Ở đời, hoạn nạn cùng nhau mới quý chứ phú quý cùng nhau lại quá dễ. Trên tột đỉnh vinh quang của nghệ thuật và ánh hào quang bủa vây, mấy ai giữ được tình thầy trò, nghĩa bạn bè bền chặt theo thời gian. Vậy mà “Ông hoàng cải lương Hồ Quảng” Vũ Linh và NSƯT Diệu Hiền đã làm nên nhiều giai thoại đẹp về câu chuyện thầy trò cảm động lòng người.
NSƯT Diệu Hiền vốn là cô đào võ nức tiếng gần xa. Cái thời bà “tung hoành ngang dọc” trên san khấu, Vũ Linh vẫn chỉ là nghệ sĩ vô danh, chuyên đóng vai lính hầu hay vai thứ phụ nhỏ nhặt không ai nhớ. Bà là người phát hiện ra tài năng và tố chất nghệ thuật trong Vũ Linh để rồi quyết chắp cánh cho một tài năng hiếm có của nghệ thuật cải lương.
NSƯT không có nhiều học trò. Bà chỉ nhận một học trò nam duy nhất là Vũ Linh. Nói về cậu học trò này, ánh mắt bà bỗng dáng lấp lánh với niềm tự hào trong lời kể: “Cậu bé tên Võ Văn Ngoan nhưng không ngoan chút nào. Tôi nhận Linh theo học nghề lúc còn ở gánh hát Kim Chưởng. Gánh hát dọn đến đâu đều bị mắng vốn do tật lý lắc, phá phách của Linh”. Bà cho biết, có lần Vũ Linh đánh con của một quan lớn vì bị người này mắng: “Lũ tụi bây là phường xướng ca vô loài”. Nhưng vì tính khí ngang ngạnh của Vũ Linh, cả đoàn không ai nói để ông lọt tai. Chỉ duy nhất có NSƯT Diệu Hiền vừa mắng vừa bắt Linh về quỳ gối trên vỏ sầu riêng để dạy cách cư xử ở đời đến tàn cây nhang mới cho đứng lên. Cũng từ đó, Vũ Linh sợ người thầy này hơn “sợ cọp”. Bà nói một tiếng, Vũ Linh dù có ương bướng vẫn phải nghe theo. Vũ Linh vừa nể sợ người thầy yêu thương và hết lòng vì mình, vừa kính yêu bà như người chị chứ không đơn thuần là sự vị nể về địa vị lúc bấy giờ của bà.
Ở cái thời đỉnh cao của sự nghiệp, sân khấu sang đèn, tên tuổi Diệu Hiền vang xa như lời ca tiếng hát của bà. Thế nhưng, bà lại thương cậu học trò chỉ toàn đóng vai kép phụ thì biết ngày nào lên. Bà nghĩ ra cách len lén năn nỉ anh kép chánh giả bệnh để học trò mình có dịp đóng thế vai ghi dấu ấn với bà bầu: “Tuồng đó Linh đóng vai sư huynh của tôi. Đáng lí nó phải gọi tôi là sư muội nhưng vì tôi lớn tuổi hơn nên phải sửa tuồng lại cho nó gọi tôi là sư tỉ. Cứ mỗi lần ra sân khấu tập, nó kêu xong tiếng “sư tỉ” là cười ngặt ngẽo. Tôi tức quá phải doạ, mày mà cười nữa là tao đá một phát xuống sân khấu bây giờ. Lo tập cho đàng hoàng. Đêm diễn của Linh là tôi hồi hộp hơn mình diễn. Đứng sau cánh gà khi hết vai của mình, nghe Linh hát thấy Linh diễn, khán giả vỗ tay rần rần, tôi vui muốn khóc”.
Sau đêm diễn đó, tên tuổi của Vũ Linh bắt đầu được chú ý hơn, Khi hay tin nghệ sĩ Minh Tơ - thân phụ của NSND Thanh Tòng tuyển nghệ sĩ vào đoàn, NSƯT Diệu Hiền khuyên Vũ Linh thi vào đoàn. Người học trò bướng bỉnh nghe theo thầy và sau 3 tháng anh đã làm kép chánh. NSƯT Diệu Hiền cứ thế mỗi đêm âm thầm đi mua vé xem cậu học trò diễn. “Khán giả như bị hút hồn trong lời ca tiếng hát của thằng Linh. Vé thì bán sạch. Ai trong đoàn cũng khen nó hát mùi, tôi khóc như mưa vì sung sướng”.
Cái thời cải lương tuồng cổ chưa phát triển, NSƯT Diệu Hiền lại là người đi trước đón đầu. Bà ép học trò của mình phải đi học tuồng cổ trong sự bực bội phản đối của Vũ Linh: “Thằng Linh la làng nói với tôi là: “Người ta đang hát cải lương không cho hát mà bắt đi học hát cải lương hồ quảng là sao. Diệu Hiền cái gì Diệu Dữ thì có”. Tôi cười phì rồi dụ ngọt nó: “Chị muốn em cái gì cũng giỏi. Em làm cái gì cũng phải giỏi nhất. Mình có nghề giỏi thì quăng mình ở đâu mình cũng sống được. Em nghe chị đi”. Cũng nhờ sự cương quyết của cô đào võ Diệu Hiền mới có một “Ông hoàng cải lương Hồ quảng” lừng danh Vũ Linh như hôm nay.
Vào năm 1979, trong một lần lưu diễn, ghe hát bị cháy, nghệ sĩ Diệu Hiền thoát thân không kịp nên bị bỏng nặng đến 2/3 lưng, phải ngưng hát một thời gian dài. Lúc bấy giờ, chính người học trò Vũ Linh là người giúp bà có thêm hy vọng được sống. Anh đang là ngôi sao được nhiều đoàn săn đón nhưng bỏ mọi việc chạy về chăm lo cho bà tỉ mỉ còn hơn người thân: “Đào hát mà tay chân bị phỏng, mặt cũng phai tàn nhan sắc, thì làm sao vũ đạo, làm sao lên sân khấu. Tôi nghĩ, thôi chết luôn cho rồi. Thằng Linh xin nghỉ hát 3 tháng để về Hậu Giang chăm sóc tôi. Nhờ thằng Linh, một tay nó lo lắng, tìm thầy thuốc, khuyên nhủ đủ điều. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh Linh đút từng muỗng cháo cho tôi ăn mà nước mắt chảy dài”.
Nhiều ông bầu phải lặn lội về mời mọc năn nỉ Vũ Linh quay lại đoàn hát vì không có anh là coi như đoàn ế. Vũ Linh thiết tha xin rằng: “Các anh thương Linh đi. Các anh nhìn chị Linh như vậy sao Linh bỏ chị Linh mà yên tâm hát được. Thư thả cho Linh chăm sóc cho chị linh khoẻ mạnh rồi Linh về hát cho mọi người”. Tình cảm đó hẳn chỉ có ở nhưng người thân ruột thịt chứ không dừng lại ở danh phận thầy trò.
Với Vũ Linh, NSƯT Diệu Hiền không chỉ là người thầy dìu dắt anh trong nghề mà còn là người hết lòng vực anh dậy mỗi khi phạm lỗi lầm, sa cơ. Đời nghệ sĩ vốn lắm chông gai, lúc thăng lúc trầm, những lúc vấp ngã tưởng chừng đã buông tay tất cả cũng là lúc anh được thầy kéo ra khỏi vùng tối tăm.
Nam nghệ sĩ này xúc động kể lại: “Tôi không hạnh phúc trong chuyện tình cảm nên chán nản, tìm quên trong trò đen đỏ. Chị biết, tìm đến tận nơi tôi đang sát phạt. Vừa nhìn thấy chị, tôi run quá, co chân chạy trốn. Chị nói lớn: “Mày có tin tao sẽ lao đầu xuống chung cư này nếu mày không đứng lại”. Tôi đứng lại, tưởng rằng sẽ nghe chị trút cơn giận. Nhưng không, chị ôm tôi vào lòng rồi khóc: “Công chúng cho mình ánh hào quang đâu phải để em sống như vầy?”.
Không lâu sau, mẹ của Vũ Linh qua đời, con gái bỏ nhà đi xa. Một lần nữa, anh khủng hoảng tinh thần, muốn buông xuôi tất cả. Lúc này, người thầy vẫn luôn dõi theo từng bước chân của học trò đã nâng anh đứng dậy: “Chị tìm con gái tôi về, rồi cùng tôi lo hậu sự cho mẹ. Tôi còn nhớ lời chị: “Hãy biến nỗi đau mất mẹ để hát thật hay, vì mẹ đã đưa em đến với nghề.”
Lúc Vũ Linh gặp nạn được thầy tận tình giúp đỡ, hỗ trợ vượt khó, đến khi thầy gặp khó, học trò lại ra tay tương trợ. Họ giúp nhau ngoài tình nghĩa thầy trò còn là đồng nghiệp, những người chung “kiếp tằm phải nhả tơ”.