Mỗi dịp Tết, bạn bè vẫn tới nhà xin chữ về treo
Ở cương vị Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Trung Hiếu nhận định, tuy điều kiện bây giờ có nhiều thuận lợi để nghệ sĩ nâng cao thu nhập, nhưng hoàn cảnh giới nghệ sĩ nói chung thường nghèo.
"Người có thu nhập cao chủ yếu là những nghệ sĩ nhiều show thôi, còn ở đơn vị tôi đang quản lý với hơn 100 cán bộ công nhân viên chức thì thu nhập chỉ đạt mức thấp, vài triệu đồng, tiền bồi dưỡng cho một đêm diễn là vài trăm nghìn đồng. Tôi thường nói với anh chị em ở nhà hát là ngoài công việc cơ quan, tôi và mọi người còn đi làm phim ở ngoài. Như thế mới đảm bảo cuộc sống được. Có người làm việc liên quan tới nghề diễn, có người kinh doanh… điều đó chẳng sao, không phạm pháp là được. Nghệ sĩ còn một thứ áp lực nữa là có thế nào thì ra đường cũng phải sang chảnh, lịch sự, không bôi nhếch được. Tất cả thứ đó là tiền đấy chứ", NSND Trung Hiếu nói.
NSND Trung Hiếu trong ngày nhậm chức Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội
Hiện tại, NSND Trung Hiếu vẫn “chăn đơn gối chiếc”, sống cùng bố mẹ trong căn nhà trên phố Nguyễn Khuyến. Ở tuổi 45, anh nhận mình vẫn còn “thanh niên”, bận rộn với công việc, tình yêu và những thú vui tao nhã, cầu kỳ. Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội hài hước kể, dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” với người nào... chưa lấy vợ nhưng anh không “bị” bố mẹ giục giã chuyện kết hôn. Phần vì đã chán giục, phần vì bố mẹ anh đều là những người làm trong môi trường nghệ thuật nên có tư tưởng cởi mở.
Khi nhắc lại kỉ niệm anh từng bị đồn là “gay”, NSND Trung Hiếu cười lớn và gật đầu xác nhận: “Đến cái tuổi mà đại đa số người bình thường đều đã kết hôn thì đàn ông hay phụ nữ cũng đều bị mọi người gán cho một lý do có vẻ phù hợp, trong đó có phương án là người đồng tính. Tôi nghe mãi quen rồi. Nhiều người cứ gặp tôi là hỏi khi nào lấy vợ, tôi trả lời liều là “sang năm”. Tôi đã trả lời thế suốt chục năm nay rồi. Đóng cặp với cả trăm bà vợ nhưng ngoài đời chẳng có ai, đó chắc là duyên số”.
Dù đã ở vị trí lãnh đạo nhưng mỗi khi nhắc tới vai diễn, NSND Trung Hiếu vẫn không giấu được vẻ tự hào ánh mắt, lời nói. Những lúc không bận rộn làm nghề, Trung Hiếu có nhiều thú vui riêng như: Vẽ tranh, chơi nhạc, thư pháp, chim cảnh, cây cảnh... Anh tự học thư pháp bằng vốn tiếng Trung cộng thêm năng khiếu hội họa sẵn có. Thư pháp giúp anh tĩnh tâm, lấy lại cân bằng cuộc sống. Vào mỗi dịp Tết, bạn bè vẫn tới nhà xin anh chữ về treo.
Ít ai biết, Trung Hiếu là một cây thư pháp có hạng
Trăn trở vì những lời đánh giá "diễn viên hài toàn nhảm nhí"
So với nhiều nghệ sĩ, con đường nghệ thuật của Trung Hiếu thẳng tắp, không có nhánh rẽ ngang. Tốt nghiệp cấp 3, anh thi vào trường Sân khấu Điện ảnh khoa Diễn viên Kịch - Điện ảnh rồi về công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Sau đó, anh tiếp tục học thêm Đạo diễn Sân khấu, trở thành Trưởng đoàn, Phó Giám đốc và giờ là quyền Giám đốc.
Có bố mẹ là nghệ sĩ nhiếp ảnh, tuổi thơ Trung Hiếu thấm đẫm bầu không khí nghệ thuật. Hồi anh còn nhỏ, gia đình luôn được tiếp đón những người bạn của bố anh - những "cây đa, cây đề" của làng nghệ thuật. “Lúc đó, tôi thường ngồi bên cạnh nghe các cụ nói chuyện, uống rượu với bố tôi. Đôi khi tôi nghĩ chính những chuyện như vậy đã tạo cho mình đam mê từ bé và được sống trong môi trường nghệ thuật”, anh kể.
24 năm trong nghề, NSND Trung Hiếu thử sức với đủ loại hình, từ chính kịch, hài kịch, phim truyền hình. Ở lĩnh vực nào, anh cũng ghi được dấu ấn với khán giả. Trên sân khấu kịch nói, Trung Hiếu khiến người ta ám ảnh với Tống Thoại, Năm Sài Gòn. Trong phim truyền hình, khán giả dở khóc dở cười với vai Hàn của anh trong Một giờ làm quan hay anh gù trong Ngõ lỗ thủng. Còn mỗi dịp Tết đến, Trung Hiếu lại đều đặn đóng một phim hài.
Nhiều lần Trung Hiếu nhận được những lời đánh giá "diễn viên hài toàn nhảm nhí". Lời nhận xét này đôi lúc khiến anh trăn trở. Thế nhưng, sau đó anh thấy rằng, những giá trị mình mang đến cho khán giả, cho cuộc sống mới là quan trọng nhất chứ không phải là đóng vai diễn nào.
“Khi tôi làm hài, tôi được rất nhiều bà con nông dân ở những miền quê yêu thương vô cùng. May mắn và hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ là được làm nghề một cách chân chính và kiếm được tiền bằng khả năng của mình”, Trung Hiếu chia sẻ.
Dù bận rộn với công việc giám đốc Nhà hát nhưng NSND Trung Hiếu vẫn xuất hiện đều đặn trong các sản phẩm hài mỗi dịp Tết đến xuân về
Không chỉ tham gia nhiều thể loại, anh luôn thích thử sức với những vai diễn mới, sao cho mỗi nhân vật đều mang một màu sắc khác. Khi mới vào nghề, Trung Hiếu thường được giao những vai hiền lành, chịu nhiều trắc trở trong cuộc sống. Nhưng hai vai diễn làm thay đổi con đường nghệ thuật của NSND Trung Hiếu lại là hai vai phản diện.
Vai diễn đầu tiên là Khang trong bộ phim "Đường đời" của NSƯT Quốc Trọng. Khi ấy, đạo diễn Quốc Trọng đang đi tìm vai chính diện lẫn phản diện cho phim. Vốn thân với đạo diễn nên Trung Hiếu được đọc kịch bản trước và ngay lập tức đã rất thích nhân vật Khang. Khi Trung Hiếu bày tỏ muốn được đóng vai này, Quốc Trọng đắn đo và gật đầu “coi như liều lần này”, vì trước đó, Trung Hiếu chưa một lần đóng vai phản diện.
Để biến thành một con người mưu mô, xảo quyệt, nhiều lần tìm cách hãm hại nhân vật chính, Trung Hiếu đã phải thay đổi ngoại hình, cắt tóc ngắn, tự chuẩn bị những bộ quần áo hầm hố. Anh còn phải thay đổi ánh mắt, giọng nói, cách sử dụng đại từ để biểu đạt vẻ ác độc, mưu mô của nhân vật này.
Lời hứa cưới vợ đã 10 năm nay vẫn chưa được Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội thực hiện
Trung Hiếu vào vai Khang đáng ghét đến mức, có lần lên chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) mua đồ, anh bị bà chủ hàng trong chợ nhất quyết không bán cho vì ghét quá.
Nhân vật phản diện Tống Thoại trong vở "Cát bụi" cũng đã giúp Trung Hiếu có huy chương vàng cá nhân đầu tiên trong sự nghiệp (2004). Đây là nhân vật có tính cách bạo liệt, dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt tình yêu và đạt mục đích của mình. Để nhập vai, Trung Hiếu phải tập hai, ba tháng cùng đoàn kịch. Anh phải luyện về tiếng nói, các động tác hình thể vì nhân vật biến đổi liên tục.
Nhắc đến những vai diễn, Trung Hiếu không giấu được vẻ tự hào trong giọng nói và ánh mắt. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở tuổi 41 là thành quả xứng đáng cho tài năng và những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh.