Sẽ có nhiều khán giả nghĩ nghệ sĩ hay người nổi tiếng thường ưa thích những nơi sang trọng để tỏ vẻ đẳng cấp, hoặc để tránh ánh mắt tò mò. Nhưng với Phương Thanh, đời thường của chị vô cùng bình dị, sẵn sàng ngồi ăn vỉa hè, quán cóc. Mỗi khuya trên đường Lý Tự Trọng, TP.HCM, ai cũng dễ dàng thấy một Phương Thanh gần gũi và bình dân bên bạn bè.
- Từ khi nào chị lại thích ngồi những hàng quán vỉa hè và bình dân như thế?
Thói quen này hình thành từ trước khi tôi chưa là người của công chúng rồi chứ không phải bây giờ. Ngồi ở ngoài đường tôi cảm giác mình thoải mái hơn, không ngột ngạt khi ngồi trong máy lạnh vì tôi bị xoang. Hơn nữa ở những không gian như thế, mình tự do ngồi cùng bạn bè hàn huyên đủ thứ chuyện, còn với những nơi sang trọng thì lại không thể.
Tôi không phải là người quá quan trọng chỗ cao sang hay bình dân, chẳng qua tùy từng công việc yêu cầu thì phải xuất hiện sao cho phù hợp thôi. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình là ngôi sao hay cái gì đó quá ghê gớm, nên tôi muốn mọi chuyện thật tự nhiên. Dù ở đâu, làm gì, tôi cũng muốn mình là chính mình, được tự do và khán giả luôn dành tình thường cho mình là đủ.
- Vậy mà dạo trước, nhiều phóng viên nói rất khó gặp chị và trò chuyện chứ không như bây giờ?
Nghệ sĩ và báo chí luôn cần đến nhau, hỗ trợ cho nhau trong công việc. Có giai đoạn tôi sợ gặp báo chí, vì khi lên báo tôi chỉ thích nói chuyện công việc, nhưng họ lại khai thác quá nhiều chuyện gia đình tôi. Thậm chí có những thứ tôi không nói, họ lại nói thêm vào làm chuyện thêm rắc rối. Ngay cả chuyện "người đàn ông bóng đêm" mà cứ hỏi hoài, nói hoài làm khán giả cũng lầm tưởng tôi đang PR chứ.
Tôi chẳng sợ hình ảnh mình xấu đi, mà sợ những thông tin lệch lạc đó xuất hiện tràn lan khiến khán giả mệt mỏi. Mà tôi thì đâu rảnh để lên báo chí đính chính. Chưa kể trong cuộc sống, đâu ai có thể biết trước điều gì sẽ xảy ra. Hai con người tính cách khác nhau, giờ về chung một nhà và đi cùng một hướng là điều rất khó. Cuộc đời đâu phải cái nào cũng bằng phẳng mãi, cứ phơi bày cho công chúng bao nhiêu rồi đến lúc có chuyện, mình “hốt” không kịp. Phương châm của tôi tốt nhất là hạnh phúc ai người đó tự hưởng, đau khổ tự nếm trải thôi nên đừng bày ra để khỏi phải hốt cho mệt.
- Nhưng là người công chúng, chị sẽ khó tránh khỏi việc bị dư luận quan tâm?
Quan tâm thì đúng, nhưng vừa phải thôi. Tôi thấy nghệ sĩ tội nghiệp lắm, khi hạnh phúc không sao, nhưng khi đổ bể mọi người thi nhau mổ xẻ và mổ khi nào nó tan nát thì thôi. Cuộc sống hôn nhân cũng nhiều lúc ngoài ý muốn khi người thứ ba hay thứ tư chen chân vào. Lúc đó cả hai vợ chồng đều rất đau khổ, người thứ ba chen chân cũng mệt mỏi không kém chứ chẳngvui gì.
Có nghệ sĩ lấy hạnh phúc gia đình ra để PR, nhưng nếu PR không đúng, họ sẽ nhận được “trái đắng”. Cuộc đời đều có nhân quả.
- Trải qua không ít thăng trầm và sóng gió cả hôn nhân lẫn cuộc sống, đến giờ chị nhận ra điều quý giá với mình nhất là gì?
Đó là sự an lành, vì để tìm được nó quả thật không dễ dàng. Con người ta luôn có những suy nghĩ khác nhau, lúc tham vọng quá, đôi lúc lại sân si để bon chen. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, tôi đã tìm cho mình được sự an lành. Mọi thứ đều khiến tôi thấy nhẹ nhàng, suy nghĩ không còn ngông cuồng hay bồng bột. Cái tôi cũng bớt đi, khi mình thấy mọi thứ vừa đủ thì tất cả đều nhẹ nhàng.
- Điều gì khiến một Phương Thanh ngông cuồng trước đây trở nên đằm thắm như vậy?
Đó chính là sự có mặt của bé Gà trong cuộc đời của tôi. Sự xuất hiện của cháu khiến mọi suy nghĩ của tôi thay đổi. Nếu ngày trước tôi sống không biết lo lắng, thì khi có con, tôi phải lo cho tương lai của cháu xa hơn chứ không phải từng ngày nữa.
Ngay từ nhỏ tôi luôn dạy con tính cách tự lập. Tôi không cho cháu nhiều tiền, vì cháu sẽ dễ sinh hư. Sự có mặt của bé Gà giống như một sự đổi khác của cuộc đời tôi. Có con, tôi mới thấu hiểu tình thương yêu và tầm quan trọng ruột thị như thế nào. Những lỗi lầm tôi trải qua trong quá khứ là bài học để tôi chín chắn hơn, giúp tôi có sự nhẫn nhịn của hôm nay. Sự có mặt của bé Gà giống như tái sinh con người tôi thành một người khác như bây giờ.
Làm nghệ sĩ bây giờ quá khó
- Không chỉ phim ảnh mà khán giả giờ cũng ngán ngẩm khi phải thu nạp những ca khúc được cho là “thảm họa Vpop” xuất hiện nhan nhản. Là một nghệ sĩ đi trước, chị nghĩ sao?
Ở nước ngoài có những dòng nhạc nhảm nhí để phục vụ đối tượng khán giả riêng. Ở Việt Nam thì khác, vì công chúng chưa chấp nhận thói quen này nên những ca khúc đó bị coi là “thảm họa". Dòng ca sĩ này được khán giả biết đến nhiều, nhưng không được coi trọng.
Với những ca khúc được xếp vào “thảm họa”, chắc hẳn mức độ ca từ phải kinh khủng và nhí nhố. Nhưng khán giả thích giải trí, muốn kiếm niềm vui vẫn sẽ tìm loại nhạc này để nghe, nhưng nghe xong họ sẽ nhanh chán. Làm nghệ sĩ mà không được khán giả coi trọng, họ cũng dễ bị lãng quên, đào thải.
- Với tình hình hiện nay, xem ra muốn làm nghệ thuật và làm nghệ sĩ chân chính quả thật là khó?
Rất khó, mọi thứ dường như đang bị đảo lộn. Những nghệ sĩ chân chính, làm nghề với cái tâm cống hiến khó có thể thắng được xu hướng văn hóa giải trí bây giờ, vì thế rất thiệt thòi. Cuộc sống quá vội vã để người ta có thể cảm nhận được nhiều thứ, khi mà ai cũng chỉ muốn giải trí cho thoải mái. Âm nhạc đẳng cấp ít người cảm nhận được lắm, bởi khi đã nghe thì cần phải có thời gian mới tiếp nhận được tinh túy trong mỗi tác phẩm.
Thế nên để có được những tác phẩm như album Li ti của Tùng Dương quả là sự khó khăn khi họ dám hy sinh vì nghệ thuật. Làm nghệ thuật cần có tài. Người có tài, có tâm với nghề sẽ tồn tại mãi, ngược lại ai vội vàng thì lên nhanh rồi cũng xuống nhanh như quy luật đào thải của thị trường.