gái tên Hương không nghe lời bà Mai nên khổ. Hương càng khổ, bà Mai càng ghét vì không chịu nghe lời mẹ. Trong khi đó, Hân lại nghe mẹ răm rắp, lấy chồng đại gia, ăn sung mặc sướng. Giữa hai hoàn cảnh của hai cô con gái khiến bà Mai càng nghĩ mình đúng. 40 tập sau, bà Mai mới dần ngộ ra mình không đúng, mỗi người một số phận, không ai đoán trước được điều gì, vấn đề là do mình sống như thế nào. Nếu đạo diễn đưa điều này lên đầu thì khán giả nghiệm ra, hết tức là hết coi.

Cá nhân cô có đưa kinh nghiệm bản thân vào vai diễn bà Mai không? Từ nhân vật bà Mai, cô có điều chỉnh cách tiếp xúc với gia đình hay trao đổi với các con không?

Nhân vật bà Mai này không liên can gì đến tôi. Bản thân tôi không có chút xíu nào tính cách của bà Mai. Bà Mai là một con người sống rất cảm tính, không xài đến não. Tôi không như thế. Bà Mai thương là thương đến cùng, ghét cũng ghét cay ghét đắng. Tôi cũng không bao giờ như thế. Tôi có ba đứa con. Đứa con gái út thua chị gái đến 13 tuổi, thua anh trai 10 tuổi. Vậy mà tôi vẫn không thể xác định được tôi thương đứa nào nhất. Mỗi lứa tuổi có một cách thương, một cách chăm sóc, lo lắng khác nhau. Với hàng xóm, với mọi người xung quanh, tôi cũng không cư xử như bà Mai.

Tôi chỉ đồng cảm ở một điểm duy nhất là bà Mai quá khổ, đầu tắt mặt tối, luôn tay luôn chân, sức bỏ ra nhiều, chưa bao giờ có thời gian lo cho bản thân mình. Đồ không dám mua, ăn không dám ăn. Có những tập, bà ấy thèm cái bánh giò nhưng không dám ăn. Đến lúc mẹ chồng bảo bà Mai một cái bánh giò, bà ăn như chưa từng được ăn. Tội nghiệp lắm.

Cách thể hiện một người phụ nữ đầu tắt mặt tối, công việc lúc nào cũng căng thẳng, tôi có thể lấy cảm xúc từ bản thân được. Nhân vật bà Mai đối với tôi không khó khăn gì dù không có chút liên quan với tôi. Nguyên nhân là ở sân khấu kịch, tôi đã tiếp xúc với biết bao nhân vật tương tự. Bây giờ, tôi chỉ cần cóp nhặt những nhân vật do mình thể hiện để đưa vào bà Mai.

Trái với những phim truyền hình thông thường, "Gạo nếp gạo tẻ" quy tụ dàn diễn viên thực lực và nắm bắt tâm lí nhân vật vững. Giữa sân khấu và phim lại khác. Khi diễn nhân vật bà Mai, cô có tiết chế bớt chất sân khấu của mình vì đã lâu rồi không đóng phim truyền hình?

Lối diễn của tôi ở sân khấu khá nhẹ, không quá cường điệu. Mọi người hay nói tôi diễn như không diễn. Khi tôi hoá thân vào nhân vật nào đó, tôi sẽ có một hình mẫu ngoài đời, bắt đầu khi nhập vai mỗi đêm, tôi sẽ là người đó chứ không còn là mình. Tôi chưa bao giờ phải căng lên để chứng tỏ mình khác trong vai diễn. Khi tôi đóng phim, tôi cũng bình thường, hoàn toàn không có chuyện phải lo, phải tiết chế. Khi tôi thể hiện nhân vật có quá lên một chút hay sai tông, sai màu với các bạn diễn xung quanh mình, một người đạo diễn giỏi sẽ nói với mình để tiết chế lại. Rất may dàn diễn viên của "Gạo nếp gạo tẻ" đều xuất phát điểm từ sân khấu nên rất ăn rơ với nhau.

Bộ phim này quay đến gần hai năm, cô sắp xếp thời gian thế nào để chăm sóc cho sân khấu kịch và gia đình

Tôi phải làm gấp đôi, gấp ba bình thường mới có thể kham nổi bao nhiêu đó công việc. Tôi vừa đóng Cô ba Sài Gòn, vừa sản xuất phim Xóm trọ 3D, vừa sản xuất sitcom...

Chồng cô là đạo diễn Lê Tuấn Anh có xem phim vợ đóng không? Chú đã phản ứng thế nào?

Vào giờ phim phát sóng anh Tuấn Anh lại bận công việc, không ngồi ở nhà xem được. Nếu xem lại trên Youtube thì anh ấy làm biếng lắm, nhất là phim dài tập.

Còn Bí Ngô lại có cảm xúc y như khán giả bình thường. Cô nàng ghét mẹ ra mặt nên bảo: "Nhiều khi con ghét mẹ quá, sao mẹ lại như thế?". Tôi phải giải thích: "Ơ, sao lại là mẹ, là bà Mai chứ". Cô nàng chữa lại: "Vâng, sao bà Mai lại ác thế, cô Hương nào có tội lỗi gì mà bà ấy đối xử với con gái như thế?".

Việc cô ôm đồm quá nhiều công việc khiến sức khoẻ yếu đi. Ông xã và các con có khuyên cô nên hạn chế lại?

Nói hoài luôn. Tôi bị cả nể. Hơn nữa, đến tuổi này, người nghệ sĩ tìm một vai đo ni đóng giày cho mình là quá khó. Tôi không nghĩ đến tuổi này, tôi có một vai nặng kí trong phim truyền hình. Vai bà Mai giống như trụ cột của phim. Vai diễn này quá hay, khác với tôi nhất từ trước đến giờ. Vừa là cả nể lại vừa là một sự thích thú. Đó là bản chất của người nghệ sĩ. Giống như chú nghệ sĩ khi đóng phim này là lúc đang bị ung thư gan nhưng máu nghề, không thể nào không nhận lời tham gia. Chưa xong phim thì chú mất. Nghệ sĩ ngộ lắm. Tại sao có Molière hay Kép Tư Bền chết trên sàn diễn là thế đó. Nó giống như cái nghiệp.

"Gây dựng lên thì khó, bỏ đi lại quá dễ. Tôi đảm bảo, tôi mà buông sân khấu sẽ có nhiều chỗ buông"

Hiện tại, sân khấu đã vượt qua khó khăn như vài tháng trước cô chia sẻ với báo chí chưa?

Chưa đâu. Tôi nghĩ chắc năm tới nữa mới dần đi lại đồ thị hình Sin của nó. Năm nay là năm các đài truyền hình tiết chế lại các gameshow hài, có thể lúc đó sân khấu mới vực lại được. Sân khấu cũng có khởi sắc hơn, nhất là Super Bowl. Tôi mừng vì ở Super Bowl toàn là khán giả trẻ. Còn khán giả ở Sân khấu Phú Nhuận lại toàn là khán giả lớn tuổi. Số lượng khán giả lớn tuổi này cũng sắp hết rồi. Vì họ không có điều kiện để tự đến sân khấu. Họ cũng không còn nhu cầu đi ra đường, vì ở nhà bật phim truyền hình sẽ tốt hơn.

Để cầm cự thêm thời gian dài như thế sẽ mệt mỏi. Sân khấu mình đã nghĩ ra một chiến lược để cải thiện chưa?

Phương pháp gì đây. Tôi bó tay. Nó không phải nhà của mình nên khó lăm. Chỗ này toàn là thuê mướn, muốn đóng một cái đinh cũng phải xin phép người ta.

Áp lực nặng nề về cân bằng thu chi, tại sao cô không khép lại việc làm bầu cho hai sân khấu, thay vì chỉ làm diễn viên vẫn duy trì được tình yêu với nghề?

Gây dựng lên thì khó, bỏ đi lại quá dễ. Tôi đảm bảo, tôi mà buông sân khấu sẽ có nhiều chỗ buông. Mặt bằng chung sân khấu xã hội hoá miền Nam một thời gian dài rực rỡ, cả nước phải nhìn vào học tập. Loại hình sân khấu không tiệp màu với bất cứ một loại hình nào cả. Buông bỏ nó bây giờ, sau này gây dựng lại khó lắm. Cứ nghĩ vậy nên tôi tiếc. Thêm vào đó, các bạn trẻ đầu tiên đến với nghề là đam mê sân khấu. Lương diễn sân khấu ít vì phải trang trải tiền mặt bằng, âm thanh, ánh sáng... Tôi cứ nhìn những bạn trẻ này là lại tiếc công gây dựng. Tôi nghỉ, các sân khấu khác cũng nghỉ, sân khấu Tp.HCM sẽ giống sân khấu Hà Nội, đìu hiu không ai xem. Phí lắm. Tôi cứ ráng gồng là vì thế.

Tôi phải lấy ngắn để nuôi dài. Đến một lúc nào đó, cứ lỗ hoài, tôi sẽ bỏ. Tôi không thể gồng nổi nữa. Bây giờ, sân khấu vẫn còn thoi thóp, tôi ráng được. Có bữa lỗ, có bữa lời, có bữa huề. Sân khấu Super Bowl, tôi đã tuyên bố trả thẳng thừng nhưng đối tác đã hiểu và chủ động giảm giá nên vẫn trụ.

Áp lực duy trì sân khấu và truyền lửa cho thế hệ sau đều nặng nề như nhau. Có bao giờ cô nghĩ nên để trách nhiệm đó lại cho một nhân tố mới?

Tôi đã nghĩ đến chuyện truyền lại cho người khác lâu lắm rồi. Tôi cũng đang đi tìm người đó nhưng chưa tìm được. Không ai dám làm. Có trách nhiệm, yêu nghề là một chuyện nhưng bù tiền bù lỗ cho sân khấu lại là vấn đề căng não. Những người có khả năng, có thể bù được, họ không bao giờ nghĩ đến chuyện làm sân khấu. Kiếm tiền ở ngoài sướng hơn nhiều, mang tiền về bỏ vào két sắt càng sướng hơn. Còn tôi, cứ bỏ tiền vào là lại tuồn ra ngoài. Có nhiều bạn rất muốn điều hành sân khấu nhưng tiền đâu để bù.

Hiện tại một số nơi đã áp dụng mô hình hoá sân khấu như livestream khiến khán giả cảm thấy sống cùng sân khấu. Riêng sân khấu mình có những cải tiến để tạo sự gần gũi với khán giả hơn không?

Tất nhiên phải tìm cách cải tiến, giữ bằng mọi giá nhưng với cách làm này, tôi chưa thấy thông nên chưa làm. Những cách làm mới này vô tình sẽ giết chết sân khấu mà mình không biết. Bạn coi gameshow trên truyền hình sẽ cảm thấy rất vui nhưng bạn coi trực tiếp ghi hình bên ngoài sẽ không bao giờ cảm thấy hay, cảm xúc không liền mạch. Họ không làm được điều như sân khấu làm. Đó là đặc điểm độc nhất vô nhị của sân khấu. Cảm xúc của khán giả và diễn viên là đồng nhất với nhau. Nếu livestream để mọi thứ diễn ra cùng lúc cho mọi người thấy hết, vô tình làm mất đi sự huyền bí của sân khấu. Tôi nhớ hoài cảm xúc của tôi lúc nhỏ khi đi xem cải lương. Sân khấu là một điều gì đó trong tưởng tượng của tôi. Tôi không dám đụng vào nó. Vì tôi cảm giác nếu mình đụng vào, nó sẽ bị hư hỏng mất, Tôi cứ say đắm mà chiêm ngưỡng nó. Tôi thấy nó thật lung linh huyền ảo. Giả sử bây giờ cứ livestream, thấy hết từ sân khấu đến hậu trường, tôi thật sự không thích. Có rất nhiều nhãn hàng mời tôi livestream nhưng tôi đều từ chối. Trừ vài nhãn hàng thân thiết như ruột rà bắt buộc phải làm giúp. Ít ra phải có chút xíu bí mật của con mình.

Cảm ơn NSND Hồng Vân về buổi trò chuyện này!

Lam Khánh (Theo nld.com.vn)