Chùa Bà Đen thờ ai?
Ngôi chùa Bà Đen thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, còn được gọi là Bà Đen. Theo truyền thuyết, nàng Đênh là con gái của một vị quan ở đất Trảng Bàng, xuất gia đầu Phật rồi chết trên núi. Sau khi qua đời, bà hiển linh phù hộ, giúp đỡ người dân trong khu vực khi họ mất mùa hoặc gặp chuyện oan ức.
Vậy nên khi đến núi Bà Đen người ta thường cầu may mắn, sức khỏe, công danh, tài lộc…
Núi Bà Đen thờ thờ Linh Sơn Thánh Mẫu.
Núi Bà Đen ở đâu?
Núi Bà Đen rộng 24 km2 được tạo thành bởi ba dãy núi: núi Phụng, núi Bà Đen và núi Heo. Không chỉ có phong cảnh đẹp ngoài trời mà nơi đây còn là một địa điểm hành hương với hệ thống chùa Trung, chùa Bà Đen và chùa Hang thu hút hàng vạn du khách thập phương.
Đỉnh núi Bà Đen có tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn và tượng Phật Di Lặc.
Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen đã đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng. Một ví dụ là hệ thống cáp treo từ chân núi lên đỉnh núi Bà Đen, có chiều dài 1.847m đi chỉ mất 8 phút.
Chùa Bà Đen Tây Ninh nằm ở xã Thạnh Tân, cách thành phố Tây Ninh khoảng 11 km theo hướng Tây Nam. Nó nằm ở lưng chừng núi Bà Đen. Chùa Bà (còn được gọi là Linh Sơn Tiên Thạch) nổi tiếng nhất và được du khách thập phương biết đến với những câu chuyện ly kỳ và phong cảnh hấp dẫn.
Tượng Phật Tây Bổ Đà Sơn - Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á nằm trên đỉnh Bà Đen và là địa điểm hấp dẫn đối với nhiều du khách. Bức tượng Phật Bà, được đúc bằng hơn 170 tấn đồng đỏ theo kỹ thuật cao, có chiều cao 72 mét và được xây dựng dựa trên nguyên mẫu của bức tượng Phật thời Lê.
Tượng Phật núi Bà Đen Tây Ninh chính là tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn.
Tượng Phật Bà được bao quanh bởi bốn bức tượng Tứ Đại Thiên Vương trang nghiêm. Tượng Phật Bà trên núi Bà Đen đã nhận được kỷ lục "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á tọa lạc trên đỉnh núi" từ tổ chức Kỷ lục Châu Á. Công trình kỹ vĩ này cũng được Kỷ lục Việt Nam trao tặng kỷ lục "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam tọa lạc trên đỉnh núi".
Du lịch núi Bà Đen Tây Ninh vào mùa nào?
Từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau là thời điểm tốt nhất để đến núi Bà Đen Tây Ninh. Mùa khô ở Tây Ninh là thời điểm lý tưởng để đến thăm và khám phá khu du lịch Tây Ninh núi Bà Đen vì nhiều địa điểm vui chơi và tham quan đều nằm ngoài trời.
Nên đến núi Bà đen từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau.
Xuyên suốt tháng Giêng âm lịch, hội xuân trên núi Bà Đen thu hút cả vạn du khách đến chiêm bái cầu may. Đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng là ngày diễn ra lễ hội chính. Bạn có thể sắp xếp chuyến du lịch Tây Ninh vào lúc này để tận hưởng không gian lễ hội nhộn nhịp.
Di chuyển đến chùa Bà Đen Tây Ninh như thế nào?
Từ Sài Gòn đến Tây Ninh
Xe cá nhân: Từ bến xe An Sương, bạn đi theo quốc lộ 22A đến ngã ba Trảng Bàng rẽ trái. Tới ngã ba thị trấn Gò Dầu, rẽ phải theo quốc lộ 22B, sau đó chạy khoảng 60 km nữa là đến vòng xoay trung tâm Tp. Tây Ninh. Đi theo cung đường này bạn sẽ được ngắm nhìn đồng ruộng xanh ngát và sông Vàm Cỏ Đông, đặc biệt là hoàng hôn rất đẹp khi qua đoạn Gò Dầu - Hòa Thành lúc chiều tà.
Xe khách: Mua vé ở bến xe An Sương nằm trên quốc lộ 22A, Quận 12 để đến Tp. Tây Ninh. Giá vé từ 60.000 - 80.000 đồng/người.
Từ thành phố Tây Ninh, bạn có thể đi taxi hoặc thuê xe máy để đến được chùa Bà Đen Tây Ninh nhé vì chùa Bà Đen Tây Ninh chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 11km.
Cách di chuyển đến núi Bà Đen khá đơn giản và không tốn kém.
Cách di chuyển lên đỉnh núi Bà Đen
Từ chân núi Bà Đen, bạn sẽ có 2 cách để lên chùa Bà Đen Tây Ninh cũng như đỉnh núi Bà Đen: leo bộ hoặc ngồi cáp treo.
Leo bộ: dẫn lên chùa Bà Đen Tây Ninh là con đường 1.500 bậc, đi vòng quanh những tảng đá, cây rừng um tùm hai bên. Từ chân núi mất hơn một giờ để lên đến chùa nằm ở độ cao hơn 200m. Cách này chỉ dành cho những bạn có sức khỏe tốt thôi nha. Bạn nhớ mang theo một chai nước để tránh bị khát và mất nước.
Cáp treo: bạn có thể lên xuống chùa Bà Đen Tây Ninh bằng hệ thống cáp treo dài hơn 1.000m, thời gian cho mỗi lượt lên/ xuống khoảng 10 phút. Từ cabin, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh vật núi rừng hoặc cánh đồng trải dài đến hồ Dầu Tiếng phía dưới.
Lễ vật cúng núi Bà Đen cần chuẩn bị gì?
Bạn có thể chuẩn bị đồ cúng tại nhà hoặc mua ở chân núi.
Khi đến chùa Bà Đen Tây Ninh, bạn có thể mua các lễ vật như hoa, hoa quả, bánh kẹo và nhang. Nếu bạn không có thời gian chuẩn bị trước, bạn có thể yên tâm vì ngày dưới chân núi có rất nhiều lễ vật được sắp sẵn đẹp mắt. Lưu ý rằng khi đến chùa, bạn nên tính toán tất cả các chi phí, bao gồm nén nhang, tiền công đức, tiền ủng hộ dầu đèn và đồ cúng. Ngoài ra, lòng thành của chúng ta khi đến chùa vẫn là điều quan trọng nhất.
Đến núi Bà Đen ăn gì?
Khi đến chùa Bà Đen Tây Ninh vào tháng Giêng và lễ Vía Bà vào ngày 5 và 6/5 âm lịch, bạn sẽ được phục vụ cơm chay miễn phí.
Hoặc bạn có thể thưởng thức buffet Vân Sơn trên đỉnh núi với hơn 80 món ăn nổi tiếng các vùng miền, khiến hành trình khám phá Núi Bà thêm phần tiện lợi và trọn vẹn hơn. Giờ mở cửa tham khảo: từ 10h30 - 15h mỗi ngày.
Một số đặc sản khác phải kể đến như:
Ốc xu Núi Bà Đen: Nó có hình dáng gần giống với ốc bươu nhưng dẹt hơn gần giống với hình xu. Ốc xu núi Bà được chế biến thành nhiều món ăn ngon và đặc biệt tốt cho sức khỏe. Ốc Xu núi Bà đem đi chế biến món ốc nướng, xào xả, ốc hấp, ốc xào me, ốc xóc tỏi...
Thằn lằn là món bạn không nên bỏ lỡ khi đến núi Bà Đen.
Thằn lằn Núi Bà Đen: Món này được xem như một loại thuốc bổ dưỡng vì thức ăn chủ yếu chỉ gồm sung chín, chuối và lá thuốc nam nên thịt rất săn chắc, thơm ngon và vô cùng bổ dưỡng.
Bò tơ Tây Ninh: Thịt bò tơ Tây Ninh có hương vị ngon tuyệt khi đem nướng, thịt bò ngọt cùng với vị hơi cay cay bởi các nguyên liệu đi kèm, ăn mấy cũng không ngán.
Bánh canh Trảng Bàng: Món này là sự kết hợp giữa thời gian hầm thịt, xương để phần nước dùng chất lượng và khả năng nhồi bột của vị đầu bếp dễ thương tạo ra sợi bột dai vừa đủ khi thực khách ăn vào phải tấm tắc khen không ngớt.
Bánh tráng me: Đây là một phiên bản khác của bánh tráng phơi sương được ăn kèm với sốt me nhưng đặc biệt sốt me được thêm đậu phộng, hành phi, bột tôm… tất cả sẽ tạo nên thứ nước sốt chua ngọt thơm ngậy khiến người ăn không thể dừng lại được.