SAO » Chuyện làng sao

Nữ diễn viên Hollywood hoàn hảo nhất thế kỷ 20, huyền thoại của cô ấy vượt ra ngoài 'xiềng xích' của thời gian

Thứ ba, 01/02/2022 12:04

Audrey Hepburn không chỉ được biết đến là nữ minh tinh bậc nhất của điện ảnh Hollywood mà còn là nguồn cảm hứng tuyệt vời đối với ngành thời trang thế giới.

Công chúa xinh đẹp của Hollywood

Audrey Hepburn sinh ngày 4/5/1929 tại Bruxelles, Bỉ. Cha của bà là một chủ ngân hàng người Anh, và mẹ là dòng dõi của một nhà quý tộc Hà Lan.

Audrey được coi là một báu vật hiếm có trong làng điện ảnh thế giới, vẻ ngoài thanh tú, không thô tục và đầy cuốn hút. Dáng người mảnh mai, khí chất lúc nào cũng thanh tao, thuần khiết.

Bà là một trong những phụ nữ được ngưỡng mộ và noi gương nhất trong thế kỷ 20. Audrey khuyến khích phụ nữ khám phá và nhấn mạnh những ưu điểm của bản thân, không chỉ thay đổi cách ăn mặc của phụ nữ mà còn thay đổi cách phụ nữ nghĩ về bản thân. Kể từ khi gặp nhà thiết kế thời trang người Pháp - Hubert de Givenchy, mặc đồ cho "Dragon & Phoenix", Audrey Hepburn đã trở thành "nàng thơ" và là nguồn cảm hứng của Givenchy.

Quá trình phát triển

Audrey Hepburn bắt đầu học tại một trường nội trú quý tộc ở London, Anh vào năm 6 tuổi, nhưng sau đó đã phải thay đổi khi cha mẹ ly hôn. Bà rời Anh để đến sống với mẹ tại Hà Lan.

Năm 10 tuổi, Audrey được mẹ cho học múa ba lê. Thời điểm đó chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Hà Lan bị Đức Quốc xã chiếm đóng, hai mẹ con Audrey rơi vào cảnh sống nghèo khổ. Trong thời kỳ đói kém của chiến tranh, Audrey thường ăn củ hoa tulip, "bánh mì xanh" làm từ bột mì và cỏ, và uống nhiều nước để no bụng. Tuy nhiên, Audrey vẫn không ngừng tập luyện nhảy múa ba lê bởi niềm đam mê mãnh liệt của mình.

Nữ diễn viên Hollywood Audrey Hepburn.

Năm 1944, ở tuổi 16, Audrey trở thành một y tá tình nguyện. Trong trận chiến, nhiều binh sĩ đồng minh bị thương được đưa đến bệnh viện nơi Audrey làm việc, và một trong những lính dù người Anh bị thương, sau này là đạo diễn Terence Young, đã bình phục dưới sự giúp đỡ và chăm sóc của Audrey và các y tá khác. Năm 1967, ông đã đạo diễn bộ phim "Wait Until Dark" do Audrey đóng.

Sau Thế chiến II, Audrey và mẹ chuyển đến London, Anh với số tiền 100 bảng (hơn 1 triệu đồng) mà họ dành dụm được. Tại đây, Audrey tìm kiếm cơ hội để học cao hơn trong khi làm việc bán thời gian. Năm 1948, Audrey vào học trường ballet của Marie Lambert. Tuy nhiên, bà phải trở lại Hà Lan vì không có tiền đóng học phí. Để đối mặt với áp lực tài chính, bà chuyển sang làm người mẫu bán thời gian và biểu diễn trong một đoàn ca múa nhạc.

Con đường trở thành ngôi sao điện ảnh

Năm 1951, bà được mời tham gia vở kịch Broadway "Gigi". Thành công của vai diễn mở cánh cửa rộng lớn đưa Audrey tới Hollywood. Sau đó, Audrey nhanh chóng chinh phục làng điện ảnh, trở thành ngôi sao lớn với các phim như "Sabrina", "War and Peace", "Breakfast at Tiffany's"...

Bộ phim “Breakfast at Tiffany’s” vào năm 1961 đã đưa cái tên Audrey Hepburn lúc bấy giờ đang còn khá xa lạ với khán giả trở nên vụt sáng. Vai diễn Holly Golighly mà Audrey Hepburn thể hiện dường như được dành riêng cho bà. Sau này đạo diễn Blake Edwards của phim thổ lộ rằng, ông đã tìm thấy được điều gì đó khó lý giải từ Audrey Hepburn để mời diễn viên trẻ người Anh đảm nhận vai chính thay thế cho nữ minh tinh Marilyn Monroe.

Từ sau khi tham gia bộ phim về chủ đề thời trang “Breakfast at Tiffany’s”, cái tên Audrey Hepburn gần như phủ sóng trên các phương tiện truyền thông. Người hâm mộ lục lọi tất cả mọi thông tin về nữ minh tinh và tung hô cô như một biểu tượng của thời trang. Vai diễn cũng giúp người đẹp trở thành ngôi sao hạng A và dành chiến thắng ở các hạng mục quan trọng trong các kỳ liên hoan phim quốc tế uy tín như Oscar, Emmy, Grammy v.v…

“Breakfast at Tiffany’s” thuộc chủ đề thời trang được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Truman Capote đã nhanh chóng thu về cho nhà sản xuất hơn 14 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng) doanh thu so với kinh phí ban đầu chưa tới 2,5 triệu USD (hơn 56 tỷ đồng). Đây là một kết quả khó dự đoán từ chính êkíp phim và bản thân Audrey Hepburn.

Đạo diễn Blake Edwards đã chứng tỏ sự lựa chọn của mình là đúng khi “Breakfast at Tiffany’s” công chiếu nhanh chóng tạo “cơn sóng” tại các rạp chiếu phim. Thậm chí, hình ảnh poster của phim gần như trở thành biểu tượng, nguồn cảm hứng của giới mộ điệu yêu thời trang. Audrey Hepburn hoá thân trọn vẹn vào nhân vật Holly Golighly – một thiếu nữ xinh đẹp, mang trong mình nhiều hoài bão với mong muốn thoát khỏi cuộc sống nghèo khó để hòa nhập vào chốn đô thị phồn vinh ở New York.

Năm 1953, bộ phim "Roman Holiday" do Audrey và ngôi sao Hollywood Gregory Peck thủ vai chính lại tiếp tục "bùng nổ" khi được công chiếu. Do thể hiện thành công cốt truyện nên bộ phim đã nhanh chóng càn quét khắp thế giới sau khi công chiếu.

Nhiều tờ báo đã khen vẻ đẹp tràn đầy sức sống, quyến rũ, sang trọng của Audrey và người ta ca ngợi bà là nữ diễn viên xuất sắc nhất sau Greta Garbo và Ingrid Bergman: “Một Garbo mới đã ra đời!”. Thậm chí, chính nữ minh tinh Ingrid Bergman đã phải thốt lên khi xem phim “Roman Holiday” vì vô cùng xúc động trước diễn xuất của Audrey.

Audrey không chỉ chiếm được tình cảm của hàng trăm triệu thanh thiếu niên trên thế giới thời điểm đó mà ngay cả giới phê bình cũng bị cô cuốn hút. Audrey lần đầu tiên được đề cử giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn trong "Roman Holiday".

Cuộc hôn nhân của Audrey Hepburn

Audrey rất thành công trong sự nghiệp nhưng hôn nhân lại lận đận, mỹ nhân nhiều lần bị phản bội. Tuổi thơ chứng kiến cảnh bố mẹ ly hôn, bà luôn khao khát cuộc sống gia đình để bù đắp tình cảm thiếu thốn. Nhưng mỗi cuộc tình đi qua đều để lại ít nhiều tổn thương với bà. Năm 1952, khi mới 23 tuổi, bà đính hôn với doanh nhân người Anh James Hanson rồi nhanh chóng chia tay.

Một thời gian sau, minh tinh phải lòng tài tử hơn 11 tuổi - William Holden. Nhưng lúc này, William đã có gia đình, ba con. Trong mắt Audrey, William là "người đàn ông đẹp trai nhất thế giới". Bà muốn kết hôn với ông nhưng khi biết người tình từng phẫu thuật thắt ống dẫn tinh, không thể có con, bà đau khổ và lập tức chia tay.

Năm 1954, bà quen đạo diễn, diễn viên Mel Ferrer trong một buổi ra mắt phim ở Anh. Ông hơn Audrey Hepburn 12 tuổi, đã trải qua hai cuộc hôn nhân, có bốn con. Năm 1954, hai người kết hôn ở Thụy Sĩ, từng đóng chung phim "War and Peace". Diễn viên nói buồn vì mẹ bà không ủng hộ cuộc hôn nhân. Minh tinh khó có con, nhiều lần sảy thai do ngã ngựa khi đóng "Unforgiven". Lúc sinh con đầu lòng - Sean Ferrer - năm 1960, Audrey Hepburn cảm thấy tuyệt vời "như một giấc mơ".

Trong lần du lịch quanh các hòn đảo của Hy Lạp, tình cờ gặp và yêu bác sĩ tâm lý người Italy - Andrea Dotti, kết hôn với ông trong vòng một năm. Ở tuổi 40, Audrey Hepburn sinh con thứ hai - Luca, tạm rời xa Hollywood. Sau đó, Audrey tiếp tục sảy thai năm 1974, trong khi chồng bà không quan tâm đến vợ, ngoại tình với nhiều phụ nữ. Các cuộc tình chóng vánh của ông trở thành "miếng mồi" trên nhiều tờ báo lá cải, khiến Audrey đau đớn.

Sau khi Audrey Hepburn ly hôn Andrea Dotti, bà đã yêu diễn viên người Hà Lan - Robert Wolders. Hai người cùng đi khắp thế giới, làm nhiều việc thiện cho tổ chức UNICEF. Họ ở bên nhau 12 năm, cho đến khi Audrey Hepburn qua đời vì ung thư.

Audrey nhiều lần thể hiện sự vụn vỡ khi ly hôn: "Tôi từng nghĩ rằng cuộc hôn nhân giữa hai người yêu nhau sẽ phải kéo dài đến khi một trong hai qua đời", "Tôi không thể giải thích tôi đã vỡ mộng như thế nào. Tôi đã cố gắng và cố gắng. Tôi biết sẽ rất khó khăn khi kết hôn với một người nổi tiếng khắp thế giới, đi đâu cũng bị nhận ra. Mel đã chịu đựng những điều này. Nhưng tin tôi đi, tôi luôn đặt sự nghiệp ở vị trí thứ hai".

Năm 1992, Audrey Hepburn bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau dạ dày và khi kiểm tra sức khoẻ tại Hà Lan, bà được xác định mắc bệnh Pseudomyxoma Peritonei – một dạng ung thư hiếm gặp. Bệnh tình của bà phát triển nhanh chóng khi tế bào ung thư đã di căn, trở thành một lớp mỏng bao phủ trên ruột non.

Sau ca phẫu thuật không thành công, Audrey Hepburn qua đời vào năm 1993 tại nhà riêng, kết thúc cuộc đời của một huyền thoại hàng đầu điện ảnh Hollywood ở tuổi 64. Nhiều khán giả vẫn dành nhiều sự tiếc nuối cho một người đẹp có tầm ảnh hưởng lớn đến dòng phim điện ảnh kinh điển Mỹ và ngành công nghiệp may mặc thế giới nói chung.

Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới