Sáng 21/1, Nhà hát Kịch Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà hát và đón nhận huân chương Lao động hạng Nhì. Bà Vũ Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao tặng phần thưởng này cho tập thể Nhà hát Kịch Hà Nội.
Bên cạnh đó, NSND Trung Hiếu được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, NSND Công Lý và NSƯT Đức Quang cũng được nhận Bằng khen của UBND TP. Hà Nội. Chia sẻ với Dân Việt, NSND Trung Hiếu cho biết, anh vô cùng vinh dự và tự hào khi được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. Đây là phần thưởng cao quý của cả chặng đường dài hoạt động nghệ thuật nhưng cũng là động lực và áp lực, thúc đẩy anh nỗ lực cống hiến hơn, có nhiều sáng tạo mang tính đột phá hơn trong nghệ thuật trên cương vị của một người nghệ sĩ, nặng trách nhiệm hơn trên cương vị người đứng đầu Nhà hát Kịch Hà Nội.
NSND Trung Hiếu nhận huân chương lao động hạng 3, NSND Công Lý bất ngờ nhận bằng khen.
Sáng nay, NSND Công Lý cũng rất "bảnh bao" khi đến dự sự kiện lớn của "ngôi nhà chung" Kịch Hà Nội và lên sân khấu nhận Bằng khen. Trao đổi riêng với Dân Việt, NSND Công Lý cho biết, anh không hề biết mình được tặng Bằng khen. Vì thế, anh vừa bất ngờ, vừa cảm động, hạnh phúc.
Đặc biệt, dù thời gian qua anh phải đối diện với bệnh tật nhưng luôn được lãnh đạo các cấp cùng tập thể Nhà hát quan tâm, hỗ trợ. Điều mong muốn lớn nhất của anh lúc này là sớm khỏe mạnh để tiếp tục được làm nghề, sáng tạo và cống hiến hết mình cho nghệ thuật nói chung, Nhà hát Kịch Hà Nội như trước đây.
Nói về quá trình hình thành và phát triển của Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Trung Hiếu cho biết, năm 1959, Thành ủy, Ủy ban Hành chính Hà Nội cho phép Sở văn hóa thông tin Hà Nội thành lập Đoàn Văn công nhân dân Hà Nội, trong đó có Đội Kịch nói do đồng chí Đinh Thiện Bao làm Trưởng đoàn và đạo diễn Trần Huyền Trân làm Phó trưởng đoàn phụ trách nghệ thuật. Đó chính là tiền thân của Nhà hát kịch Hà Nội.
Năm 1965, Đoàn Kịch nói Hà Nội đã tách khỏi đoàn văn công nhân dân Hà Nội hoạt động độc lập. Năm 1993, Đoàn Kịch nói Hà Nội được UBND TP. Hà Nội quyết định chuyển thành Nhà hát Kịch Hà Nội. Năm 2009, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính TP. Hà Nội, đoàn kịch nói Hà Tây chính thức sáp nhập vào Nhà hát Kịch Hà Nội.
Công Lý bảnh bao đi nhận bằng khen cùng vợ trẻ.
"Ngày nay, thương hiệu Nhà hát Kịch Hà Nội đã được khẳng định và tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Thương hiệu kịch Hà Nội chính là sự hào hoa lịch lãm, đầy chất thơ trong từng vai diễn, từng vở diễn.
Những vở diễn từ năm 1959 cho tới nay đều mang đậm hơi thở cuộc sống, cũng như tinh thần và cốt cách của người Hà Nội. Những vở diễn đều bám sát và phản ánh chân thực quá trình lịch sử, chuyển mình và phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng như của cả nước trong từng giai đoạn", NSND Trung Hiếu chia sẻ.
Theo NSND Trung Hiếu, trong quá trình xây dựng và phát triển, Nhà hát Kịch Hà Nội đã nỗ lực vượt qua nhiều thử thách, luôn là đơn vị nghệ thuật dẫn đầu về biểu diễn, thực hiện nhiệm vụ chính trị, dàn dựng những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Nhiều tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đóng góp tích cực trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng và Nhà nước. Một số vở diễn tiêu biểu như: "Tôi và chúng ta", "Hà Mi của tôi", "Cát bụi", "Đứa con bị đánh cắp", "Những mặt người thấp thoáng", "Điệp khúc virus", "Bỉ vỏ", "Vùng lạnh", "Vòng tròn bội bạc", "Làng song sinh"…
Trải qua 65 năm, Nhà hát Kịch Hà Nội đã có 12 Nghệ sĩ Nhân dân và 24 Nghệ sĩ Ưu tú. Không những sở hữu những thế hệ nghệ sĩ vàng của sân khấu Việt Nam, ngày nay Nhà hát Kịch Hà Nội cũng sở hữu nhiều diễn viên trẻ tài năng được khán giả yêu thích trên sân khấu và truyền hình.