SAO » Chuyện làng sao

NSƯT Kim Tử Long: 'Ngọc Huyền không đẹp, bôi hết son phấn chỉ là cô gái bình thường. Đối với tôi, Thoại Mỹ đẹp nhất' (P1)

Thứ hai, 07/10/2019 10:42

"Ông hoàng cải lương" khẳng định để là một ngôi sao, người nghệ sĩ phải được ông tổ cho "cái giang", dù không đẹp ngoài đời nhưng bước lên sân khấu lại vô cùng rực rỡ.

Chào NSƯT Kim Tử Long, trong liveshow lần này, phần huy động vốn có nặng hơn những lần trước không vì anh thực hiện đến hai đêm ở Hà Nội và TP.HCM, với những tên tuổi đình đám nhất?

Lần này, tôi bỏ vốn nhiều hơn ba lần trước. “Thánh đường sân khấu” là tôi muốn khán giả đến xem cảm nhận một sân khấu có sự đầu tư nghiêm túc từ cảnh trí, màn hình led, đến phục trang, kịch bản… phải chỉn chu, rực rỡ. Đầu tư khá nhiều nhưng không biết sẽ lấy vốn lại như thế nào. Tuy nhiên, vẫn cứ là làm trước, tổ nghiệp thương sẽ được sự ủng hộ của khán giả trung thành đến với chương trình của mình.

Tại sao anh lại quyết định làm liveshow ở Hà Nội thay vì chỉ làm ở TP.HCM vì miền Nam vẫn là thiên đường của nghệ thuật cải lương?

Tôi đã làm việc với công ty sự kiện ở Hà Nội để làm đến 9 chương trình và chương trình nào cũng thắng lợi, cháy vé. Đó là động lực giúp tôi quyết tâm làm liveshow lần này ở Hà Nội. Tôi nghĩ nếu làm ở cung văn hoá Việt – Xô sẽ mang lại kết quả thành công cao hơn. Bây giờ đưa về nhà hát chèo, với không gian chỉ 500 chỗ ngồi, chắc chắn chương trình sẽ lỗ.

NSƯT Kim Tử Long khẳng định để là một ngôi sao, người nghệ sĩ phải được ông tổ cho "cái giang", dù không đẹp ngoài đời nhưng bước lên sân khấu lại vô cùng rực rỡ.

Vấn đề tế nhị là khi nghệ sĩ miền Nam ra Hà Nội làm liveshow sẽ có nhiều rủi ro như trường hợp ca sĩ Quang Hà là Cung hữu nghị Việt – Xô bị cháy, xử lí vé khó khăn… Liệu có làm anh lo lắng?

Đúng là ở ngoài đó làm sẽ nặng về quy tắc, giấy tờ nhưng không phải ai cũng vậy. Tôi đã làm rất nhiều chương trình ngoài Hà Nội, có những chương trình vấp phải vấn đề quy chế nhưng vẫn giải quyết được. Bất cứ đâu cũng vậy, trước khi làm gì đều phải có sự chào hỏi sẽ thuận tiện mọi việc hơn. Cũng có thể do sự quá cấp bách của liveshow Quang Hà dẫn đến thủ tục giấy tờ không kịp hanh thông. Chỉ trong vòng hai ngày phải giải quyết quá nhiều vẫn đề, theo tôi nghĩ, Quang Hà quá giỏi để dời cả một chương trình lớn quá chu toàn. Bên cạnh đó, phía tổ chức ngoài Hà Nội cũng giúp Quang Hà như thế là quá tốt. Tôi nghĩ nếu không cố gắng sẽ không được. Chẳng hạn như chương trình Tuấn Hưng, mất luôn. Theo tôi, đây cũng là sự giúp đỡ quan tâm của phía cơ quan chức năng ở Hà Nội rất nhiều.

Liveshow của anh sẽ chú trọng phần nào vì dù sao khán giả vẫn yêu thích Hồ Quảng, trong khi anh cũng chia sẻ muốn mở rộng đối tượng khán giả trẻ?

Thường liveshow của tôi sẽ không chỉ có một màu Hồ Quảng, liveshow của tôi lần này cũng vậy. Trong liveshow “Thánh đường sân khấu” sẽ xuyên suốt nói về thánh đường cải lương và bài ca vọng cổ. Phần đầu tôi sẽ nói về việc vì sao có bài ca vọng cổ và nó gắn liền với rất nhiều thể loại từ nhạc trẻ hát chèo, dân ca Bắc bộ… cũng có thể viết thành một bài ca vọng cổ. Bên cạnh đó là bolero lồng với các bài ca vọng cổ. Phần sau, tôi nói về sân khấu cải lương từ sau khi kết hợp được với các loại hình, trong đó có cải lương tuồng cổ với các trình thức vũ đạo đưa vào các vở sẽ được người nghệ sĩ phối hợp với lời ca tiếng hát. Điều quan trọng là người MC phải xâu chuỗi lại các dữ liệu là Trác Thuý Miêu và Thuý Bình.

Trong liveshow của anh sẽ kết hợp với rất nhiều cô đào nổi tiếng. Việc phân bổ kịch bản để nổi bật từng cô đào tài sắc có phải là một bài toán khó cho anh?

Đúng. Vì thời lượng chương trình chỉ ba tiếng hơn, tôi phải làm sao cho các cô đào có đất diễn. Ví dụ như Ngọc Huyền, là cô đào chính của tôi, tôi vẫn ưu tiên. Sau đó là Phương Hồng Thuỷ, Tú Sương, Trinh Trinh, Phượng Hằng… đều phải có đất diễn.

Nói về việc xã hội hoá cải lương hiện nay, anh đánh giá như thế nào về các nhóm xã hội hoá?

Hiện giờ, các bạn ấy đang làm tức thời, không kéo dài được. Sự léo dài phải có sự hỗ trợ của nhà nước, không thể một thân một mình mà làm nổi. Tôi là người có đủ điều kiện để làm còn làm không nổi. Mình chỉ nghĩ rằng có thực mới vực được đạo. Làm nhưng lỗ hoài, khó lòng làm tiếp. Nhà nước đã đầu tư vào chương trình một tháng hai lần miễn phí cho cải lương. Điều này là rất phí phạm cho quỹ tiền của nhà nước. Thay vì bỏ một đống tiền vào, chúng ta có thể kêu gọi các nhóm xã hội hoá hãy dựng vở thật hay, uỷ ban sẽ duyệt nếu họ thấy được vở này đủ sức thu hút công chúng và đủ sức giáo dục, thẩm mỹ, nghệ thuật, có tính nhân văn, uỷ ban sẽ hỗ trợ bằng cách cho xã hội hoá một tháng 2 lần, không tính tiền rạp, không tính tiền âm thanh ánh sáng của rạp đó. Phần còn lại phải kí kết bán giá vé từ 400 hoặc 500 ngàn đổ lại, không quá.

Hiện tại, với mức giá vé trên 1 triệu lại cao quá. Kịch bây giờ chỉ bán với giá 400 hết mức, cải lương bán giá cao quá làm sao khán giả bình thường có thể đến xem. Tôi trở ngược lại sự đầu tư của nhà nước, làm sao vừa không hao tốn nhiều tiền của nhà nước và có hiệu quả cao, tôi nghĩ điều đó trong tầm tay. Có thể uỷ ban chưa muốn làm, đưa một dự án miễn phí như vậy tôi thấy chưa khả dụng. Ví dụ tôi có vở “Bạch đông Sơn", tôi đầu tư 800 triệu cho vở diễn đó và tôi chỉ diễn 3 suất thôi, sau đó tôi ngưng đến bây giờ. Nhà nước thấy vở đó có tính giáo dục, có đề tài lịch sử, đầu tư nghiêm túc, bây giờ nhà nước chỉ có việc kí kết với tôi đưa vở đó ra sân khấu. Tôi chỉ bán vé vở đó 300 ngàn, nhà nước hỗ trợ tôi âm thanh, ánh sáng của rạp, phần còn lại tôi làm, nhà nước không cần bỏ tiền ra nhiều.

Ví dụ đoàn của Lê Nguyên Đạt có vở nói về Bác Hồ, tại sao nhà nước không hỗ trợ rạp? Mỗi tháng tôi được 2 suất, Lê Nguyên Đạt được 2 suất. Vũ Luân có vở “Hồn của đá" cũng rất hay, tại sao lại không cho rạp, cho âm thanh, ánh sáng. Bán vé là điều trân trọng và người nghệ sĩ khi hát họ hãnh diện, họ hát cho lượng khán giả khi bỏ đồng tiền ra xem, khán giả trân trọng nghệ sĩ. Tôi rất sợ khi phát vé miễn phí sẽ có nhiều thành phần, tạp nham. Thứ hai nếu là một vở diễn tốt, đầu tư tốt, kịch bản hay, diễn viên giỏi, âm thanh, ánh sáng hiện đại, màn hình LED rực rỡ… khán giả được miễn phí vào xem họ sẽ khen nức nở, họ sẽ khen kịch bản đó, họ sẽ đến xem những chương trình tiếp. Còn miễn phí hai lần trong tháng như bây giờ thì tất cả nghệ sĩ khác sẽ chết, bán vé không ai xem cả. Đó là điều có lợi, cũng có hại. Khi miễn phí vào xem, khán giả thấy một kịch bản không tốt, cảnh trí hời hợt, diễn viên không nội tâm, họ sẽ bĩu môi ra về cảm thán: “Đúng là của cho là của ôi".

Vừa rồi nghệ sĩ Gia Bảo có phối hợp cùng đoàn xã hội hoá của nghệ sĩ Vũ Luân làm thành công vở Dương Quý Phi. Tuy nhiên một vở cải lương bên anh Gia Bảo làm không chỉ có những diễn viên cải lương, ở đó có rất nhiều mảng như kịch, sân khấu, kể cả ca nhạc... Bài toán đó cũng khá khôn ngoan nhưng để làm dài hơi ở một sân khấu xã hội hoá theo anh có nên hay không?

Chắc chắn không nên. Điều đó chỉ là tức thời, sống trong thoi thóp, không phải sống trong sự an lành, hạnh phúc. Chương trình kêu gọi các ngôi sao ca nhạc Hoa Hạ đã làm từ lâu. Hoa Hạ đã làm trong cách chương trình như: Thuý Kiều, mời Hồ Ngọc Hà, mời Thanh Thuý, Minh Thuận… nhưng đó chỉ tức thời thôi, không có tính lâu dài. Làm vậy cũng như con dao hai lưỡi, những người thật sự muốn đến với sân khấu cải lương họ không thích, họ chỉ xem xem nghệ sĩ làm gì, xem xong rồi đi ra: “Trời ơi nếu vai đó để cho Thoại Mỹ hay biết bao" hay “Phải chi vai đó đưa người khác"... khiến khán giả ra về trong sự tiếc nuối. Rõ ràng việc đó không tốt, không đem lại cái lợi cho cải lương. Điều đó cũng chỉ làm được 1, 2 suất, không kéo dài. Bây giờ nếu mời Hồ Ngọc Hà vào đóng vai đó, Hà chỉ nể tình tham gia thôi, không thể nào tham gia hàng đêm được. Đó chính là con dao hai lưỡi, thấy thắng nhưng thật sự sẽ chết dài dài.

Gần đây có một số ý kiến như đợt vừa rồi ở trong “Chuông vàng vọng cổ" loại một bạn thí sinh vì lý do các nghệ sĩ giám khảo đưa ra vì bạn này có hạn chế về ngoại hình. Bản thân anh từng là ban giám khảo của nhiều gameshow, anh thấy có khó để tìm ra những nhân tố tài sắc vẹn toàn?

Muốn tìm ra được một ngôi sao ở vị trí cao nhất khó lắm. Có bạn ca hay nhưng ngoại hình không đẹp, nhiều bạn ngoại hình rất đẹp nhưng ca lại hạn chế, có nhiều bạn đẹp, ca hay nhưng diễn không được, có nhiều bạn diễn tốt, ngoại hình đẹp lại ca dở, không được gom lại thành khối để tạo ra một ngôi sao ấn tượng hay tạo ra được tài danh của cải lương, khó tìm kiếm lắm. Nói về vấn đề lùm xùm của “Chuông vàng vọng cổ” vừa rồi, theo tôi ban giám khảo, mỗi người có một cách chấm riêng. Không thể bắt Thanh Tú phải chấm như Hoa Hạ, Hoa Hạ phải chấm như Minh Vương được. Tôi phải bảo vệ Huyền Trâm vì Huyền Trâm là học trò tôi nhưng tôi đặt hết niềm tin vào ban giám khảo, nhất là những người cây đa, cây đề, những danh ca tôi tôn sùng. Khi họ đưa ra kết luận, họ phải cảm nhận từ danh ca chứ không cảm nhận từ nghệ thuật trên lý thuyết.

Anh rất quan trọng về giọng ca như anh từng nói trong một bài phỏng vấn: “Người nghệ sĩ cải lương trước hết phải có một giọng ca thiên phú", khi một người đã có giọng ca thiên phú rồi nhưng không có ngoại hình, anh nghĩ học có sống với nghề được không?

Được chứ, họ có giọng ca hay họ sẽ tìm được những vai phù hợp. Không thể nói người có giọng ca hay nhưng không có ngoại hình đẹp lại nhảy vào diễn Thái Hậu Vân Nga hay Kiều Nguyệt Nga. Vì vậy chị Hoa Hạ có nói: “Hôm nay cô rất đánh giá cao ngoại hình của em vì em làm rất tròn vai và đẹp trong vai này”, tôi rất đồng ý với lời nhận xét đó nhưng ngược lại, tôi muốn nói nếu không có ngoại hình, chúng ta không thể làm được những vai chính trong một vở diễn lớn. Ví dụ trong vở “Thái hậu Vân Nga”, Huyền Trâm đóng vai Thái hậu sẽ không được, bất cứ đạo diễn nào cũng không giao. Nhiều người nói ngày xưa má Ngọc Giàu, Kim Ngọc, tại sao trở thành tài danh? Vì hồi xưa họ đẹp. Ngày xưa má Ngọc Giàu từng là một cô đào đẹp, Kim Ngọc cũng vậy. Ngày xưa Ngọc Giàu đóng Thái hậu Dương Vân Nga uy nghi, đẹp lộng lẫy, vẫn phải nói về hình thể chiếm quan trọng gần 50% trong sự kết hợp trở thành ngôi sao. Còn nếu chúng ta nói có ngoại hình không đẹp nhưng có giọng ca tuyệt vời, đó vẫn là điểm nhấn để khán giả công nhận đây là một ngôi sao với những vai tính cách. Một người to, mập kêu đóng Lan trong Lan và Điệp không được, công tâm mà nói nếu kêu Trâm đóng vai Lan chắc chắn không được.

Nói như anh, cải lương nếu muốn đóng chính thường phải là đào đẹp, một người không có ngoại hình đồng nghĩa suốt đời họ không đóng được vai chính?

Đẹp không phải chỉ bên ngoài đâu, đẹp còn ở chỗ người đó có biết cách hay không và ông tổ cho hào quang nữa. Ngọc Huyền không đẹp, bôi hết son phấn ra Ngọc Huyền chỉ là một cô gái bình thường nhưng khi hoá trang lên, bước lên ánh đèn sân khấu, Ngọc Huyền khác hẳn với Ngọc Huyền ngoài đời. Một người nữa là nghệ sĩ Hữu Lợi, khi bước lên sân khấu mở màn với vai Hoàng tử, chỉ cần quay qua cười khán giả đã vỗ tay rồi nhưng khi bước ra ngoài, không ai nhận ra. Họ là những người sáng sân khấu chứ không đẹp. ĐIền Phong cũng vậy, ngày xưa đóng những vai Út Kiểng này kia, lên sân khấu mở màn ra khán giả cũng vỗ tay rần rần rồi khi bôi mặt không ai biết cả. Ở đây tôi muốn nói xấu không phải mặt mày xấu, ngoại hình và khuôn mặt làm sao khi hoá trang lên lại trở thành một nhân vật khác, đó mới hay.

Việc đó tuỳ vào thợ hoá trang hay do bản thân?

Do bản thân họ phải biết. Điều đó giống như tâm linh vậy, ông tổ phù hộ cho họ có hào quang, đó là điều nhiều nghệ sĩ cũng không biết tại sao họ như vậy, không biết tại sao nhìn vậy nhưng khi lên sân khấu khán giả lại khen đẹp.

Người tình sân khấu của anh nhưng anh vẫn nhận định ở ngoài không xinh, vậy với anh, anh thấy cô đào nào cùng thời hoặc trước đó đẹp nhất trong mắt anh?

Đối với tôi, Thoại Mỹ đẹp nhất nhưng để nói về duyên dáng khi bước lên sân khấu, Ngọc Huyền vẫn chiếm ưu thế hơn. Thoại Mỹ bước lên sân khấu là cô đào đẹp nhưng để đứng chính trong một vai vẫn có điều gì đó thiếu thiếu. Có thể giao tất cả các vai, Ngọc Huyền đảm nhận được hết nhưng với Thoại Mỹ vẫn còn hạn chế mặc dù cô ấy rất đẹp. Thanh Ngân ngày xưa lúc mới ở tỉnh đi lên, tôi là người hoá trang cho Thanh Ngân và lúc đó tôi khẳng định, cô này sẽ là một cô đào chính vì tôi nhìn thấy nét của một cô đào. Trở ngược lại với "Chuông vàng vọng cổ" vừa rồi, ba cô đào được đưa vào top 3, Mỹ Tiên, Diễm Ngọc và Hồng Trang, nếu tôi là đạo diễn có một vở diễn phải chọn một trong ba cô đào để có đào chính, tôi sẽ chọn Mỹ Tiên. Giọng ca không cần xuất sắc nhưng Mỹ Tiên sẽ đảm nhận được vai chính trong vở. Diễm Ngọc có giọng ca tuyệt vời nhưng rất thiếu nhiều yếu tố để trở thành đào chính, Hồng Trang cũng vậy, cả hai vẫn diễn được đào chính nhưng để đạo diễn chọn, vẫn chọn Mỹ Tiên. Người nghệ sĩ có dám trở thành chính hay không. Ngày xưa tôi hát chính cho tất cả các đoàn nhưng khi hải ngoại về làm video, tôi không bao giờ được làm chính, tôi phải ở dưới Vũ Linh, có khi Vũ Linh tới Minh Vương rồi mới tới tôi. Sau khi nhiều băng phát hành, người đầu tiên phát hiện và nói tôi sẽ hát chính trong video chính là Minh Vy. Phải có người nhìn ra và tạo một cơ hội mới có thể lên. Kim Tiểu ngày xưa ở tỉnh lên, tôi đổi tên cho cậu ấy là Kim Tiểu Long, nếu ngày xưa Phượng Hoàng không nhìn ra Kim Tiểu Long có thể đóng vai chính được, bây giờ chưa chắc có Kim Tiểu Long bây giờ.

Phần 2 sẽ là những chia sẻ của NSƯT Kim Tử Long về bà xã Trinh Trinh và chuyện sinh thêm con. Mời quý vị và các bạn cùng đón xem!

Lam Khánh (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới