Quá khứ nghỉ học sớm để mưu sinh
Nguyễn Linh Ngọc quê gốc Quảng Đông, sinh ngày 26/4/1910 tại thành phố Thượng Hải. Lúc này cô vẫn chưa lấy tên là Nguyễn Linh Ngọc. Vừa 6 tuổi thì cha bị bệnh qua đời, mẹ Nguyễn Linh Ngọc phải đi làm công cho một gia đình nhà giàu họ Trương để kiếm tiền nuôi cô ăn học.
Nguyễn Linh Ngọc có xuất thân nghèo khó.
Vào thời điểm đó, lối sống của phương Tây đã trở nên phổ biến tại Thượng Hải. Để thay đổi vận mệnh, không muốn con gái phải sống cuộc đời nghèo khó, vất vả như mình, người mẹ quyết định gửi Nguyễn Linh Ngọc vào trường nữ sinh Sùng Đức để được tiếp thu nền giáo dục tiên tiến của phương Tây.
Vậy là từ năm 9 – 16 tuổi, Nguyễn Linh Ngọc bắt đầu được theo học tại trường nữ sinh Sùng Đức, đạt kết quả học tập tốt, thích tham gia các hoạt động ngoại khóa và biểu diễn. Nhìn lại cuộc đời ngắn ngủi của mỹ nhân một thời này, đây có lẽ là quãng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời bà.
Ngôi sao sáng nhất điện ảnh Trung Quốc thập niên 30
Năm 1927, Nguyễn Linh Ngọc đã được Trương Tuệ Trùng – anh chồng bà sau này để ý đến và giới thiệu cho bà đi đóng phim. Nguyễn Linh Ngọc khi ấy đang thiếu tiền nên bà lập tức đồng ý ngay mà không do dự, con đường diễn xuất cũng từ đó mà mở ra.
Nguyễn Linh Ngọc đến với sự nghiệp diễn xuất cũng chỉ vì cuộc sống túng thiếu nhưng sau đó bà nhận ra, bà thật sự thích nghề này.
Bộ phim điện ảnh đầu tiên mà Nguyễn Linh Ngọc thủ vai nữ chính là tác phẩm "Vợ chồng trên danh nghĩa" do biên kịch lão làng Trịnh Chính Thu chấp bút. Mặc dù kĩ năng diễn xuất còn nhiều hạn chế, nhưng nhờ vào dung mạo xuất chúng cùng khí chất u buồn vốn có, vai diễn này đã đạt được thành công lớn và thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Dựa vào lòng nhiệt huyết với việc đóng phim và khát vọng tự lực cánh sinh, Nguyễn Linh Ngọc đã hạ quyết tâm sẽ cố gắng vươn lên trong giới điện ảnh.
Sáng rực trên bầu trời nghệ thuật chỉ vỏn vẹn 9 năm, nhưng nàng đã bước lên đỉnh cao mà không một ai có thể với tới. Song hào quang không bỗng dưng mà tìm đến nàng. Mỗi lần nhận vai mới, nàng luôn tự giam mình trong phòng, cố gắng phân tích tâm lý nhân vật, rồi tự khóc tự cười. Chính Nguyễn Linh Ngọc, đối diện với ánh nhìn săm soi của người khác những lần như vậy, cũng tự thú nhận: "Tôi chính là người điên đây".
Vẻ đẹp sắc sảo, phảng phất nét u buồn của Nguyễn Linh Ngọc được các nhà làm phim chú ý từ những ngày đầu gia nhập giới điện ảnh.
Ngày 13/3/1927, trên tập san đặc biệt của một tờ báo đã đăng sai tên về nữ diễn viên chính bộ phim "Vợ chồng trên danh nghĩa" thành Linh Ngọc. Thời điểm đó cô vừa 17 tuổi, vốn có tên thật là Ngọc Căn (hoặc Ngọc Anh) đã chính thức đổi tên thành Nguyễn Linh Ngọc.
Từ năm 1926 – 1928, cô quay liên tiếp 4 bộ phim: "Vợ chồng trên danh nghĩa", "Dương Quý Phi của Bắc Kinh", "Huyết lệ bia" và "Bạch Vân Tháp"; dần dần có được chỗ đứng trong lòng công chúng.
Bước vào thời kỳ hoàng kim
Phong cách diễn của Linh Ngọc rất đặc trưng: chân thành, mộc mạc, tự nhiên, tươi mới. Năm 1929, Nguyễn Linh Ngọc hóa thân xuất sắc vào nhân vật Yến Yến trong bộ phim "Xuân mộng cố đô" của đạo diễn Tôn Du, nhận được nhiều lời khen từ phía khán giả và cả giới phê bình. Thành công lớn của bộ phim cũng góp phần đưa tên tuổi cô trở thành ngôi sao lớn trong giới điện ảnh.
Chân dung Nguyễn Linh Ngọc lúc sinh thời.
Năm 1932, sự kiện Nhất nhị bát (quân Nhật tràn vào tấn công Thượng Hải ngày 28/1) xảy ra, khiến nhiều thương gia giàu có tại Thượng Hải thời đó lũ lượt bỏ trốn sang Hong Kong. Lúc này, Nguyễn Linh Ngọc cũng di cư sang lánh nạn. Sau khi chiến sự lắng xuống, Nguyễn Linh Ngọc quay về Thượng Hải đóng phim.
Trong thời gian ở Thượng Hải, sự nghiệp của Nguyễn Linh Ngọc lên như diều gặp gió, khi liên tục tham gia vào các bộ phim thành công như "Little Toys" và đặc biệt là "Three Modern Women" (1933). Cô trở thành nữ minh tinh ở đỉnh cao danh vọng, một trong những ngôi sao nổi tiếng nhất Trung Quốc của thập niên 1930.
Nguyễn Linh Ngọc và bạn diễn.
Năm 1934, Linh Ngọc diễn tác phẩm Nhân Sinh, xuất sắc hóa thân vào cuộc đời nhân vật từ khi còn nhỏ cho tới lúc về già, vinh dự được bầu là Báu vật phim câm của Trung Hoa. Bản thân bà cũng gật đầu, "Tôi hài lòng nhất với vai diễn của mình trong Nhân Sinh".
Người ta ví Nguyễn Linh Ngọc có một sự nghiệp tựa mặt trời ban trưa, vinh quang dồn dập ghé thăm. Thế nhưng, cuộc đời của bà lại là những mảng tối u ám, dường như chưa từng có ánh sáng nào chiếu vào được.
Thành công trong sự nghiệp nhưng Nguyễn Linh Ngọc lại lận đận tình duyên.
Tự tử ở tuổi 25 chỉ vì chữ "tình", kết thúc buồn cho một kiếp hồng nhan đầy truân chuyên
Khi mới 15 tuổi, Nguyễn Linh Ngọc đã phải lòng chàng công tử phong lưu nhà giàu Trương Đạt Dân hơn mình 3 tuổi khi ông nhiệt tình theo đuổi bà. Người con gái trẻ khi ấy chưa hiểu chuyện đời, nghe những lời mật ngọt của Trương Đạt Dân nên đã mủi lòng, nhất quyết đòi đến với ông dù bị mẹ bạn trai phản đối.
Trương Đạt Dân (phải) là mối tình đầu và cũng được coi là chồng của Nguyễn Linh Ngọc sau này.
Năm 1926 Nguyễn Linh Ngọc bị đuổi khỏi trường Sùng Đức, bà và Trương Đạt Dân thuê một căn nhà ở đường Bắc Tứ Xuyên, sinh sống như vợ chồng. Sống chung với nhau lại nhận thêm con gái nuôi, cả hai lúc này đều là những người không có nghề nghiệp. Trong thời gian đầu, đôi tình nhân trẻ đắm chìm trong tình yêu ngọt ngào, hạnh phúc.
Buồn thay sự đời không được như mơ. Trương Đạt Dân tuy không có tiền nhưng lại rất thích ăn chơi trụy lạc, không lâu sau khi sống chung với Nguyễn Linh Ngọc thì bắt đầu dở tính. Anh ta thường xuyên phung phí tiền bạc vào các cuộc cá độ và đắm chìm vào tửu sắc. Bà không thể chịu đựng được thói xấu này của gã, nên cả hai thường xuyên cãi vã. Về sau Trương Đạt Dân được hưởng một phần tài sản của gia đình, nhưng tất cả tiền bạc đều bị tiêu sạch không còn một xu nào, cuộc sống của họ bắt đầu rơi vào khốn đốn.
Nguyễn Linh Ngọc và con gái nuôi.
Vì quá yêu Trương Đạt Dân nên Nguyễn Linh Ngọc vẫn cam chịu, bắt đầu tính đến chuyện đi làm kiếm tiền phục vụ "chồng". Và cũng từ lúc ấy cô đã bước chân vào làng giải trí. Khi ấy, điện ảnh Trung Quốc bước vào thời kỳ cực thịnh nên sự nghiệp của Nguyễn Linh Ngọc cũng nhanh chóng đi đến đỉnh cao.
Thời điểm này, Trương Đạt Dân bỗng trở nên trơ tráo, mặt dày đòi tiền bà. Cho dù là đánh bạc thua hay ngoại tình bồ bịch bên ngoài, cứ hết tiền là chạy đến nơi quay phim của Nguyễn Linh Ngọc giở thói Chí Phèo.
Dẫu vậy, Nguyễn Linh Ngọc vẫn cố gắng nghĩ tốt cho gã. Bà luôn khuyên bảo Trương Đạt Dân, ngỏ lời muốn kết hôn với gã. Nhưng Trương Đạt Dân cạn tàu ráo máng, dập tắt mọi hy vọng của Nguyễn Linh Ngọc. Gã bảo thích Linh Ngọc vì bà xinh đẹp, coi bà như vợ bé để sai bảo chứ tuyệt không có ý định kết hôn.
Trong thời gian cùng "chồng" và con gái nuôi đến Hong Kong lánh nạn, bắt đầu lại mọi thứ, Nguyễn Linh Ngọc đã gặp được Đường Quý San, người này đã góp phần đưa cuộc sống của "ngôi sao màn bạc" nổi tiếng nhất thời ấy bước vào địa ngục không có lối thoát.
Đường Quý San (phải) - người đàn ông thứ 2 trong cuộc đời Nguyễn Linh Ngọc và cũng là người mang đến nhiều đau khổ nhất cho cô.
Đường Quý San là một thương nhân giàu có và cũng rất nổi tiếng, phất lên nhờ việc kinh doanh chè. Ngoài ra, Đường Quý San cũng là một cổ đông lớn của hãng phim Liên Hoa, nơi mà Nguyễn Linh Ngọc đầu quân. Lần đầu tiên gặp Nguyễn Linh Ngọc, Đường Quý San đã bị vẻ đẹp kiều diễm của nữ minh tinh thu hút và bà để lại cho ông ấn tượng rất sâu sắc. Gã thường xuyên mang hoa đến tặng giai nhân.
Dù khi ấy đang hẹn hò với nữ diễn viên Trương Chức Vân nhưng Đường Quý San không ngại bỏ người tình này, tìm mọi cách để "tấn công" Nguyễn Linh Ngọc. Lúc đó, cuộc sống của Nguyễn Linh Ngọc và Trương Đạt Dân đang gặp trục trặc lớn nên bà đã xiêu lòng trước Đường Quý San.
Sau đó, Nguyễn Linh Ngọc đã chia tay Trương Đạt Dân và chuyển đến sống chung như vợ chồng với Đường Quý San. Khoảng thời gian đó, hắn đối xử với mẹ con Lý Linh Ngọc khá tốt. Mặc dù biết Đường Quý San đã có người tình, song Nguyễn Linh Ngọc không để bụng tính toán. Nàng từng thổ lộ với một người bạn rằng: "Mình quá mềm yếu, không cưỡng lại được khi người khác tốt với mình. Nếu có một người thương yêu mình, thì mình cũng như điên như dại mà hồi đáp tình cảm của người ta".
Ở chung một thời gian, Đường Quý San lộ nguyên hình, không cho Nguyễn Linh Ngọc tham gia các buổi tiệc tùng hay hoạt động xã hội. Nếu bà buộc phải ra ngoài, hắn sẽ hằm hằmm chẳng nói chẳng rằng. Có lần bà quay phim về muộn, bị hắn nhẫn tâm nhốt bên ngoài. Mặc cho bà khóc lóc cầu xin hai tiếng đồng hồ, Đường Quý San vẫn dứt khoát không mở cửa. Rốt cục đêm hôm ấy bà phải nương nhờ nhà hàng xóm.
Chuyện đó khiến Nguyễn Linh Ngọc tổn thương rất sâu. Đường Quý San phóng túng, thích chòng ghẹo các cô em trẻ trung xinh xắn trong vũ trường. Đường Quý San mặt mày hung tợn, trước bàn dân thiên hạ thẳng tay đánh bà. Nguyễn Linh Ngọc bấy giờ mới ý thức được mình đã bị lừa, đau khổ khôn cùng.
Vào lúc này, tai ương lũ lượt kéo tới. Trương Đạt Dân biết chuyện Nguyễn Linh Ngọc chuyển đến sống chung với Đường Quý San thì vô cùng tức giận, liên tục tìm đến bà quấy nhiễu rồi dày vò, ép bà đưa tiền cho ông ta. Nguyễn Linh Ngọc không chịu, Trương Đạt Dân bịa ra chuyện bà ăn trộm không ít tài sản của nhà họ Trương đem cho Đường Quý San.
Không chịu để yên, Đường Quý San cũng kiện ngược Trương Đạt Dân tội bôi nhỏ danh dự, ép Nguyễn Linh Ngọc phải công khai trên báo rằng: "Tôi đang sống cùng Đường Quý San, nhưng chưa từng tặng cho anh ta món đồ nào nhà họ Trương. Chúng tôi vẫn độc lập về kinh tế". Nguyễn Linh Ngọc nào có ngờ, hóa ra mình lại từ ngục tù này chuyển qua một lồng giam khác. Và khủng khiếp hơn, lồng giam mới chính là tử lao.
Khi ấy, "bộ ba" Trương Đạt Dân – Nguyễn Linh Ngọc – Đường Quý San trở thành những cái tên nổi tiếng nhất và gây ầm ĩ nhất Trung Quốc. Báo đài đua nhau đưa chuyện "phong lưu" giữa Nguyễn Linh Ngọc và hai người đàn ông, thật giả lẫn lộn, vu tội, công kích, rủa xả bà. Bọn họ nhân cơ hội mượn tay dư luận dìm chết bà.
Đối với Nguyễn Linh Ngọc, quan trọng nhất trong cuộc đời là danh dự, sự nghiệp và tình yêu. Tình yêu đã vỡ tan, danh dự thì mất hết, sự nghiệp ngày một lụi bại. Bà rơi xuống đáy vực tuyệt vọng rồi quyết định tự sát.
Tối ngày 7/3/1935, sau khi cùng Đường Quý San đi tham dự một buổi yến tiệc về, nữ diễn viên ngoài mặt vẫn tỏ ra vui vẻ, nhưng đã lén chuẩn bị sẵn thuốc ngủ và di thư để tự vẫn. Nguyễn Linh Ngọc bảo người làm chuẩn bị một ít đồ ăn nhẹ, còn mình thì vào buồng ngủ, dặn Đường Quý San: "Khuya lắm rồi, anh ngủ trước đi. Em tính toán sổ sách xong rồi ngủ".
Ngày 8/3/1935, hàng loạt các tờ báo của Trung Quốc khi ấy đã đăng tin Nguyễn Linh Ngọc tự sát khiến công chúng hết sức bất ngờ. Khi người ta tìm thấy bà, bên cạnh là đĩa đồ ăn còn thừa cùng với ba chai thuốc ngủ lăn lóc.
Ngày đưa tang Nguyễn Linh Ngọc đã có hơn 300 nghìn người tới dự tang lễ, họ đau xót thương tiếc cho một "hồng nhan bạc mệnh" và đi theo linh cữu của bà khắp các ngõ phố ở Thượng Hải. Trước đó, bà được mặc một bộ sườn xám thêu hoa màu mật ong, nằm giữa trăm hoa, trên mặt dường như vẫn vương nước mắt. Hình này này gây ám ảnh cho nhiều người đến tận bây giờ.
Hình ảnh Nguyễn Linh Ngọc nằm đấy, mắt vương giọt lệ khiến người đời xót thương.
Thậm chí, phóng viên của tờ báo New York Times còn cảm thấy quá bất ngờ vì đám tang của Nguyễn Linh Ngọc, nên đã viết về sự kiện này và gọi nó là "Đám tang vĩ đại nhất trên thế giới".
Đầu giờ chiều, các tên tuổi lớn trong giới điện ảnh cũng tề tựu. Nhìn linh cữu Nguyễn Linh Ngọc được đặt lên xe tang, ai nấy đều rưng rưng ngấn lệ. Vậy là từ nay, thiên đường lại có thêm một thiên sứ.
Hàng trăm nghìn người đã đến đưa tiễn nữ minh tinh tài hoa bạc mệnh.
Cái chết của Nguyễn Linh Ngọc đồng thời cũng kéo theo khá nhiều hệ lụy. Trong ngày đưa tang, tại Thượng Hải đã có đến 5 thiếu nữ tự tử và để lại thư tuyệt mệnh với nội dung tương tự nhau: "Nguyễn Linh Ngọc chết rồi, tôi sống còn có ý nghĩa gì nữa."
Sự ra đi của nữ diễn viên xinh đẹp và tài năng đã để lại cho người đời niềm thương tiếc vô hạn, những giọt nước mắt đã rơi vì một kiếp hồng nhan bạc bẽo và đầy trắc trở.